Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hạt Nắng Mùa Xuân Tác Giả: Mạc Ly    
    1.“… Người khác tham gia cách mạng bởi họ theo đuổi một lý tưởng cao đẹp, còn chị tham gia cách mạng vì… sợ phải lấy chồng!”.
    Lời kể trầm buồn của chị làm tôi chú ý. Chuyện lạ. Con gái lớn lên lấy chồng là bình thường sao phải sợ? Nghĩ vậy nhưng tôi không dám hỏi, tôi bèn đánh trống lảng:
    - Chị kể chuyện chị tham gia cách mạng cho em nghe đi!
    Không nhìn tôi, đôi mắt chị hướng về vạt nắng ngoài sân. Xuân mới tươi nguyên. Nắng xuân vàng ươm lấp lánh trên vòm cây, len lỏi xuống từng kẽ lá, rồi hồn nhiên tung tăng trên lối nhỏ muốn ghé thăm hiên nhà…
    Mười lăm tuổi. Cha mẹ bắt chị lấy một ông già tuổi trạc lục tuần. Lời mẹ kế nhỏ nhẹ: “Đừng dại con ơi! Ông ta có già thật, nhưng về đó con có chỗ ăn, chỗ ở, không thiếu thứ gì. Gia đình họ giàu lắm đó con!”.
    Thấy chị ngồi thu lu trong góc buồng thút thít, cha lớn tiếng:
    - Con muốn cuộc sống “trưa nón úp, chiều nón ngửa” hả?
    Tuổi mười lăm khờ khạo, chị không hiểu hết chuyện sắp đặt hôn nhân của người lớn, nhưng từ trong tiềm thức dường như có lời mách bảo chị không được rẽ bước ngoặt cuộc đời mình vô lối như vậy.
    Khi Tỉnh đội Quảng Nam về Đồng Làng tuyển quân, chị cảm thấy đây là cơ hội duy nhất để thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Chị không thể quên mốc thời gian đặc biệt đó: ngày rằm, tháng mười một, năm 1970. Khi trời còn nhập nhoạng, cuộc sống hối hả của một vùng tản cư tạm lắng xuống. Âm thanh ràn rạt còn sót lại trong ngày của cối xay lúa, kể cả tiếng chẻ tre lách tách đan nong cũng ngừng hẳn. Mọi ngôi nhà của một làng quê bắt đầu đỏ đèn chuẩn bị quây quần cơm tối. Chị lén cả nhà, vội ra ngõ sau để ra đi. Hành trang vỏn vẹn gồm một bộ đồ rưỡi - tính luôn bộ quần áo đang mặc trong người, một đôi dép đứt được cột lại và một chiếc nón cời, quai nón bằng dây chuối khô.
    Đối lập hoàn toàn với ngôi nhà chật hẹp, mỗi bước chân đi như mở thêm một không gian rộng lớn. Vầng trăng rằm về khuya càng vành vạnh, sáng trưng soi đường cho bước chân dạn dĩ trong đêm. Đứa con gái mười lăm tuổi chưa dậy thì, ốm tong teo vì cuộc sống nhọc nhằn, thế mà không hiểu sức mạnh nào để chị dũng cảm dứt khỏi gia đình đi theo cách mạng như vậy!
    Sáng ngày hôm sau chị đến trạm nhận quân đầu tiên - Bình Kiều. Rồi lại tiếp tục lên đường, chị chẳng còn nhớ phải đi qua bao suối, bao đèo mới đến được Phước Hà – nơi Tỉnh đội Quảng Nam đóng quân. “Ồ, lính mới!”. Đó là lời đầu tiên mọi người chào chị. Sự ngỡ ngàng rồi cũng qua đi, nhường chỗ cho sự gần gũi và thân thiện. Việc đầu tiên họ bắt chị giải phóng đôi dép đứt quai và chiếc nón tơi tả, trang bị lại cho chị đôi dép Bác Hồ và một chiếc mũ tai bèo xinh xinh. Ôi, chiếc mũ đội lên đầu nghe êm ái làm sao! Đó là cảm giác của chị khi bắt đầu một cuộc sống mới. Trong số quân được nhận chị là người nhỏ nhất nên được cưng hơn cả. Ban ngày ngoài những giờ tập quân sự để làm quen với cây súng, với lựu đạn, chị cùng mọi người vào rừng hái rau, hái măng để cải thiện cuộc sống. Ở quê nhà cũng ăn rau, ăn củ, nhưng chị chưa từng ăn lá sắn luộc bao giờ. Một chút vị đắng ở đầu lưỡi hơi khó ăn. Nhưng lạ thật, chị nuôi lại hái thật nhiều làm gì hè? Hóa ra, lá sắn được cho vào một cái bao, chèn thêm một cục đá, đặt trên dòng nước chảy. Ba ngày sau lá sắn không còn xanh nữa sẽ úa vàng. Chị nếm thử thấy có vị chua chua, vắt thật khô, trộn với chút dầu phụng, thêm chút mì chính là nồi cơm to đùng hết trơn.
    Chị dần quen với bước chân đường rừng và chỗ nghỉ trên từng phiến đá. Nhìn những phiến đá mòn nhẵn bởi thời gian, chị thấy chúng không phải vô tri, vô giác, bởi ít nhất chúng cũng biết sẻ chia với đôi chân con người rã rời sau một chặng đường dài chưa kịp nghỉ. Những lúc ngồi trên phiến đá bên dòng nước trong vắt róc rách từ đầu nguồn chị như thả lòng mình chảy về quê hương. Nhớ quá đi thôi! Nhớ từng bờ phên vách lá, nhớ từng ngõ xóm đường quê, nhớ cả con gà mái tơ lúng ta, lúng túng cục tác liên hồi vì tìm ổ lần đầu tiên. Và nhớ… nhớ cả tiếng la của mẹ nữa. Đôi lúc chị nghĩ, nếu như ở nhà không có tiếng la của mẹ chắc buồn biết bao! Không khí gia đình sẽ trầm lắng vì không có động lực để làm việc. Nỗi nhớ ấy đọng lại ở từng trạm nghỉ chân để làm điểm tựa cho hoài bão tốt đẹp tuổi mười lăm.
    Càng ngày chị càng ra dáng thiếu nữ. Trong mắt chị màu xanh của rừng dường như xanh hơn, bầu trời dường như rộng lớn hơn, và cuộc đời vẫn là một màu xanh ngan ngát hy vọng, lấn át sự xám xịt của khói lửa chiến tranh. Chị còn nghe được tiếng thì thầm của rừng xanh. Nó gần gũi với con người biết bao, vì chính nơi đây là nguồn tài nguyên bất tận. Từ động vật hoang dã đến thực vật: măng rừng, củ sắn, củ mài, cây tầm phục, cả rau tàu bay nữa… Không thiếu một thứ gì. Có một lần nhìn những bó rau tàu bay non mưng, xanh mướt, cắc cớ chị hỏi: “Lạ thật! Rau gì cũng có tên, sao người ta gọi rau tàu bay hè?”. Mọi người cười ồ vì câu hỏi… chưa ai hỏi bao giờ! Nhưng một chị lớn tuổi trong bọn giải thích: Tính ra bọn Mỹ xấu nhưng cũng được việc ra phết. Trước khi biệt kích rừng của Mỹ đổ bộ, chúng dọn sạch sẽ nơi đó bằng cách đốt rừng. Không biết chúng có vãi hạt giống này không, nhưng vùng núi nào biệt kích dù của Mỹ hạ cánh là nơi đó rau này mọc bạt ngàn. Chính vì thế tàu bay chúng đến đâu chúng ta có rau ăn đến đó nên gọi là rau Tàu Bay. Ha! Ha! Ha!… Cách giải thích thật lạ đời, nhưng ai cũng tạm chấp nhận để lại tiếng cười rộn rã cả một góc rừng.
    Nhớ một lần chị và một người bạn vào rừng hái rau. Một trung niên chững chạc xuất hiện. Vai mang túi xách ra dáng cán bộ. Hai chị em định lánh đi nhưng nụ cười tươi tắn của ông níu bước chân họ lại: “Này hai cô gái! Các em làm gì ở đây? Đường vào Tỉnh đội Quảng Nam còn bao xa?”. “Lãng xẹt. Người lạ hoắc, lạ huơ mà tự nhiên gọi em, làm như quen biết tự thuở nào”, nghĩ vậy nhưng chị bấm tay người bạn ra dấu im lặng và ngọt ngào trả lời: “Dạ em không biết! Tụi em là dân thường vào rừng lấy củi ạ!”. Người ấy mời hai chị em ăn lương khô để hỏi tiếp nhưng chị cùng bạn nói lời cảm ơn rồi tránh đi đường khác. Nói chính xác hơn là chị muốn tránh con mắt biết nói của ông ta. Đến chiều hai chị em về đôi mắt tròn xoe ngơ ngác vì ông ấy đang đánh bóng chuyền với anh em. Hóa ra ông là cán bộ quân khu về tỉnh đội kiểm tra tình hình. Ông xoa đầu chị động viên: “Giỏi lắm! Mới chừng đó tuổi mà biết giữ bí mật quân sự, coi bộ làm cách mạng được đó!”. Lời khen cùng với cử chỉ thân ái để lại lòng chị ấn tượng thật tốt đẹp. Tham gia cách mạng đâu cần nhiều phải không? Từ những sự việc nho nhỏ ấy, niềm vui trong chị mỗi ngày được nhân lên.
