Miên dém chăn, thò cả bàn chân trần lạnh cóng áp chặt vào bắp về gầy trơ xương nhưng rất ấm của mẹ, thủ thỉ:
- Cả năm con cố gắng để mơ một đêm về ôm mẹ thế này!
Miên rúc vào ngực mẹ, nghe rõ tiếng mưa tí tách trên những tàn lá cọ ngoài vườn. Mẹ vỗ vỗ vào lưng Miên. Bàn tay gầy với những nốt chai nổi rõ xoa xoa bờ vai Miên, dịu dàng:
- Mẹ biết dịp này thế nào con cũng về!
Miên nghe lòng nảy lên một nhịp. Lâu lắm rồi cô mới sắp xếp được để về quê đúng vào dịp chợ Tru (trâu), phiên chợ nhằm vào ngày mười chín âm lịch hằng năm. Tuổi thơ của chị em Miên, bạn bè Miên được gói ghém kỹ càng trong phiên chợ đặc biệt này. Miên vòng tay ôm lấy mẹ, lòng cô rưng rưng nhiều cảm xúc. Mãi sau, Miên mới bật lên câu hỏi:
- Bác Sương khỏe hơn rồi chứ mẹ?
- Bác ấy giờ như đèn cạn dầu, trông cho qua được mùa đông này con ạ. Mà, không biết thằng Giang nó có về không? Cái thằng, nghĩ đến nó mà thương…!
Miên mở cửa đi ra ngoài. Trời đen kịt, xâm xâm nước và lạnh thấu xương. Cô kéo mũ áo bông chùm kín mặt, bước ra ngõ. Tiếng rỉ rả của côn trùng, tiếng mưa khe khẽ trên tàu cọ, tiếng đất trời cựa mình vào xuân làm lòng Miên dâng trào những cảm xúc khó tả. Bao nhiêu ngày lăn lộn giữa thành phố căng chật, cô thèm có được những giây phút đắm chìm như thế này. Tuổi thơ như dồn níu lại, bao nỗi nhớ nhung bất chợt ùa về.
Miên trở mình khi gà gáy rộ lên từ cuối làng. Mùi hương trầm làm ấm nồng cái lạnh tê tái. Mẹ đã dậy từ khi nào, bếp lửa ngấu trấu được nhen lên, lửa reo vui tí tách, nổ lép bép những âm thanh tươi mới. Từng bụm khói mỏng len trên mái nhà lợp bằng cọ của gia đình Miên. Mẹ vẫn muốn giữ lại ngôi nhà mái lá, ngôi nhà đã nuôi lớn chị em Miên, đã chứng kiến nhiều cái Tết vô cùng ấm áp của gia đình cô.
Miên ngồi sà xuống bên bếp lửa. Lửa làm má Miên ửng đỏ. Cô lấy thanh gỗ nhỏ cời cho lửa bùng lên. Cô nhớ lại những ngày ba chị em còn bé, cũng vào buổi sáng mười chín đặc biệt như hôm nay, ba chị em xúng xính quần áo mới, thức dậy khi gà chưa gáy, ngồi bên bếp lửa đỏ rực, đôi mắt hau háu chờ phần thưởng mẹ phát để đi chợ Tru. Phần thưởng là những đồng tiền lẻ, bỏ ống trong thanh nứa, là sự cố gắng của chị em Miên trong một năm ròng.
Mười chín chợ Tru. Hai mươi chợ Bò. Phiên chợ đặc biệt ngày mười chín Tết là nỗi nhớ đau đáu của những người xa quê như Miên. Mẹ kể, khi cụ của Miên còn nhỏ, dân của vùng mạn ngược dọc theo sông Phố Giang chọn ngày mười chín Tết để đem con vật quý nhất của gia đình mình đến chợ để đổi, để trưng. Người ta khoe nhau một con trâu quý, bạn hữu thân thiết đổi trâu cho nhau, hứa hẹn một năm mùa màng no ấm, đồng bãi tốt tươi. Trong cái vui ấm áp nghĩa tình của người lớn, trẻ con được những tấm áo mới, những món đồ chơi dân gian xinh xắn. Và, những đồng tiền lẻ người lớn hào phóng cho trẻ con, để bọn chúng có một ngày thỏa thích. Theo thời gian, phiên chợ đặc biệt ngày mười chín Tết trở thành phiên chợ của sự gặp gỡ, của những cuộc hẹn hò. Phiên chợ của những người xa quê muốn tìm về ký ức, những đôi trai gái lỡ duyên nhau. Và nhiều thứ hoa rực rỡ đua nở…
Miên để mặc cho dòng ký ức ùa về. Cô bước ra sân. Trời vẫn còn tối mịt. Cái cảm giác lâng lâng khó tả như ngày thơ bé làm mí mắt Miên cay xè. Miên nghe tiếng gọi í ới, tiếng dép khua loẹt xoẹt, tiếng xuýt xoa vì lạnh của đám bạn. Khi trời chưa kịp sáng, cả hội đã tụ tập, khoe nhau những đồng tiền lẻ lóc xa lóc xóc trong túi. Ánh mắt cả bọn ngập tràn niềm hạnh phúc.
Tờ mờ sáng, Miên đã sẵn sàng cho phiên chợ "quay về tuổi thơ" của mình. Trước khi đi, mẹ Miên cẩn thận lấy từ trên chạn chiếc mươn đã lên nước bóng loáng, bảo bối của gia đình Miên, ngả bên bếp lửa ngấu trấu đỏ rực, đượm lửa. Mùi trấu bếp thơm nồng loang tan trong cái lạnh cuối đông. Mẹ xới ra đĩa cơm nếp nấu với khoai sọ trắng, là loại khoai được trồng trên đất sỏi của vùng núi Hương Sơn, dẻo bùi rất đặc trưng. Khoai sọ trắng với những ánh khoai nhỏ, tròn có thể hầm ngấu với sườn non, thái mỏng xào hành mỡ hay luộc lên chấm với mật mía. Ðó là những món ăn đẫm hương vị tuổi thơ của những đứa trẻ ở vùng quê nghèo như Miên. Trong giấc ngủ chập chờn hàng đêm, Miên lại mơ thấy mình ngồi co chân bên bếp lửa, miệng nhểu nước, hau háu khi nhìn nồi canh khoai sọ ngấu sườn non đã được mẹ cho thêm nhúm mùi tàu vừa thái.
- Ăn đi con, khoai nhà bác Bình mới dỡ chiều qua, ánh sậm dẻo phải biết!
Miên ăn cơm nếp bằng tay, chấm ngập muối vừng. Ðó là thói quen từ ngày còn bé của cả gia đình Miên. Ăn thế mới cảm nhận được vị ngọt lừ của nếp nương, vị béo ngậy của vừng và dẻo thơm của khoai sọ trắng. Mẹ xới thêm cơm vào bát của Miên, ngập ngừng:
- Hay con chờ thằng Giang qua cùng đi! Giờ chỉ có trẻ con đi sớm thôi, phải non trưa chợ mới đông con ạ.
Miên bỏ vào miệng miếng cơm nếp chấm ngập muối vừng. Khung cửa sổ ướt đẫm sương đêm, lấm tấm những quả mận xanh mới nhú. Miên như thấy lại hình ảnh cậu bé Giang lọt thỏm trong chiếc áo bông to quá cỡ. Cậu bé với đôi mắt sáng rực, xoa xoa đôi bàn tay chờ chị em Miên trong buổi sáng ngày mười chín Tết. Năm nào cũng thế, khi trời vẫn còn tối mịt, Giang đã đứng đó, với chiếc áo bông mầu gụ, tươi tắn, hồ hởi...
- Mà thôi, biết nó có về không mà đợi! Mẹ chép miệng thở dài. Bếp than rực lên dưới tay cời của mẹ. Miên biết, mẹ cô đang ngóng chờ Giang như người con đi xa chưa về.
Miên lâng lâng như kẻ say men, lòng bồi hồi nhiều cảm xúc. Cô kéo sụp chiếc mũ che kín mặt, quàng thêm hai lần khăn ngang cổ. Con đường đất đỏ trơn trượt bùn non như bừng lên với tiếng nói cười ríu ran. Dòng người đi bộ đổ về từ nhiều ngả, nêm chật với đủ sắc mầu. Phiên chợ ngày mười chín là ngày hội của quê Miên. Người ta háo hức chuẩn bị, mọi buồn phiền lo lắng đều tiêu tan khi hòa vào dòng người đổ về chợ.
Bao giờ cũng thế, khi đi hết khúc ngoặt ra đường lớn, Miên và đám bạn thể nào cũng cố chen vào xem trò đánh đáo. Chủ trò chọn những con dốc thoải, đất đỏ dẻo sánh, áng chừng rồi lấy vôi hoặc phấn trắng kẻ biên. Khách chơi quần xắn đến gối, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tay lấm bùn đất. Khi đến lượt mình, người chơi gộp ba đồng xu lại với nhau rồi chà đi chà lại cho đến khi cảm thấy ưng ý. Ba đồng xu được tung lên vạch vôi đã kẻ sẵn. Những cặp mắt hau háu vòng trong vòng ngoài chờ đợi những đồng xu dính vào nhau. Nếu hai đồng xu dính nhau trên vạch, người chơi sẽ dùng tay ném ngược cái đáo bằng đồng. Hai đồng xu tách ra, không rơi vào dưới vạch là người chơi thắng lớn. Nếu những đồng xu khi tung lên đều rời nhau, thì người chơi sẽ được chỉ định. Nếu là đồng xu dưới vạch thì phải ném đáo làm sao cho nó bay lên. Nếu ở trên vạch, phải ấp trúng đồng xu. Kẻ chơi quên giờ quên giấc, người xem quên ngày quên tháng, mê mệt với màn tung xu, ném đáo.
