Nó ngồi đầu bàn, cặp kính cận dính chặt vào mắt như hai cái đít chai. Tóc bết mồ hôi, đưa bàn tay gạt gạt nó lơ đãng nhìn ra ngoài cửa lớp. Trống đánh một hồi, lũ trẻ túa ra như bầy chim vỡ tổ. Nó lặng im buồn buồn tháo cặp kính trên mắt xuống. Ðôi mắt dại khờ ướt đẫm nước mắt từ bao giờ.
Nhìn ra cánh đồng như hút lấy hình bóng của người đàn bà đang cúi xuống nhặt cỏ lúa. Nó nhớ mẹ! Nhớ đến thắt ruột thắt lòng. Cứ mỗi chiều mẹ ra ruộng về là nó lại lẫm chẫm chạy ra ngõ đón. Vàng vàng mặt trời mà không thấy mẹ là ruột gan cứ nóng lên và nước mắt ứa ra.
Ðôi bàn tay còn dính bùn đất ngai ngái của mẹ, ôm nó vào lòng. Mẹ lấy ra vài con châu chấu đã vặt cánh, vội vàng vào bếp hun lửa nướng cho nó. Mắt mẹ đỏ hoe vì khói nhưng ánh lên niềm vui. Có những ngày mưa, mẹ ra ruộng nửa buổi trở về đã có đầy một giỏ ếch đồng. Ui chao! Nghĩ lại bây giờ mà nó vẫn chảy nước miếng hít hà thấy mùi chả ếch trong chiều mưa thơm ngậy lá xương sông. Ánh mắt trìu mến, gắp miếng chả ếch cho con, cho chồng còn mẹ chỉ chan cơm bằng nước mắm. Nó trẻ con nhưng vẫn nhận ra điều đó nên vội vàng gạt đồ ăn sang bát mẹ. Bố mải uống rượu không nhận ra mắt mẹ ươn ướt như chiều. Bố ngồi khà khà chén rượu, lườm hai mẹ con rồi mắng yêu nó:
- Bố cu cậu! Chỉ được mỗi cái nết ăn!
Có những lần ra đồng về, mẹ thả trong ống quần ra con cua càng to khệnh xé dây chuối buộc cho nó chơi. Nó hào hứng xách con cua sang hàng xóm, như một chiến lợi phẩm oai vệ nhất. Bây giờ mẹ đã đi rồi! Ði lâu tới mức, ngày mẹ đi nó bi bô tập đánh vần, thế mà bây giờ nó đã là học sinh lớp tám. Nó nhớ hơi mẹ, nhớ vòng tay ấm nồng những đêm đông, những phút giây ngồi trong lòng mẹ, dụi mái đầu khét nắng vào ngực mẹ rồi thiu ngủ, được mẹ thơm nựng và bế đặt vào giường. Ở bên xứ người không biết mẹ có nhớ nó không? Có nhớ cu Tý của mẹ đang ngày đêm quay quắt trong thương nhớ không? Ngày mẹ đi, nó lon ton theo mẹ ra đầu ngõ. Qua hàng râm bụt và ao nhà thì mẹ nhờ bà ngoại bế nó về. Bởi nó không về thì mẹ không đi được nữa. Mẹ nói Cu Tý phải ngoan, hay ăn chóng lớn thì mẹ sẽ về. Bây giờ nó đã cao hơn cây vải mẹ trồng trong vườn lúc mới đi mà mẹ vẫn chưa về.
Bố dạo này hay cáu lắm, hơi một tí là lôi rượu ra uống, hơi tí là cà khịa và chửi mắng nó. Nhưng có lẽ nó đau nhất là câu bố chửi:
- Mày giống hệt con mẹ mày! Sao mày không đi mất xác đi! Ông không thích nhìn thấy cái giống bạc bẽo.
Nó sợ hãi nhìn vào đôi mắt vằn đỏ của bố, hơi rượu phả sát mặt nó. Tiếng bố nói như dao cứa vào lòng:
- Sao mắt mày giống con mẹ mày thế! Hơi một tí là ong óng nước... Rõ chán! Mẹ con mày làm khổ ông.
Mẹ vẫn gửi tiền đều đặn về hằng tháng đấy thôi! Ai bảo mẹ bỏ chồng con ra đi mà không có trách nhiệm đâu. Mỗi lần bên kia đại dương điện về lúc nào giọng mẹ cũng tắc nghẹn như người ngạt mũi. Có lúc mẹ không nói được mà bật khóc. Nó muốn dụi mái đầu khét nắng vào lòng mẹ để trôi đi khổ đau. Sao bố không giữ mẹ lại cho nó. Sao bố cứ cười với cô Thơm cuối xóm. Sao bố còn dắt cô ấy về nhà thách thức mẹ và mắng mẹ là con đàn bà chỉ biết ăn bám chồng... Nhớ lại tiếng cười rúc rích của bố và cô Thơm lúc mẹ vắng nhà mà nó sởn da gà. Thấy ghét cay ghét đắng, chỉ muốn gào lên cho đỡ khổ. Nhưng sợ bố, nó đành câm nín, nhưng nước mắt thì không nín được, cứ thế ào ra.
