Khách đến nhà chơi, mỏi mắt tìm quanh không thấy chiếc gương đâu cả. Hỏi con nhỏ giúp việc thì nó bảo từ khi cháu vào giúp việc nhà cho vợ chồng cô chú đến giờ, có khi nào phải dùng đến gương đâu mà biết, họa hoằn lắm những bận có cục mụn nổi ngay sống mũi đau điếng, đành mở cái màn hình điện thoại cảm ứng bị vỡ mất một phần ba mà soi. Lâu dần thành quen, nhà không có gương đôi khi cũng có lợi.
Khách nhìn con nhỏ giúp việc, mắt tròn mắt dẹp hỏi "lợi thế nào, nói nghe chơi". Vậy là con nhỏ giúp việc kéo tay khách ngồi xuống ghế sofa hàn huyên tâm sự, không quên đảo mắt lia lịa ra phía cổng nhà xem chủ nó ra ngoài không biết đã về hay chưa. Nó ra hiệu kiểu như chuyện này là quan trọng lắm, cháu chỉ kể cho mình cô nghe thôi đó nha, nếu chuyện này mà đến tai cô chú là coi như cháu mất việc chứ chẳng đùa. Nhưng sự thật là, gặp bất kỳ ai thắc mắc về chiếc gương nó đều kể ra hết.
Khách nghe con nhỏ giúp việc nhiều chuyện xong, đành lôi chiếc điện thoại nhờ con nhỏ giúp việc mở dùm cái camera, chọn chế độ chụp ảnh selfie mà soi gương trát phấn. Lâu lắm mới có dịp lên thành phố chơi, lại còn được rủ đi ăn buffet ở một nhà hàng sang trọng nên phải tranh thủ mông má một tí cho khỏi quê mùa.
Ở quê bùn đất quen rồi, có hội họp gì, gội được cái đầu, mặc được bộ quần áo ủi qua ủi lại phẳng phiu không có mùi tanh nồng của bùn đất, của sông nước thôi đã là sang. Ai đó được tặng lại cái đầm, mua được vài bộ đồ cũ trên phố đem về mà mặc đi đám cưới này kia là cả xóm ùa nhau ra mà trố mắt trầm trồ.
Khách là bạn thân thiết, nối khố với chủ nhà từ những ngày còn ở truồng tắm mưa. Thi thoảng về thăm quê, mấy người bạn lại tụ tập nhau, cũng chỉ ngồi hàn huyên vài câu chuyện gia đình chồng con nhưng tốn cả buổi vẫn còn chưa hết chuyện. Chẳng bù cho cái ngày Vị lên phố lấy chồng, cả xóm mừng ra mặt. Bởi con gái ở quê, có mấy người mà được như Vị đâu. Có người còn xì xào với nhau "con Vị tưởng ế, ai dè cũng có người đến rước, mà trai tân thành phố luôn mới chịu". Vị nghe xong cũng chẳng biết phân bua thế nào, ừ thì cứ để kệ họ muốn nói gì thì nói, chuyện cũng do ông trời sắp đặt cả rồi, có giải thích thế nào cũng chẳng ai tin.
Lấy chồng ba năm mà chẳng có con, Vị chạy vạy khắp nơi để mong có được một tia hy vọng nhỏ nhoi nào đó. Ðàn bà già nhanh hơn những lúc yếu đuối, muốn tìm đàn ông cho mình mượn tạm bờ vai mà tựa vào, nhưng Vị cứ đi tìm mà chẳng thể lựa cho mình một bờ vai vững chắc.
Nhất là những đêm Vị tỉnh giấc cô đơn trong căn phòng quạnh quẽ, quờ tay tìm một cơ thể nào đó đang nằm sát cạnh như một thói quen mà ba năm qua Vị đang cố níu giữ và dung hòa nhưng phút chốc trở nên tan biến, hụt hẫng vô chừng.
Phòng khách vẫn liu riu những bản nhạc không lời, ánh đèn trước nhà vẫn sáng một màu ảm đạm, lộ rõ từng dao động của vài chiếc lá vàng cựa mình lìa khỏi nhành cây, trong khi mấy đóa hoa ngọc lan cứ đơm hương nồng nàn đến khó tả.
Vị đưa tay kéo vội chiếc chăn mỏng đắp ngang cổ, tự ủi an mình cố gắng ngủ ngon, thuốc bác sĩ đã kê, phải tuân thủ thì mới mong có một đứa con mà níu chân anh ở lại bên mình.
Kể từ khi nhận được hung tin, Vị chưa bao giờ ngủ yên giấc. Cảm giác tội lỗi bám riết lấy cô khiến Vị nhiều khi tưởng tượng mình là một kẻ tội đồ đang chạy lệnh truy nã.
Chồng Vị tìm quên bằng những cuộc vui trác táng. Thời gian ở nhà nhẩm đếm vừa khít mười đầu ngón tay. Vị không nhớ bao lâu rồi mình không được chồng trao một nụ hôn, không được chồng đặt bàn tay của anh vào vòng eo của cô mà ghì chặt xuống. Thay vào đó là tiếng gió nửa đêm hờn trách, dập dìu va đập vào tấm rèm cửa sổ, nơi căn buồng vợ chồng Vị vẫn nằm cạnh nhau những đêm hạnh phúc. Vị quên rồi hương dầu gội đầu romano thơm nức trên mái tóc của chồng, mùi của những cuộc nhậu, của những hương nước hoa lạ lẫm trên chiếc áo của chồng đã làm Vị dần quên đi tất cả.
Vị dần quen với những sáng đến chùa tụng kinh, những nén nhang cứ cháy đỏ rồi chóng vánh lụi tàn, làn khói bay vụt khỏi những câu kinh khấn cùng những chắp tay khẩn nguyện thành tâm.
Mấy tháng nay Vị ít ra khỏi nhà hơn. Ngoại trừ những hôm mùng một đi Lễ chùa khấn Phật. Ra ngoài lúc nào cũng bịt kín bưng, kín bít chỉ chừa mỗi đôi mắt hằn lên những dấu hiệu mỏi mệt của đợi chờ trong vô vọng mà đâm ra mất ngủ kinh niên. Những vết nhăn kéo xô đuôi mắt trễ về hai phía. Ngay cả mấy con mèo con chó trong nhà quen mặt chủ nhất còn eng éc kêu mỗi khi thấy Vị đẩy cửa bước vào.
Con nhỏ giúp việc thì khỏi nói, càng giấu giếm điều gì nó càng tỏ ra thắc mắc. Có những hôm Vị ra khỏi nhà mà quên chải tóc, quên luôn cả khâu trang điểm như những ngày bình thường là nó nằng nặc níu tay hỏi cho bằng được. Nhiều khi Vị thấy bực dọc trong mình, định mắng cho con nhỏ nhiều chuyện một trận té tát mà lại thôi. Vì suy đi tính lại, thì bao tháng nay, nhìn quanh cũng chỉ có mình con nhỏ là người thân còn lại của Vị. Thấy Vị buồn nó sẽ ngồi diễn trò cho Vị vui, Vị mỏi lưng nó ngồi cả buổi bóp lưng mà chẳng cần Vị mở lời nhờ vả.
★ ★ ★
Mấy tháng nay Vị thấy con nhỏ hơi khang khác những ngày bình thường. Sự mệt mỏi khiến con nhỏ không còn tăng động như những ngày mới vào giúp việc cho vợ chồng cô. Vị mấy lần tỏ vẻ quan tâm nhưng đáp lại chỉ là mấy cái lắc đầu nguầy nguậy nên cô cũng thôi không thèm để ý.
Ðêm đó, Vị đang nằm trong căn buồng thì nghe tiếng gõ cửa. Ðó là âm thanh mà lâu lắm rồi Vị không được nghe kể từ ngày chồng Vị bỏ đi. Trong khi lá đơn ly dị vẫn nằm yên vị trong hộc bàn trang điểm. Từng vết bụi chẳng biết len lỏi vào tự khi nào, phủ lên trên cả những hộp phấn nền, thỏi soi… Tất cả đều là quà tặng của chồng Vị mấy lần anh đi qua Hàn công tác mua về cho vợ.
Vị chầm chậm ra mở cửa. Biết đâu hy vọng là gương mặt của người đàn ông mà Vị ngày nhớ đêm mong.
Ðứng trước mặt Vị là con nhỏ giúp việc với vẻ mặt vô cùng hốt hoảng. Vừa thấy Vị nó vội vàng ôm trầm lấy cô, tiếng khóc của con nhỏ làm Vị thấy buồn hiu. Trong nỗi buồn là sự đồng cảm lớn lao của những người đàn bà dành cho nhau. Ðột nhiên, Vị thấy thương con nhỏ giúp việc ghê gớm. Phận đàn bà sao có thể trớ trêu đến thế là cùng.
★ ★ ★
Cái thai ngày một lớn hơn trong tấm áo rộng thùng thình của con nhỏ giúp việc hiền như cục đất. Nó còn chẳng hiểu nổi tại sao đứa bé ấy có thể chui vào trong người mình sau cái đêm nó bị gã đàn ông trong xóm ghì chặt xuống bụi chuối giữa đêm trăng sao tù mù trong một lần về thăm nhà. Vị không biết khuyên nhủ điều gì với con nhỏ, nhưng tự nhiên thấy thương mình vô hạn.
Nhất là những ngày cái thai gần như ôm trọn lấy cơ thể gầy gò của con bé. Nó hồn nhiên đến lạ, như thể nó chưa chuẩn bị được gì để bắt đầu nhận một trọng trách thiêng liêng mới. Ấy là làm mẹ. Thấy con nhỏ ngày càng xanh xao, không ít lần Vị có ý cho nó về quê dưỡng thai mà sinh đứa bé nhưng con bé nằng nặc níu tay cô xin một ân huệ cuối cùng.
- Con ở với cô cả mấy năm nay rồi, con có làm gì sai thì cô nể tình nghĩa mà bỏ quá cho con, cô có trách mắng gì con cũng được, chứ kêu con về quê lúc này chẳng khác nào đẩy con vào đường cùng. Con không muốn gặp lại gã đàn ông ấy, càng không muốn nghe người ta đàm tiếu về mình, về đứa trẻ cô à.
Vị nghe con nhỏ nói một hơi, rồi quay qua nhìn nó bằng ánh mắt đầy thương cảm. Thật ra cô chẳng có ý gì, chỉ là cô muốn nó về quê nghỉ dưỡng rồi đón nhận đứa con ấy một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Nào ngờ đâu nó ra nông nỗi ấy.
Con nhỏ thấy Vị lẳng lặng bỏ đi nên càng tỏ ra hốt hoảng. Nó nào hay biết rằng lúc ấy nước mắt Vị rơi, phần vì Vị thấy thương con nhỏ ghê gớm, phần lại thấy thương cho chính mình nên cô đành giả vờ quay mặt đi, để con nhỏ khỏi thấy được khoảnh khắc yếu đuối khi nghe ai đó cầu xin Vị ban cho một ân huệ của cuộc đời.
Cả đêm hôm ấy Vị không sao chợp mắt, những suy nghĩ rối bời cứ đua nhau bủa vây trong tâm trí Vị. Phải làm sao với con nhỏ và đứa bé đây? Nếu để nó đi thì chẳng phải Vị nhẫn tâm lắm sao, nhưng nếu để con nhỏ ở lại, Vị sẽ càng thấy tủi thân biết nhường nào.
Con nhỏ cũng trằn trọc không kém. Nó khóa trái cửa phòng rồi giam mình trong đó bởi những tiếng khóc thẽ thọt, như sợ ai đó nghe thấy tiếng khóc của nó mà suy diễn lung tung.
Sáng, Vị đã thức dậy từ khi nào và ngồi ở dưới nhà xem bản tin thời sự. Nghe đâu có một cơn bão mới đang hình thành ngoài biển và sẽ đổ bộ vào đất liền trong vài ngày gần đây. Căn bếp mọi ngày thơm nức mùi thức ăn sáng nay lạnh tanh và im ắng. Có vẻ như con nhỏ giúp việc sáng nay mệt nên ngủ nướng, quên cả nhiệm vụ sắc thuốc và nấu đồ ăn cho chủ của mình. Vị thầm nhủ chắc nó đang có bầu, sức khỏe có vấn đề nên để cho nó ngủ thêm một lúc, còn mình thì vào bếp, bắc siêu thuốc lên bếp mà tự sắc cho mình. Còn khoảng bốn tháng nữa thôi, như lời ông Lang Sáu thì Vị có thể làm mẹ như những người phụ nữ bình thường, biết đâu chồng Vị sẽ suy nghĩ mà quay trở về, còn không thì đó là do số phận an bài và Vị sẽ hoàn toàn chấp nhận.
Con nhỏ giúp việc tay xách nách mang khệ nệ một đống hành lý, xuất hiện ngay trước mặt Vị. Vì còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì con nhỏ đã mở lời, cái giọng của nó ráo hoảnh chứ không còn bi lụy như hồi chiều qua, lúc nó năn nỉ Vị cho nó được ở lại đây.
- Con biết cô chú đối xử với con như thế là tốt rồi. Con nghĩ mình không có quyền đòi hỏi gì nữa, con đã suy nghĩ cả đêm qua và con sẽ quay về để đối diện sự thật của đời con, chứ mình sống được bao lâu đâu mà cứ phải trốn tránh và sống trong bóng tối hoài.
Con nhỏ vừa dứt lời, Vị vội vàng chạy đến mà ôm trầm lấy nó, hai người đàn bà vì thế mà cứ giàn giụa nước mắt chẳng thể nào nguôi.
Vị xách đồ con nhỏ đưa lên phòng rồi bảo "thôi con cứ ở lại đây mà sinh đứa bé, chứ nó có tội tình gì đâu".
★ ★ ★
Vị khóa cửa ngôi nhà lại rồi quyết định trở về quê, dắt theo con nhỏ về ở chung với mình.
Suy cho cùng thì con nhỏ nói đúng. Ðời có bao lâu đâu mà cứ phải sống trong bóng tối, cứ phải trốn chui trốn lủi hoài. Mình không tự thương lấy mình thì để đợi chờ ai?
Mà chẳng phải Vị đang có một gia đình rồi đó sao, một đứa con, một đứa cháu sắp chào đời. Ai bảo người dưng với nhau thì không có quyền yêu thương và san sẻ?
Kết Thúc (END) |
|
|