Ngã ba ông Tam (ngày xưa được gọi bằng cái tên rất sang là Phố Ông Tam) là thiên đường của những chú tò he. Trên chiếc bàn gỗ được kê sơ sài, những người nặn tò he bày ra la liệt những phần bột đã được nhuộm mầu xanh đỏ. Bột được ngâm qua đêm, cứ tám phần bột gạo thì hai phần bột nếp, xay nhuyễn, luộc chín rồi nhào nhanh tay với các chất tạo mầu như gấc, nghệ tươi, nụ hoa đậu biếc. Nghệ nhân nặn tò he thoăn thoắt, chỉ loáng một cái, những con vật ngộ nghĩnh đã nằm ngồi vắt vẻo trên những thanh tre vót tròn. Miên và đám bạn nhìn không chớp mắt vào những chú khỉ lông xám, chú công đuôi xòe… Cả bọn cứ hít hà mãi cái hương vị đặc trưng, đằm thơm nơi cuống lưỡi của những chú tò he.
- Ai như cái Miên nhà bà Hành! Gớm, cha nhà cô, đi rồi còn nhớ đường mà về chứ?
- Dạ, con chào cô, chào bác. Dạ, con chào ông, chào bà ạ!
Miên đã ra đến đường lớn. Cô nhanh nhảu hỏi thưa, cảm giác thật ấm áp. Chung quanh Miên là những cô gì, chú bác thân thuộc. Họ ríu ra ríu rít, chào nhau như lâu ngày mới gặp. Trong thúng, mủng của các bà, các chị có dăm bó hành tăm, mươi quả trứng gà, nải chuối cau vừa chín bói… Thứ quà quê đó không bán, người ta mời nhau, ấm áp nghĩa tình.
Miên mua mấy chú tò he và một cây kem bông mầu sắc rực rỡ. Ngày xưa không có loại kem này, chỉ có những dãy dài bán đủ loại kẹo. Chợ Tru ngày mười chín Tết là phiên chợ của trẻ con, chợ bày bán la liệt những thức ăn quê. Một ngày duy nhất trong năm, trẻ con được người lớn cho tiền, được thoải mái với quỹ thời gian từ tờ mờ sáng cho đến chập chiều. Phiên chợ đặc biệt này còn là nơi hẹn hò, gặp gỡ của những đôi trai gái. Họ ý nhị trao cho nhau cái nhìn tình tứ, thân mật hơn thì mua tặng những chú gà trống ngậm hoa hồng còn đẫm sương.
Ngày Miên còn bé, chợ Tru còn bán một loại hàng rất đặc biệt. Ðó là những bông hoa giấy đủ mầu sắc được xếp rất khéo. Người ta quấn hoa vào những thanh thép nhỏ, bó hoa thành những bó to, rực rỡ. Nhìn từ xa, giữa biển người nhấp nhô nón trắng, một mầu sắc tươi mới và vui mắt bừng lên trong sắc xuân dịu ngọt.
Miên ngồi bệt bên mủng bánh đúc còn nóng hổi. Từng chiếc bánh mầu thẫm được xếp chồng lên nhau trong chiếc mủng đan bằng nứa bóc. Thứ bánh đổ khuôn với gạo đỏ ngâm nước, xay bằng cối đá thanh. Bánh được ăn kèm với những viên đỗ vo tròn như quả trứng vịt, dầm trong nước mắm ngon. Khi ăn, cảm giác mềm ngọt thấm rịn nơi đầu lưỡi. Ngày xưa, Miên và đám bạn của cô thể nào cũng đánh liền ba bát, uống đầy một đọi chè xanh, chùi mép bằng ống tay áo sờn cũ rồi mới lân la sang hàng quà khác. Hàng bánh rán giòn rụm, cô bán hàng khéo léo trở bánh bằng hai xiên đũa dài, cả bọn ghếch chân ngồi xuống. Cặp mắt hau háu nhìn những chiếc bánh được cắt thành miếng vừa ăn, chấm ngập trong tương cà quạnh sánh.
Non trưa, khi hai chiếc làn Miên mang theo đã căng chật những món quà quê, cô tìm gò đất cao nhất để lắng lại cảm giác lâng lâng của người trở về. Góc chợ, đám trẻ con xúm xít bên những con gà thổi mầu sắc sặc sỡ. Xa kia là trò ném cổ chai, ném bóng vào chậu. Món quà được thưởng là cây bút chì có hòn tẩy, là chiếc móc khóa hình siêu nhân… Trong sắc nắng rụm vàng, nhiều đôi trai gái thót hông, tạo dáng để "seo phì". Bên kia là đồng bãi, vàng rực mầu hoa cải ngồng. Không biết tự bao giờ, người dân quê Miên khi thu hoạch cải, thường để lại những ngồng cải cao nhất. Một triền vàng ngút mắt trong mầu nắng hanh hao, một mầu ấm áp của đủ đầy, của mến yêu và thương nhớ!
Miên như thấy cả mùa xuân ngang qua trong nụ cười thấm rịm!
Kết Thúc (END) |
|
|