Ngày mai, yêu cầu cậu đi Ninh Hà cho tôi!
Nhìn sếp mặt đỏ gay giận dữ và đưa ra một phán quyết nặng trịch như vậy, tôi chỉ biết đứng im như đá. Rõ ràng sếp đang giận cá chém thớt. Tội của tôi là xuất hiện đúng lúc ông sếp tính khí thất thường ấy đang có chuyện bực mình. Mà chuyện ấy hẳn có liên quan đến Ninh Hà, một nơi xa tít mù tắp.
Ở đó công ty tôi có một công trình, nhỏ thôi nhưng đã mấy tháng nay đình trệ. Cả đoạn đường gần 50 km, tiến độ thực hiện rất ổn nhưng vướng lại mỗi đoạn đường chừng mấy chục mét dân không đồng ý cho giải phóng mặt bằng. Trên đoạn đường đó có một ngôi mộ rất to, nghe đâu là của một ông ăn mày gì đó, chết đã lâu lắm rồi. Lúc đầu nó chỉ là một nấm đất nho nhỏ bên vệ đường. Dần dà, người đi đường qua đó, mỗi người một hòn đất bỏ lên. Có tin đồn rằng ai mà có lòng đắp mồ cho "ông không nhà", thế nào cũng được phù hộ, gặp nhiều may mắn, thành ra ngôi mộ ngày càng to lên, lấn cả sang phần đường đi. Mấy bà buôn trên chợ huyện còn âm thầm góp tiền, thuê người xây lăng cho ông, trong có đúng một đêm…
Lãnh đạo địa phương hứa sẽ giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn nhất để giao lại mặt bằng cho chúng tôi. Thế mà, cuối cùng, điều chúng tôi lo ngại đã đến. Dân địa phương kéo đến tụ tập vòng trong vòng ngoài, người tay cuốc, người tay liềm, không cho ai động vào ngôi mộ. Không di dời gì hết! Họ tuyên bố bằng những lời nói chắc như đinh đóng cột.
Sếp ra lệnh cho tôi xuống công trình ngay. Chúng tôi đã nấn ná chờ đợi gần nửa tháng rồi nhưng tình hình không tiến triển. "Cậu xuống xem thực tế thế nào. Nếu họ không có phương án giải quyết thì chúng ta sẽ rút quân". Thú thật, nhận nhiệm vụ này chẳng vui vẻ gì. Tôi sợ phải va chạm. Cứ nghĩ đến cảnh cả đoàn người trẻ có, già có kéo nhau ra người nói, người la, đã thấy ớn. Nhưng sếp đã phán, phải đi thôi.
*
Bây giờ thì tôi đang nằm trên một chiếc thuyền con của nhà ai đó, đậu chơ vơ bên vệ sông. Con sông mùa nắng thật hiền hòa, dường như dòng đang ngừng chảy. Lúa trổ bông, tỏa hương ngây ngất như là mật ngọt. Xa xa, một ngọn núi xanh lơ, in rõ lên nền trời dáng một chú voi ngộ nghĩnh. Tôi nằm im nghe tiếng nước rì rầm dưới mạn thuyền, trong đầu cảm giác như trống trải và nhẹ bỗng. Bên kia bờ cỏ, một vạt hoa dại vàng rực in bóng xuống mặt nước. Kỳ lạ thật, tôi tự nhủ, tại sao vào lúc này mình lại cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng đến thế.
Tôi về Ninh Hà từ sáng, gặp lãnh đạo địa phương, họ vẫn nước đôi tìm cách tháo gỡ. Một vài anh em công nhân còn chốt lại công trình thì nghe chừng đã oải. Tôi đặt lên mả ông ăn mày một đĩa hoa quả, thắp hương khấn thầm: "Ông sống khôn chết thiêng, ông tạo điều kiện cho chúng cháu làm tròn nhiệm vụ. Ðịa phương sẽ thu xếp cho ông chỗ ở mới khang trang hơn. Ông có nhìn thấy con đường trước mặt và sau lưng rộng rãi và thẳng tắp không. Chỗ này mà phải bóp lại thì thật xấu xí và nguy hiểm!". Tôi định bụng sẽ đi vào làng, thế mà lúc đi qua bến nước, thấy con thuyền nhỏ nằm chơ vơ, tôi lại bước chân xuống bến, và nằm đó mãi không muốn dậy nữa.
- Ai ở dưới thuyền thế kia?
Tôi giật mình nhỏm dậy. Trước mắt là một cô gái trẻ. Thấy tôi, cô ta lùi lại, miệng hé mở ngạc nhiên. Trời ạ, làm sao ở cái chốn đồng quê xa tít này lại có người đẹp đến thế. Một gương mặt thật sáng với làn da ửng hồng, đôi mắt đen láy, mái tóc dài xanh biếc. Trong chốc lát, tôi như một kẻ mất hồn.
- Anh ở đâu mà lại xuống đây?
- Tôi… tôi là người ở công trường, cái chỗ làm đường ấy mà.
Thấy điệu bộ lúng túng như kẻ trộm bị bắt quả tang của tôi, cô gái mỉm cười. Tôi điếng cả người vì nụ cười của cô. Tôi chưa thấy ai cười như thế, nụ cười vừa tươi sáng ngây thơ, vừa như đã thấu hết sự đời.
- Sao anh ở công trường lại xuống thuyền mà ngủ thế này? Mà hình như anh mới về Ninh Hà thì phải? - cô gái vừa tháo sợi dây neo thuyền vừa hỏi.
Tôi bảo "phải" và rồi cứ thế, chẳng ai hỏi, cứ kể ra tông tốc nguồn cơn nông nỗi vì sao tôi phải về đây. Riêng nỗi lo ngại va chạm thì không hiểu sao lúc đó chính tôi cũng không nghĩ đến nữa. Cô gái im lặng lắng nghe, đầu khẽ nghiêng trên chiếc cổ thanh tú.
- Tôi sẽ giúp anh.
Tôi hơi ngạc nhiên về thái độ của cô gái. Các cô gái đẹp thường kiêu kỳ, lạnh lùng.
- Tôi sẽ đưa anh vào làng. Anh thật may mắn, hôm nay trong làng có cuộc họp của các trưởng họ đấy.
Nói rồi, cô đẩy chiếc thuyền con ra giữa dòng. Ngồi trên mũi thuyền, nhìn xuống làn nước phẳng lặng đang từng nhịp từng nhịp xao động, tôi không kìm nổi sự bồi hồi. Cái đầu hằng ngày vốn rất hoạt bát của tôi, tự dưng như chùng lại, không biết nghĩ gì nữa.
- Các anh ở thành phố, phải về mãi quê xa thế này chắc không thích đâu nhỉ?
- Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế - tôi thật thà - Nhưng có đi thế này mới thấy cuộc sống có nhiều cái thú vị. Quê cô đẹp thật.
Cô gái mỉm cười. Chắc cô cho rằng tôi nói lấy lòng. Tôi định thanh minh nhưng nghĩ sao lại thôi.
- Ta xuống đây, anh ạ.
Vừa nói cô vừa đẩy thuyền vào sát bờ, đợi tôi nhảy lên bờ rồi nhanh nhẹn neo thuyền lại. Trong lúc cô không để ý tôi mới dám nhìn kỹ, một thân hình thon thả, có vẻ hơi mảnh dẻ nhưng đầy sức sống.
Bờ đê thoai thoải, cỏ mọc xanh rì. Một lối mòn dẫn vào làng. Nhìn dãy tre xanh ngắt trước mặt, tôi bỗng cảm thấy ngần ngại. Tôi đã hình dung ra bao nhiêu con mắt đổ dồn vào mình, những lời chỉ trích nặng nề… Dường như cảm thấy tâm trạng của tôi, cô gái mỉm cười:
- Anh đừng ngại. Anh hãy đưa ra một phương án giải quyết thật ổn thỏa.
Nhìn vào ánh mắt ấm áp của cô gái, tôi thấy tự tin hẳn lên. Tôi ngoan ngoãn bước theo cô vào ngôi nhà đầu xóm.
*
Nghe Hạnh - tên cô gái ấy- giới thiệu tôi là người của công ty xây dựng đang thi công đoạn đường qua làng, mấy ông trưởng họ đang bàn luận rất sôi nổi, tự nhiên ngồi im bặt. Tôi cứ nghĩ rằng họ sẽ sôi lên, sẽ băm bổ ngay vào mặt. Thành ra trước sự im lặng ấy, tôi lại không biết nói gì. Nhìn sang Hạnh, dường như cô cũng đang chờ đợi tôi lên tiếng.
- Thưa các bác, hôm nay cháu được cơ quan cử về đây, xin phép được bàn với các bác về phương án giải quyết mặt bằng cho thi công.
Không ai lên tiếng. Tôi bắt đầu trình bày về thiết kế công trình. Nhưng hình như những điều này đã quen rồi nên họ lắng nghe với vẻ rất lơ đãng. Không đợi tôi trình bày hết, một ông có khuôn mặt xương xương, dáng dấp của một viên chức về hưu, trễ cặp kính xuống sống mũi, chăm chú nhìn tôi:
- Tóm lại, bây giờ các anh định thế nào?
- Phá bỏ ngôi mộ là chúng tôi nhất quyết không đâu - một vài người thấy tôi còn ngập ngừng bèn tấn công luôn - Bao nhiêu năm nay, ở đoạn đường này có xảy ra tai nạn, tai niếc gì đâu.
- Các ông chỉ thích vẽ vời thôi. Chắc cũng kiếm chác được kha
khá nên anh nào cũng thích vẽ ra làm đường to, đường rộng - một ông ngồi trong góc nhà nói vọng
ra - Chúng tôi đây ở nhà quê, không cần đến đường rộng làm gì. Ðường đẹp quá, chỉ tổ lắm tai nạn giao thông!
Cuộc họp đang trật tự thế mà nhao nhao hết cả lên. Tôi bắt đầu cảm thấy da mặt mình chạy rân rân. Một mình tôi, cãi làm sao được với gần hai chục con người, mà ai trông cũng có máu mặt cả. Thế là tôi đành ngồi chết dí một chỗ, không biết nói gì nữa.
- Thưa các bác, cháu xin phép được có ý kiến.
Nghe giọng con gái, và thấy Hạnh rụt rè đứng dậy, một ông trưởng họ liền phẩy phẩy tay, ý muốn nhắc Hạnh ngồi xuống. Thấy cô dường như không hiểu ý mình, ông cất giọng kẻ cả:
- Cái Hạnh, mày là con gái, không được tham gia ý kiến vào cuộc họp này. Cuộc họp này chỉ có các cụ trưởng tộc thôi.
Tôi thoáng nhận thấy gương mặt Hạnh ửng đỏ. Cô bám tay vào thành ghế đằng trước, rồi rất nhanh, Hạnh buông tay ra, đứng thẳng người. Cô nói, bằng một giọng rất rành rọt:
- Thưa các bác, cháu xin phép được phát biểu trong cuộc họp này với tư cách là Bí thư chi đoàn thôn - Hạnh dừng lời trong khi tiếng xì xào đang dần lắng xuống - Từ nãy tới giờ, cháu đã được nghe ý kiến
từ phía đơn vị thi công, ý kiến của các bác. Cháu nhận thấy những điều anh kỹ sư nói là hoàn toàn hợp lý, xuất phát từ chính lợi ích của thôn ta.
Tiếng xì xào rộ lên: "Ơ, thế là thế nào? Cái con bé này, sao lại ăn cây táo rào cây xoan thế nhỉ?", "Ông trưởng họ Vũ nhà nó chẳng phải phản đối mạnh nhất đấy à?", "Thôi chết, khéo lại bị thằng kỹ sư dỗ ngon ngọt rồi!"… Ngồi lọt thỏm giữa đám đông, tôi chẳng dám ho he gì. Lúc này, trông Hạnh thật nhỏ bé bên cạnh những gương mặt tuổi tác và cau có.
- Xin phép các bác, cháu xin được có ý kiến ở đây với tư cách một Bí thư chi đoàn thôn - Hạnh cố ý nhấn mạnh - và trên cơ sở quyền lợi của thôn ta. Ngoài ra, không có một lý do cá nhân nào khác.
Tiếng ồn ào đã lắng xuống. Mọi người có lẽ ngạc nhiên vì thái độ nghiêm túc của Hạnh nhiều hơn là chờ đợi điều cô sắp nói.
- Vừa rồi các bác đã nghe anh kỹ sư trình bày rất kỹ về vấn đề thiết kế và thi công với đoạn đường chạy qua thôn ta. Nếu theo đúng thiết kế thì đoạn đường qua thôn ta sẽ rất thẳng, rất đẹp. Vướng mắc một chút ở chỗ ngôi mộ ông ăn mày thôi - Hạnh dừng lời khi nhận thấy một vài người gật gù theo lời cô nói - Nhưng thưa các bác, cháu nghĩ thế này. Nhà nước đã quan tâm đến sự phát triển kinh tế của địa phương, muốn đầu tư vào phát triển vùng lúa đặc sản quê ta. Dự án làm đường là một dự án lớn rất được nhân dân đồng tình ủng hộ, công ty xây dựng đã thi công gần xong rồi, chỉ vì một vướng mắc nhỏ mà con đường không được hoàn thành. Cháu nghĩ, phải chăng chúng ta đã nghĩ cho chúng ta quá nhiều. Hơn nữa, nếu để một đoạn đường vừa nhỏ vừa ngoằn ngoèo như thế giữa một con đường to
rộng thì sẽ rất xấu, thậm chí rất nguy hiểm.
- Nói như mày thì phá bỏ mộ ông ăn mày đi à? Phải tội đấy con ạ! - Thấy Hạnh dừng lời, một ông già chêm vào - Chúng mày còn trẻ, nghĩ được nhiều nhưng chưa thấu đáo đâu.
Tiếng xì xào lại nổi lên. Rồi to dần. "Lạ gì mấy ông quan trên với mấy ông cai thầu. Quyền lợi cho dân được mấy, đầy túi các
ông ấy trước. Ta cứ không cho làm, họ cũng phải chịu!", "Gớm, mà đường có làm xong hay không thì họ cũng được bằng ấy tiền. Mất tiền dân nộp thuế chứ mất gì của họ nào! "…
Những cặp mắt dồn vào tôi. Hằn học, đe dọa, thách thức, giễu cợt… Và trong lúc vội vàng thoát ra khỏi những mũi tên sắc lạnh đó, tôi vấp vào bậc cửa rất cao của ngôi
nhà cổ.
*
Chỉ khi Hạnh mang nắm lá cỏ mực đã giã nhỏ xuống thuyền và bảo tôi duỗi chân ra cho cô băng vết thương thì tôi mới nhận ra trên ống quần mình có vết máu. Cẳng chân đập mạnh vào bậc cửa gỗ bây giờ ê nhức và rỉ máu. Tưởng tượng dáng vẻ mình lúc đó, tôi cảm thấy ngượng ngùng. Như đoán được suy nghĩ của tôi, không rời mắt khỏi vết thương, Hạnh bảo:
- Em bị ngã ở đấy suốt. Nhà ông trưởng họ Nguyễn có nhiều đồ cổ đẹp lắm, hồi còn bé em hay tò mò sang xem. Ngắm xong, lại ngẩn ngơ cả người, thế là lần nào bước ra cũng vấp bậc cửa.
Tiếng cười giòn tan, vô tư như tiếng cười trẻ con. Tôi ngẩn ngơ, vô tình buông khẽ một tiếng thở dài.
- Anh đừng nản - Hạnh nhìn thẳng vào mắt tôi khích lệ - Em nghĩ ra cách rồi. Tối nay, mình sẽ kiếm cớ vào nhà ông trưởng họ Nguyễn xin lá tướng quân để bóp cái chân đau này nhé. Ông trưởng này có ảnh hưởng lớn nhất trong làng, mà ông ấy thì lại cực kỳ thích bàn về kiến trúc làng Việt. Anh có thể "tán đổ" được ông ấy không?
Thật may, tôi đã từng đọc nhiều sách vở về kiến trúc làng Việt cổ. Lại có "nội gián" cực dễ thương này, tôi lấy lại tự tin. Dưới ánh trăng đầu tháng đang lặng lẽ phủ lên thành lũy làng quê một vẻ dịu dàng, bên ấm trà mạn hương ngâu đậm đà của chủ nhà, tôi say sưa nói về những ngôi nhà có bậc cửa gỗ. Chủ nhà không ngắt lời, ông đợi tôi kết thúc câu chuyện rồi mới chậm rãi:
- Bây giờ tôi đưa cậu sang nhà ông trưởng tộc Trần. Ông ấy quan tâm đến phương án cụ thể của huyện và cả bên các cậu nữa…
*
Chiếc xe khách bon bon trên con đường mới. Lướt bên ngoài khung cửa là bạt ngàn lúa chín. Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ bế đứa con nhỏ. Ðứa trẻ ngủ ngon lành trong lòng chị. "Chú thấy đường sá quê tôi tuyệt vời không? Ðẹp không kém gì đường thành phố. Chỉ cách đây mấy tháng, đi lại còn khổ ơi là khổ!" Một cậu sinh viên gọi với lên đầu xe: "Bác tài ơi, cho xin mấy trăm nhạc!", "Ok. Nhạc đám cưới cho rạo rực nhé!". Tiếng hát vang lên rộn ràng, tôi nhẩm hát theo lúc nào không hay. "Mùa xuân này anh sẽ cưới em, trong ngày vui áo em màu hồng. Mùa hy vọng tô thắm áo anh, mang tình yêu nở trên đồng lúa…".
Kết Thúc (END) |
|
|