Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Con Nết Và Ông Chủ Tác Giả: Phan Văn Minh    
    Đang chạy phía sau, đột nhiên con Nết “khặc” lên một tiếng rồi phóng vụt về phía mô đất dưới lề đường. Nó vừa sủa “gâu gâu” vừa vồ bên này, chộp bên kia như thể đang rượt theo một con vật nào đó phía trước. Rồi nó ngửi ngửi khắp vạt cỏ xanh. Nó gầm gừ tỏ vẻ tức giận. Ông… ông gì nhỉ? Thôi thì cứ gọi là “ông chủ” cho yên chuyện. “Ông chủ” của con Nết đang vừa đi vừa đọc báo. Nghe chó sủa, theo thói quen ông liền “xuỵt xuỵt” mấy tiếng. Con Nết được chủ khuyến khích, theo bản năng nòi giống nó càng sủa gắt. Nó dùng hai chân trước nhằm một hang dế hang giun nào đấy mà cào, bới thục mạng. Ông chủ đến tựa vào một gốc cây bên đường và tiếp tục đọc báo dưới ánh sáng lờ nhờ của buổi chiều còn sót lại.
    Ngày nào cũng vậy, khoảng bốn giờ chiều là “ ông chủ” đi ra phố. Chạy nước kiệu theo sau là con chó già trung thành, mắt đã mờ nên hay trông gà hóa cuốc. Thỉnh thoảng nó lại sục sạo vào các đống rác hoặc cống rãnh ven đường. Còn “ông chủ” thì sục sạo vào các quầy sách báo để tìm… thơ. Chẳng phải ông say mê gì loại ấy mà còn ghét cay ghét đắng là đằng khác. Phải! Ông căm thù tất cả bài thơ và người làm thơ trên đời.
    Thực ra, hồi còn trẻ ông cũng rất thích thơ. Thi thoảng ông còn làm được vài bài đăng báo. Thơ ông không hay nhưng cũng có cái nhiệt tình cháy bỏng của tuổi trẻ. Ôi bao nhiêu là khát vọng, bao nhiêu là tình yêu đẹp đẽ của đời người…! Nhưng rồi ông cũng chẳng viết được bao nhiêu. Suốt mấy năm liền ông không đăng được bài nào nữa. Các tòa soạn đã dần nhận ra thơ ông đượm hương vị của các thứ giấy tờ hành chính và lóe sáng triển vọng của khuynh hướng đầu cơ. Riêng về phần mình, ông cũng dần nhận ra rằng cái nghề làm thơ chẳng đem lại xơ múi gì. Cho nên một ngày nọ ông vất tất cả bản thảo vào sọt rác rồi tự vạch cho mình một kế hoạch làm ăn và thăng tiến. Lạ thay, cái kế hoạch ấy lại được thực hiện một cách trơn tru và hiệu quả chẳng khác gì được lập trình bằng một phần mềm chuyên dụng. Kể ra thì dài dòng, chỉ xin tóm tắt thế này: Trong vòng tám năm, ông đã chuyển đổi công tác sang bốn ngành khác nhau như nước với lửa, đồng thời leo lên sáu bậc chức vụ. Và nếu địa vị của ông tăng theo cấp số cộng thì gia sản của ông tăng theo cấp số nhân. Điều này xem ra cũng hợp quy luật.
    Nếu chỉ có thế thì chẳng ai làm phiền ai. “Ông chủ” đã chọn đúng năng lực sở trường của mình ắt phải là người sáng suốt và có ích cho đời. Nhưng đùng một cái, chẳng rõ chuyện ở cơ quan thế nào, ông bị kỷ luật buộc phải thôi việc. Rồi giống như một trận sấm sét kéo liền theo sau cơn lốc, ông bị một tay nào đó phang ngay cho một bài thơ châm biếm. Mặc dù không nêu đích danh nhưng qua những tình tiết trong bài, ai cũng biết rõ hắn viết về ông, tặng riêng ông. Ý tứ hắn mới sâu cay, độc địa làm sao! Vậy mà chữ nghĩa của hắn cứ làm cho người ta đọc lên phải cười té ghế. Ai cười cứ việc cười, ông thì nghiến răng. Ông căm cái thằng tác giả đó không biết để đâu cho hết. Ước gì gặp hắn ông sẽ cắt phăng cái lưỡi hắn rồi ra sao thì ra. Nhưng biết hắn ở đâu mà tìm? Hắn chỉ ký tên vỏn vẹn có hai chữ T.X. Biết không thể bỗng dưng xông vào tòa soạn mà gạn hỏi, ông liền nảy ra ý định phải đọc báo hàng ngày để dò la. Ông tin rằng thế nào cũng có lúc hắn ký tên thật. Và tên thật của hắn nhất định phải bắt đầu bằng hai chữ cái T.X. đáng nguyền rủa kia.
    Vậy đó mà ông sinh ra cái thói quen dạo phố mỗi chiều. Ông sục sạo khắp các sạp báo cốt tìm kẻ thù của mình. Thỉnh thoảng ông cũng gặp lại hắn. Nhưng vẫn cứ là T.X., cho dù là thơ châm biếm hay thơ tình. Đôi khi vô tình ông đọc sang vài bài thơ của các tác giả khác rồi giận dữ la lên một mình: “Bây giờ chúng viết lách như thế cả sao? Láo xược đến thế này ư? Cơ quan kiểm duyệt đâu?”. Càng giận, ông càng đọc nhiều hơn và càng trở nên căm ghét tất cả bọn làm thơ. Ông rít lên: “Cái lũ này! Phải tống cổ tất cả chúng nó vào nhà đá!”.
    Ông lập riêng một cuốn sổ tay, điểm tên các tác giả viết lách có vẻ “ngứa ngáy” vào đó để tiếp tục theo dõi. Ông còn chép lại những bài thơ mà sau nhiều lần săm soi, đào bới, cắt câu này gắn vào câu kia, ghép một số chữ ở đầu bài và cuối bài… ông cho là có ẩn ý xấu, là bất mãn, hoài nghi, là chống chế độ. Quyển sổ ông chép đã gần kín giấy. Một số tác giả đã bị ông lập thành hồ sơ đặc biệt, chờ ngày… khởi tố!? Nhưng ông chưa vội. Phải đợi đến lúc có thể tóm gọn được cả bọn. Đối với ông, hầu hết bọn làm thơ bây giờ đều là thành phần bất hảo. Và không hiểu sao, ông cứ đinh ninh rằng thằng T.X. là đầu đảng. Phải tóm hắn trước! Phải chộp được một bài có chứng cớ rành rành để buộc tòa soạn phải khai ra tên hắn!
    Rồi chiều nay, dịp may đã đến. Tình cờ ông tìm được một tờ báo cũ dùng làm giấy gói hàng. Có lẽ nó ra đời cách đây đã trên chục năm. Giấy đã ố vàng và chữ cũng lờ mờ. Điều quan trọng là trong đó có đăng một bài thơ của T.X. Từ trong quầy báo bước ra, ông vừa đi vừa đọc. Rồi khi tựa vào gốc cây để nghiền ngẫm từng chữ, ông vừa cổ vũ con chó vừa nhếch mép gầm gừ:
    - Xuỵt xuỵt! Hừ, chết mày rồi con ơi! Phen này thì mày biết tay tao. Xuỵt xuỵt!
    Con Nết đã đào được vô số những hang hốc khắp gò đất. Dường như đối với nó, cả mặt đất chỗ nào cũng là hang chuột. Nó chui tọt cả nửa người vào cái lỗ vừa đào rồi hục hặc trong đó một mình. Nó thở phì phì vì mệt. Bụi đất hít phải vào mũi làm nó tức giận. Nó chạy loanh quanh, sủa lên ăng ẳng. Rồi nó lại hì hục đào sang hang khác. Có lẽ nó sẽ bới nát cả quả đất này nếu ông chủ không gọi:
    - Nết, Nết! Đi thôi!
    Con chó chạy về phía chủ và vẫy đuôi như tâng công. Ông chủ hỏi:
    - Không bắt được con nào à? Ương thế! Tao thì tao tóm được một thằng đây rồi. Tao hơn mày chỗ đó, con ạ!
    Cả hai thầy trò lại tiếp tục đi. Lần này ông chủ bước nhanh gấp bội, con Nết thỉnh thoảng phải phóng lên mới kịp. Họ đi về phía nhà ông Tổng Biên tập báo. Hồi còn viết lách, ông chủ vẫn thường đến đây nên nay vẫn nhớ đường. Vừa bước vào nhà, ông đã lên tiếng:
    - Anh Tổng Biên tập đâu rồi? Có nhà không?
    Trong nhà lờ mờ tối. Nóng hầm hập. Hình như điện cúp thì phải. Ông Tổng Biên tập nằm trên đi văng ở một góc nhà cựa mình ho khục khặc. Thấy khách, ông ta lừ đừ nhổm dậy, cất giọng mỏi mệt:
    - Chào… anh! Có việc gì vậy?
