Rớt lật đật từ nhà dưới lên, kêu để em đó tau trông chừng, mi xuống giếng coi má về chưa.
- Trễ hung ri mà răng không thấy má, hai hỉ?
Nói rồi, Tộ ù té chạy một mạch. Nắng chang chang trên đầu, chân trần đạp đất bụi mù, mồ hôi mồ kê ướt rượt áo. Từ nhà nó xuống giếng chừng mười phút. Đứng ở đó có thể nhìn ra con đường đất gồ ghề dẫn lên thị trấn, nơi tồn tại cái bến xe cũ kỹ cứ cách hai ngày mới có một chuyến chạy từ phương Nam về. Tộ không biết Sài Gòn như thế nào. Nhưng, với nó, phương Nam xa tít gói gọn trong hai chữ “Sài Gòn”. Cái tên lạ hoắc lạ hươ nó được nghe lần đầu khi làng xì xào “Cha Thừa bỏ đi Sài Gòn rồi”. Hồi đó Tộ bảy tuổi, chị Rớt lên chín, út Thiệt còn ẵm ngửa.
…
Thừa là tên ba nó. Ông có gương mặt đen sạm và bàn tay to bè, xù xì những nốt chai. Ngày ba còn ở nhà, thi thoảng nó lại theo ông vô rừng chặt mây, tre. Đôi tay ba nhìn thô kệch vậy chớ khéo lắm, không chỉ đan giần sàng, nong, nia cho nhà dùng, ông còn nhận làm giúp hàng xóm. Bàn tay nhỏ xíu của Tộ cũng đã từng nằm gọn trong đôi tay đó vạch chữ O, chữ A đầu đời. Ba cõng Tộ đi học vào những ngày mưa đường làng quá trơn. Và, những mùa hè đổ lửa, ông dắt Tộ lên đồi hái sim. Sim chín mọng, nó hái không biết mệt, ăn không thấy chán. Mặc đói cơm thiếu áo, hai cha con đã cười cùng nhau, nụ cười an nhiên của người lớn và hồn nhiên thơ trẻ. Trong suy nghĩ Tộ, ba là người đàn ông vĩ đại nhất theo nghĩa to lớn, vững chãi mà chị hai Rớt giải thích.
Năm đó trời hạn, giếng làng cạn trơ đáy. Đêm đêm ba Tộ phải dậy từ hai, ba giờ sáng quẩy thùng xuống giếng vét từng gàu nước. Làng tròn trèm hai mươi nóc nhà cũng là hai mươi đôi thùng xếp hàng chờ đợi cho đến lượt. Trồng lúa, lúa chết, trồng bắp, bắp khô. Không loại cây nào sống được trên những thửa đất nứt nẻ của làng. Sáng mới mở mắt ra đã nóng như thiêu như đốt. Tối ngồi bó gối ngoài chõng tre hóng gió mà gió đâu chẳng thấy chỉ có mồ hôi tứa dầy.
Bữa đó, sau một đêm dài chờ đợi nhưng không gánh về được giọt nước nào, ba cầm búa phang nát luôn hai lu nước. Rồi ông xách bị đi, nói “Má bây ở nhà với tụi nhỏ. Phải đi thôi, có chết cũng đi chớ vầy hoài sống sao nổi”. Vậy đó, ba Tộ đi, cuộc đi không báo trước. Không có biểu hiện nào cho thấy chia cách đã nhen nhóm. Má ào ra khỏi nhà, chạy như có ai rượt. Tới giếng, thấy ba đứng đó ngó trân trân xuống đáy, má níu áo, ba gạt phăng, băng đường lên thị trấn. Má càng chạy theo, ba càng đi nhanh hơn. Tộ rớt lại phía sau. Nó không khóc. Nó đã hiểu thế nào là biệt ly đâu.
Có nhiều đêm khuya lắm, Tộ phát hiện má lầm lũi xuống giếng ngồi một mình. Nó mon men đi theo, trốn sau lùm cây thấy má khóc. Làng nói đất này nghèo quá, “khỉ ho cò gáy”, “chó ăn đá gà ăn sỏi”, hết bão lại hạn, làm không đủ ăn nên ba ra đi. Mặc định vậy rồi, gắn bó tới đó thôi là dừng. Bà nội kêu: “Ba sắp nhỏ đi kiếm cơm cho cả nhà, rồi hắn về, lo chi”. Nghe vậy, má cười khan. Lần đầu tiên Tộ thấy má cười kiểu như vậy. Cười gì mà nước mắt chảy không biết.
- Sài Gòn ra răng, hai?
Tộ quạu quọ hỏi Rớt. Rớt xịu lơ:
- Răng tau biết mà mi hỏi.
Ba làm gì, sống sao ở đất Sài Gòn không ai biết. Từ dạo rời làng, ông bặt tin. Tộ chờ mòn mỏi, đếm ngày đếm tháng, thỉ thoảng lại ù chạy xuống giếng ngóng ra đường. Rốt cuộc, không hình bóng quen nào về ngang đó.
Bận nào có người làng từ phương Nam trở về, má Tộ cũng níu tay hỏi đi hỏi lại một câu:
- Thấy anh Thừa nhà tui không?
Một, hai rồi ba người lắc đầu:
- Sài Gòn to tổ chảng chớ phải như làng mình mô, dễ chi mà đụng mặt.
...
Một năm sau ngày ba phăng phăng bỏ lại làng đi miết thì má Tộ cũng cắp nón lá theo dì Năm Ốm cạnh nhà bước nghiêng nghiêng về phía bến xe cũ.
- Má đi kiếm ba. Dì Năm nói trong nớ dễ mần ăn.
Tộ với chị Rớt lủi thủi theo sau má. Tới thành giếng làng, má đứng lại ngó trân trân chị em nó rồi khóc. Tộ hỏi “chừng mô má về?”. Má im lặng.
Má để chị em Tộ lại cho bà nội. Bà trở thành “cái cột cái kèo” chống đỡ cả nhà. Chị Rớt thay má chăm đàn heo, Tộ canh một bầy gà. Má đi, lâu lâu chị em nó có quần áo mới, có bánh kẹo, không còn lo ngày mai đã hết hạn đóng học phí mà bữa nay trong nhà còn có lon rưỡi gạo. Phải chi như xưa, thấy bánh, thấy quà, mắt Tộ sáng rỡ ngay. Còn giờ, nó chỉ ngóng má. Có bận, quà má gửi dì Năm Ốm đưa về, nó không đụng tới một thứ gì. Nó lấy cuốn tập học trò, nắn nót viết mấy chữ “chừng mô ba má về, má ơi!” - nhờ dì Năm chuyển cho má. Dì gật đầu mà hình như lúc quay đi khi không lại chảy nước mắt.
…
Chiều nào vác đòn gánh khiêng nước với chị, Tộ cũng bốc một hòn đá bỏ vô hốc cây si cạnh giếng. Mới hôm qua, ngứa ngáy tay chân sao đó, nó đếm tới đếm lui thì được 1.112 viên đá. Là 1.112 ngày má nó vắng nhà.
Mùa nối mùa trôi qua, làng trở nên khác. Người lớn đi Nam hết, chỉ còn ông bà già và trẻ nít ở lại. Điện được kéo về, có cả nước máy nữa. Giếng quạnh quẽ. Ai ngang đó thì xách một gàu lên rửa mặt, rửa chân rồi thôi. Riêng Tộ vẫn xuống giếng mỗi ngày. Nó xếp đá vô gốc cây si, buồn quá hỏi luôn một câu nghe trớt quớt:
- Ê si, tau xếp cho mi mấy hòn đá nữa thì ba má tau về?
…
Tháng trước, dì Năm Ốm nhắc:
- Chắc ba má bây sắp về nghe.
Câu nói đó khiến chị em Tộ mừng thôi rồi. Ngày nào cũng vậy, cứ tan học là nó ngồi bên gốc cây si chỗ giếng làng chờ. Thứ bảy, chủ nhật, phụ bà nội mấy chuyện lặt vặt trong nhà xong, nó lại xuống giếng. Hình như không có cuộc đợi chờ nào mà nó không hy vọng được gặp.
Như bữa nay, nó lại hy vọng nên nhất quyết chưa đặt viên đá thứ 1.113.
Ngày thứ 1.112.
Trên chuyến xe giường nằm đường dài từ Sài Gòn về Quảng Nam, có người đàn bà gầy rộc ngồi lọt thỏm giữa lối đi. Chị ôm khư khư túi xách mà bên trong chỉ có cái hủ nhỏ đựng tro cốt chồng. Ngày đi, anh dặn chị trông chừng mấy đứa con “thể nào thì tui cũng về mạnh giỏi, má nó khỏi lo”. Vậy mà, chỉ một năm sau, chị bàng hoàng nghe tin anh bị bỏng toàn thân do chập điện khi đang làm việc. Chị hấp tấp bỏ con lại cho bà nội mà không biết phải dài dằng dặc hơn ba năm vẫn chưa được ôm lại tụi nhỏ lấy một lần.
Vô Sài Gòn, chị ngất lịm khi thấy chồng nằm trên giường bệnh. Gương mặt anh đã hoàn toàn biến dạng, mắt phải mù hẳn, chân tay co cứng. Anh cũng không nói được.
- Má thằng Tộ đây mà, anh ơi!
Chị gọi hoài, gọi hoài. Đáp lại chị chỉ có con mắt trái anh hấp háy một đôi lần.
Ở Sài Gòn hơn ba năm, chưa một ngày nào giấc ngủ chị an yên. Mà kỳ thực, chị có ngủ đâu. Đêm kéo xe rau ngoài chợ đầu mối. Ngày quẩy gánh hàng rong treo lủng lẳng bánh tráng trộn, cóc, xoài, khô mực, đậu phụng rang đi bán. Đợt nào bệnh viện cho về chừng vài tháng, chị thuê một căn phòng trọ nhỏ xíu và ẩm thấp trong khu lao động nghèo để anh có chỗ nằm. Chị tắm rửa, bôi thuốc, xay từng chén cháo bón cho anh.
Chị không dám gửi tin về quê. Sợ những tiếng khóc và những câu hỏi nhói tim kiểu “ba con răng ri má?”, “trời ơi, răng mà ra nông nổi ni rứa Thừa”, “Như ri thì sống răng?” sẽ khiến mình yếu lòng. Thì thôi, cái phần nhọc nhằn để mình chị gánh. Chị làm quần quật quên tháng quên ngày. Chị phải kiếm tiền. Tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Tiền chạy theo những đợt thay da cho chồng. Chị ép sức đến kiệt cùng. Chỉ cần anh còn sống, mọi thứ sẽ ổn hết.
Tháng trước, anh bắt đầu ăn được cơm thay cháo, chị chạy ra cổng bệnh viện khóc cả buổi trời. Chị khoe với Năm Ốm, anh đỡ thì về. Về không tụi nó trông.
Chị đâu biết đó là những ngày cuối cùng của anh. Kết thúc một quãng đời, đau đớn mà phút cuối, anh chỉ có thể gồng người lên hết sức để thốt ra ba từ “anh xin lỗi”.
…
Đang ngồi chỗ gốc si, thấy má, thằng Tộ mừng quá, chưa kịp xỏ dép đã ào ra đường.
- Ba mô rồi má?
Câu hỏi đó rồi sẽ theo thằng Tộ đi miết về sau.
Một tay ôm đầu con, tay kia siết chặt hơn cái hủ vào lòng, môi chị run run.
- Giếng làng đây rồi, ba thằng Tộ! Anh nghỉ đi, có khổ kiểu chi em cũng sẽ nuôi con ăn học đàng hoàng.
Kết Thúc (END) |
|
|