Anh chuyển về nhà mới chưa đầy một tháng. Nhà ở khu đường xương cá ít xe cộ lại qua, trước thềm có bóng cây lá rụng đầy sân. Chiều chiều anh hay quét sân quét ngõ, hôm rảnh còn quét thêm một khúc đường
Lúc anh quét ngõ, có ông cụ lưng còng mang chiếc bao tải lùng bùng đi ngang. Mặt úp xuống mặt đường, mông cụ chổng ngược. Lúc cụ di chuyển, mông cứ ngoáy vào không trung. Cụ lục lọi trong bịch rác tìm chai nhựa túi ny lon. Trông cụ đen đúa nhem nhuốc hôi hám ai đi đường cũng tránh.
Trong nhà anh luôn phân loại rác, nhặt nhạnh chai lọ vỏ lon để riêng. Phân loại rác cũng là cách để sọt rác của mình không bị bới tung. Khi cụ tới ngang ngõ anh mới mang thùng rác tái chế ra đặt trước cửa, mang sớm các ve chai khác đi qua sẽ nhặt mất. Mỗi lúc ông cụ đi ngang, anh thường dúi thêm cho cụ dăm ba chục.
Gật gật đầu, cụ ngẩng lên, chớp chớp mắt. Khi đó anh mới biết rằng cụ chỉ có một mắt. Có phải mắt mũi kèm nhèm cụ mới cúi đầu đi lâu ngày thành lưng còng? Hay lưng cụ còng cứ đi úp mặt trên đường đầy bụi khói xe nên mắt càng ngày càng kém? Cụ đút giấy bạc vào túi áo trên ngực, vuốt mí túi áo cho gập lại rồi nhìn chăm chú các bịch rác của mấy nhà phía trước.
Bóng chiếc bao tải trên lưng cụ khuất dần cuối hẻm. Tầm tuổi này con cháu chắt cơm bưng nước rót tận hưởng tuổi già, đằng này… Anh thở dài. Nếu anh không sớm kiếm vợ lúc già chắc cũng sẽ lọ mọ như cụ. Cụ không có con còn cháu hay sao, mấy lần dợm hỏi nhưng anh không dám mở lời. Người già hay tủi thân.
Chiều chiều, hết giờ làm việc bạn bè anh tíu tít nhắn nhau. Đám thanh niên độc thân lười biếng bàn chuyện trai gái, cứ tụ tập uống bia tán chuyện phiếm trên trời dưới đất làm vui. Uống bia tán chuyện tiết kiệm thời gian, nghe có vẻ không logic cho lắm nhưng đó là sự thật. Giờ tan tầm đâm đầu ra đường làm gì cho thêm kẹt xe tốn xăng, xăng mỗi ngày tăng giá phi mã, vừa hít khói xe ngạt thở nám phổi. Ăn uống nhậu nhẹt không nở bề ngang cũng bề dọc, lai rai vài chai chờ đường vắng chạy bon bon, khỏe người vừa tốn ít thời gian.
Anh trốn nhậu về, điện thoại réo rân hai lần ba lượt đành từ chối nói đau răng viêm họng không nhậu nhẹt được, để hôm khác. Bạn bè léo nhéo khuyên, đau họng thì uống bia nóng, không thì uống rượu. Uống rượu hút thuốc thành rượu thuốc trị bá bệnh, ba thứ đau răng viêm họng lặt vặt nhằm nhò gì.
Mỗi lần nghe điện thoại phải tấp xe máy vào lề đường. Nếu gặp mưa tay ướt trượt màn hình hay cảm ứng vân tay chẳng dễ chút nào, thế cũng gọi chiếc điện thoại thông minh, điện thoại ngu đần thì có. Trong khi chiếc điện thoại bàn phím chỉ cần bấm nút có hình ống nghe màu xanh bên trái hết sức đơn giản. Giống như chiếc răng khôn. Răng khôn nỗi gì mỗi lần đi trám hay cạo vôi răng, bác sĩ cứ gạ gẫm nhổ. Trời sinh sao để vậy, nếu không có ích thì nó mọc làm gì. Nếu chiếc răng trong khóe miệng gây đau nhức hay nó bình thường mà bác sĩ gạ nhổ bỏ đi phải gọi nó là răng ngu mới đúng.
Anh về gần tới nhà trời bỗng đổ mưa ào ào bèn tấp vào hè một ngôi nhà có mái che chờ trời tạnh mưa. Từng dề bong bóng phập phồng trôi theo dòng nước như đoàn chiến binh mũ tròn, còn lâu mưa mới tạnh. Mưa, đáng lẽ nước chảy xuống cống ra sông đằng này nước từ cống chui lên đường đen ngòm rác rưởi phập phều. Sông bị lấn, kè cống rãnh vốn đã nhỏ lại bị tắc nghẽn nước ngập cục bộ. Xưa những trạm bơm nước từ sông lên tưới lúa, nay vận dụng trạm bơm để chống ngập. Với đà như vầy không bao lâu nữa cả thành phố chỉ còn mỗi một điểm ngập nước: toàn thành phố.
Chậm chân một chút, anh mắc kẹt cách nhà mình chỉ mấy chục mét. Đám con nít xếp xuồng giấy thả ra đường sông, chạy nhảy tắm mưa đùa giỡn ré rân cả một đoạn đường. Trong màn mưa có bóng người lù lù tiến tới. Mắt anh vụt sáng. Ông cụ. Mấy lâu chẳng thấy cụ đâu. Ông cụ đội mũ sùm sụp che gần hết khuôn mặt, chiếc bao tải vẫn còn rỗng không, trời mưa nào ai bỏ ve chai ra ngoài mà lượm. Chút nữa cụ gần tới ngõ nhà anh, trời không tạnh anh cũng đội mưa chạy về mang thùng vỏ chai vỏ lon ra ngoài cho kịp. Cứ kiểu này mỗi cuối tuần anh sẽ không đi nhậu với bạn bè ngoài quán nữa, mua bia về nhà uống còn có vỏ lon cho ông cụ.
Cụ vẫn còn khỏe, thế mà mấy ngày qua anh cứ lo nghĩ vu vơ, anh cứ sợ cụ đau ốm gì, người già như chuối chín cây. Mấy bữa nắng ráo cụ không đi nay mưa to gió lạnh cụ lại mang bao lượm rác. Cụ dừng lại trước bịch rác được cột rất chặt, loay hoay xé chiếc túi bóng. Rác bẩn người ta thường cho vào túi chắc chắn như thế. Cuối cùng chiếc túi cũng toạc ra. Không có đồ nhựa gì nhặt được. Những tưởng cụ thất vọng bỏ đi. Nhưng không. Cụ gật gù, xộc tay vào bịch rác bốc thứ gì đó cho vào miệng, nhai ngấu nghiến, ăn vội như sợ người khác tranh mất.
Anh không thể tin ở mắt mình. Thức ăn thừa đã bỏ rác, bịch rác trên nước cống đen ngòm bẩn thỉu... Anh lao ra, giật tay cụ hét to:
- Không được ăn ba thứ này!
Tiếng hét không làm cụ mảy may sợ. Cụ có lãng tai?
Anh ghé sát tai cụ, hét lần nữa, to hơn ban nãy.
- Không được ăn ba thứ này. Cụ về nhà đi!
Anh cố hét to để hù cho cụ bỏ đi thế thôi chứ khi dứt lời nghĩ lại, câu nói của anh vô nghĩa.
Chẳng đếm xỉa đến tiếng hét của anh, cụ ung dung bốc thức ăn thừa trong bịch rác đã bốc mùi cho vào miệng.