    Ông chủ cầm một tập báo phủi bụi một chiếc ghế dựa rồi ngồi lên. Ông hất hàm:
    - Ốm à? Không nhận ra mình sao?
    Ông Tổng Biên tập gượng đứng lên và đến ngồi ở ghế đối diện. Ông vói tay lên bậc cửa sổ lấy ấm nước rót ra mời khách. Da mặt ông xam xám, màu da của người có tiền sử bị sốt rét rừng. Ông mơ màng nhìn ra ngoài, ánh mắt thoáng một chút ngạc nhiên. Ông ta vừa nhác thấy một con chó lạ đang sục mõm vào lỗ cống trước ngõ hẻm vào nhà mình. Ông mỉm cười trả lời, vẫn cái giọng khàn khàn:
    - Tôi nhớ chứ. Hồi trước anh có làm thơ.
    Ông chủ khoát tay, cười gằn:
    - Ồ, chuyện đó thì có gì đáng kể, chẳng qua là thói nông nổi của tuổi trẻ. Lúc này tôi đã làm ăn nghiêm túc.
    Rồi như không thể chờ đợi, ông vào đề ngay:
    - Này, tôi đến nhờ anh điều tra tên thật của thằng cha T.X. giùm tôi. Một tên cực kỳ phản động.
    - T.X. nào? Có phải tác giả của bài thơ châm biếm…
    - Không không - Ông chủ xua tay ngắt lời - Không phải tôi nói đến bài thơ đó. Nhưng cũng chính là hắn đã viết ra những bài còn nguy hiểm hơn thế.
    - Vậy sao? Anh ta viết gì thế?
    Ông chủ chìa ngay bài thơ trên trang báo vừa đọc khi chiều ra trước mặt ông Tổng Biên tập rồi đấm nhẹ xuống bàn:
    - Hắn viết thế đấy! Toàn là những ẩn ý xấu. Vậy mà báo vẫn cho đăng chình ình ở trang giữa. Anh nào biên tập bài này hẳn là mù cả hai mắt.
    Ông Tổng Biên tập cúi nhìn tờ báo rồi lắc đầu:
    - Tôi không trông thấy gì cả. Nhà tối quá! Anh đọc hộ tôi nghe được không?
    - Được được, anh chú ý nhé!
    Ông chủ đọc bài thơ bằng cái giọng của thầy giáo tập phát âm cho học trò. Ông nhấn mạnh những từ mà ông cho là cốt lõi của vấn đề. Ông lặp đi lặp lại những câu mà theo ông, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để đưa tác giả ra pháp trường. Vừa đọc ông vừa liếc nhìn vào mặt ông Tổng Biên tập như muốn tìm sự đồng tình. Nhưng sau khi nghe đọc đến ba lần, ông Tổng Biên tập chỉ xoa mặt ngáp dài:
    - Thơ dở quá! Đúng ra nó không đáng được đăng. Tiếc rằng thời đó tôi không phụ trách mảng này.
    - Chuyện hay dở không thành vấn đề. Ở đây tôi muốn đưa ra ánh sáng cái tư tưởng nổi loạn của hắn thôi.
    Ông Tổng Biên tập nhìn ông chủ, lộ vẻ sửng sốt:
    - Nổi loạn à? Có gì đâu nhỉ?
    - Trời ơi là trời! - Ông chủ cười thành tiếng - Các anh làm công tác báo chí mà nói vậy thì hỏng bét.
    Đột nhiên, ông nâng tờ báo lên, toàn thân chồm về phía trước:
    - Hắn viết thế này mà anh bảo là không có gì à? Trước tiên là hai câu: “Ta nhìn ta, nào có nghĩa gì/ Một hạt cát giữa bao la sa mạc”. Anh nghe ra chứ? Rõ là hắn chê hắn quá nhỏ bé. Nhưng chê một người là chê cả xã hội, bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội mà! Không những thế, hắn còn dám bảo cả đất nước này khô cằn như một sa mạc. Hắn sống bằng gì, ăn thứ gì, uống thứ gì? Đúng là một kẻ vong ân! Rồi hắn lại viết: “Ta muốn bay lên như những cánh chim”. Ấy tức là hắn muốn thoát ly khỏi mảnh đất này, mảnh đất mà đáng ra hắn phải thấy tự hào khi được đi đứng trên đó. Cứ theo dòng chảy tư tưởng từ đầu, hắn đã lộ rõ ý đồ phá hoại trong câu: “Hãy phá tan bao chướng vật trên đường” - Ông chủ đấm tay xuống bàn một cách giận dữ - Rồi anh thử tưởng tượng xem, hắn còn to gan bảo: “Nào cùng dang tay bè bạn kết đoàn/ Với năm châu lòng ta là biển lớn”. Thế có ghê không chứ! Hắn lợi dụng tinh thần hội nhập để xóa nhòa ranh giới bạn thù, xúi giục quần chúng câu kết với những thế lực thù địch…
    Ông còn nói nhiều nữa, càng nói càng hăng. Ông phân tích đến từng chữ, từng dấu câu, suy diễn quy chụp như một nhà hùng biện. Nước bọt sùi lên, dồn qua hai bên mép rồi bắn ra như bọt xà phòng. Gân cổ ông nổi từng lằn như những con giun. Vừa nói, ông vừa trợn mắt nhìn vào mặt ông Tổng Biên tập như thôi miên. Còn ông này lại mải mê nhìn ra chỗ con chó. Nó cũng vừa khoét được một số hang hốc bên rãnh nước.
    - Thôi được rồi! Bây giờ anh định thế nào? Ông Tổng Biên tập chợt cắt ngang bản cáo trạng đang được ông chủ thao thao bất tuyệt.
    - Còn thế nào nữa. Anh phải cho tôi biết tên thật cùng cái địa chỉ của hắn để tôi lập thành một bộ hồ sơ đầy đủ để đưa hắn ra tòa.
    Ông Tổng Biên tập nhếch môi cười, chẳng rõ là vui hay buồn. Ông kết thúc buổi nói chuyện bằng cách chìa tay ra:
    - Vâng, nhất định thế. Sáng mai anh đến tòa soạn tôi sẽ đưa bản thảo của T.X. cho. Chắc là người ta quên in tên thật đấy thôi.
    Ông chủ bắt tay cáo từ, không quên nhắc ông Tổng Biên tập số báo phát hành. Ông bước ra đường, gọi con chó:
    - Nết Nết, đi về! Mày còn thua tao rất xa, con ạ!
    *
    * *
    Sáng hôm sau, ông chủ vừa đến tòa soạn thì đã thấy ông Tổng Biên tập đang ngồi chờ ở phòng khách. Ông hỏi ngay:
    - Tìm thấy chưa? Tên cơ hội đầu sỏ...
    - Vâng, có lẽ vậy.
    Ông Tổng Biên tập vừa cười vừa trao bản thảo. Đó là một tờ giấy cũ mèm, chữ viết nắn nót. Ông chủ thong thả cầm lấy, chưa vội đọc. Ông còn nhìn ông Tổng Biên tập với vẻ đồng tình:
    - Anh xem hắn có đáng cho vào nhà đá vài chục năm không?
    Ông Tổng Biên tập gãi trán, ngập ngừng:
    - Ờ… Tôi lại nghĩ nên nhốt hắn vào… nhà thương điên!
    Ông chủ cúi xuống đọc. Đúng bài thơ này và hắn cũng đây rồi. Cuối bài có viết tắt hai chữ cái T.X. Ông lật sang trang đầu. “ Cái gì thế nhỉ? Hả? Ủa? Sao?” Tất cả những tiếng đó vang lên trong đầu ông như một loạt đại bác. Ngay dưới đề bài là chình ình cái tên ông, đầy đủ cả họ. Ông không thể hiểu được. Trò quỷ thuật chăng? Có sự gian lận nào đây chăng? Ông lật qua lật lại bản thảo. Ông dụi mắt. Vẫn cứ thế. Vẫn không thay đổi được gì. Ông lẩm bẩm như nói một mình:
    - Hắn là… là… đây à?
    Ông Tổng Biên tập đáp gọn:
    - Hắn đấy!
    Ông chủ không dám ngước lên nữa. Có cái gì mềm mềm cọ vào chân ông. Ông cúi xuống và thấy con Nết đang ngoạm chặt một chú chuột nhắt. Nó nhìn lên mặt ông như muốn bảo:
    - Lần này thì tôi hơn ông, ông chủ nhé!

Kết Thúc (END)
Phan Văn Minh
» Chiếc Vòng Đá
» Thần Thi
» Linh Mộc
» Con Bò Một Chân
» Con Nết Và Ông Chủ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha