-Nghe nói o lại tuyển người ở ghép hả?
Giọng giả Nghệ An lơ lớ bên tai, không cần ngẩng lên Quế cũng biết Thành đang nhìn mình nhăn nhở cười. Chị điên tiết giũ phành phạch chiếc áo khoác vừa lôi từ chậu giặt lên làm cả luồng nước lạnh buốt tạt vào người Thành. Hắn nhảy giật lùi lại mà không kịp, thét lên oai oái.
- Ờ, mắc mớ gì tới cậu mà ghẹo tui.
Quế sừng sộ rõ ràng cảnh báo tránh xa ra. Thành, vẫn chỉ là Thành ở cái xóm trọ này, dám nhăn nhó vò đầu bứt tai, sán lại cạnh Quế, run lập cập:
- Thì nỏ mắc gì. O làm ướt hết áo tui rồi. Bắt đền o giặt nì.
Quế đang treo đồ lên mắc, chưa kịp đưa tay chặn thì ôi thôi, cái áo khoác cáu bẩn của Thành đã nghỉm vào chậu nước, phai ra một mầu đen kịt.
Đến lúc này thì chính Quế là người nhảy lên:
- Điên à, khùng à, mắc rồ à? Đầy chậu kia sao không vứt, đi vứt vào chậu nước cuối của người ta hả?
Chửi mấy chửi nữa thì Thành cũng đã “zọt lẹ” rồi.
Dây phải “Quế già” này ý hả? Đợi xem.
Quế dùng hai tay nhón chiếc áo ra vứt xuống đất, bên trong ục ra cả mấy chiếc áo len với vài đôi tất thủng lỗ chỗ. Nước trong chậu lạnh như băng, hai tay đỏ lựng, Quế đổ xà phòng vào chậu, nghiến răng vò lại đống quần áo vừa bị nhuốm bẩn.
Càng vò thì bao lo lắng, buồn phiền từ đâu cứ đùn sàu lên như bọt bong bóng.
Đây chẳng biết là lần thứ bao nhiêu Quế tuyển người ở ghép.
Xóm này ở xa nhất, thiếu thốn nhất. Cả khu công nghiệp rộng lớn này chỉ những người độc thân, tiết kiệm mới ghép vào nhau để ở. Khi lấy vợ lấy chồng, đa phần công nhân đều chuyển ra các nhà trọ gần công ty để tiện làm ca, gửi trẻ hay đưa đón con đi học.
Vì Quế ở quá lâu nên chủ nhà mới cho cái “đặc quyền” được chọn người ở cùng, chứ như người khác thì chỉ việc thẳng cẳng dắt người đến ấn vào rồi tự mà thu xếp với nhau.
Mấy tháng trước có đứa chuyển đi. Cả Quế và Hảo giật thót mình. Tiền mừng cưới đã đành, lại còn khoản tiền nhà trước chia ba giờ chia đôi. Chật vật cấu khoản tiền ăn bù vào tiền nhà. Hai tuần trước, đứa còn lại ái ngại bảo chị tìm người ở cùng nhé, Quế buồn bã thành ra phẫn nộ.
Ba đứa đã ở với nhau bốn năm bình yên.
“Ở với bà Quế như đi tu”, đám trẻ trâu thậm thụt sau lưng. Quế chả muốn ở với ai, càng không ai muốn ở với chị. Nhưng chịu tiền phòng một mình thì nhất quyết là không được.
Bắt đầu từ hôm nay chính thức Quế phải ở một mình, nấu ăn một mình rồi.
Phơi xong lũ quần áo, Quế ra bể nước rửa mớ rau cần, liếc thấy đống thù lù ở đấy. Lúc ra rửa bát thì đã nghe tiếng nước chảy ồ ồ với tiếng véo von đấu hót đầu bể bên kia.
- Khiếp, anh chưa bao giờ nghĩ mùa đông miền bắc lại lạnh như thế này.
Thành vẫn co ro hai tay ôm gối, mũ bít kín tai, gật gù như con lật đật trước cửa phòng. Bên cạnh là một con bé kháu khỉnh, vật lộn với chậu quần áo to như cái bồn.
- Thế nên anh mới ở tịt đây, chả thấy về quê nhỉ?
- Đâu có. Ờ mà không dám về thì đúng hơn.
- Nợ nần nhiều quá chứ gì?
- Ờ, nợ tình, về bị trói làm rể thì toi đời.
Quế hứ một cái. Mùi mì tôm ợ lên
trong cổ.
Thành cạch cửa đi về, thấy Quế vác rổ rau bắp cải thái nhỏ vào phòng thì hét lên:
- O ăn mì gói hai ngày rồi đấy nha.
- Nỏ phải mì gói. Mì tôm bán cả cân, nỏ phải từng vắt trong gói mô. Đừng có đòi ăn chạc.
- Tui cũng ở mình nè. O có thể ở ghép cùng với tui. Tui trả o tiền nấu cơm nữa. Vậy coi như tiền nhà vẫn chia ba.
Mấy cái đầu trong phòng khác thò ra rồi lại thụt vào ngay. Cười rinh rích.
Quế bặm chặt, thấy môi mình mằn mặn. Mặc kệ. Chị đóng chặt cửa phòng. Cái bếp tậm tạch, đang nấu dở thì hết gas. Vơ đống bình đi đổi về đến nhà, Quế thấy nồi mì tôm biến đâu mất.
Quái, chả nhẽ trộm vào chỉ lấy đúng nồi mì chưa kịp sôi lại?
- Mả cha tông môn đứa nào lấy nồi mì của tau.
Lại những tràng cười rinh rích nối từ đầu dãy đến cuối dãy. Sắp đến ca làm rồi, Quế không muốn lả đi bên máy. Chị lấy chiếc gậy chòi quần áo, khua từng phòng, đập ầm ầm. Cả xóm chỉ còn tiếng chát chúa dưới bàn tay cuồng nộ.
- Bà quá đáng rồi đấy. Chúng tôi không lấy. Vừa phải thôi, đừng tưởng già mà lên nước.
Đánh nhau to đến nơi khi Quế mắt đỏ ngàu chực lao vào ba cô phòng bên cạnh. Thành ở đâu nhảy vụt vào. Sức người mét rưỡi trong cơn giận của Quế cũng làm sao chống được bàn tay hộ pháp của Thành. Hắn ấn chị trở về nơi vẫn lổng chổng bình gas du lịch với cái bếp chỏng chơ giữa sàn.
- Chỉ nồi mì thôi mà, có nhất thiết phải thế không?
- Cậu thì biết gì? Tôi ăn còn phải đi làm.
- Chính vì đi làm nên o không thể ăn thế được.
Quế lừ lừ nhìn Thành.
- Cút ra cho tôi thay quần áo còn đi.
Thành cứ lì ra. Đến lúc Quế đưa tay cởi cúc thì hắn lủi thủi lủi mất. Dắt chiếc xe đạp, lao vào cái rét như xắt ra từng miếng, Quế nghiến răng đến bật máu môi.
Gần sáng trở về, vừa bật điện lên, một hộp xốp bọc túi ni-lông nho nhỏ đã được tuồn qua cửa sổ vào nằm ngay ngắn trên bàn từ bao giờ. Quế mang đặt ra giữa lối đi rồi lên giường đắp chăn kín mít mà vẫn run lẩy bẩy.
Mùa đông mọi năm ba đứa nằm úp thìa, nghe gió lùa hun hút ngoài kia cũng còn ấm dạ. Năm nay một mình chị, đến chăn chiếu cũng lạnh như băng.
Lăn ra lăn vào một lúc mãi chả ngủ được, tiếng rúc rích đâu đó vọng đến khiến Quế khó chịu.
Một tháng làm tăng ca tăng kíp, cố lắm trừ tiền ăn uống nhà cửa tiêu pha đi cũng chỉ dành dụm được hai triệu bạc. Một năm làm công nhân để dư ra được hai mươi triệu. Đấy là những đứa chỉ phải lo thân mình.
Còn chị, sau khi gửi tiền về quê, co kéo lắm mỗi tháng dư ra chỉ vài trăm nghìn. Nhiều lúc gặp bạn cùng phòng đã ra ở nơi khác vay tiền đưa con đi khám bệnh chị phải cúi mặt xuống nói dối không có. Bao nhiêu đứa lấy chồng đẻ con đều đi vay cả.
Cứ yêu đương xong rồi đưa nhau vào phòng rồi cưới cũng vội, đẻ càng vội hơn. Xong bạc mặt lo gửi con. Thằng chồng hết ca rạc cẳng chạy xe ôm cho còn mừng. Có đứa ôm quán trà đá hút thuốc lào mặc vợ tay cắp đứa bé tay dắt đứa lớn quạt ngô nướng hít khói thở khoạc khoạc. Đêm về vẫn kỳ kèo thụi vả nhau nước mắt nước mũi chạy ra khỏi phòng cầu cứu hết người nọ đến người kia. Cứ nhắm mắt lại nghĩ mình thấp bé vừa chạy vừa gào vừa đỡ vừa ngã vừa vùng dậy lại chạy, chị sợ đến mức cấm tiệt không cho đứa nào trong phòng mang trai vào nhà.
Làm gì có đứa con gái hơ hớ nào chịu nổi luật lệ hà khắc hơn cả bố mẹ chúng nó ở nhà thế.
Đôi khi Quế muốn tặc lưỡi, thôi thì chịu nhịn đi tí, nhưng cứ tối đi làm về thấy một đứa con trai nhâng nháo bật dậy từ giường mình Quế lại không chịu nổi. Thế là thành “Quế già” từ đó.
Quế cạch mặt luôn Thành.
Thấy chị đi làm về, Thành đang ríu rít hơ tay đốt sưởi trên chiếc chậu than với hai cô mới toanh ở xóm liền le te chạy ra ngó vào giỏ xe. Chị đậy phắt lại, dắt nhanh chiếc xe vào nhà. Rồi chị hì hụi nấu một nồi thịt kho trứng cút thơm lừng. Thành thò đầu qua cửa sổ, hít hà:
- Chà, mùi này giống mùi thịt kho tàu má tôi hay làm quá.
Cả đám phá lên cười. Quế đóng sầm cửa, tiếng cười càng khoái trá hơn.
- Chị giận rồi kìa Thành.
- Hiếm mới có người làm cho chị giận được đấy nhé.
Có đứa còn gân cổ lên “giận thì giận mà thương thì thương, anh sai đường thì em không chịu nổi”… Quế toan mang cả nồi nước sôi ra hắt mà lại thấy giờ đâm vào cái đám ấy càng làm trò cười cho chúng. Đành cứ ngó mặt lơ.
Cuối năm, cái rét càng đậm sắt lại. Quế cứ lủi thủi một mình.
Ngày cuối cùng, Quế trùm chăn ngủ cho qua bữa sáng. Tỉnh dậy thấy xóm đã vắng hoe người. Quế mua một chiếc bánh chưng dài. Thêm một khoanh giò kho thịt, cái Tết xa quê cũng đã khá tươm tất. Sướng nhất là không bị ai làm phiền.
Hóa ra vẫn còn người. Thành đang chằng buộc một túi đồ to tướng cho cô gái giặt quần áo hộ hôm nào.
- Về ăn Tết vui nghen.
- Vâng, anh cũng nhớ giữ sức khỏe nhé.
Họ như cố nói to những câu dặn dò bịn rịn. Quế thản nhiên xoay người, mang những thứ ra bể nước chuẩn bị cỗ Tết.
Khi chị giật mình tỉnh dậy, đồng hồ mới chỉ chín giờ tối. Giờ này ở nhà chắc mẹ đang chuẩn bị cỗ cúng sang canh. Thằng em chẳng biết có giúp gì không hay lại đi chơi để mẹ chờ sang tận năm mới. Ra giêng mẹ có thêm con dâu chờ cùng.
Chị chờ lúc cưới nó mới về quê. Giờ về, sau Tết lại về, tiền đi lại chỉ mất vài trăm nhưng chả nhẽ người đi xa về không thăm hỏi người già con trẻ được đồng quà, tấm bánh? Tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Cỗ cưới ở quê, chẳng hỏi thì cũng biết bỏ ra thì nhiều thu về thì ít. Cưới xong rồi, chị mặc kệ vợ chồng nó tự lo.
Quế đẩy cửa ra sân, giật mình vì Thành lù lù ngoài đó. Với một cành đào be bé nhưng đẫm nụ.
- O không về Tết à?
- Nhìn thấy rồi còn hỏi?
Thành cười hì hì.
- Sợ gái đến nỗi trốn cả Tết à?
- Không.
Quế gườm gườm nhìn Thành:
- Hay ở đây để thả thính gái Bắc?
- Về hết rồi còn mỗi o thôi đó.
Quế chợt thấy nóng bừng người.
- Sao o không về?
- Tiết kiệm tiền cưới em.
Sau câu trả lời của chị, Thành như lặng đi một lúc.
- Tui thì còn chẳng có ai chờ mà về kìa.
- Năm nào cũng vậy hả?
- Ừ, mỗi năm mỗi nơi. Mỗi Tết mỗi tỉnh.
Quế nhìn quanh, thấy mắt mình cay cay. Thành dựa cành đào vào bể, nắm lấy tay Quế:
- Lên cầu Thăng Long xem bắn pháo hoa đi?
Quế để yên tay mình trong tay Thành. Chưa lên đến cầu, pháo hoa đã sáng rực cả vòm trời. Cả hai yên lặng nhìn những chùm ánh sáng li ti tỏa ra cho đến khi tắt hẳn. Rồi nhìn về phía thành phố với ánh đèn hồng lên nơi chân trời.
- Ra giêng còn cần người ở ghép không?
Quế không biết trả lời sao, quay đầu nhìn đi nơi khác.
- Cho tui ở cùng đi. Tui nộp hết lương cho mình.
- Có dám về Tương Dương cưới em trai không?
- Về chớ, về xin phép đã chớ.
- Không cho thì sao?
Thành ngẩn người ra. Quế chúm môi cười. Có cái gì đó vờn vờn trên má. Như là gió, mà như là mưa. Là cái gì đó ngòn ngọt, ngòn ngọt.
Kết Thúc (END) |
|
|