Sau khi tiễn Ya Tân ra bến xe thì trời đã nhập nhoạng tối. Đứng trên triền dốc,Ma Châu nhìn ngôi làng nhỏ của mình chìm trong màn sương trắng giăng mắc. Hàng trăm nóc nhà lọt thỏm giữa bốn bề núi đồi tĩnh lặng. Lần đầu tiên trong đời, Ma Châu cảm thấy nơi này cô đơn và quẩn quanh quá đỗi. Có lẽ vì thế, Ya Tân đã bỏ đi, anh nói sẽ về khi nào chị muốn cưới. Ma Châu thở dài, hai người phải đợi nhau đến bao giờ?
Vừa nhìn thấy Ma Châu về, mẹ đã khóc thống thiết như một đứa trẻ. Trong lòng bà là con gà trống chuồng. Con gà đã chết, cổ còn nhỏ lỏng tỏng những giọt tiết từ vết cứa xiên xẹo. Các em thì thầm vào tai chị, kể rằng mẹ mới mổ lấy sợi dây thun từ cổ nó nhưng moi nhầm dây diều. Ma Châu ôm vai mẹ, chị biết mẹ đã không còn tỉnh táo. Người làng nói mẹ bị ma bắt, nhưng chị hiểu, nguyên nhân là ở cha. Ông bỏ mẹ con chị qua sống cùng dì út, ở ngôi nhà đối diện. Cha đâu biết, mỗi lần bên đó, dì cao giọng gọi cha về ăn cơm thì bên này, cơn điên của mẹ lại nặng thêm một chút.
Ma Châu gạt nước mắt, sai Ya Thương làm thịt gà, dặn các em gái xào nấu thêm hành tỏi, dầu mỡ bắn lách tách, mùi thơm bay sang nhà cha. Chị mong cha nghe thấy tiếng cười nói bên này, sẽ mở cửa sổ, len lén nhìn đàn con lâu nay ông coi như người dưng. Tận trong thâm tâm, Ma Châu vẫn hy vọng cha quay về, để ngôi nhà có người chèo chống. Chị không muốn các em mình vì quá nghèo mà có số phận như mẹ và dì út.
Trước đây, nhà bà ngoại cũng nghèo và đông con gái. Với người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ, gia đình toàn con gái là một gánh nặng. Khi các con đến tuổi cưới chồng, cha mẹ sẽ phải xoay xở để đáp ứng sính lễ nhà trai, rồi cắt đất làm nhà cho con ra riêng. Năm đó, cả mẹ và dì út cùng bàn bạc với ông bà chuyện cưới chồng. Mẹ được ông bà tác thành trước, vì nhà cha không đòi hỏi nhiều sính lễ. Cha mẹ trở thành vợ chồng sau khi trao cho nhau nhẫn trống - mái bằng bạc, quấn chung một chiếc khăn, thề ước cùng vun đắp, xây dựng mái nhà.
Trong khi đó, dì út vì yêu một thầy giáo - người cũng được xem là có địa vị trong làng, nhà trai thách cưới quá cao. Đến khi ông ngoại qua đời, ông bà vẫn chưa sắm nổi một cây vàng, chục tấm khăn, chục chiếc vòng bạc như yêu cầu để dẫn cưới cho con. Người yêu dì không đợi được nên đã đi lấy người khác. Từ đau đớn, dì chuyển sang thù hận mẹ, cho rằng năm đó, nếu mẹ nhường dì cưới trước thì mình đã có cơ hội được hạnh phúc. Bà ngoại thấy có lỗi và cũng thương con út cô quạnh nên tìm cách bù đắp, để dì ở ngôi nhà của ông bà, đối diện với phần đất nhỏ xíu cắt cho cha mẹ Ma Châu. Nhưng trái tim cay nghiệt của dì chưa bao giờ được xoa dịu, tha thứ cho mẹ.
Chỉ sau khi bà ngoại mất, dì mới cởi mở với mẹ. Mẹ giải tỏa được nỗi áy náy trong lòng nên vui vẻ để cha qua giúp dì làm vài việc nặng nhọc của đàn ông. Cha giúp dì sửa nhà, làm ruộng, kể cả việc ở lại ăn cơm cho dì đỡ buồn. Càng ngày, cha ở nhà dì càng nhiều. Nỗi lo âu bắt đầu gợn lên trong lòng mẹ. Nhưng mối bất hòa của hai chị em chỉ mới tháo gỡ, mẹ không muốn cơn ghen tuông của mình vô tình cột lại nút thắt năm xưa. Cho đến một hôm, đang ở ngoài ruộng rau, mẹ nghe lòng như có lửa đốt, linh tính thúc giục đôi chân trở về nhà. Vừa đến bậc cửa, bà sững sờ bắt gặp cha và dì út áo quần xộc xệch, đang ôm ghì lấy nhau. Mẹ chết trân, sững sờ rồi ngất lịm. Cơn uất ức của phụ nữ lẽ thường được phát tiết bằng những lời cay độc. Nhưng với mẹ, nó nén lại thành sự im lặng cùng những cơn điên.
Cha không chịu được sự im lặng mà bỏ đi. Ông chuyển hẳn qua ở với dì khi dì mang thai. Trước khi đi, ông đặt chiếc nhẫn trống - mái bằng bạc lên bàn. Đó là chiếc nhẫn người nghệ nhân đúc riêng cho cha, có đính hạt kơ-nia, được mẹ trao trong ngày cưới. Chiếc nhẫn bị trả lại thay lời thông báo cho một cuộc hôn nhân kết thúc. Đêm ấy, mẹ lại lang thang, vật vờ như một bóng ma ngoài sân. Ma Châu giấu chiếc nhẫn, chị không muốn nó xát thêm muối vào trái tim của mẹ vốn đang chịu nhiều thương tổn.
Từ ngày mẹ bệnh, cha bỏ đi, Ma Châu là chị cả phải gánh vác mọi việc, kể cả trọng trách cưới chồng, gả vợ cho các em. Với một nhà nghèo lại đông con gái, chị nghĩ đến cách gả em trai duy nhất - thằng Ya Thương cho một gia đình giàu có, đòi sính lễ thật cao. Sau đó, chị dùng số tiền ấy để sắm lễ vật dẫn cưới cho các em gái. Số tiền có lẽ đủ nếu chúng cưới chàng trai có xuất thân vừa phải. Khi các em yên ổn, Ma Châu sẽ đi tìm Ya Tân. Chị thầm hy vọng mình đến kịp, để thành phố xa hoa chưa quyến rũ, lôi kéo người yêu.
Nhưng Ya Thương không để tâm đến tính toán của chị. Nó nhất quyết yêu một cô gái nhà nghèo trong xóm và đã thỏa thuận để đàng gái qua bắt chồng. Ma Châu như bị phản bội khi biết được ý định của em. Chị nghẹn lại, không nói nên lời, mắt ngấn nước nhìn nó, đôi mắt ẩn chứa sự bất lực. Ya Thương cúi gằm mặt né tránh, sợ chị cũng sẽ phát điên giống mẹ. Nghĩ vậy, nó vội vã ôm cánh tay chị, giọng lạc đi: “Ma Châu ơi, em biết rồi, nhà mình nghèo, em không có quyền làm như vậy phải không?”.
Sáng hôm ấy, cô gái cùng các ông cậu đến khi mặt trời còn chưa ló rạng. Cô liếc nhìn Ya Thương, ánh mắt tràn đầy tự tin, không để ý cái lắc đầu của người yêu. Giây phút đàng gái muốn đeo chiếc nhẫn vào tay mình, Ya Thương bất ngờ giật tay lại, chạy vụt đi. Bị khước từ, cô bẽ bàng, đứng chết trân. Đàng gái lủi thủi quay về trước trời sáng để khỏi bị xấu mặt với dân làng.
Sau khi phũ phàng với người yêu, Ya Thương trở nên ủ rũ. Nó hay tha thẩn ở cánh rừng gần nhà, đốt lửa ngồi một mình cả đêm mặc cho muỗi vắt hút máu. Lần nào, Ma Châu mang cơm ra cũng thấy cơm cũ lẫn mới để cạnh chẳng vơi đi hạt nào. Một đêm, Ya Thương lên cơn sốt, khi được dìu về nhà thì nằm mê man trên giường, lẩm bẩm gọi tên người yêu. Ma Châu bỗng thấy ân hận vì đã trách móc em. Chị nắm lấy tay Ya Thương, hứa sẽ để cậu cưới người mình yêu.
Khỏi ốm, Ya Thương đánh tiếng để đàng gái qua bắt chồng lần nữa. Lần này, họ đi đông hơn nhưng gương mặt cô gái có chút hoài nghi. Không hiểu sao, khoảnh khắc cô thở phào nhẹ nhõm khi trao nhẫn trống - mái cho Ya Thương, Ma Châu bất giác buồn tủi. Chị nhận ra, trách nhiệm với hai em gái sẽ càng đè nặng trên vai mình.
Mặt trời lên, mọi người đã đưa Ya Thương về nhà gái. Ánh sáng bắt đầu soi chiếu rặng hoa dã quỳ nở vàng, lấp lánh giữa lưng chừng đồi. Ở quê, mùa hoa nở cũng là mùa trai gái đi tìm hạnh phúc. Ma Châu đứng lặng lẽ trên triền dốc, tay chị nắm chặt chiếc nhẫn của cha để lại. Trong vô thức, chị đeo thử chiếc nhẫn vào ngón tay mình rồi ngắm bàn bàn tay chai sần trở nên đầy lạ lẫm. Ma Châu bỗng chốc nhớ đến lời của người nghệ nhân đúc nhẫn trống - mái duy nhất ở làng. Mỗi chiếc nhẫn có thể còn thô sơ, gồ ghề, nhưng người ta đã rất kỳ công để chế tác. Nghệ nhân phải đo ngón tay người đeo và tạo khuôn cho vừa khít. Chính vì thế, hàng trăm chiếc nhẫn chẳng cái nào giống cái nào, nhẫn của ai thì vừa tay người đó. Cũng như niềm hạnh phúc, không thể nào sắp đặt, trao tặng hay vay mượn.
Giây phút ấy, Ma Châu bỗng nhớ Ya Tân tha thiết. Chị muốn gạt bỏ tất cả ám ảnh, gánh nặng trên vai để đi tìm anh. Thành phố anh ở - có lẽ chỉ ở bên kia núi đồi.
Kết Thúc (END) |
|
|