Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Xập Xình Tác Giả: Hoàng Công Danh    
    Cuộc rượu kéo từ giữa chiều đến khuya, chỉ riêng việc ngồi thôi đã đủ làm mệt người ngồi nhậu. Trong lơ mơ nửa say nửa buồn ngủ, Kiệm vẫn nhớ câu nói đùa của Từ lần trước. “Muốn vợ mày mang bầu, có phương thuốc này rất dễ, rẻ tiền, lại nhanh. Ra quầy mua liều thuốc ngủ, mày uống vào nằm say như chết cỡ một ngày đêm, mặc kệ vợ muốn làm gì thì làm”.
    - Từ, tao say rồi. Không cần thuốc ngủ nữa. Nhờ mày việc đó.
    Rượu có thể thay thuốc ngủ và cơn say ngủ có thể thay một loại thuốc quên, ít ra trong vài tiếng đồng hồ. Khi Kiệm lồm cồm bò dậy đưa mắt nhìn vào phòng ngủ, Từ vẫn còn ngon giấc trên giường, chỗ mà hằng đêm Kiệm thường mê man sau những tột cùng thỏa mãn nhưng tột cùng bất lực. Cảnh đang diễn ra không khác một vở hài kịch, hay bi kịch, hay một cuộc đánh tráo lẫn lộn.
    Kiệm vừa vội vàng vừa dè dặt lẻn ra ngõ, như sợ một tiếng động nhỏ sẽ khiến người đang ngủ trên giường kia thức giấc và cả vợ Kiệm đang dọn dẹp dưới bếp chạy lên.
    Đoạn đường từ quán cà-phê về tới nhà chỉ chừng ba trăm mét, nhưng Kiệm đang cố đi thật chậm, đi như không muốn đến. Tính từ lúc Kiệm rời nhà cho đến lúc này đã gần một tiếng, khoảng thời gian đủ để Từ thức dậy tỉnh táo. Hai ly cà-phê đen Kiệm xách về dự định nhâm nhi cùng Từ, nói đôi ba câu chuyện còn dang dở trong cuộc rượu hôm qua. Nhưng về ngang nửa đường, Kiệm ném cả hai cái ly nhựa vào vệ đường, quay trở lại một quán cà-phê khác, xa hơn.
    Kiệm về tới hiên nhà khi cái bóng đổ cụt lủn sau lưng. Bữa cơm trưa dọn ra, Nhụy bảo nắng đầu mùa khó chịu quá. Lúc đó Kiệm thấy khuôn mặt vợ có vẻ đỏ hơn mọi bữa. Kiệm gật đầu nói ừ, hôm qua nhậu say quên trời đất luôn. Kiệm cố nhấn chữ quên thật sâu, như là mình quên thật mọi chuyện trong lúc ngủ say.
    Bữa cơm trưa hai vợ chồng không hề nhắc đến Từ, người bạn chí cốt của Kiệm. Tối nay, Từ sẽ lên máy bay đi định cư cách đây nửa vòng trái đất. Kiệm bảo vợ chiều nay vợ chồng mình về nhà ngoại chơi, có ý bỏ qua việc tiễn chân Từ ra sân bay. Không phải đến lúc này Kiệm mới có ý tránh mặt Từ vĩnh viễn, mà ngay trong lúc tàn cuộc nhậu hôm qua, cùng lúc nói ra được lời nhờ vả khó khăn, Kiệm đã chốt thêm câu: “Dù sao mày cũng sẽ ở biệt nơi xa, không gây phiền phức gì cho vợ chồng tao”.
    Không có gì bảo đảm chắc chắn một người sang Mỹ định cư sẽ vĩnh viễn ở đó cho tới chết. Kiệm quá biết điều này, nên lời cuối cùng hôm qua, anh đã nói với Từ như một sự vĩnh biệt đầy ý tứ. Một người say mà nói được câu rào đón như thế hẳn phải có sự chuẩn bị, một người say mà biết khóa cửa không tiếp đón ân nhân ngay khi cầu nhờ. Và để chứng tỏ cho cái dứt khoát đứt đoạn đó, Kiệm quyết không đi tiễn chân Từ, chiều nay.
    Sáu năm từ khi Kiệm bật vỉa quặng nơi Nhụy, những hôi hổi rạo rực cứ dần lắng xuống khiến Kiệm như gã thợ mỏ giả vờ hùng hục chỉ vì trách nhiệm. Nhưng một ngọn núi khác đã nhô lên dưới vạt áo Nhụy và nhựa sống đã làm căng đầy khiến cơ thể người đàn bà hấp dẫn. Chỉ mỗi tội, ngọn núi này không hấp dẫn được Kiệm. Vài lần Kiệm đặt tay lên chỗ bụng Nhụy, xoa xoa, kiểu xoa cũng gượng gạo như làm cho có trách nhiệm. Những khi ấy Nhụy đã cố nhoài người để bàn tay kia có thể trượt lên hay trượt xuống chừng một gang tay, biết đâu sẽ đánh thức được những hừng hực nơi Kiệm. Vô ích, cái ngọn núi mới mọc đó hóa ra chỉ tạo thêm một sự ngăn cách.
    Mỗi cuối tuần Kiệm thường bày rượu với mấy cái trứng vịt lộn, nhấm nháp một mình. Tri kỷ chí cốt đi rồi, Kiệm thấy uống rượu một mình đã hơn. Kể từ lúc chia tay, không có một sự liên lạc nào giữa Kiệm và Từ, ngoài tiền. Thỉnh thoảng Từ có gửi về cho vợ chồng Kiệm mấy trăm đô. Ngoài tiền ra cũng không có lời nhắn gửi nào. Xóm biết chuyện nhà Kiệm Nhụy có ngoại tệ, quở: “Có bạn như thế cũng được nhờ”. Những lúc đó Kiệm muốn ném mấy tờ tiền vào lửa. Nhưng tiền Từ gửi về không hiểu sao lại nhằm vào những khi Kiệm túng bấn.
    Lúc ngân hàng báo nợ đến hạn, lúc vài người họ hàng gần đến đòi, toàn món nợ Kiệm đi vay mấy năm trước để chạy chữa chứng hiếm muộn. Nên lần nào có đô-la, Kiệm cũng nghĩ thôi coi như mượn tạm, sẽ trả lại sau, khi có.
    Kiệm cảm giác món nợ với Từ cứ dày lên, biết tới lúc nào mới trả hết. Cũng đôi khi rượu ngấm, Kiệm tự huyễn hoặc tính toán, rằng số tiền này Từ gửi về cũng là một phần trách nhiệm nuôi đứa bé thôi, có gì đâu. Suy nghĩ đó khiến Kiệm cảm giác mình hèn hạ. Chính Kiệm nói lời nhờ Từ sau cuộc nhậu cuối cùng, mà cái sự nhờ vả cũng sặc mùi tính toán đáp trả: “Hồi mười tuổi có lần tao cố ý bắn ná vào chim mày, khiến mày nằm viện nửa tháng, nhớ không Từ”. Bữa nhậu đó, suýt chút nữa Kiệm tuôn thêm mấy chữ, “nên tao muốn bù đắp cho mày một lần này”. Nếu thốt ra, đó là một cái lý quá trẻ con, thậm chí có thể khiến Từ bỏ về ngay. Bạn bè mà, tính toán nhau chi mấy chuyện đó, nhất là cái món ân oán có từ lúc ý thức chưa thật rõ ràng vai trò của bộ phận trên cơ thể.
    Bắn vào đó, cũng như bắn vào chân vào mông thôi.
    Những lần sau Từ gửi tiền về, Kiệm lại rút một tờ trăm đô chạy lên phố, tìm một khách sạn, kêu một em. Kiệm dùng chính đồng tiền của Từ để mua lấy niềm vui và hỉ hả coi đó là một cách trả đũa. Hơn một năm Kiệm không đụng đến đàn bà, thời gian cùng cơn đói vẫn không làm cho tô phở ngon hơn. Kiệm ngấu nghiến và kết thúc trong bội thực. Trong những xập xình, Kiệm băn khoăn đêm đó liệu Từ có ngấu nghiến vợ mình một cách ngon lành không, hay chỉ là sự cố gắng gieo hạt.
    Nhụy hay sắm mới mấy đồ nhỏ nhỏ để mặc phía trong, toàn đồ mầu đỏ, mầu đen như những tín hiệu hấp dẫn. Lần nào Kiệm cũng bắt được tín hiệu nhưng không đáp lại. Thậm chí buổi trưa hè trên người Nhụy chỉ đỏ và đỏ, hờ hững trong một kiểu cho con bú, vẫn không níu được bàn tay chồng.
    Kiệm đi tìm những mầu đỏ, mầu đen khác trong khách sạn, dù ở đó sức hấp dẫn chưa chắc bằng ở nhà. Nhưng chí ít trong khách sạn, Kiệm được cảm giác thống lĩnh và chiến thắng một kẻ nào đó, thậm chí chiến thắng rất nhiều kẻ trước đó, dù phải mua bằng tiền. Thứ cảm giác ấy Kiệm không thể có được với Nhụy.
    Đôi khi có chút mủi lòng, chút bổn phận làm chồng trỗi dậy, Kiệm lên giường nằm chờ một mầu đỏ bước vào phòng ngủ. Nhụy bước vào với đứa con trên tay khiến Kiệm trôi sạch ham muốn, thở hắt ra một hơi như buông xuôi.
    Nhụy cũng không tỏ vẻ phiền lòng những khi thấy Kiệm đi thành phố chơi. Đôi ba ngày, Nhụy vẫn mua về mấy cái trứng vịt lộn cho chồng tẩm bổ. Những quả trứng lộn không làm cho Kiệm vồ vập lấy vợ. Nghiệt ngã cái thứ sinh linh bị chết ngay từ trong vỏ, thế mà người ta bảo nó làm cho đàn ông mạnh hơn.
    Trước đây, khi những cố gắng tìm quả chung giữa hai vợ chồng đã trở nên bất lực, đôi lần Kiệm cao thượng bảo vợ hay là ly dị. Nhụy không chịu, vẫn lạc quan, không tỏ vẻ buồn bực. Nhụy làm vợ khi hai bốn tuổi, đến lúc ba mươi vẫn chưa được làm mẹ. Những mùa xuân đã lấy đi nét xuân trên gương mặt phụ nữ. Rồi Kiệm lại bảo vợ nếu không ly dị thì đi kiếm đâu đó một đứa, anh chấp nhận. Khi nói ra câu đó Kiệm vẫn rất tự nhiên và thoải mái. Thậm chí, không ít lần Kiệm nghĩ nếu một ngày nào đó Nhụy có con với người khác nhưng còn ở trong căn nhà này, thì Kiệm vẫn sẽ thương yêu nuôi nấng đứa con dù có thể một ngày nào đó cả Nhụy và đứa con sẽ rời xa Kiệm.
    Bây giờ Nhụy có con thật, một đứa con gái. Kiệm vẫn giữ lời hứa với vợ, không hề giận, không hề tỏ vẻ khó chịu. Chỉ là không có chuyện mặn nồng thôi, khoản đó Kiệm chưa hề hứa.
    Nhất gái đầu lòng, người đến thăm ai cũng bảo thế. Kiệm giữ cho mình một suy nghĩ khác, con gái đỡ hơn con trai. Vì đứa con gái sẽ không bị đặt lên vai trách nhiệm huyết thống, thứ mà Kiệm biết chắc mình không truyền được. Thêm nữa, con gái thì nguy cơ đi tìm cha đẻ của nó ít hơn con trai. Vì đằng nào con gái cũng đi lấy chồng, là con nhà người khác. Lại nữa, đa phần mấy đứa con rơi, con gửi là gái thì ít được tìm kiếm. Đấy là Kiệm nghĩ vậy.
