Đường về nhà ngoại, chỗ ngã ba đất đỏ mù mịt chừ đã đổ nhựa láng o, thi thoảng vẫn xảy ra tai nạn. Có người chết, có người sống. Người chết tức tưởi thì không nói, còn người sống tỉnh lại run rẩy kể đang chạy xe bất chợt thấy anh thanh niên ngồi giữa đường vẫy tay cười tươi rói như quen thân lắm, hoảng quá mà lạc tay lái, tự ngã. Mạ xua tay nói chắc rụi, trời, không có mô, cậu hiền khô làm chi chợn người ta nông nổi rứa. Bất chấp lời ngọt ngào cứng đơ của mạ, bà con ở đó vẫn lập một cái am bên vệ đường. Họ lấy làm yên tâm bởi từ khi có am, tai nạn bớt bớt đi.
Cứ mười lăm tháng sáu, kỷ niệm ngày cưới của ba mạ, mạ lục đục dậy sớm nấu đồ rồi đem ra ngã ba cúng quảy. Ba nói mấy chục năm qua, nhiều khi ba ưng lãng mạn tặng mạ bây bó hoa cho ra dáng kỷ niệm, nhất là bữa tròn hai chục năm về ở với nhau. Sau chần chừ nghĩ kỹ nên thôi, việc đó không chừng mang tiếng ác, mạ lại chẳng cúi gằm mặt mà nói em vui chi nổi hả chồng. Ba buồn xo, không dám tỏ bày hạnh phúc.
Nếu còn sống, giờ cậu đã bạc tóc nhưng mạ cứ ghim mãi hình ảnh em mình trong hình dáng thằng thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, nhiều ước mơ nhiều hoài bão y như Phi bây chừ. Khi đó, cậu mới tâm sự với mạ, chị lấy chồng thì sang năm em cũng lấy vợ. Mạ la bây còn nhỏ bày đặt lấy vợ chi sớm, mà ưa đứa nào dẫn về chị coi mắt đã nghe. Nếu cậu còn thì chừ dì Hường bên xóm có thể là mợ của Phi. Bởi vậy, lâu lâu mạ hay thậm thụt khều Phi qua gò bé Cúc, con gái dì Hường. Ví như duyên nối duyên, không em dâu thì chừ thành sui gia cũng được.
Từ năm mười tuổi, Phi bắt đầu ngờ ngợ, hình như mạ nhầm mình với ai khác, mạ thương ai khác chứ phải thương mình mô. Có lần, mạ và mệ mỗi người mua cho Phi chiếc cặp mới, ai cũng muốn thằng nhỏ đeo cặp mình mua. Phi tinh ý, sợ buồn lòng một trong hai nên phân chia rạch ròi, hai tư sáu mang cặp mạ mua, ba năm bảy mang cặp mệ mua. Huề cả làng. Hai người cười khì, thi nhau hun chùn chụt vô má Phi. Nó giãy nãy, con lớn rồi, hai người đừng hun nữa. Mệ còn hay thứng chim chợn thằng cu của mệ, cho mệ con cu rồi vờ bỏ vô miệng nhai nhai nuốt nuốt cười hề hề. Thiệt tình.
Phi biết vô tình mình sống trong cái bóng quá lớn của cậu bởi ai cũng bảo Phi càng lớn càng giống cậu y đúc. Mệ hay nhìn Phi mà dụi nước mắt, cầm tay thoa nắn rồi ngửi, như thể ngửi da thịt đứa cháu này là bắt gặp da thịt thằng con vắn số. Nhớ hồi Phi vào lớp một, mạ và mệ đều đem nó tới lớp rồi đứng phơi nắng ngoài cổng cả buổi, lo thằng nhỏ vô đó học bị ai ăn hiếp, lo nó buồn, nó đói bụng rồi không hay nó có nhớ mình không.
