Lần này thì không phải là mẹ mà là dì Tư điện cho tôi: “Tụi bay về đi, mẹ ốm”. Hỏi thì dì ừ hữ nói thực ra mẹ mệt sơ sơ thôi, nhưng tốt nhất tụi bây về cho bà lên trên đó khám rồi nghỉ ngơi vài hôm... Tôi điện ngay cho anh Hai, anh Hai gọi anh Ba. Mấy anh em thở dài, đoán chắc ở nhà có chuyện.
Xin nghỉ. Tôi về. Mỗi lần về quê là lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ. Sắp xếp việc chung, việc riêng chứ đâu dễ gì. Sát đến giờ tàu chạy thì tôi thấy chồng điện, anh sẽ đi cùng. Có lẽ anh thấy có gì đó không yên tâm. Ừ thì về, cả đôi.
Mẹ thấy tôi về ngạc nhiên lắm. Mà tôi cũng ngạc nhiên nữa kìa. Rõ dì bảo mẹ ốm mà giờ mẹ lại đang lúi húi ngoài vườn. Mắt mẹ sáng rỡ lên nhưng liền đó lại ngân ngấn nước.
Xứ đang vào mùa mưa. Đất ẩm ẩm nhão nhoét. Nước lúc nào cũng chực chờ nối nhau mà xối xuống. Có khi nước trút ào ào như giận dữ. Những khi ấy nhìn mưa mà não ruột. Đàn bà biết làm gì ngoài nhìn nhau rồi nhìn mưa. Đàn ông thì gầy bàn nhậu. Trời, nhậu huyên thuyên cả tối mà mưa không dừng. Làm ăn được gì với mưa đâu. Đám thanh niên hầu hết đã rời xứ lên thành phố. Làm công nhân, đi chạy bàn, vài đứa đi học. Gì cũng được, miễn là đi. Có đứa khi đi, chỉ là để cho oách với người đời: Tao làm trên phố. Vậy thôi. Mỗi tháng, tiền có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Lương không đủ sống lấy đâu gửi về nhà. Tiền ăn, tiền trọ, tiền trang trải đủ thứ... sống ở phố chưa bao giờ là dễ dàng như nhiều người nhìn những hào nhoáng lung linh mà nghĩ. Ruộng rẫy ở nhà dành lại cho ba mẹ, ông bà hết, nhà ai không còn sức làm thì cho thuê, có khi bỏ không. Mỗi người một lựa chọn, biết làm sao. Chỉ biết những người ở nhà thì buồn. Mùa khô, nóng như rang, hơi nóng hầm hập như muốn thiêu đốt mặt người. Đêm, bóng đen buông cũng chẳng dịu được bao nhiêu, ngủ làm sao, nhất là với cái xứ toàn người già. Một manh chiếu trải ra, ấm trà, chai rượu, vài con khô... Câu chuyện rề rà có khi tới tận trăng tàn. Mùa mưa thì buồn thấu ruột. Lại rượu. Rồi khi hơi men ngấm sâu vào từng tế bào cơ thể, có người khật khưỡng về nhà gây nhau với vợ, như ba.
Công việc ruộng rẫy trước kia vất vả, nuôi ba đứa con ăn học nên người ba mẹ tôi không chỉ đổ mồ hôi mà còn cả máu nữa. Nhưng hồi đó, ba hiền khô. Khi ba đứa con đều lựa chọn phố là nơi dừng chân, ba mẹ dừng những công việc nặng nhọc, chỉ loanh quanh với mảnh vườn nhỏ, đàn gà con cho vui vầy thôi. Anh Hai, anh Ba khi ổn định nhà cửa muốn đón ba mẹ ra ở cùng nhưng ba không đồng ý. Nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó cả đời đâu dễ gì nói xa là xa, buông là buông. Nhất là với người già. Từng khoảng vườn, ngọn cỏ, đều chất chứa ký ức, chất chứa những gắn bó sâu nặng ân tình.
“Ba tụi bay giờ uống rượu nhiều lắm”.
Mẹ nói khi tiếng mưa ngoài hiên đã dừng hẳn. Đêm trầm đục trong thứ ánh sáng nhờ nhờ tỏa ra từ bóng đèn ngoài đầu hồi. Mẹ ngưng chút rồi thở hắt ra một hơi, nói tiếp, giọng nặng như đeo đá: “Xong rồi, về ổng quậy”. Tim tôi khẽ nhói lên. Tôi vẫn nhớ thời khó khăn, ba anh em tôi còn nhỏ chưa giúp được gì nhiều, đâu có thấy ba mẹ nặng lời với nhau? Vậy mà giờ có tuổi, công việc đã vãn, thời gian nghỉ ngơi nhiều thì ba lại sinh tật cà kê uống rượu. Mà cứ có men cay vào người là ba nói nhiều vô thiên lủng. Rồi có khi mẹ phản ứng thì căn nhà nhỏ thành ra hai người già gây nhau. Rồi giận dỗi, người bỏ sang hàng xóm anh em, người vào giường nằm nuốt không trôi được cục tức nên dồn thành nước mắt chảy ngược ra. Anh Hai về giải quyết mấy vụ. Vợ anh Ba mới sinh, anh ít về hơn nhưng anh cũng trở thành quan tòa hòa giải không ít lần. Tôi cũng ít về, chỉ được cái điện thường xuyên. Mẹ thủ thỉ với tôi nhiều, đôi khi tiếng được tiếng mất, lẫn vào đó là tiếng khóc nghẹn. Những đứa con ở xa lòng ruột rối cả lên. Nói ba thì ba trách ngược mẹ nói nhiều, càm ràm không mệt mỏi, rồi giờ trở chứng đa nghi, ghen tuông vô lối... Không biết bao nhiêu lần ba anh em hỏi nhau: Giờ làm thế nào? Không ai trả lời được. Biết làm thế nào khi ở tuổi xế chiều ba mẹ bỗng giận lẫy suốt ngày hệt như những đứa trẻ?
Tôi về hồi trưa hôm trước, thì xế bóng chiều hôm sau anh Hai, anh Ba cũng ẵm theo cả gia đình nhỏ về. Ba nhờ dì Tư nấu cỗ tự bao giờ. Mùi thức ăn thơm lừng cả góc xóm, khói bếp từ từ bay lên trong nhịp mưa mới dứt, làm ấm hơn lòng người. Anh Ba làu bàu: “Chỉ là các con về, ba bày chi ra cả chục mâm cỗ vậy trời?”. Tôi và anh Hai cười như mếu. Rõ ràng là về để giải quyết chuyện nhà, mà tự nhiên lại thành cỗ bàn linh đình. Ba mời khắp cô dì chú bác chung quanh... Tiếng cười nói rổn rảng. Tôi bấm anh Ba: “Thôi để ba mẹ vui, mấy khi con cháu về đông đủ thế này, hơn nữa đằng nào chẳng là ăn...”. Ừ, đằng nào chẳng là ăn. Mọi người ngồi vào mâm là mưa lại sập xuống. Tiếng mưa và tiếng người lẫn vào nhau. Ba đi từng mâm một, cái ly nhỏ trên tay ba cầm khư khư như sợ buông lơi ra thì nó rơi mất. Tôi lặng lẽ quan sát ba sau khi trả lời các dì, các thím. Ba gầy đi nhiều, bước chân không còn mạnh mẽ như xưa, và nói, trời ơi đi mâm nào ba cũng nói nhiều kinh khủng. Mà lạ, không phải mình ba tôi nói. Tất những mâm có đàn ông, khi đã uống rượu thì gần như họ tranh nhau nói. Kỳ lạ là mọi người khi ấy, họ nói trong tâm thế câu chuyện của mình là quan trọng nhất, mà không quan trọng có ai đó lắng nghe mình hay không. Tôi thấy anh Hai, anh Ba, cả chồng tôi nữa nhập cuộc rất nhanh... Có lẽ là tại mưa. Mưa thì biết làm gì ngoài nhậu cho đỡ buồn. Chẳng vậy mà, đàn bà xứ này nhiều người học theo chồng, dừng việc tay chân là phải có chút men cay vào người, như để xốc lại tinh thần cho đỡ uể oải, mệt mỏi. Tôi chợt nghĩ, sống mãi bên những người đàn ông khật khưỡng say, thì người đàn bà có phá cách, có mạnh mẽ cũng là điều dễ hiểu.
Đến tận gần trưa hôm sau, ba tôi mới tỉnh để họp gia đình. Chồng tôi đưa bọn trẻ đi chơi. Hai chị dâu cũng lánh sang nhà thím Tư. Khi chỉ còn lại “thành phần chính”, mẹ bắt đầu “tố” tội ba. Mẹ nói nhiều lắm, nhưng tôi tóm lại được mấy vấn đề chính: nhậu nhiều, nói nhiều, có khi say về rượt mẹ chạy trối chết... Nghe tới đó, ba ngước lên, hiền khô: “Có một lần đó tôi đã xin lỗi bà rồi mà...”. Mẹ chen ngang: “Một đâu mà một, còn cái lần ông cầm cái cây suýt đánh tôi nữa...”. “Lần đó tôi chỉ hù bà chứ đánh đâu. Tại bà càm ràm, cứ nghi ngờ tôi sang nhà cô Thảo xóm bên, nên tôi mới ức chế...”. “Mà ông luộm thuộm, chỉ bày bừa không phụ tôi dọn dẹp bao giờ...”. “Trời, làm cái nhà để nó phục vụ mình mà bà cứ bắt tôi làm ngược lại, nào là không được mang dép vào, nào là góc này góc kia không được thế này thế khác. Tôi chịu sao thấu?”. “Ờ không chịu nổi thì giờ trước mặt các con, ông trả lời cho đúng, cái con kia nếu nó không bỏ chồng thì ông có sang quán đó ngồi miết vậy không?”. “Trời ơi, tôi nói rồi, tôi ngồi chơi cờ cùng các ông nữa chứ bộ...”. Mẹ gào lên: “Ông chán tôi rồi chứ gì?”.
Ba anh em tôi ngồi nghe ba mẹ cự cãi qua lại nguyên một giờ đồng hồ. Màn “đấu tố” chỉ dừng khi ba nói “nếu không chịu được nhau thì ở riêng đi”, mẹ nghe vậy khóc òa lên cho rằng ba muốn vậy để thuận tiện sang ở với “con kia”. Mà “con kia” theo tôi được biết, đâu như cũng đã suýt soát sáu mươi tuổi rồi.
Nghỉ thêm một ngày, cuối cùng chúng tôi thống nhất tạm thời mẹ lên ở cùng tôi. Còn ba lên nhà anh Hai một thời gian. Đầu tiên ba mẹ cự căng lắm nhưng sau đó các anh làm dữ. Vậy là xuôi... Chúng tôi trở lại thành phố, nhờ các dì trông nom nhà cửa và mang theo đôi vợ chồng già quyết tâm “ở riêng, chứ không thèm chung đụng nữa”.
Cơn mưa cuối mùa tiễn chân chúng tôi buồn thối ruột. Xứ xa mờ khuất dần đằng sau, cả một trời tuổi thơ nằm lại nơi đó. Cả những vất vả giận hờn cũng thế. Để ba mẹ như thế này ở quê, thực lòng chúng tôi không nỡ.
★
Trở lại thành phố, tôi quay lại nhịp sống cũ. Mọi thứ đều vào guồng quay không thể nào đổi khác, không cố gắng sẽ bị bật ra khỏi quỹ đạo đó thôi. Thương mẹ lắm mà tôi không biết làm thế nào. Hai con đi học, hai vợ chồng đi làm. Mẹ thui thủi trong căn nhà thênh thang, ngó bên nào cũng thấy trống trải. Phố mà, đâu phải chạy bên này, bên kia qua lại nhà nhau dễ dàng. Tôi cố gắng dành những khoảng thời gian ít ỏi bên mẹ, đưa mẹ đi chơi chỗ này, chỗ khác. Nhưng mẹ vẫn hoang hoải trong nỗi niềm mênh mông. Những đêm làm việc muộn, he hé cửa phòng nhìn vào tôi thấy mẹ trở mình liên tục.
Tôi điện cho anh Hai: “Em phải làm sao bây giờ, chứ cứ như thế này mẹ ốm mất”. Anh Hai thở dài: “Ba cũng vậy, thấy buồn miết. Mà đang đòi về dữ lắm...”. Ờ, quê còn nguyên ngôi nhà cũ đó, vẫn vườn tược, bà con thân thuộc như ngày nào. Chỉ tội hai ông bà già cứ làm khó nhau thôi. Anh Ba nói: “Thêm vài hôm nữa đi, rồi mình tính lại. Ba mẹ vậy thôi, chứ hình như nhớ nhau rồi...”.
Tối ăn cơm, giữa chừng câu chuyện của bọn nhỏ, tôi làm như vô tình: “Lát con sang nhà anh Hai, mẹ đi không? Thấy anh nói ba ốm sao đó...”. “Sao, sao, ông bị sao?”. Tôi thủng thẳng: “Con không rõ lắm, lúc anh gọi điện con đang làm việc nên chỉ nghe anh nói sơ sơ...”. “Thật là... con với cái, ba ốm làm sao không biết nữa...”. Giọng mẹ nghèn nghẹn. Mẹ buông bát cơm xuống, mắt ngân ngấn nước bỏ vào phòng. Trong phút chốc, tôi thấy cơn giận dữ của những lần gây nhau ở ba mẹ như chưa từng tồn tại, sự ghen tuông nghi ngờ dằn vặt về “con kia” cũng như chưa từng có, trong mắt mẹ chỉ có sự lo lắng chân tình, chỉ có những đau đáu của người già khi bần cùng bất đắc dĩ bị tách khỏi nhau... Đúng là người già mà, hệt như trẻ con lần thứ hai trong đời. Có lẽ muôn đời câu nói: con chăm cha không bằng bà chăm ông vẫn đủ thấm thía. Sự vui vầy của con cháu cũng chỉ là niềm vui khác thế hệ. Thiếu vắng sự chăm lo của người bạn đời đã đi cùng mình qua biết bao âu lo, gian khó thật sự mới là một điều hụt hẫng.
Tự nhiên tôi mỉm cười, lòng thấy nhẹ nhõm hơn. Thôi, chút sang nhà anh Hai, anh em tôi sẽ bàn lại. Biết đâu lại là một chuyến về quê, sum vầy.
Kết Thúc (END) |
|
|