Cô gái ơi anh nhớ em
Như con nít nhớ cà rem vậy mà
Như con dế trống đi xa
Một hôm bỗng nhớ quê nhà gáy chơi
Con dế thì gáy một hơi
Còn anh thì gáy hết thời con trăi (*)
Tôi đặt tờ giấy plure mỏng, màu hồng nhạt, lên bàn để viết những câu thơ đó. Có lẽ, Bích Châu sẽ cảm động đến bỏ ăn sáng, sẽ nằm ngủ mỗi đêm thấy toàn bướm và dế trong mộng mị của mình. Em sẽ đọc những câu thơ này và yêu tôi gấp một triệu lần? Suy nghĩ như vậy, nên tôi quyết định đúng đắn là phải đưa tên em và bài thơ này. Ôi ông thi sĩ – tác giả của những câu thơ trên – xin đừng giận tôi nhé? Khi yêu nhau ai mà không khờ khạo và độ lượng?
Con dế thì gáy một hơi
Còn anh thì gáy hết thời con trai
Bích Châu tóc ngắn ngang vai
Ước chi được đặt trên tay anh hoài
Thật tuyệt diệu. Em thường đi học rất chăm chỉ, một năm có ba trăm sáu lăm ngày, trong niên khóa này tôi chưa lần nào thấy em trốn học như bọn con trai chúng tôi. Vốn là sinh viên Khoa Văn với nhau, tôi biết Bích châu rất yêu thơ. Những bài thơ như thế này chứa đựng sự lay chuyển tâm hồn em hơn bao nhiêu lời… văn xuôi tán tỉnh. Ðừng phụ lòng tôi nhé Bích Châu ơi! Ðể các bạn dễ hình dung về Bích Châu, tôi xinh thành thật nói rằng Bích Châu là một cô gái đẹp. Chiều hôm nay, sau khi rời giảng đường, tôi ôm sách vở đi lang thang ngoài khu ký túc xa. Dọc hai bên đường là những hàng cây râm mát. Lá xanh biếc. Trên vòm trời có một bóng mây trôi lặng lẽ. Bất chợt tôi thấy phía trước là một tà áo trắng, một mái tóc dài – có nghĩa là một cô gái đang đi ngược về phía mình. Tôi nhận ra Bích Châu. Cơ hội tốt để tôi có thể nói với em một vài lời làm quen. Trong lớp học, hễ gặp em là tôi đỏ mặt tía tai. Và thằng Quốc Chánh bao giờ cũng giành phần “phỏng vấn” Bích Châu - chứ làm sao đến phần tôi.
- Châu đi dạo mát một mình à?
- Dạ, em đi một mình.
Giọng Sàigòn sao nghe ngọt ngào quá vậy? Bây giờ phải hỏi thêm câu gì nữa để tranh thủ cơ hội tuyệt đẹp này. Ôi cái lưỡi thông minh của tôi đâu rồi? Phải mất đến vài phút tôi mới mở được miệng:
- Vậy, Lê đi chung với Châu để nói chuyên cho vui nhé?
- Chuyện gì vậy anh?
- Ờ ờ chuyện học hành, chuyện sinh hoạt của lớp mình đó mà …
- Chuyện học hành thì ngày nào bọn mình cũng gặp ở giảng đường rồi, còn chuyện sinh hoạt lớp thì tuần nào chi đoàn mình không… sinh hoạt!
Trời đất! Vậy là em hiểu sai điều tôi muốn nói rồi. Sao tôi lại ngu ngốc đến như vậy. Khi tôi định mở miệng thì từ phía nhà bếp đã rung lên hồi chuông hấp dẫn. Ăn cơm chiều. Có lẽ cùng nghe và cùng đồng cảm như tôi nên Bích Châu đã nói:
- Ðến giờ cơm rồi. Thôi em về nghe anh Lê. Hẹn mai mốt gặp nhau.
Em vừa nói xong thì đã quay gót bước đi. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Những chiết lá vàng úa cũng rơi theo – như bỗng dưng có một nỗi buồn vô cớ của tôi cũng rơi đâu đó trong buổi chiều tắt nắng…
Buổi chiều nay tôi ăn không thấy ngon miệng. Bữa cơm dành cho sinh viên bao giờ cũng vậy: Một tô nước rau muống trong veo, một đĩa rau muống luộc, một đĩa thức ăn mặn với vài ba miếng thịt nằm khiêm tốn. Trên bàn ăn bao giờ cũng quy tụ bạn bè cùng phòng với nhau để hợp ý trò chuyện cho bữa ăn thêm…thú vị. Thằng Chánh vừa thò đũa tìm miếtn thịt vừa nói:
- Ê, Lê tao thấy nhỏ Bích Châu rất hay liếc mày. Liếc một cách cực kỳ tình tứ …
- Xạo!
- Hừ, xạo thì tao miễn kể tiếp nữa …
Cái thằng này hay xạo – nhưng biết đâu nó thấy sự thật thì sao? Chỉ mới nghĩ như vậy tôi đã thấy tim mình rung lên những âm thanh rạo rực.
- Ừ! Tao tin mày nói thật, nhưng có ai làm chứng mày đã thấy điều đó?
Thằng Chánh tỉnh bơ:
- Môn tiếng Nga làm chứng!
Thế thì hết biết. Ðây là môn học mà tôi kém nhất. Thường xuyên thi lại. Tôi phát âm rất tồi, đến nỗi có lần cô Dung dạy tiếng Nga phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Tội nghiệp cho bạn, lưỡi của bạn bị cụt bao giờ vậy?”
Từ đó, mỗi lần đến tiết Nga Văn là bao giờ tôi cũng lầm rầm cầu nguyện “cô giáo ốm”. Nhưng như tất cả mọi chuyện trớ trêu trên đời này có thể xảy ra, cô Dung chẳng ốm yếu chút nào mà càng ngày càng khỏe như voi.
Có lẽ, không muốn thấy tôi cụt hứng nên thằng Anh Kiệt đã chen vào:
- Thằng Chánh nói vậy đúng đó Lê ơi! Trong lớp mình có hai mươi nữ và mười sáu nam, nhưng chỉ mỗi mày là đi thanh niên xung phong về nên nhỏ Bích Châu hay liếc mày là phải. Nhưng tao nói thật với mày, ông Marxim Gorky có nói: “Từ vú mẹ đến vú người yêu là một chặng đường dài”, nhưng từ liếc nhình nhau đến yêu nhau là một thời gian rất ngắn. Mày đồng ý như vậy không?
Tôi nghe cũng thấy thinh thích nhưng không dám gật đầu, sợ bị cho là bộp chộp. Và khi trở về phòng ký túc xá, tôi nhẹ nhàng leo lên giường nằm viết những chữ cho Bích Châu. “Cô gái ơi anh nhớ em” - từng dòng chữ nắn nót của tôi đã được viết một cách say đắm và:
Tái bút:
Bích Châu thân ái,
Bài thơ trên đã giải bày hết mọi điều mà Lê muốn tâm sự với Bích Châu. Mong rằng Châu sẽ hiểu nỗi lòng của Lê và đừng cười cho sự đường đột này nhé. Xin Bích Châu giữ Bí Mật giùm…
Ký tên,
Trần Lê
Chữ ký của tôi vốn ngoằn ngèo như cọng rau muống, nên lá thư tình đầu tiên này tôi phải viết đi viết lại đến… tám lần. Lần nào viết xong và hồi hộp ký tên xong thì tôi cũng phải lập tức xé bỏ viết lại từ đầu. Làm sao có thể chinh phục được tình cảm của người khác phái khi chữ ký của anh giống hệt như cọng rau muống? Ðến lúc làm xong mọi động tác cần thiết, thư đã cho vào phong bì dán kín lại. Tôi cẩn thận để lá thư ấy dưới gối và nằm miên man suy nghĩ về mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Nằm suy nghĩ một hồi thì tôi sực nhớ - phải nhờ ai chuyển bức thư này đến tận tay Bích Châu? Không lẽ nhờ thằng Chánh, thằng Kiệt, thằng Hương? Mấy ông nội này có thể mở ra đọc thì có nước mà độn thổ. Không lẽ tự mình mang qua phòng của em? Thôi, kỳ cục lắm, phòng toàn con gái có nước đau tim mà xỉu. Vậy ta phải nhờ ai? Hỡi đầu óc thông minh của tôi có còn cách nào không?
- o O o -
(*) Thơ Bùi Chí Vinh.
|
|
|