Hai người yêu thương Phi bằng cách sốt sắng hơn bình thường. Tuổi thơ hiếu động, ba bữa Phi đá bóng làm bay móng chân cái, trật giò, leo trèo trẹo gân thì người chạy ngược, người chạy xuôi hốt hoảng lựa thuốc kiếm dầu xắng xít. Lâu lâu muốn vô tư chạy nhảy đã đời như mấy thằng trong xóm mà Phi buộc phải chần chừ, sợ lỡ mình đứt tay gãy chân, mạ với mệ lại mần to chuyện. Nhi nói nó vô hình trong nhà khi ai cũng thương mỗi anh. Sau này lớn, hai anh em mới ngộ ra, chẳng qua Phi được thương yêu, cưng nựng nhiều bởi gom cả phần của cậu.
Cuộc đời Phi như gán, như tiếp nối vào cuộc đời của một người khác đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Cậu thông minh sáng sủa nên Phi đinh ninh biết mình không bằng cậu. Hai mươi năm qua, mỗi ngày mình lớn lên bằng hình dung của mạ và mệ, kiểu trôi về ký ức được trông thấy cậu lớn thêm lần nữa. Ðôi lúc mạ nhìn qua Phi rớt nước mắt, tưởng tượng thằng em mình chừ chắc đã làm ông nọ ông kia, vợ con đề huề, giàu có sang trọng. Mạ tin với trí óc, với tấm lòng đó cậu sẽ không như người bình thường, ắt phải giỏi giang, phải xuất sắc hơn thiên hạ.
Dò hỏi dữ lắm Nhi mới được mệ kể chi tiết chuyện cậu mất trong ngày cưới của mạ. Xưa giờ chưa ai kể rõ ràng, Phi là đàn ông đàn ang cũng không dám tò mò nhiều chuyện.
- Hôm đưa dâu gần tới nhà trai, tức nhà mình chừ đây, thì mạ nói mạ quên nó. Cậu nhanh nhảu nói để cậu chạy về lấy cho mạ.
Nó mà Nhi đưa tay chỉ chừ nằm trong sâu trong hộc tủ, nhưng dù cất sâu mấy chăng nữa thì chừng ấy con người trong nhà vẫn có thể nhìn xiên qua lớp lớp chắn của tường gạch, của cánh cửa gỗ rồi cánh cửa tủ, thấy nằm yên trong đó là con gấu bông xấu xí được khâu vá vụng về, mầu xám xịt.
Cậu gặp tai nạn, nằm bơ vơ máu me giữa đường, ngay chỗ ngã ba. Mạ lúc đó vẫn mặc áo dài cô dâu, bu theo xe người ta chạy ra khóc em. Ông mệ thì chết giả. Hồi đó, nhà ai cũng xấp xỉ chục người con chứ không hiếm hoi như ông mệ, được mỗi mạ và cậu. Ông mệ lập gia thất muộn màng, ba năm sau mới có mạ rồi năm năm sau mới có cậu. Ðược mụn con trai mà chết tức tưởi hỏi chi không điên.
Lúc đó mạ tính bỏ đám cưới luôn rồi dù lễ lược đã xong xuôi. Khách mời nhà nội vẫn tiếp tục bưng chén và nốt mấy miếng cuối cùng, tặc lưỡi tội nghiệp thằng em của cô dâu. Chuyện thông báo cũng đáng kể, khi người bà con xông thẳng vô đã bị đôi ba người bên đằng nội giữ lại, bảo chuyện buồn nhà anh nhưng bên nhà tui đang dở dang chờ làm lễ xong đã chứ không lộn xộn. Vậy nên trong lúc chần chừ đó cả nhà không ai chứng kiến giây phút cậu nhắm mắt dù khi mới phát hiện, cậu còn thoi thóp, mắt he hé. Phải mà biết rõ người cản ngăn năm xưa, mạ lại mang vác thêm thù hận cho coi.
Nhà nội chần chừ có ý quay lưng, xem chừng cô con dâu mới xui xẻo, chẳng lấy gì làm hay ho tốt đẹp, nhưng ba kiên quyết không rời mạ. Thời điểm đó Phi lỡ nằm trong bụng rồi nên ở hết bốn chín ngày của cậu, mạ chính thức về nhà chồng.
Ðôi lần gần gũi bên mạ, ba cứ cảm giác vợ mình ở đây nhưng tâm tưởng treo chỗ ngã ba, đoạn về nhà ngoại. Ba mời thầy về cúng, gọi vía cậu lên cho mạ và ông mệ nói chuyện. Ông thầy mặt móm ở tận Ba Lòng có làn da chảy xệ, bụng bia tròn như trống, ngồi lắc lư vòng tròn mà không hề ngã rồi ôm mặt khóc, chị ơi em đau, mạ ơi con đau. Có rứa thôi mà hai người đàn bà lạy sùm sụp, khấn vái khóc ròng. Chập chờn nửa đêm thức giấc, mạ nói hình như cậu lạnh. Sáng sớm, mạ và mệ lục đục đem mớ áo giấy mùa đông ra ngồi đốt, lửa đỏ cả một đoạn đường mà con Nhi đi học từ xa về tưởng mô có đám cháy.
Nỗi hối hận chạy rần rần, ăn sâu vào da thịt mạ, mặc dù đó là chuyện xui xẻo, chuyện không may nhưng mạ vác vào người, chắc chắn do lỗi của mạ chứ chẳng là số phận, là ông trời chi cả. Lúc đầu cũng không ai trách nhưng tại mạ cứ đinh ninh lỗi của mình nên người ta ừ hử, lỗi của con chị rồi, nghĩ răng lấy chồng đem theo gấu bông, quý đến mức mô thì lấy sau cũng được chớ, gấp gáp chi mà không chờ lại mặt xong về lấy. Tội thằng em tự dưng chết vì con chị trời ơi.
Mạ biết cho tới khi nhắm mắt, lòng ông vẫn trách mạ dù chưa bao giờ thốt ra bằng lời. Có chăng là bằng tiếng thở dài khi ông đăm chiêu ngoài sân chỗ giàn bông giấy mùa này đang nở, rồi chép miệng nói chính chỗ ni hồi xưa phải đặt cậu bây nằm ở đây. Người chết đường họ không cho đem vào nhà sau vài ba thủ tục. Hay bữa ngó anh em Phi chạy nhảy trong sân, rồi kêu ông ngoại, ông ngoại thì ông nói dửng dưng đáng ra giờ ni tau có cả mấy đứa kêu ông nội, ông nội nữa tề.
Sữa mạ mua về ông không uống mà đổ hết cho con Lỳ. Con chó nào của nhà ngoại cũng tên Lỳ, tên ở nhà của cậu. Mệ hay lên ở lại chơi với anh em Phi còn ông thì hiếm hoi lắm. Hồi ức về ông ngoại là ông già cưng chó hơn cưng cháu, lụm đụm ăn ngủ, lụm đụm đi chơi đều dắt hoặc bồng con chó (tên Lỳ) trên tay.
Năm ngoái mệ mất, nhà ngoại trống hoác lạnh tanh. Dăm bữa nửa tháng Phi chạy về lau dọn bàn thờ, sắp xếp ba khung ảnh mờ mờ. Nhìn sâu vào di ảnh mà lắm người bảo giống mình hay mình giống đúc tạc, Phi có chút lạnh người hồ nghi.
Ba thương mạ, thương cả nỗi đau mà mạ đeo mang trong người, chỉ trừ vài lần thức giấc lúc mạ nằm bên ú ớ nói mớ thì ba bắt đầu cựa quẫy niềm thắc mắc kiểu như vật đó quan trọng chi mà mạ phải sai thằng em chạy ngược đường về lấy. Vậy mà thắc mắc về nguồn gốc con gấu bông xám xịt được ba nín nhịn trong mấy chục năm qua.
Bữa đó còn một đoạn nữa thì đặt chân tới nhà chồng, bỗng dưng mạ sững người quay qua đứa em trai đang xách lộng đi bên, trời ơi, chị quên con Bi ở nhà rồi. Thằng em nhanh nhảu, đợi tí em về lấy, rồi nó mượn xe máy của người lớn chạy te te về nhà, mở cửa, vô phòng xách con Bi (con Bi là con gấu bông thân thiết của chị) đem qua nhà chồng, cho chị. Chị ngủ hay giật mình nên không có Bi là không ngủ được, kể cả chồng nằm bên cũng chừng.
Lúc chết, cậu còn ôm con Bi trên tay. Ba nói phải chi ba mà biết thì ba mua cho mạ cả trăm con Bi chớ mắc mớ chi phải sai thằng em chạy về nhà lấy rồi gặp chuyện. Nhưng nhắc lại biết chắc sẽ cày xới lòng mạ thêm tan nát nên ba vờ như không để ý dù mỗi lần nghĩ lại, lòng khó chịu với ý nghĩ có khi con gấu bông xấu xí đó của thằng bồ cũ tặng mà mạ bây lưu luyến, lấy chồng còn muốn mang theo.
Hôm đó mạ bận áo dài mầu hường thiệt đẹp, đứng nghiêm trang làm lễ trước bàn thờ gia tiên nhà chồng, lúc đang cười rón rén chụp vài tấm ảnh đen trắng thì một người bà con chạy vô mặt không còn giọt máu thông báo em cô dâu bị tai nạn trên ngã ba. Bữa mới đây Nhi dọn nhà nên thấy mấy tấm hình cưới ba mạ chụp rồi chuyền cho Phi khen đẹp, ba mạ tươi rói rạng rỡ. Mạ không buồn thở ra, nói bằng giọng chua chát, bữa đó mạ nhẫn tâm cười mà không hay biết thằng em mình chịu đau, nằm bê bết máu. Nhi biết mình mắc lỗi, nó lủi thủi đem giấu tất thảy những gì liên quan đến đám cưới năm xưa, đến hồi ức có cậu.
Thế mà, bằng cách nào đó cả nhà đều cảm giác cậu vẫn thấp thoáng, quẩn quanh đâu đây. Hôm bữa đang ngồi ăn cơm thì mạ đổ rầm xuống nền nhà như bị ai xô ngã. Vô viện nằm mấy ngày, tới hồi mở mắt ra, câu đầu tiên mạ kêu thảng thốt kêu “Lỳ!” khi ngó qua thấy Phi đang cặm cụi bóc vỏ quýt.
Ra viện, mạ đi đứng chậm rì. Cha con Phi thay phiên nhau ở nhà cùng mạ, bận bịu hay kẹt lắm thì đi đâu hoặc phải chở mạ theo hoặc đem gửi nhà hàng xóm hệt như gửi trẻ. Nhỡ chừng mạ ngã thêm lần nữa coi như hết cứu, bác sĩ bảo vậy.
Mạ mê mê tỉnh tỉnh nhưng vẫn nhớ trong hồi ức của mình, con gấu bông cũ rích đó là cậu mua tặng. Gương mặt thằng em trai hệt mặt Phi chừ, nó buồn rầu khi chị đi lấy chồng. Hôm đưa con gấu bông vốn nằm trên hàng ngoài cùng của chợ thị xã mà mỗi lần ngang qua con chị cứ liếc ngang ngó dọc vì thích, đứa em buồn bã nói:
- Mai mốt chị ôm nó về nhà chồng cho đỡ buồn. Anh rể mà ăn hiếp thì nhớ nói em.
Và khi mơ màng như được nghe giọng nói của đứa em mình bên tai, mạ đột ngột bật dậy, đi đứng chẳng còn run rẩy nữa. Trưa trờ trưa trật hôm đó, ba đi làm chưa về, Nhi ở trường còn Phi lúi húi trong bếp nấu ăn. Mạ đi lui túm mạnh lấy vai Phi rồi rờ rẫm mắt môi, tay chân thằng con trai mà nói với khuôn mặt nhòe nhoẹt nước:
- Lỳ, chị xin lỗi!
Phi bình thản, cứ như vai diễn này ắt phải diễn một lần, thật sâu sắc, thật trọn vẹn mà cũng không biết giờ phút đó Phi có còn là Phi không hay ai khác mượn vía mà nói. Dù gì thì Phi cũng ráng một lần chậm rãi để làm tròn vai cho cái ngã ba chỗ nhà ngoại thôi làm lòng mình nặng trĩu dù không chắc sau này còn ai phải đeo mang một ngã ba nào khác. Phi đáp lời khi mạ vẫn chưa ngừng khóc:
- Không phải lỗi của chị mô, tại số em ngắn ngủi rứa mà...
Kết Thúc (END) |
|
|