    Tình cảm đồng đội ấm áp yêu thương giúp chị ý thức hơn về mỗi việc mình làm. Nỗi sợ của bé con ngày nào bỏ nhà ra đi không còn nữa, nhường chỗ cho sự tự tin vững vàng của một nữ quân nhân trưởng thành trong nhịp sống hối hả của chiến tranh. Chị học làm y tá, học băng bó vết thương, học tiêm kim… Hình như ông trời sinh chị ra để làm thiên thần áo trắng hơn là người cầm súng. Những thương binh nhìn chị với đôi mắt trìu mến, biết ơn vì lời nói dịu dàng của chị xoa dịu phần nào vết thương trên thân thể họ. Như một con chim sâu chuyền cành, đôi chân của chị không lúc nào nghỉ ngơi. Thương binh chuyển về hậu cứ quá nhiều ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Chị cùng đội ngũ quân y thay phiên nhau chăm sóc họ. Có những đêm mưa rừng không dứt, lán trại của thương binh có chỗ bị dột ướt, bí quá chị đành lấy đỡ mấy cái thau để hứng vậy.
    Nhìn những giọt nước nối tiếp rơi, chị muốn thời gian dừng lại để âm thanh tí tách ấy không làm họ thức giấc. Bão dông ngoài kia có làm tan tác những tổ chim non, có làm vòm cây trơ cành trụi lá, nhưng khoảnh khắc ngồi canh cho thương binh ngủ say nhờ thuốc an thần, chị cảm thấy lòng mình bình yên chi lạ! Có lẽ trong số thương binh ấy có một người dành cho chị tình cảm đặc biệt chăng? Có thể. Chị chỉ nhớ đôi mắt ấm áp ấy làm đôi chân chị bớt mỏi, sẽ là điểm tựa cho cuộc đời mình. Và mỗi hơi thở còn khẽ khàng trong đêm là chị còn dưỡng nuôi nguồn hy vọng. Lúc này, chị thấy mình hạnh phúc bởi là người đầu tiên được nếm cảm giác: Bình - yên - trong - bão - tố! Thật mâu thuẫn phải không? Nhưng thực tế là vậy. Sấm chớp ầm ì, ngoằn ngoèo ngoài kia có xé toạc từng mảng không gian, cũng chẳng có hề gì với giấc ngủ bình yên. Cũng như bão tố trong lòng chị ngày nào bị ép lấy chồng chẳng có ý nghĩa gì so với những mất mát của cuộc chiến hôm nay. Sống trong thời chiến, được làm việc có ích cho mọi người, xoa dịu vết thương hằn sâu trên thân thể tuổi thanh xuân là sự bình yên, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất với chị lúc này…
    2. - Sao chị không về sớm hơn để sum họp với gia đình? Tôi buột miệng hỏi.
    Tránh trả lời câu hỏi của tôi, chị bước lại bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Trước di ảnh của cha mẹ, dáng chị bất động. Có ai biết chị đang tạ lỗi cùng đấng sinh thành: con là đứa con ngàn lần bất hiếu cha mẹ ơi!...
    Đôi vai chị rung lên nhè nhẹ. Nỗi day dứt không nguôi. Làm sao tôi hiểu được mong muốn về quê là hằng tâm của chị. Chị chưa từng hối hận vì mình dâng trọn tuổi xuân cho cách mạng nhưng chị vẫn cảm thấy có lỗi với gia đình khi bỏ nhà ra đi. Bởi chị chưa phụng dưỡng cha mẹ được một ngày khi tuổi già sức yếu. Khi ra đi chị chỉ có một mình, nhưng khi về chị muốn không - là - một - mình. Ước mong đó của chị là cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, để chứng tỏ cho gia đình biết hạnh phúc mà chị đã từng lựa chọn không hề sai. Nhưng không thể. Cuối cùng chị vẫn một mình. Trong một lần di tản thương binh để tránh pháo địch, chị bị thương nặng. Quân y giành với tử thần mạng sống, nhưng không giữ được thiên chức làm mẹ của chị nữa rồi. Trái tim chị càng rớm máu hơn khi anh ấy không về. Chị còn nhớ như in lời anh nói: “Chờ ngày hòa bình em nhé!”. Cái gật đầu dứt khoát của chị đã giữ nụ cười thật tươi, cả niềm tin và hy vọng của anh khi bước vào trận đánh cuối cùng...
    Nếu mùa xuân này vắng chị, có lẽ tôi sẽ không hề biết chị mang nặng niềm đau đến thế! Không thốt nên lời, chầm chậm tôi lại đứng bên cạnh chị. Thành khẩn. Lặng yên. Ngoài kia nắng xuân vẫn hồn nhiên tươi rói, chúng quên mất giọt nước mắt thầm lặng của hai chị em giữa cuộc đời này. Gió xuân lay động vòm cây đầu hiên làm những hạt nắng ngoài sân không hẹn nhí nhảnh nhảy lên bậc thềm. Nhưng chưa kịp in dấu chân son, cành cây bị gió hất nhẹ, những hạt nắng dỗi hờn lùi về chốn cũ.
    Màu xuân dường như tươi hơn, thắm hơn và rạng rỡ hơn bởi vẻ lung linh của hạt nắng xuân rơi khe khẽ bên thềm.

Kết Thúc (END)
Mạc Ly
» Hạt Nắng Mùa Xuân
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam