Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Khởi \"Khùng\" Tác Giả: Nguyễn Trần Bé    
    Ngồi nhìn du khách kéo đến Nậm Mon chiêm ngưỡng, chụp ảnh ruộng bậc thang, thăm những cây chè cổ thụ, lội suối ngắm thác, leo núi, xem rừng…, đến khi mặt trời xuống núi họ trở về các homestay trong thôn nghỉ ngơi, nấu nướng, tắm lá thuốc của dân tộc Dao, ông Mềnh vui lắm.
    Vui vì nhờ làm du lịch sinh thái mà thôn Nậm Mon của ông trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, thu nhập và đời sống của người Dao quê ông đã được nâng lên rất nhiều. Vui hơn nữa là những hộ gia đình trong thôn cùng làm homestay đã góp cổ phần và đồng tâm hợp lực thành lập Hợp tác xã du lịch sinh thái Nậm Mon, bầu thằng Khởi, con trai ông làm Giám đốc hợp tác xã. Cũng từ đó bà con trong thôn gọi Khởi với cái tên trìu mến là "Khởi Homestay", "Khởi giám đốc" thay cho cái tên Khởi "khùng" trước đó. Trong niềm vui ấy, ông Mềnh nhớ lại…
    Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Khởi về nhà chưa được một tuần ông đã giục nó lấy vợ. Nó giãy nảy, bảo chưa có người yêu. Ông lừ mắt, chưa có rồi sẽ có. Lúc mày đi bộ đội ở nhà tao và mẹ mày đã chấm cho mày một đứa con gái tốt để làm vợ rồi. Nó bảo, ngày nay lấy vợ là phải tự tìm hiểu, phải yêu mới lấy chứ không như ngày xưa để bố mẹ và bà mối đi hỏi; vả lại con còn trẻ, chưa muốn lấy vợ, phải tập trung vào làm kinh tế đã. Ông bực, trẻ gì, hồi bằng tuổi mày tao đã có hai đứa con rồi đấy, đừng có cãi!
    Vài hôm sau, Khởi xin bố mẹ cho nó bán một con trâu, lấy tiền mua xe máy để đi các bản tìm gái ưng ý về làm vợ. Ông đồng ý liền. Bán trâu xong, lấy cớ ra phố huyện mua xe máy, Khởi khoác ba-lô đi biệt tăm. Trước khi đi, Khởi nói với cái Phấy, em gái nó:
    - Năm nay thi tốt nghiệp cấp ba xong, em làm hồ sơ xét tuyển vào Trường cao đẳng Du lịch nhá. Học trường ấy sau này dễ xin việc làm!
    Thấy anh trai ra phố huyện mua xe máy mà dặn dò như thể đi xa, Phấy sinh nghi, liền hỏi kiểu thăm dò:
    - Anh mua xe xong đi tìm vợ luôn à? Sao dặn em kỹ thế?
    Khởi cười cười, nói vui với em gái:
    - Anh về nơi đơn vị cũ đóng quân để gặp lại người yêu. Hồi ở bộ đội anh đã trót yêu cô ấy rồi. Lâu không gặp nhỡ cô ấy đi lấy chồng thì anh ế vợ!
    Tuy không tin lắm, nhưng Phấy cũng thôi không gặng hỏi anh trai nữa. Nó chỉ kịp dặn, anh đi cẩn thận nhá!
    Chiều hôm ấy, ông Mềnh hết đi ra lại đi vào, dáng vẻ rất bực tức. Chợt ông hét lên với vợ:
    - Lúc thằng Khởi đi có nói gì với bà không?
    - Nó bảo ra phố huyện mua xe máy mà.
    Ông Mềnh giơ tờ giấy trước mặt vợ, hét tiếp:
    - Nó đánh lừa tôi và bà đấy. Thư nó viết để lại đây này. Nó bảo đi học cách làm ăn mới ở nơi xa. Khi nào học được sẽ về quê lấy vợ, mở nghề làm ăn. Nó còn bảo, cách làm ăn hiện giờ ở quê không thể thoát được nghèo, phải tìm ra cách làm ăn mới! Chả biết nó đi bộ đội học được những cái gì mà đã vội dạy khôn thế chứ? Việc quan trọng nhất bây giờ là lấy vợ thì nó lại không làm!
    Bà Mềnh nhỏ nhẹ nói với chồng:
    - Bố Khởi à, đừng giận con nữa! Nó đi học cách làm ăn chứ có làm điều gì xấu đâu mà ông tức nó? Mà ông cũng đừng ép con lấy vợ nữa. Nó còn trẻ mà!
    - Tôi muốn nó cưới vợ để giữ chân nó ở nhà. Bà không thấy sao, bây giờ rất nhiều đứa cỡ tuổi nó mà chưa lấy vợ, lấy chồng đều kéo nhau đi làm ăn xa. Nhà mình có mỗi nó là con trai, bà muốn nó đi nốt à?
    Ðúng lúc đó Khởi điện về cho Phấy. Nó bảo đang ở thị trấn Sa Pa,
    nhận làm nhân viên cho một nhà nghỉ homestay, tuy chưa được trả lương, nhưng chủ nhà cho ở và nuôi ăn không mất tiền. Rồi Khởi hỏi em gái, bố mẹ có khỏe không? Có cãi nhau không? Em ôn thi ra sao? Cuối cùng nó bảo, em nói với bố mẹ hộ anh, là cứ yên tâm, anh đi học nghề một thời gian rồi sẽ về lấy vợ, mở nghề mới.
    Ông Mềnh chưa kịp biết Sa Pa ở đâu thì Khởi đã chuyển sang huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái, rồi vòng về huyện Kim Bôi, Hòa Bình. Nó gọi về cho Phấy, nói là phải đi nhiều nơi, học tập nhiều kinh nghiệm khác nhau để biết được nhiều, sau này dễ lựa chọn cách làm phù hợp. Khi Phấy gọi điện báo tin vui đỗ vào Trường cao đẳng Du lịch thì Khởi đã có mặt ở cao nguyên đá Ðồng Văn. Cậu chúc mừng em, rồi dặn, em phải cố gắng học thật tốt, tranh thủ học thêm ngoại ngữ, ít nữa về làm với anh.
    Thoắt cái đã hai năm. Khởi phóng xe máy về nhà đúng vào dịp Phấy nghỉ hè. Hai anh em Khởi suốt ngày bìu ríu bên nhau, cùng đi chụp ảnh, xem suối, xem thác nước, xem ruộng bậc thang, xem cây chè cổ thụ, xem rừng… rồi về bàn luận đến tận khuya.
    Hết nghỉ hè, trước khi trở lại trường, Phấy nói với bố mẹ, là sắp tới anh Khởi sẽ bàn cách làm ăn mới, bố mẹ nên ủng hộ anh ấy.
    Mấy hôm sau Khởi nói với bố mẹ dự định làm ăn của mình, trong đó có việc làm một ngôi nhà sàn mới nối liền với khu bếp và nhà vệ sinh kiểu hiện đại. Nghe Khởi trình bày kế hoạch, bố mẹ ngồi im như hai tảng đá. Ðến lúc Khởi bảo phải bán hết trâu, dê, lợn và thế chấp cả sổ bìa đỏ đất thổ cư để vay ngân hàng lấy tiền đầu tư, thì ông Mềnh đứng phắt dậy, quát to:
    - Không được! Mày muốn làm gì thì làm, nhưng không được bán trâu, dê, không được thế chấp sổ bìa đỏ. Lợn cũng không được bán, phải giữ lại để cưới vợ cho mày. Việc ấy quan trọng hơn!
    Nhận thấy việc này khó đả thông bố mẹ ngay được, Khởi liền chuyển hướng:
    - Vậy thì thôi không bàn chuyện này nữa! Nhưng bố à, sáng mai hai bố con mình lên Ðồng Văn một chuyến nhá. Con muốn dẫn bố đi thăm Cột cờ Lũng Cú, nhân thể thăm nhà người yêu con để bố biết mặt con dâu tương lai.
    Thấy ông Mềnh còn nghĩ ngợi, bà Mềnh giục:
    - Con nó nói phải đấy. Bố Khởi nên đi lên đó một chuyến xem thế nào. Cứ ở nhà mãi thì mắt nhìn không qua được ngọn núi đâu!
    Ông Mềnh có vẻ xuôi tai, hỏi Khởi đi bằng gì? Nó bảo, đi xe khách, tới phố huyện thì thuê xe máy đi các nơi. Ông bĩu môi, ai dại gì mà cho mình thuê xe máy, được vài trăm bạc chả bõ hỏng xe. Biết đâu có người thuê xong mang đi luôn thì mất cả xe! Khởi bảo, bố chưa đi đâu nên chưa biết, bây giờ làm du lịch có nhiều cái lạ lắm. Người ta có đủ mọi thứ phục vụ du khách để kiếm tiền, bố ạ.
    Khi xe khách tới thị trấn Ðồng Văn thì trời đã nhá nhem tối. Khởi dẫn bố vào một ngôi nhà sàn nghỉ trọ qua đêm. Anh đặt phòng, bảo chủ nhà nấu cơm cho ăn cùng gia đình bữa tối, rồi nhờ cậu chủ thuê cho chiếc xe máy để mai đi thăm Cột cờ. Hôm nay, ngoài hai bố con Khởi, còn có hơn chục khách đến trọ. Khách nghỉ được chủ nhà bố trí ở các phòng ngủ có rèm che, đệm mút, chăn ấm, gối bông đặt ngay trên sàn nhà. Dưới gầm sàn có hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm kiểu tây, rất sạch sẽ. Có cả nhà bếp, nhà ăn phục vụ khách. Khách có thể đặt cơm gia đình nấu, cũng có thể mua đồ về tự nấu ăn.
    Tắm xong, ông Mềnh hỏi Khởi:
    - Nhà nghỉ kiểu này gọi là nhà gì hả con?
    - Là nhà homestay, bố ạ.
    - Hôm-sờ-tây nghĩa là gì?
    - Là loại nhà nghỉ cộng đồng. Khách đến trọ có thể ở chung và sinh hoạt như người trong gia đình. Giá cả của loại nhà nghỉ này khá rẻ nên thu hút được nhiều khách trọ. Những ngày đông khách, nhà nào rộng có thể kiếm được cả đôi triệu đấy, bố ạ.
    - Ối dồi, được nhiều tiền thế cơ à!
    Khởi chớp lấy thời cơ, nói với bố:
    - Vâng, nhiều đấy bố ạ. Cái kế hoạch làm nhà mới mà con nói với bố mẹ mấy hôm trước cũng chính là theo hướng này đấy ạ.
    Sau phút đắn đo, ông Mềnh gật gù:
    - Ừ, làm nhà mới cũng được. Nhưng làm vừa phải thôi. Xem lại các cột cũ, cái nào còn tốt thì tận dụng. Giờ kiếm gỗ khó lắm, tiền đâu mà mua toàn cột mới!
    Khởi thấy chiều hướng tốt, vội nói:
    - Theo con, mình làm nhà mới to to một chút thì sẽ được một công đôi việc. Tức là vừa ở, vừa đón khách du lịch để thu tiền. Con tính sẽ đổ cột bê-tông cốt sắt, rồi sơn giả gỗ. Kiểu nhà này nhiều nơi họ đã làm rồi. Cũng không đắt lắm đâu, chỉ hết khoảng vài trăm triệu đồng thôi, bố ạ.
    - Nhưng làm xong liệu có khách đến trọ không?
    - Có chứ bố. Nhà mình nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh. Sắp tới tỉnh, huyện và cả các công ty du lịch lớn trong nước sẽ tập trung đầu tư vào đây. Bây giờ nhà mình đi trước một bước, con nghĩ nhất định sẽ thành công. Mấy năm vừa rồi con đã đi học tập cách làm du lịch ở nhiều nơi, học cả tiếng Anh để giao dịch với khách Tây. Sang năm em Phấy học xong nó sẽ về làm cùng con.
    Nghe Khởi nói, ông Mềnh vui lắm. Bất chợt ông hỏi, nhà người yêu con ở chỗ nào? Khởi gãi đầu thú nhận, thực ra con chưa có người yêu, là con nói dối nhằm kéo bố lên đây để được trải nghiệm nhà homestay và cách kinh doanh du lịch cộng đồng. Phải nhìn thấy tận mắt thì bố mới tin và ủng hộ con. Vài năm nữa con lấy vợ cũng chưa muộn mà bố.
    Ông Mềnh lắc đầu, bảo, mày đúng là thằng khùng, dám lừa cả bố!
    Vợ Khởi cho cu Ken bú xong, bế ra với ông nội. Thấy bố chồng ngồi cười mủm mỉm, khẽ hỏi:
    - Ông nội Ken có gì vui mà cười một mình thế ạ?
    - À, à... Ông đang nhớ lại cái ngày bố Ken không chịu lấy vợ, cứ đòi làm nhà homestay. Thế mà đã bốn năm rồi, nhanh thật!
    Vợ Khởi nói với bố chồng như một lời tâm sự:
    - Con còn nhớ, hồi bố Ken làm nhà homestay, bà con ai cũng bảo là khùng, rồi từ đó mọi người gọi anh ấy là Khởi "khùng". Khi con nhận lời lấy anh ấy, bố mẹ con cũng ngăn cản ghê lắm. Mẹ con bảo: "Thiếu gì con trai mà lại đi lấy cái thằng khùng ấy?" Nhưng con tin và yêu nên vẫn lấy anh ấy. Nhờ vậy mà bây giờ mới có cu Ken này đấy, ông nội ạ!
    Ông Mềnh nhìn đứa con dâu nết na, xinh đẹp, gật đầu cười mãn nguyện. Ðoạn ông với tay về phía cu Ken, đứa cháu nội một tuổi, nhẹ nhàng gọi:
    - Ken ơi! Lại đây với ông nội nào!

Kết Thúc (END)
Nguyễn Trần Bé
» Bẫy Cò
» Khởi Khùng
» Khởi \"Khùng\"
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò