Sống bằng ký ức.
Hội chứng sống bằng thời gian đã qua dường như chưa hề xuất hiện trong y văn thế giới. Miên là bác sĩ lại là bệnh nhân đầu tiên. Cả bệnh viện xôn xao, kẻ tò mò, người thương cảm lo lắng.
Cũng trong thời gian ấy, bệnh viện ồn ào vì có một bệnh nhân rất đặc biệt. Cậu ta tên là Hoàng, một nhà báo còn rất trẻ, nhưng chưa bao giờ ngủ, không bao giờ ngủ. Ông bố vốn là một cựu chiến binh rất thương con, lo lắng bệnh tật sẽ cướp đi đứa con trai độc nhất. Ông đưa con lên bệnh viện cùng đống bản thảo viết tay chi chít chữ là chữ. Ông phân bua với bác sĩ: Cũng tại tôi..., tại tôi. Tôi cứ đem những câu chuyện chiến tranh kể cho thằng bé nghe từ nhỏ. Khổ thân. Mọi người đồ rằng chàng trai ngộ chữ và bị con chữ hành hạ đến mất ngủ năm này qua tháng khác. Nhưng, chàng trai trẻ thì luôn khẳng định mình hoàn toàn không bệnh tật và luôn khó chịu bởi người khác quá quan tâm, chăm sóc đến mình. Chàng ta nói rằng, mình đang làm một sứ mệnh lịch sử trọng đại là viết một tác phẩm để đời cho dân tộc và nhân loại đọc. Vào bệnh viện, nhà báo trẻ như được bay đến một vùng hiện thực mới rất lạ lẫm. Ngoài giờ điều trị căn bệnh mất ngủ, anh thường xuyên lai vãng đến Khoa Thần kinh - Tâm thần sau đó là Khoa Chấn thương Chỉnh hình. Dĩ nhiên, Khoa Phụ sản cũng là một nơi Hoàng không bỏ qua với những hài nhi dị dạng mà người ta đồ rằng nó là hậu quả của chất độc da cam từ nhiều năm trước.
* * *
Tình cờ, Hoàng gặp Miên sau khi chị vừa xử lý một ca đẻ khó. Hài nhi với cái đầu bóng nước chỉ có một mắt, và không có chân; bị chết không lâu sau khi sinh. Gặp Hoàng, chị ngỡ ngàng bắt gặp những nét gần gũi như thể quen thân từ kiếp trước. Chị không cắt nghĩa được mình đã gặp chàng trai này ở đâu và quen thân trong trường hợp nào, đến mức chị nghi ngờ cả trí nhớ của mình. Miên cố trấn tĩnh, hỏi chàng trai đang ngồi trước mặt mình:
- Tôi có thể giúp gì được cho nhà báo trẻ đây?
- Chả là thế này: Hoàng đang viết dở tập phóng sự thời hậu chiến, bắt đầu từ những người lính đi qua chiến tranh và hậu quả ghê sợ của nó. Chị Miên có thể kể cho Hoàng nghe cảm giác, tâm trạng của mình khi hàng đêm thao thức, đón những hài nhi nửa người nửa quái? Ngập tràn nỗi ám ảnh sợ hãi, hay thương cảm một sinh linh không được làm người?
- Tôi không sợ hãi nữa. Tự tay tôi đỡ những quái thai này nhiều đến mức không còn biết sợ là gì nữa; và cũng không còn cảm thương. Chai lì rồi. Người ta chỉ có thể thương cảm một ai đấy khi mới chứng kiến sự bất hạnh của họ. Thời gian sẽ lấy đi tình thương và làm cho cái cây vô cảm có đất để sống.
- Chả lẽ chị không còn xót đau?
- Tôi nói lại, tôi đã lì chai rồi. Con người ta luôn phải thích nghi để sống. Tôi luôn tập quên đi các hình ảnh dị dạng ở phòng đẻ, tôi để các hình ảnh ấy ở lại nơi hành nghề, trước khi về nhà mình. Và tôi đã làm được điều này: cái cần quên thì tôi lại nhớ và cái cần nhớ thì tôi lại cứ hay quên. Nhưng, những tháng ngày xưa ở chiến trường thì chưa bao giờ quên được, cứ ám ảnh đeo bám tôi đến phát ốm.
- Xin chị thử thí dụ?
- Chẳng hạn hình ảnh căn lán bên dòng suối không tên tanh tưởi mùi máu từ miệng vết thương thương binh. Những màn sương trắng đục khi máy bay Mỹ bay qua và sau đó là những cánh rừng trụi lá. Tôi nhớ thương những người cùng thời với tôi. Lúc ra đi tuổi trẻ tươi xanh, đầy căng sức sống; còn bây giờ da nhẽo nhèo, hết sinh khí như cây khô khẳng khiu, trợ trọi giữa cánh đồng cuộc đời.
- Vâng! Tôi hiểu rồi. Chị là một người đàn bà đã đi qua chiến tranh nhưng vẫn chưa thoát khỏi chiến tranh.
- …
Nói chuyện, Miên cảm thấy Hoàng thật dễ thương, có những điều chàng nhà báo hiểu biết cặn kẽ, am tường và sinh động như một người lính đã từng cầm súng ở chiến trường. Chị còn nói với Hoàng là chị thường xuyên mất ngủ. Hoàng mừng rỡ như bắt được vàng ròng, anh nhà báo trẻ bảo, vô tình gặp Miên cũng có nghĩa là đã bắt gặp được nhân vật rồi, quý giá như nhặt được vàng.
* * *
Trầm cảm. Lặng lẽ. Triền miên mất ngủ, Miên luôn bị những hình ảnh quá khứ ám ảnh, giày vò. Mộng mị. Ngẩn ngơ. Suốt ngày âm thầm. Mặt mũi hốc hác. Bơ phờ vì thường xuyên mất ngủ. Chị sống với những ngày đã qua hơn là hiện tại.
Cứ mỗi khi đêm về, chị lại phiêu linh vào một thế giới mộng mị không có thật như hiện tại chỉ mình chị biết. Người ta mơ hồ phát hiện ra bệnh của Miên khi thấy chị ngày càng hay dùng các cụm từ “ngày xưa”, “thời ấy”, “dạo đó”… Nhưng, Miên không ý thức được điều ấy. Rời viện, chị như sống một cuộc đời khác.
Anh Trưởng khoa Phụ sản bảo:
- Cái cô này hay thật! Cứ như người ngẩn ngơ! Sao trầm ngâm thế?
Cô y tá hành chính nói:
- Quả có thật. Chị Miên! Chị ngẩn ngơ thế? Cứ như người tâm thần.
Miên giật mình, ký ức miên man trôi cùng sông Thạch Hãn thuở nào bị đứt đoạn. Chị phân bua:
- Không! Tôi vẫn bình thường.
- Bình thường? Bọn tôi đã quá khổ với cái bình thường của chị rồi đấy.
Anh trưởng khoa xua tay:
- Cô đừng nói thế phải tội. Người ta đi chiến trường, cả đời con gái gửi lại trong đó…
Miên dường như không nghe thủng câu chuyện họ nói với nhau. Chị lại mải theo đuổi những hình ảnh đang lật đi lật lại trong óc. Trong lúc chưa có ca đẻ nào, Miên lôi tập sách của Hoàng đang viết dở nhờ chị xem giúp ra đọc tiếp. Câu chuyện kỳ ảo ma mị, thực hư lẫn lộn, cuốn hút chị ngay từ những dòng đầu. Phóng sự không phải, mà ghi chép cũng không. Một câu chuyện về chiến tranh chứ không phải chiến đấu. Hoàng nghe kể, rồi chép lại, chép trong lúc phiêu du mộng mị. Đột nhiên, Miên thấy mình và nhân vật là một. Giống y chang. Miên không thể ngồi được nữa. Chị cầm quyển vở chép tay chi chít chữ và cả nét gạch xóa, vừa đi lại trong phòng trực vừa đọc. Nhân vật của nhà báo Hoàng cũng tên là Miên. Thì ra, đoạn này Miên đã kể cho Hoàng nghe.
* * *
... Miên cầm cái võng dù hai lớp đã bạc mầu bước từ trong nhà ra.
Tiếng sáo mơ hồ văng vẳng từ đâu đó kéo Miên vào đêm trăng. Những đêm trăng chị vẫn thích mắc võng lên hai cây cau, nằm đón gió. Miên bắt gặp không gian một mầu xám bạc chưa bao giờ nhìn thấy trong đời. Hàng cau gầy khẳng khiu. Cây bưởi không lá. Vườn cây cũng không lá. Như thế giới của người âm mà Miên vẫn hình dung qua các câu chuyện ma từ lời kể của mẹ. Chị trố mắt ngạc nhiên. Ba-lô. Mũ tai bèo. Súng AK47… Giá súng chụm vào nhau sắp thành hàng chỉnh tề. Cứ y như bộ đội nghỉ giải lao mà vẫn trong đội ngũ. Chị len chân bước ra ngoài để khỏi chạm vấp vào ba-lô, súng ống của họ. Nút buộc cuối xong thì vườn nhà chị loáng thoáng nhiều bóng người mặc áo xanh lá cây. Không, không phải áo xanh lá cây mà mầu đen trắng mờ nhòe như hình trong phim âm bản…
Miên hồ nghi quá. Thế này là thế nào nhỉ? Sao các chiến binh tụ tập ở sân nhà mình nhiều thế? Miên đi vòng quanh sân. Những bóng người mặc quân phục cũng xoay theo, đưa mắt nhìn Miên. Lúc này, huệ nhãn Miên thấu rõ những bóng hình kỳ lạ. Những thương binh. Những cô gái mắt mở to bay lơ lửng trên không trung. Cũng nhiều người ngồi đung đưa trên cánh võng, nhoẻn miệng cười thân thiện, làm quen. Y như một bãi khách dừng chân của một binh trạm nào đó ở Trường Sơn.
- Chị ngạc nhiên lắm phải không?
- Vâng! Tôi không biết các anh chị là ai.
- Chị biết. Chúng ta là đồng đội mà. Chỉ có điều lâu quá rồi chị đã quên chúng tôi. Sao người đời chóng quên thế nhỉ?
- Tôi cũng một thời mang quân phục thế này. Nhưng, đất nước mình có biết bao nhiêu người mang sắc phục nhà binh. Có lẽ nào tôi đã gặp các anh chị? Hay chúng ta đã gặp nhau ở một chặng dừng chân nào đó trên đường hành quân vào chiến trường phía nam?
- Nếu chỉ thoáng chốc sáp mặt gần lòng như thế thì chúng tôi chẳng phải nhọc công đi tìm chị đâu. Chúng tôi nằm ở rừng lâu quá rồi. Miên! Xin chị đưa chúng tôi về.
Miên bảo:
- Tôi làm sao đưa các anh chị về được? Sẽ có các đội quy tập mộ liệt sĩ đưa các anh chị về.
Đám bóng người ồn ào hẳn lên.
- Làm sao họ biết anh em chúng tôi ở đâu mà đưa về?
Tiếng trách móc khiến Miên ân hận bởi sự nông nổi, lỡ lời. Chị định nói một lời xin lỗi thì bóng một anh lính trẻ măng chen lên trước mặt Miên. Anh lính tóc húi cua gãi gãi tai, vẻ ngượng ngùng, ấp úng:
- Chị đã bắt gặp anh Bệnh xá trưởng và bọn tôi nhòm trộm các lính gái này tắm ở suối mà.
- Ồ…
Có một tia chớp lóe nhằng trong đầu Miên. Cái bến tắm của một thời xa lắc bỗng chốc hiện về lung linh, sống động y như đang diễn ra trước mắt chị. Thực ra thì Miên biết thừa những ánh mắt con trai nhìn qua kẽ lá từ lâu. Kệ. Mặc kệ. Cứ để thân thể tự nhiên dưới nước suối trong, và núi đồi hoang vu. Cứ để kệ những ánh mắt thèm khát tò mò khác giới. Miên là bác sĩ, chị biết mình cần phải hành động thế nào. Chiến tranh bom đạn mù trời. Ngày mai, sống chết nào ai biết được.
Khi đó, bỗng dưng Miên vô tình gạt tay làm cành lá cây xào xạc, đến nỗi anh Bệnh xá trưởng tên là Lãng giật mình làm gãy cả một cành cây. Lãng với tay gượng dậy, ngượng chín mặt.
- Là anh à, anh Lãng?
- Vâng!
Lãng phản ứng tự vệ rất nhanh như bị bắt quả tang làm điều xấu. Bản lĩnh người đàn ông từng trải, Lãng xử lý tình huống bẽ bàng của mình thành hành động nghiêm khắc, đầy trách nhiệm của người chỉ huy:
- Vâng! Tôi sẽ không để đám lính trẻ này làm các cô gái mang tiếng. Cô xem kìa, về đến đây rồi mà không đưa thương binh nhập viện, để anh em nằm chịu đau dưới gốc cây thế đấy.
Nói với Miên xong, anh ta quay ra quát đám lính trẻ:
- Nghiêm! Tất cả đứng dậy.
Giật thót mình! Mười chàng lính trẻ lóc nhóc từ trong bụi rậm chui ra. Mặt non choẹt, lông măng tơ mờ hai mép. Ngượng ngùng. E thẹn. Miên nhìn thấy họ rõ mồn một qua trảng trống nhỏ.
Bên suối, Miên và các cô gái đang khỏa thân hốt hoảng nhảy tòm xuống nước. Có nàng đang đứng nhô ngực, vai trần cũng kịp ngụp sâu xuống. Không còn cảnh mười cô gái và Miên khỏa trần, người ngồi trên mỏm đá, kẻ duỗi hai đùi non trắng nõn với đôi chân thẳng tắp, hai tay gối đầu nhìn mây bay thanh thản trên trời xanh, hoặc đứng trần vai kỳ cọ cho nhau nữa.
- Ông là thằng đếch nào mà cắt ngang chúng tôi.
Miên nghe rõ tiếng người lính tóc húi cua ngang ngạnh hỏi. Một người lính khác lên cò súng AK.
- Rồi anh sẽ biết! Một hàng ngang. Tập hợp.
Vẫn chưa có người lính nào nhúc nhích, rõ ràng thái độ người lính tóc húi cua đã trì hoãn sự chấp hành của họ. Mặt Lãng đỏ bừng, một bên mắt giật giật. Chưa khi nào, Miên thấy anh Bệnh xá trưởng tức giận như thế.
- Tôi là sĩ quan, Bệnh xá trưởng bệnh xá dã chiến. Các anh tải thương binh về đây, có nghĩa là các anh chịu sự chỉ huy của bệnh xá. Ai dám chống lệnh?
Đám lính trẻ chùng xuống, gương mặt hết ngang bướng. Bước chân họ vội vã chạy đến bên người chỉ huy, dù không muốn mà phải gặp trong bất ngờ. Khi ấy, Miên nhìn thấy chàng nào cũng lấm lét như ăn vụng bị bắt quả tang, như kẻ vừa phạm tội, chỉ trừ anh lính tóc húi cua cứ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
- Nhìn bên pha…ải... thẳng.
Mười cái mặt đồng loạt đánh sang phải, lấy khuy áo ngực trên cùng của đồng đội chỉnh thành một hàng thẳng tắp.
Lãng bắt đầu tra vấn:
- Các đồng chí có biết mình vừa phạm tội gì không?
Im lặng.
Lãng cau mày, hỏi:
- Vừa phạm tội gì? Tại sao tôi hỏi không ai trả lời?
Đám lính trẻ vẫn im lặng. Lãng bắt đầu nổi nóng:
- Đồng chí số 1 tính từ bên phải, trả lời tôi!
- Thưa thủ trưởng! Chúng tôi không hề phạm tội gì.
- Được. Đồng chí tiếp theo.
- Tôi cũng thấy mình không hề tội lỗi.
Lạnh lùng, Bệnh xá trưởng có vẻ hơi bỡn cợt:
- Kiêu hãnh quá.
Lãng lần lượt ra mệnh lệnh cho từng người nhận lỗi. Nhưng, họ đã không biết mình phạm tội gì, hoặc cố tình phủ nhận hành động xem nữ quân nhân tắm là phạm lỗi.
- Đồng chí cuối cùng. Tên đồng chí là gì?
Mặt anh chàng tóc húi cua vẫn lạnh băng. Một anh chàng bên cạnh nhanh nhảu nói:
- Thưa chỉ huy! Anh ấy tên là An - sinh viên sử đại học Tổng hợp đấy ạ!
Lãng lấy lại bình tĩnh, anh điềm đạm hỏi:
- Nhà sử học tương lai, chắc cũng không phạm tội gì?
An bước lên một bước. Cái đầu húi cua ngẩng cao, kiêu hãnh:
- Tôi cũng như mọi người, tôi thấy mình không hề có tội. Thưa đồng chí Bệnh xá trưởng. Dù đội tải thương không thuộc quyền chỉ huy của bệnh xá, nhưng quân đội ta mạnh ở tính kỷ luật, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, nên chúng tôi mới đứng thành hàng ngang thế nầy. Nói như vậy để đồng chí hiểu chúng tôi là những người lính tử tế, nghiêm trang.
- Đồng chí cứ nói - Lãng có vẻ nhã nhặn.
- Con gái là nửa thế giới, là cái đẹp. Bao nhiêu kiệt tác văn chương, hội họa nổi tiếng thời Phục hưng đều lấy cảm hứng nghệ thuật từ thân thể người con gái. Chúng tôi không làm gì nên tội, ngoài việc kín đáo, lặng lẽ chiêm ngắm những đường cong tuyệt mỹ mà không làm kinh động đến họ…
Nhà sử học tương lai thao thao nói về cái đẹp. Rồi Lãng ngắt lời, Lãng nói đến nghĩa vụ quân nhân, đến tính kỷ luật chiến trường, đến nếp sống truyền thống người Việt Nam… Miên nghe mà mệt cả hai tai, xen vào cắt lời Lãng mấy lần, nhưng không ngăn được cơn hăng diễn thuyết đạo lý truyền thống và kỷ luật.
Đám con gái khỏa thân dưới suối cũng nghe rõ mồn một. Hết thẹn thùng, ngượng ngập. Lòng kiêu hãnh như thể nhu cầu tự thân chia sẻ phô phang vẻ đẹp kiều diễm được đánh thức, và họ cũng nhận ra nhu cầu chiêm ngắm của người khác giới trong hoàn cảnh này là chính đáng.
- Giải tán đi cho chúng tôi lên bờ.
- Giải tán cho chúng tôi mặc quần áo.
Nhấp nhổm. Nhô lên. Lại ngụp xuống. Những bộ ngực trần con gái dìm ngập sâu dưới làn nước trong vắt vẫn loang loáng trắng nõn nà.
Nhân danh Bệnh xá trưởng, Lãng tức giận, một phần cũng lấy le, ra oai với các người đẹp dưới suối, bèn ra lệnh mười anh lính trẻ chạy vòng quanh quả đồi trước mặt một vòng. Chạy thì chạy. Đám lính trẻ bấm bụng cười, phi nước đại. Khi họ đã chạy sang bên kia quả đồi, nhưng Bệnh xá trưởng vẫn không chịu đi chỗ khác cho các cô gái lên bờ mặc quần áo…
Các cô gái và Miên chứng kiến tất cả. Lúc ấy, lòng tự trọng nữ giới khiến chị điềm nhiên bước lên bờ. Nước chảy theo đường cong cơ thể, nước ngấm cùng mỗi bước chân Miên. Các chàng lính trẻ vừa chạy hết một vòng về đến đó hổn hển thở. Chị vẫn điềm nhiên khỏa thân, bình thản mặc áo quần trước con mắt kinh ngạc của viên sĩ quan chỉ huy và những người lính trẻ.
Ngay sau đó thì… bom rơi.
* * *
- Ôi trời ơi! Được rồi! Chị Miên ơi là chị Miên! Tỉnh táo lại rồi mà đi mổ.
Cô y tá và người đàn ông lạ kéo Miên ngồi phịch xuống ghế. Miên vẫn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê:
- Ừ…Ừ… thì lúc nào mà chả… tỉnh táo.
- Tỉnh táo mà lại ra vườn cây bệnh viện mắc võng! Tôi mệt với bà chị lắm rồi.
Miên ngơ ngác:
- Chả lẽ?
- Chứ không à? Em lại cứ tưởng chị đi báo trực. Tìm mãi.
Miên cau mày, gương mặt nhăn nhó, cố nghĩ:
- Không! Rõ ràng là chị đang đọc sách, sách viết về chiến tranh. Chị đọc đến đoạn nhân vật Miên cầm võng đi ra vườn nhà mình thấy rất nhiều ba-lô, súng AK 47, mũ tai bèo, dép đúc. Có cơ man là lính trai gái trẻ về nói chuyện với chị mà…
Nét mặt cô y tá lộ rõ vẻ thất vọng, trong lòng chứa chất đầy bực bội, nghĩ vừa thương vừa giận Miên: Rõ ràng bà chị Miên này vẫn thường ra mắc võng ở hai cây cau cảnh trong vườn thuốc đông y đến mức chỗ buộc mòn nhẵn.
- Có anh làm chứng nhé - Cô y tá nói với người đàn ông trông vườn thuốc: Tôi còn tháo võng và nhờ anh kéo chị Miên đi ù ù về khoa Phụ sản này nhá.
- Chả nhẽ… Chả nhẽ… Cô nói đùa trêu chọc tôi. Tôi không thể tin được. Thế còn anh chàng nhà báo tên Hoàng tôi vừa gặp ở đâu?
Dường như cô y tá đã bắt gặp những tình huống tương tự, lắc đầu ngao ngán rồi gắt ầm lên:
- Cậu ta đang ngồi trên ghế đá vườn hoa bệnh viện hí hoáy viết dưới đèn kìa. Chị là người đời! Suốt ngày mộng với mị. Có ca đẻ ngôi ngược, chị không về phẫu thuật thì… chết cả mẹ lẫn con đấy.
Cô y tá trực ấn vào tay Miên cái áo bờ-lu. Miên chợt bừng tỉnh. Có thể những trang sách ma mị của anh nhà báo trẻ ám ảnh chị. Cũng có khi là hội chứng bệnh lý sống bằng ký ức. Mắt Miên mờ nhòa. Chị lại thấy hình ảnh anh nhà báo trẻ thức đêm trong bệnh viện và ngồi còng lưng viết. Viết về thời gian đã qua.
Kết Thúc (END) |
|
|