    Người cha gốc Việt có thể bảo lãnh cho con ngoài giá thú nhập cư vào Mỹ được không? Người con chắc cũng không quá khó để bảo lãnh người mẹ sang xứ sở hợp chúng quốc? Những thắc thỏm đó dấy lên trong Kiệm nghi ngại cái gia đình nhỏ này có ngày sẽ bị xé ra, khi nhìn đứa bé lớn lên thấy rõ từng tuần, từng tháng. Người ta bảo nhờ sữa mẹ tốt nên con mau khá. Có người biết chuyện Từ thỉnh thoảng gửi tiền về cho Kiệm nên bảo có tiền uống sữa ngoại là tốt nhất. Kiệm không thấy vai trò của mình trong cuộc lớn lên đó. Và Kiệm lo lắng đến một ngày đủ đầy vóc dáng, con bé mọc cánh bay đi, bởi nó cũng nhận thấy người cha này không liên quan gì cả và bởi trong nó sẵn dòng máu vô tư, như Từ.
    * Từ bay thật, bay xa hơn khoảng cách địa lý nửa vòng trái đất.
    Ngày nhận tin Từ chết vì tai nạn ở bên đó, Kiệm dửng dưng đến vô hồn. Cái dửng dưng của người bị dồn nén giữa hai tâm trạng đối nghịch. Đôi bạn từ nay vĩnh viễn không còn gặp lại nhau. Mối lo lắng trong Kiệm vợi bớt đi nhiều. Sẽ không có cuộc tìm lại máu mủ nào nữa, không có chuyện bảo lãnh định cư cho đứa con. Đứa con sẽ là của Kiệm, của Nhụy, giờ ngoài vợ chồng ra chỉ còn trời biết đất biết bí mật đằng sau.
    Không thể không thú nhận rằng, Kiệm có mừng. Nỗi mừng đó cũng khiến Kiệm thấy mình ác độc. Kiệm ghìm xuống thứ cảm xúc vị kỷ đó, diễn một điệu buồn trước mặt Nhụy. Vợ chồng mà phải diễn kịch nhau, nó cứ khách sáo thế nào. Chính Nhụy cũng phải diễn một điệu rất thiếu tự nhiên, dửng dưng thành ra vô tâm, nhưng tỏ vẻ buồn thì có khi làm cho chồng tức lồng lộn lên. Tốt nhất là cả hai tránh giáp mặt nhau, tránh nhìn thấy nhau, kể cả thoáng phía sau gáy.
    Đêm muộn tắt đèn, họ mới có thể đối diện. Trong bóng tối chỉ có những động tác tự tìm thấy nhau không phải nhờ đến ánh mắt, Kiệm chủ động khơi lại những ấm nóng hôi hổi. Nhụy như núi lửa ẩn chìm, chỉ cần bật đỉnh non là phun lên hừng hực. Kiệm hùng hục, một cách tự nhiên không hề diễn. Trong rạo rực đó, Nhụy cảm giác có chút bạo lực. Thứ bạo lực như người vừa gỡ được cái gai giẫm phải dưới bàn chân, hết sức đập cho máu bầm tan chảy. Đau, rồi vết thương sẽ lành, để lại cái sẹo chỉ mình biết.
    Trong đêm tối, Nhụy cũng rất tự nhiên, thậm chí hào hứng nhập cuộc dù cảm giác cái bánh tu huýt đã hóa thành mũi giáo thọc mạnh. Nhưng có đau đớn đến đâu cũng là một thứ hạnh phúc, được thứ tha lẫn được chấp nhận. Nên Nhụy chỉ im lặng đón nhận mà không cần thốt lên một lời nào. Vì nếu nói ra, thì Nhụy phải nói gì về cái đêm cuối cùng Từ ở nhà mình. Khi kẻ say đã gắng gượng lắm mới lết được đến giường và thả lưng nằm ngủ, tuyệt không thấy có Nhụy ở bên.

Kết Thúc (END)
Hoàng Công Danh
» Hàng Xóm Một Người Thọt Chân
» Bầy Én Mùa Xuân
» Xập Xình
» Bông Hồng Đá
» Bước Dài Dai Dẳng
» Vẫn Còn Hy Vọng
» Để Lại
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