Miên man trong hồi tưởng, nó nhìn hút bóng người đàn bà trên cánh đồng mênh mông gió.
Người đàn bà mải miết đưa tay cào trên mặt ruộng xanh um. Thảng hoặc một vài cánh cò trắng cúi xuống ruộng lúa, thấy động lại bay vút lên. Chị không hay biết có một thằng bé đang nhìn chị mà quặn thắt nhớ tới mẹ mình. Lũ bạn mải chơi không để ý, thằng bé bật khóc lúc nào. Bụng đói thắt lại, mông đau ê ẩm vì trận đòn của bố đêm qua.
Bố đi mãi không sao, về tới nhà nhìn mặt nó là mắng. Mắng khốn mắng khổ, thậm chí vừa mắng vừa đá con chó vàng người bạn thân thiết của nó. Nó chỉ muốn chết đi nhưng nhớ mẹ nó lại gượng sống. Mẹ ơi! Sao mẹ không về? Con nhớ mẹ không chịu được nữa rồi.
Trống vào lớp, lũ trẻ hối hả ngồi vào bàn mình. Cô giáo chủ nhiệm nhìn bao quát lớp. Chợt giật mình khi chỗ của nó bỏ không? Cái thằng bé đeo kính cận, với ánh nhìn buồn bã, lúc nào cũng gây cảm giác áy náy cho người khác.
- Bạn Quang đi đâu? Ðầu giờ cô còn thấy bạn ấy ngồi học cơ mà? Có bạn nào biết không?
Cả lớp ngơ ngác, một thằng bé gầy như con chuồn kim đứng lên ấp úng:
- Lúc nãy con nhìn thấy bạn ấy vừa khóc vừa chạy ra cổng trường. Con chạy theo định hỏi thì bạn ấy chạy nhanh quá! Con không theo kịp ạ!
Một đứa con gái tròn xoe như Ðô-rê-mon đứng bật lên, nhanh nhẩu:
- Cô ơi! Hôm qua bạn ấy bị đánh đau lắm! Bố bạn ấy say rượu, vừa đánh vừa đuổi bạn ấy ra khỏi nhà. Bạn ấy ôm con chó vàng ra ngõ ngồi khóc mãi.
Cô giáo thở dài cho đứa trò ngồi xuống. Buổi học trầm xuống, những vạt nắng như không còn nhảy nhót trên những tán bàng. Cây gạo già đứng trầm tư, mặc kệ chim chóc về làm tổ, sân trường không thắp đèn lồng trong mùa hoa gạo. Mắt cô giáo rớm nước, cô mong sao cho giờ học nhanh kết thúc để tới nhà Quang.
Ngõ sâu hun hút, giậu râm bụt đỏ in bóng xuống mặt nước, lũ cá chuối tưởng mồi, bay lên hớp bóng hoa. Không hiểu sao đến nhà đứa học trò này cô cứ thấy gờn gợn. Nỗi ám ảnh về ông bố của Quang vẫn còn đè nặng trong lòng cô.
Vào dịp đầu năm học, bố Quang đem tiền học phí đến nộp cho cô. Câu chuyện giữa phụ huynh và cô giáo vừa mới bắt đầu, thì tiếng điện thoại trong túi phụ huynh reo inh ỏi, chẳng kịp xin lỗi cô giáo, bố Quang hào hứng tiếp điện thoại:
- Em đấy ư! Em làm anh nhớ quá! Em đi mấy ngày mà anh thấy như hoang vắng cả cõi lòng. Em có nhớ anh không...
Ui chao! Cứ thao thao bất tuyệt gần một tiếng đồng hồ. Cô giáo cười gượng ý tứ quay vào nhà trong. Lòng thầm nghĩ chắc anh ta buôn điện thoại với vợ. Sau cuộc điện thoại, người khách mới giật mình:
- Xin lỗi cô! Tôi phải tiếp chuyện cô bạn gái mới vào nam...
Ngớ người, cô giáo cũng chỉ biết mỉm cười phá tan không khí sượng sùng giữa chủ và khách.
Bây giờ cô đang đứng trước khoảng sân gạch, có những hòn giả sơn và thế cây uốn lượn. Cả một không gian cây, đá đẹp và ấn tượng. Bố Quang cầm kéo tỉa cây, ngắm bên này nghiêng bên kia như một nghệ nhân bon sai thật sự. Cây tùng La Hán uốn theo thế huyền, cây si Nam Ðiền uốn theo thế trực đang vươn cao, và cả cây Tường Vy đỏ thắm cũng được uốn theo thế mẫu tử. Ðẹp! Sang trọng quá! Chiếc mũ phớt kiểu cao bồi Mỹ nhấp nhô trong vườn cây. Trông thấy cô, phụ huynh đon đả:
- Quý hóa quá! Mời cô giáo vào chơi. Sao hôm nay cô lại quá bộ tới nhà học trò thế?
Chưa để cô nói tiếp thì bố Quang tiếp luôn:
- Cháu Quang nhà tôi dạo này vẫn ngoan chứ cô giáo?
Hỏi cho chiếu lệ rồi phụ huynh vẫn luôn tay kéo nhoay nhoáy, con chó vàng luẩn quẩn trước mặt liền bị đá một cái đau điếng cụp đuôi kêu ăng ẳng và chạy ra đầu ngõ. Nhìn thái độ của chủ nhà, cô nói luôn:
- Em Quang bỏ học hôm nay. Các bạn bắt gặp cháu khóc và bỏ ra khỏi lớp. Anh đi tìm xem cháu ở đâu để đưa cháu về kẻo tội nghiệp.
Sau tiếng cười nhạt, và cái nhếch mép chua chát, người đàn ông buông một câu gọn lỏn:
- Mặc xác nó cô giáo ạ! Nó không học thì tôi cho nó bỏ luôn! Không trông mong gì thằng ăn hại đó, nó giống mẹ nó như đúc. Nó mà về đây hôm nay thì chết với tôi. Cứ là nhừ đòn...
Nghe câu trả lời của ông bố, cô giáo buông tiếng thở dài:
- Thôi anh cố gắng đi tìm cháu kẻo tội nghiệp nó.
Người đàn ông ừ hữ cho xong chuyện. Cô bước ra khỏi khoảnh sân đẹp mà lòng trĩu nặng lo âu.
Ba ngày thằng bé không tới lớp, người cha ấy cũng không đi tìm con. Nhìn vào chỗ ngồi bị trống, lòng cô giáo như có lửa đốt. Mấy đứa học trò được phân công đi tìm hiểu xem có thấy bóng dáng của Quang ở đâu không, nhưng cậu trò nhỏ vẫn bặt vô âm tín.
Trời mưa như trút nước, ngôi nhà hoang giữa đồng để coi ngô, thấp thoáng bóng thằng bé tựa thập thò trong mưa gió. Thấy người đi qua nó lại thụt vào. Bóng hình nó không qua được ánh nhìn của chị. Ngạc nhiên thôi thúc, người đàn bà làm cỏ lúa trên đồng liền chạy vào.
- Ôi! Thằng Quang con cái Nụ! Sao ra nông nỗi này hả cháu. Về nhà đi thôi! Sao lại trốn vào đây, không đi học ư?
Nhìn thằng bé xanh bủng, đói lả, trên tay là cái vỏ gói mì tôm. Trông thấy chị nó òa khóc, quỳ xuống như tế sao:
- Lạy bác! Ðừng nói cho bố con biết là con ở đây. Con không dám về nhà, nếu về bố con sẽ đánh chết.
Chị đau xót hiểu ra tất cả. Xoa đầu thằng bé và kéo mạnh cánh tay nó đứng dậy:
- Con không phải sợ! Về với bác, bác sẽ bảo vệ con...
Hương thiên lý đẫm trong cơn mưa, thằng bé thiu ngủ trên chiếc giường tre của người đàn bà không con. Sợ muỗi đốt thằng bé, người đàn bà buông màn cẩn thận. Bà chạy ra chạy vào, vuốt lên mái tóc bết mồ hôi của đứa trẻ tội nghiệp, rồi lại chạy xuống bếp trông chừng nồi canh cua nấu rau rút, tiếng thớt băm đều đều và mùi chả ếch xương sông lan tỏa trong cơn mưa trưa dai dẳng. Thằng bé bàng hoàng giật mình, chợt gặp mùi chả rán quen thuộc ngày nào, nó ứa nước mắt thốt lên: “Mẹ ơi!”.
Người đàn bà đứng cạnh nhìn nó mỉm cười. Một tuần sau, thằng bé đang ngồi giải bài tập toán thì một người đàn bà khác ùa vào trong tiếng nấc:
- Quang ơi! Mẹ về với con rồi đây! Từ nay mẹ không đi đâu nữa! Ðói nghèo mẹ con mình có nhau.
Mẹ Quang giàn nước mắt nhìn người đàn bà không con cũng đang giàn giụa nước mắt mỉm cười:
- Mẹ con em đội ơn chị! Không có chị thì con em giờ đã chết rũ ngoài đồng.
Người đàn bà gật đầu trong tiếng nấc nức nở tủi hờn của thằng bé.
Ngoài kia trăng mùa xuân chợt sáng rồi nép vào mây hờn dỗi. Trời đã tạnh mưa tự lúc nào.
Kết Thúc (END) |
|
|