Bắt đầu từ chiếc lá xoay xoay trong chiều buông. Bầy chim từ tán cây sà xuống mổ lên thềm hè phố cũ. Vui vui trong những đợi chờ, năm nào mùa thu cũng đến, nhưng mỗi thu đem đến một cảm giác khác nhau.
Thu Hà Nội luôn mang theo làn gió heo may đặc trưng, với cái lành lạnh buổi sớm không nơi nào có được. Đầu thu vẽ ra một chút cảm giác khác lạ, đó là phút giao mùa, ngày giao mùa, phố giao mùa. Đó là khi cái nắng của hè còn chưa vội đi mà cái rùng mình hơi lạnh đã tới. Là khi sen cuối mùa vẫn còn tỏa hương nơi những gánh hàng rong, mà hoa sữa vẫn chưa nở trên đường phố quen. Những hàng cây đâu đã kịp thay áo mới. Chúng ta thấy thân thương từng bước đi, thèm ly cà-phê nồng nàn, thèm cảm giác thênh thang ngày cuối tuần, phố chùng hơn một chút, vắng hơn một chút và hơn thế trong những ngày giãn cách, càng cảm thấy trân trọng phút giây thư giãn với ly cà-phê. Thưởng thức cà-phê nơi phố xá trong không gian mà ấm cúng mà có chút trầm lắng là nhu cầu trải nghiệm có thật. Không gian ấy giúp mỗi người thả lỏng cơ thể, ngẫm nghĩ sâu hơn, rộng hơn, nghĩ cho nhau chứ không chỉ cho riêng mình. Nên nhiều người “phải lòng” mùa thu Hà Nội.
Nhiều người con xa Hà Nội thường tính dịp về thăm nhà, thăm phố vào đầu thu để được xúng xính với tiết giao thời, được tâm sự với ông bà, cha mẹ về mùa thu lịch sử. Để cùng sống lại cảm hứng và tình yêu nước mênh mông, luôn nhắc nhớ, trao truyền: “Những cánh đồng thơm ngát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa/ Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về!” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi). Góc phố này mẹ tiễn cha ra trận. Cũng vẫn ngôi nhà đó, con ngõ và góc phố đó, mẹ lại tiễn con trai ra trận. Bao thế hệ người trai của quê hương kiên cường, vùng đất hào hoa thanh lịch, đã dâng máu xương mình cho hòa bình đất nước, vẽ nên dáng hình xứ sở diệu kỳ.
Hà Nội cách đây cả chục năm, có một nghệ sĩ nhiếp ảnh, thường rong ruổi khắp các con ngõ nhỏ, con phố quen để tìm tứ lạ cho mỗi khuôn hình. Ông là người kể chuyện ngõ, hẻm Hà thành. Ông cũng đã chụp hàng trăm bức ảnh về các trận oanh tạc của máy bay B52 trút xuống Hà Nội, tháng 12-1972. Ông cũng thường nói về những dấu ấn của phố phường thay da đổi thịt, khác xa với thời cha, mẹ của ông nhiều năm trước. Ông đã để lại di sản ảnh về phố mà hiện nay nhiều quán cà-phê, nhà hàng ẩm thực treo trang trọng trong không gian của họ. Đó không chỉ là việc mỗi người cùng lưu giữ ký ức, những nét đẹp di sản Hà thành, mà là cách để tri ân những góc phố phường, tấm lòng của con người trong bao ân nghĩa đã làm thành cả chiều dài lịch sử. Bây giờ người nghệ sĩ ở đâu, không ai rõ. Nhưng có nghệ sĩ khác tiếp bước hành trình ấy. Họ đón lấy từng khoảnh khắc phố, từng vệt nắng non, từng trận mưa, hay là vài cánh chim câu bên thềm phố thanh bình… Người ở thời nào cũng biết cách tạo ra những vẻ đẹp và lưu giữ. Cho nên kỷ niệm là một kho tàng không giới hạn. Kỷ niệm sẽ chất chồng theo ngày tháng, ngay cả khi ta vô tình quên một điều gì đó, thì kỷ niệm vẫn hằng ở đó…
Sáng chớm lạnh và lòng man mác. Phía bên kia bờ hồ liễu rủ lặng thinh, hàng cây như suy nghiệm. Bao gốc cội xù xì nâu xám đã là điểm tựa và sự đối ngược cho tuổi thanh xuân đứng làm dáng chụp hình lưu giữ thời xuân sắc. Cổ thụ và tuổi thanh xuân, có sự đối ngược đấy, nhưng lại tôn bồi nhau. Để cái thâm trầm cổ thụ càng trầm và xưa cũ hơn, cái thanh xuân trở nên rực rỡ hơn. Vì thế cuộc sống luôn có được cảm hứng, niềm tin và sự trường tồn. Nhờ thế mà Hà thành có thêm những khoảnh khắc, hình ảnh tuyệt diệu.
Kết Thúc (END) |
|
|