Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hai Chị Em Tác Giả: Võ Thị Như Trang    
    Con Sương đâu rồi? Bây đi đâu mà đi riết không chịu ở nhà dọn dẹp là sao hả? Coi dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, mai các cụ về làm đám Chạp ông bà bây đó.
    - Con đây Nội, con có đi đâu đâu, tụi bạn rủ con đi bắt châu chấu ngoài đê chớ bộ!
    - Mày còn già mồm với ông à? Rảnh có ngày chủ nhật mà không ở nhà dọn dẹp thì thôi, còn bạn bè này nọ. Mày coi con Thương kia kìa, nó học chăm, lại còn ngoan ngoãn…
    - Suốt ngày cứ chị Hai chị Hai, sao cứ so bì con với Hai là sao? Chị Hai là chị Hai, con là con!
    - Trời đất quỷ thần ơi! Thằng Tư đâu, lên coi con gái bây này...
    - Nói rồi ông Nội giãy nãy lên, chỉ trích này nọ. Còn tôi, vẫn cái tính ương ngạnh, không chịu ngồi yên, vội lấy xe đạp ngay ra bờ sông ngồi ngắt cỏ. Bao giờ cũng vậy, hễ có chuyện gì liên quan đến Hai là tôi không thích, nhất là khi ai đó so sánh tôi và chị, từ chuyện học hành đến cả chuyện nền nếp…
     * *
     *
    
    Má kể rằng chúng tôi cùng được sinh ra trong một ngày mưa tháng tư, chị Hai chui ra trước, còn tôi ra sau. Tôi thắc mắc sao hai đứa chẳng giống nhau tẹo nào. Những lúc như vậy má chỉ cười bâng quơ, rồi thôi. Chị là Hoài Thương, còn tôi là Hoài Sương, nhưng từ nhỏ cứ quen chí chóe gọi là Hai, riết cũng thành thói quen đến tận bây giờ. Mười tám năm ròng trôi qua là mười tám năm tôi luôn đau đáu những nỗi niềm, tất cả đều xoáy sâu vào dấu chấm hỏi, rằng tôi và Hai có phải là chị em ruột thịt hay không, mà sao tôi lại ghét cay ghét đắng Hai đến như vậy.
    Ngày bé đi học, hai chị em cùng vào một lớp, chị thì lúc nào cũng được phiếu bé ngoan, được tham gia diễn văn nghệ. Còn tôi ngược lại, chỉ toàn đánh nhau với tụi con trai hay phá phách, mỗi lần đi họp phụ huynh là một lần cô giáo than thở: “Giá mà Hoài Sương thừa hưởng được một phần nhỏ của Hoài Thương…”. Đó là chuyện trường lớp, còn ở nhà, hễ đụng chuyện là ông Nội và ba má lại mang tôi ra so sánh, mắng nhiếc. Dường như chẳng có ai hiểu tôi ngoài con chó Vàng, gặp chuyện không vui là tôi lại phóng xe đạp ra bờ sông ngồi ngắt cỏ, con Vàng lúi nhúi chạy theo sau.
    Rồi hai chị em lớn khôn, ba dùng phên ngăn gian nhà dưới ra để chừa một phòng cho tôi và Hai ngủ. Từ đó, những cuộc “đại chiến” nổ ra, hình như với tôi, đây là cơ hội để “trả đũa” khi trong nhà có người tạo phép so sánh giữa tôi và Hai. Không từ bỏ bất kỳ trò nghịch nào, từ việc bắt thằn lằn bỏ vào gối Hai, đến việc giả vờ làm đổ nước lên sách vở của Hai… tất cả những gì có thể làm Hai sợ và học hành không tốt, tôi đều thực hiện. Nhớ có lần tôi bắt gặp Hai đọc trộm nhật ký tôi viết về chị, dù thấy mắt Hai đỏ lên vì khóc, ấy vậy mà tôi vẫn chạy đến giật tóc Hai. Cũng từ dạo đó mà Hai trở nên trầm hơn, có lẽ vì Hai vỡ lẽ ra một điều - tôi ghét chị.
    * *
    *
    
    Những ngọn gió hoang hoải ùa về trong đêm lạnh, tôi nằm co quắp phía trong góc tường, chăn kéo đến kín đầu, thế nhưng thấy sao sao, chẳng hề chợt mắt được. Bỗng dưng nghe Hai thì thầm:
    - Mai nhà mình có đám Chạp đó Út. Ngày mai Út cứ ở nhà quây quần cùng mọi người, để Hai đi ghe ra sông cắt bèo nghen!
    - Không thích!
    Tôi trả lời bằng một câu trống không, như trước nay vẫn đáp lại sự ân cần của Hai vậy.
    - Sao lại không? Út phải ở nhà quay quần, thấy các cụ lại nhà phải bưng nước ra mời chào nghe không? Mình lớn rồi, phải tập tành những chuyện đó là vừa, Út đừng nhong nhong ngoài triền đê nữa!
    - Kệ tui, trong nhà có ai ưa gì tui đâu. Ai cũng ưa Hai thôi hà.
    - Út à…
    - Hai mà nói câu nữa là tui bắt thằn lằn bỏ vào áo bây chừ!
    Nghe lời “cảnh cáo” của tôi, Hai im lặng thở dài rồi thiếp đi.
    * *
    *
    Sáng sớm tôi đã kéo con Vàng ra bờ sông, ngồi hóng gió ban mai một lát rồi tôi bơi ghe ra cắt bèo cho heo. Những dịp lễ hay giỗ cúng ông bà vốn không có chỗ cho sự góp mặt của tôi, nếu có cũng chẳng ai ưa gì, vì thế tôi chẳng bao giờ tham gia, quây quần cùng mọi người.
    Chống chèo mãi trên từng con nước cho đến trưa, bèo cắt được nhiều không đếm hết, cái bụng thì cứ biểu tình đòi ăn. Vậy là tôi ngán ngẩm chở bèo về cho heo. Gian nhà trên đã nghi ngút khói hương trầm. Các cụ ngồi bàn chuyện hương khói, chuyện sửa sang mồ mả cho ông bà. Còn ba tất bật chuyện bưng bê bánh trái bày biện trên bàn thờ. Phía dưới gian bếp chộn rộn tiếng nói cười của các mợ, các chị, kèm theo đó là mùi thơm quyện rõ quanh bếp lửa hồng. Tôi rón rén dắt chiếc xe đạp chất đầy bèo vào chất trong chuồng heo, vừa làm vừa nghe tiếng mọi người rôm rả bên bếp. Đang loay hoay với mớ bèo, tôi chợt khựng lại khi nghe tiếng các mợ nhắc đến chị Hai:
    - Con Thương nhà mình hệt y má ruột nó, nhìn con bé hiền mà dịu dàng làm sao!
    - Tui cũng thấy rứa đó, mới đây mà nhanh thiệt, mười tám năm rồi chứ chả ít…
    - Mà cũng chẳng nghe ai đá động chi đến chuyện cho con bé về thăm má ruột hỉ? Hôm rồi gặp người quen, nghe kêu má con Thương bị bệnh gì đó, chắc cũng sống không bao nhiêu ngày nữa mô!
    - Ờ thì nhà tui cũng tính nói với ông già và vợ chồng thằng Tư, lo gã chồng cho con bé, rồi cho nó về thăm má ruột. Chứ…
    Chưa nghe hết lời của mợ Cả thì ngoài cửa bếp như có tiếng loảng xoảng, tôi vứt mớ bèo rồi xuống chuồng heo nhòm ra. Bóng của Hai đổ dài trước nắng, ai nấy đều hốt hoảng khi nhìn thấy Hai. Còn tôi thì cố giấu mình nơi vách bếp, cảm giác bàng hoàng và hụt hẫng trước những điều dường như không thể nói nên lời…
     * *
     *
    
    Vậy là mọi chuyện đều được làm rõ, Hai không phải con ruột của ba má tôi, cũng không phải chị ruột của tôi. Hai là con gái của một người phụ nữ bán hàng rong năm nào đã gửi chị cho ba má tôi nuôi nấng, dạy dỗ nên người. Sau đám Chạp, ông Nội và ba gọi Hai lên nói chuyện, ba kể Hai nghe về má ruột của Hai, rồi còn đưa cho Hai mẫu giấy ghi địa chỉ nơi Hai cần phải đặt chân về. Từ nhỏ đến giờ, tôi thấy Hai khóc rất nhiều, khóc vì bị tôi đánh, vì tôi ghét bỏ… những lần đó tôi đều mặt lạnh và không quan tâm. Nhưng lần này, nhìn Hai khóc mà tôi thấy lòng mình nghẹn ngào.
    Đêm đó cả hai chị em đều không ngủ được. Tôi chỉ cựa mình, chẳng biết làm gì cho phải. Còn Hai, vẫn ân cần với tôi như ngày nào, Hai nghiêng mình ôm tôi vào lòng, xoa xoa lưng của tôi, rồi thủ thỉ:
    - Tết này Hai vắng nhà, Út phải lo chuyện cơm nước, phụ ba má việc thờ cúng ông bà đó nghe!
    - ...
    - À, nhỡ bạn Hai vào chơi tết thì Út đón tiếp giùm Hai. Nhất là cái anh cao cao, ốm ốm, mang đôi kiếng cận ấy, anh đó để ý Hai lâu rồi, Út nhớ không được mặt nặng mặt nhẹ với anh đó. Còn nữa, Út phải cắt bèo cho heo ăn đủ ba bữa tết. Nếu không, mắc công chèo ghe đi vớt bèo ngày đầu năm, kỵ lắm!
    Không đếm hết bao lần Hai thủ thỉ bằng giọng trầm ấm với tôi, nhưng duy có lần này tôi biết khóc cho những lời lẽ ấy. Không đợi tôi đáp trả, Hai lần lượt tiếp lời, những câu nói cứ đều đều đưa tôi vào sâu giấc ngủ. Trong giấc ngủ, tôi thấy mình lạc vào cõi mông lung, và tại một nơi lưng chừng nào đó, tôi thấy chiếc xe đò từ từ lăn bánh đưa Hai về một miền đất mà với chị - đó là nơi lần đầu đặt chân đến.

Kết Thúc (END)
Võ Thị Như Trang
» Giữa Hai Phía Cuộc Đời
» Hai Chị Em
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết