Quyên truy cập vào mạng xã hội, nhìn nick của Phong - chồng Quyên để xem tín hiệu online còn không. Nếu còn, tức là anh chưa rời khỏi chỗ làm.
Nếu tín hiệu online với dấu chấm xanh đã tắt, Quyên sẽ tập trung ngay ở con số phút, xem là tắt bao lâu rồi, già 30 phút sẽ là thời gian chạy đoạn đường từ chỗ làm về nhà, nếu không kẹt xe hay tạt ngang chỗ nọ chỗ kia, Phong sắp đẩy cửa vào nhà.
Thường thì sau giờ làm Phong chạy thẳng về nhà, hai vợ chồng chỉ có bữa tối ăn cùng nhau. Phong cũng muốn nhanh xong việc để về nhà, chỉ thỉnh thoảng bị đồng nghiệp rủ rê làm vài ly xả stress, "chẳng lẽ nó thiết tha vậy mà mình làm lơ?".
Những lần ấy, điện thoại của Phong ở chế độ offline vài phút, khi di chuyển từ chỗ làm ra quán nhậu gần đó, sau thì lại sáng lên. Phong làm việc với khách hàng qua online nên lúc nào cũng phải truy cập để trả lời tin nhắn, điện thoại và cả đăng thông tin trên ấy. Thường những lần như vậy, Phong cũng chẳng rảnh để nhắn Quyên là mình sẽ về trễ. Cứ thế, Quyên thấp thỏm vì thấy báo đã offline, nhưng vài phút sau vào lại thấy đang online.
Có lần Phong bảo: "Mạng xã hội chập cheng lắm, em xem, anh ngủ cả đêm mà nó vẫn hiển thị đang online kìa!". Đúng vậy thật, nhưng Quyên cũng chẳng biết dựa vào đâu để biết Phong đã rời công ty hay chưa trong những buổi tối rảnh rỗi.
Buổi tối, trong lúc đang thấp thỏm chờ Phong trong bếp thì mẹ Quyên gọi, bà hỏi: "Chủ nhật này hai đứa về nhà chơi, có anh Khải, con của bác Tư mới về nước ghé thăm". Rồi như sợ Quyên không nhớ ra anh Khải là ai, mẹ kể: "Anh Khải đi lúc đó con còn bé, nhưng mỗi lần gọi về là đều hỏi thăm nhà mình, nhắc đến con...". Rồi mẹ còn kể thêm nhiều nữa, những câu chuyện ngày xưa mà có câu chuyện Quyên nghe đã thuộc làu, mẹ vẫn nhắc lại với giọng hồ hởi như lần đầu.
Đến khi cúp máy, Quyên đoán mẹ vẫn thấp thỏm lắm vì chưa nhận được câu trả lời của Quyên là về hay không. Con gái có chồng, lại xa nhà, bận trăm công nghìn việc nên mẹ chưa bao giờ đặt Quyên vào thế buộc phải về, biết đâu lại ảnh hưởng đến công việc của con.
Trong bữa cơm, Quyên hỏi Phong có muốn về tuần này không. Phong nhìn cuốn lịch để bàn ghi chi chít những ký hiệu, vòng tròn, gạch đít... trầm ngâm: "Để anh xem, nếu trống lịch thì mình về, cũng lâu rồi chưa về thăm mẹ!". Quyên biết, "nếu trống lịch" của Phong đồng nghĩa với sự lưỡng lự, kiểu như đó là việc ưu tiên cuối cùng trong hàng đống những việc ưu tiên khác.
Quyên cũng như mẹ, chẳng bao giờ dồn Phong vào thế phải về. Quyên muốn sự tự giác. Cũng như Phong, chưa bao giờ anh bắt Quyên phải về nhà thăm mẹ chồng. Nếu như Quyên không thích, anh sẵn sàng lên lịch khác cho hai vợ chồng, có thể là địa điểm nghỉ dưỡng, ăn uống trong ngày ở những khu sinh thái phạm vi gần. Cả tuần làm việc vất vả rồi, cần phải thoải mái để nạp năng lượng cho tuần mới.