Anh bất lực, nhìn xung quanh cầu cứu, thử có ai không. Thêm người, họa may cụ có sợ. Không có ai. Mấy cánh cửa nhà gần đó dần khép lại, dường như họ tránh phiền phức.
Không thể ngăn cản cụ được anh đành giật bịch rác vứt mạnh sang chỗ khác. Cụ nheo mắt nhìn anh rồi bỏ đi thản nhiên như không, chẳng có vẻ gì giận dữ. Anh mím môi. Anh có vứt hết được rác ngày mai ngày mốt ngày kia, rác ở đây đằng kia và ở cả khu phố này không?
Mưa lạnh chắc cụ đói lắm. Anh chạy xe tìm mua gì đó cho cụ. May quá, trời mưa có xe bánh mì góc đường mua một ổ đặc biệt nhiều thịt và chả, anh vội quay lại tìm cụ. Khu đường xương cá này cụ rẽ dích dắc làm anh tìm bở hơi tai.
Cầm ổ bánh mỳ gật gật đầu như cảm ơn, cụ đưa lên mũi hít hít, nhe răng cười. Mùi thơm phức của mỡ hành của nước xốt cùng mùi ớt the nồng. Cụ sẽ ăn ổ bánh ngon lành. Nhưng không. Cụ bỏ tọt ổ bánh mỳ thơm phức vào chiếc bao tải. Anh tròn mắt. Cụ không phân biệt được đâu là thức ăn ngon đâu là ve chai?
Cụ lủi thủi mang chiếc bao khuất dần phía cuối con hẻm. Anh đứng nhìn theo thở dài. Một người tưới cây cảnh trong khoảnh sân gần đó cất giọng rầu rầu:
- Ông cụ cứ tha rác về nhà suốt. Vài tháng một lần, con cháu nhà ở gần đó kêu xe tải tới chở đi chứ hôi hám cả xóm không ai chịu nổi. Ông già nhặt theo thói quen chứ không biết bán và chẳng nhận được một đồng nào từ số ve chai đó. Có người nói khi xưa ông làm giám đốc nhà máy xử lý rác thải, do bớt xén của công nhân đổ rác, về già bị trời hành bắt phải tha rác về nhà. Người thì quả quyết rằng thời trai trẻ ông lừa phỉnh nhiều phụ nữ, không ít cô dính bầu nhưng ông phủi bỏ trách nhiệm. Có cô hận ông bỏ đi đứa trẻ, hồn ma chúng về bắt nên ông mới bị tâm thần… Ông ấy cứ lang thang suốt đêm, tối chui vô bao đựng rác ngủ chứ có về nhà đâu…
Chiều mưa, đêm đó trăng sáng vằng vặc. Khó ngủ, anh lên sân thượng ngắm trăng hóng gió. Nhà cửa nhấp nhô sáng tối dưới ánh trăng cũng thú vị. Chợt có tiếng khấn vái ở căn gác ngôi nhà phía sau, ngay sát vuông cửa chỗ anh ngồi. Theo phản xạ tự nhiên anh nhìn qua. Ông cụ! Thì ra ông cụ là hàng xóm, nhà cách nhau một hàng gạch ống anh lại không biết.
Trong ánh sáng lờ mờ vàng vọt bí ẩn đầy vẻ ma quái, ông cụ đang chổng mông cắm mặt trước bàn thờ kê thâm thấp có tấm chân dung họa mờ mờ. Hai tay cầm nén hương đang cháy lập lòe, vái thành khẩn. Giọng thổ thều thào như từ cõi âm ty vọng về:
- Bà ơi, chúng lại đòi bán căn nhà để chia. Bấy lâu tôi đã tằn tiện, giả điên khùng… Lần này không chắc giữ được, làm sao hương khói cho bà nữa đây. Bà có sống linh thác thiêng…
Nghe chưa hết câu, anh té nhào xuống sàn dưới, may không việc gì.
Kết Thúc (END) |
|
|