Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tao Ngộ Tác Giả: Nguyễn Tấn Tài    
     1. Cầu Hiền Lương năm 1960, hai bờ sông bí hiểm như bờ tiền sử, tre đan thành lũy đen kịt, giấu bên trong nó những họng súng đen ngòm.
    Giữa cầu, hai người lính của hai phía đứng như tượng nhưng súng thì sẵn sàng lên cò. Hình như họ cách nhau chừng nửa mét, nhưng chưa một lần mồi chung một điếu thuốc, hình như chưa nói một câu. Lệnh cấm.
    Nguyễn bước chậm rãi như đếm từng mảnh ván cầu. Đến đúng giữa cầu ông dừng lại. Muốn, rất muốn bước nốt sang nửa cầu kia. Hình như có ai nói nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa cây cầu lại không là cây cầu. Mà Nguyễn thì muốn lắm đi trọn một cây cầu. Nhưng ông chỉ được làm công dân của một nửa nước.
    Hai người lính vẫn như tượng, như không hề biết có người thứ ba đang đến.
    Nguyễn muốn lắm, ước gì đốt một điếu thuốc, nhả khói, đi thong thả từ bờ này sang bờ kia. Nhưng thời buổi này, lừng lững trôi dạt cảm hứng không chính kiến thế dễ “đoàng” một phát lắm. Nguyễn nổi tiếng chơi hoang, nhưng… chưa hoang mạng bao giờ.
    Dừng lại, chóp mũi cà chua lại hếch lên mỗi khi tinh nghịch, Nguyễn gạ điều gì đó với hai người lính ở hai bên.
    Hôm sau, điều kỳ lạ xảy ra, khoảnh khắc, rất khoảnh khắc. Người lính phía bờ Nam nói nhỏ gì đó với người bờ Bắc.
    2. Nhật báo một tuần sau đó đăng bài viết của văn nhân, có đoạn lừng lững: Cầu Hiền Lương dài 178m, mỗi bờ dài 89m được ghép chính xác bằng 894 mảnh ván. Riêng bờ Bắc 450 mảnh, nhiều hơn bờ Nam 6 mảnh.
    Báo chí một phen rầm rộ khen ngợi nhà văn tài tử mà khoa học, mà thời sự.
    Thảng hoặc có một vài tiếng thì thầm: Phét bỏ mẹ nó, làm sao nó biết bờ Nam chỉ 444 mảnh ván.
    Riêng các nhà tình báo thì đây quả là một thông tin quan trọng.
    3. Xóm Gà Gạc heo hút của vùng đất Mũi chiều ấy xôn xao lạ, hai nhà văn nổi tiếng của văn đàn bấy giờ đến chơi, ông Nguyễn với ông Trần, hai vị nổi tiếng không chỉ vì văn mà còn vì chịu chơi.
    Ông Trần chiều ý bạn nên dò dẫm có dư mười năm để tìm ra cái địa điểm này, có mấy tay lính cũ an phận lành, nhưng rượu vào là quậy ác chiến.
    Cữ rượu xoàng đúng phong cách bình dân Nam Bộ, chỉ mấy trụi cá lóc nướng rơm, rượu mấy can. Tay Sáu đờn cò kéo một khúc vọng cổ mùi chí tử khai vị. Dô! Cạn. Vài cái dô của mươi người đủ đi tong can rượu 5 lít. Tư cụt nâng ly, một tay, tay kia chỉ là ống áo lòng thòng:
    - Mời bác Nguyễn, trót hai mươi năm lại tao ngộ.
    - Khoan, Nguyễn trịnh trọng, chú mày để xuống anh nói, anh gặp mày dô suông đâu có được. Cắt máu ăn thề.
    - Hay quá, đúng tăm tiếng quá, dậy đi Tư.
    Lẳng lặng, Tư đập choang vỏ chai, tự đưa đầu ngón tay ngang miếng vỡ cho rỏ máu rồi nhỏ vào ly rượu. Máu đỏ hòa trong ly. Nguyễn cũng lẳng lặng như Tư. Ly rượu đỏ màu máu, Nguyễn trịnh trọng nâng ly, cưa một nửa, Tư dốc trọn nửa còn lại.
    Không ai, kể cả ông Trần, đòi tham gia vụ này.
    Rượu mãn, Nguyễn và Tư đi bên nhau. Nguyễn hỏi:
    - Mày liều vậy Tư, không biết sợ chết à?
    - Sợ chứ sao không anh. Nhưng biết anh từ hồi “Vang bóng một thời”, ngưỡng mộ lắm, khi gặp dẫu oái oăm, nhưng anh muốn vậy, không chiều anh sao được.
    - Sau vụ đó mày bị đày đọa dữ lắm hả?
    - Ừ, khốn nạn, tui nói thiệt mà tụi ban hai có chịu nghe đâu, cứ một mực khai thác cho ra việc lớn, không thỏa, chúng chặt phăng của tôi cánh tay này, chặt cánh tay phải cho khỏi mộng cầm súng cho cộng sản.
    Nguyễn thở dài: Tao không ngờ chỉ một chút hiếu danh, một chút chơi ngông tao lại hại mày đến thế.
    - Hại gì anh, đổi một cánh tay, mà được một câu văn hay nổ trời, cả miền Bắc khen rầm rộ, cả miền Nam nhốn nháo, đã đời ông địa còn gì?
    - Đúng, đúng… mày con nhà lính lại có máu nhà văn. Rồi Nguyễn lặng lại: Chỉ tiếc là cánh tay của mày chứ không phải cánh tay của tao.
    - Anh đừng nghĩ nhiều, may mà mất một cánh tay, em đỡ ra chiến trường, súng đạn chán mớ đời. Anh thì còn cần cái tay để viết lách nữa chứ.
    - Viết lách mẹ gì đâu, mày xem ngót chục năm rồi tao có viết quái gì. Tịt buồng trứng rồi, nhà văn như tao, đẻ vài quả khổng lồ cho đời ngửi thôi, đẻ hoài hóa gà công nghiệp à? Mà mày ạ, giá tao cụt tay lại hóa hay, không ai ép tao phải viết. Còn mày, cần cái tay để cày cuốc nuôi mẹ với vợ con chứ.
    - Dậy là dậy đi, đừng phiền nữa, anh có biết anh lính kia ra sao không?
    - Mày yên tâm, nó được đánh giá nghiệp vụ cao, làm đường dây. Bây giờ quan chức rồi. Tao có gặp nó một bận. Lâu rồi không gặp nữa.
    Hai người lặng lẽ bên nhau. Con đường men bờ sông như cũng dập duềnh theo sóng nước. Những cánh bèo trôi dạt. Một vài bông súng lặng lẽ tím. Tư chợt lay lay cánh tay ông Nguyễn:
    - Đừng phiền nữa anh. Hòa bình nào mà không phải trả giá. Ai cũng nói thế, em lại nghĩ chiến tranh nào mà không phải trả giá. Chỉ có điều cái giá phải trả không dễ chịu chút nào. Mà bạn bè em, có đứa đến giờ thân xác vẫn nằm tận đâu đâu. Em chỉ đóng góp một cánh tay, nhằm nhò gì.
    - À, ừ. Chiến tranh qua đi, lòng người đọng lại. Mày à, tao đã từng đội nón cối đi ngời ngời dưới trận trận mưa bom, bao nhiêu người hy sinh, trừ tao. Mà sao lúc ấy lòng nhẹ tênh, không như bây giờ tao đi bên mày. Khác nhau giữa lúc phải hy sinh và lúc tính lại cái giá của sự hy sinh là vậy. Chỉ mong sao…
    Trầm ngâm một hồi Nguyễn tiếp:
    - Chỉ mong sao lớp lớp con cháu sau này thanh thản đến trường, thanh thản đọc văn viết văn. Trong mọi trải nghiệm con người cần nếm trải thì chiến tranh là trải nghiệm khốc liệt nhất mày ạ!
    - Mà anh Nguyễn, làm sao anh biết em ở tận đây mà ghé thăm?
    - Nợ! Từ bận tin tình báo cho biết mày bị đày đọa, tao day dứt lắm. Nhà văn như tao, đem lại cái gì cho đời tao cũng chưa biết được, mà cái hại thì nhỡn tiền. Mà kỳ lạ, cánh nhà văn chúng tao, hư cấu nhiều cái chết cũng chỉ vì không mong nó đến, mày thấy mâu thuẫn không?
    - Hì, may mắn gặp anh, đời cũng thú vị thật. Dự định viết cho mai sau, về đất nước thống nhất của mình, anh sẽ viết những gì?
    - Tao sẽ lại tiếp tục viết về chiến tranh, để trả nợ cho những mất mát. Cho những anh hùng, và cả cho những nạn nhân chiến cuộc, như mày. Cái khổ của nhà văn là mang cả một quá khứ trong suốt đời mình chú mày ạ!
    - Thôi anh Nguyễn, chúng ta trở về, anh em đang đợi, em không thể độc chiếm anh cho riêng mình.
    Hai người trở về cuộc rượu. Tiếng đàn cò lại cất lên, tiếng cười nói rổn rảng. Như đã lùi xa những mất mát. Những chén rượu của cánh nhà văn, cánh dân lành cùng bốc men sóng sánh.
    4. Đó là câu chuyện đằng sau một câu văn. Bận ấy ông Nguyễn đã gạ người lính bờ Nam đếm giúp mấy mảnh ván cầu. Cậu lính đã qua trung học đệ tứ, từ lâu mê văn Nguyễn, thành tai họa. Nguyễn mất năm 1987, có một vòng hoa gửi từ miền Nam, tận Cà Mau ra. Trên vòng hoa viếng ghi “thượng lộ bình an”. Chủ tang là một nhà văn, trông cứ như điềm gở, nên lẳng lặng cho đem thiêu hủy, thành thử ít người biết đến.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Tấn Tài
» Vài Câu Chuyện Rừng
» Bắt Ốc Hái Rau
» Tao Ngộ
» Khai Cuộc
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79