Tối thứ bảy, Phong hồ hởi gọi cho Quyên nói mới có khu dự án đất nền ở ngoại thành, vì quen biết nên có thể mua được giá tốt, có gì sáng chủ nhật vợ chồng cùng đi xem. Về mảng nhà đất, Quyên không khỏi phục Phong.
Vợ chồng đi làm lương cũng chỉ tạm ổn, nhưng bằng cách nào đó, từ căn nhà nhỉnh 20 mét ở vùng ven ngoại thành, sau ba năm, anh đã chuyển đổi vài lần để đến bây giờ vợ chồng có hẳn căn nhà hơn 50 mét, giữa khu đô thị sầm uất gần trung tâm. Việc đi lại cho cả hai thuận tiện hơn hẳn, chưa kể trị giá căn nhà này lên gần gấp 10 lần so với căn đầu tiên.
Chưa bằng lòng ở đó, Phong nói vợ chồng mình cần phải có thêm tài sản sinh lời, có thể là đất hoặc nhà cho thuê. Chứ công việc đã bấp bênh, mà lương cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, anh thấy không yên tâm. Ít nhất là đến tuổi về hưu, vợ chồng cũng phải có thu nhập ổn định để không phải lo lắng về tiền. Biết rằng đến đó còn xa lắm, nhưng giờ mình còn trẻ không lo tính thì chờ đến bao giờ.
Quyên gọi mẹ báo mai bận. Cúp máy, Quyên ngẩn người ra một lát. Hình như nội dung Quyên cáo bận không về nhà lần này nghe quen lắm, mà không biết mẹ còn nhớ không. Trong ba năm qua, Quyên với Phong không biết đã đi xem bao nhiêu căn nhà, rồi tất tần tật những lần chuyển nhà, dọn nhà, ăn mừng nhà mới... đều tranh thủ vào ngày nghỉ cuối tuần nên chẳng có thời gian về thăm mẹ.
Có tín hiệu tin nhắn, là của Phong, Phong nói có thể đêm nay anh về khuya vì làm nốt cho xong để mai được rảnh cả ngày. Quyên nhìn đồng hồ đã gần 8 giờ tối. Nhắm chừng cũng phải 11 giờ Phong mới về. Từ đó đến lúc Phong về, Quyên phải kiểm tra mạng xã hội không biết bao nhiêu lần. Để làm gì? Để yên tâm rằng Phong không gặp bất trắc gì và sắp về tới, hay chỉ vì Quyên sợ cái cảm giác hoang hoải mỗi khi ở nhà một mình nên có những nỗi mong chờ, lo lắng vô cớ vậy?
Quyên nhớ tới mẹ, giờ này mẹ đang làm gì? Khi nãy mẹ có nói thằng Út mai cũng không về được. Vậy là ngày mai mẹ đâu phải trông chờ gì nữa, nhưng hẳn là ngày sẽ dài lắm, tuần sẽ dài lắm và càng ít có dịp nhà đón khách quý từ Mỹ để có lý do mà tự tin gọi từng đứa con về.
Quyên thay vội quần áo rồi dắt xe ra sau khi nhắn tin cho Phong: "Em về ngủ với mẹ một đêm, mai đi chợ sớm cùng mẹ chuẩn bị cơm đón khách". Quyên nghĩ tới cảnh chỉ sau một tiếng chạy xe, cô sẽ nằm bên cạnh mẹ mà chìm vào giấc ngủ không mộng mị, cũng chẳng phải chập chờn dõi theo mạng xã hội xem Phong đã tắt máy về nhà chưa, bởi nơi bình yên đó chưa kết nối wifi.
Kết Thúc (END) |
|
|