Ông giật mình thức giấc, đưa tay bấm chiếc điện thoại xem giờ. Đã 4 giờ chiều rồi. Thì ra, ông đã ngủ được một giấc khá sâu, từ sau buổi cơm trưa đựng trong cái hộp nhựa ăn vội vàng khoảng đâu đó trước 12 giờ. Ở đây là bệnh viện chứ không phải là nhà riêng. Người ta làm mọi thứ, kể cả việc thỏa mãn các nhu cầu của cuộc sống một cách vội vàng và khá tự nhiên chủ nghĩa. Ăn có cơm hộp. Ngủ có chiếc chiếu thuê với giá một đêm mười ngàn đồng. Hút thuốc thì hút lén trong cầu tiêu.
Phòng bệnh im ắng lạ kỳ, các bệnh nhân đều ngủ. Ba đêm rồi, ông không ngủ được từ khi ông đưa con trai vào phòng cấp cứu. Sáng nay, con ông mới được ra phòng nằm điều trị. Ông nhìn sang con. Con ông đang ngủ say; bình dịch đang rớt đều đều từng giọt vào ống truyền. Mấy ngày rồi, con ông không được ăn một miếng gì. Các bác sĩ ra lệnh cho truyền dịch liên tục để bệnh nhân không bị mất sức. Nhìn bình truyền dịch, ông bớt lo âu. Ông khẽ ngồi dậy, bước vào toilette.
Cũng như bao nhiêu bệnh viện khác trong thành phố này, cái toilette ở đây đã quá cũ, xuống cấp một cách thảm hại. Bệnh viện được xây dựng quá lâu rồi, người ta chỉ sửa sang chút đỉnh cho có mà dùng nên cái gì cũng chẳng đồng bộ. Đã vậy, cái toilette là một nơi ít được chú ý nhất. Mạng nhện giăng đầy trên những lam cửa kính phòng được tạo ra để lấy ánh sáng và thoáng gió. Được cái nước ở đây chảy khá mạnh. Ông đánh răng rồi xả nước tắm. Trời mùa hè, khí hậu bên ngoài hơi nóng; dòng nước mát lành làm ông cảm thấy khoan khoái. Ông thỏa thích tắm rửa. Lau mình thay đồ xong, ông chợt nghe có tiếng chim ríu rít rất gần bên tai mình. Ông khẽ đưa tay đẩy cái lam cửa kiếng của phòng tắm, nhìn sang bên kia bức vách.
Có một cây si già nằm lọt vào khuôn viên của một bệnh viện quân đội bên kia. Hai bệnh viện nằm đấu lưng, chỉ cách nhau có một bức vách. Cây si trở thành một cái lọng lớn, che mát cho mấy căn phòng của cả hai bệnh viện. Những rễ phụ của cây si bên bệnh viện quân đội buông thõng xuống thành từng chùm, có màu nâu đậm. Cây si dường như lâu đời lắm; cành nhánh của nó tỏa ra đủ mọi hướng. Một vài nhánh si vươn tay vào cạnh bức vách của cái toilette nơi ông đang tắm, gần đến nỗi muốn len cả vào chỗ cái lam cửa.
Một đôi chim, chẳng biết là loài chim gì, màu lông giống như màu cỏ úa, đang ríu rít gọi nhau làm tổ. Đứng trong toilette nhìn ra, ông có thể trông thấy rõ cái viền màu vàng trên mỏ chim, một đường viền khá thanh tú và rất dễ thương. Con lớn hơn một chút, có vẻ là con trống, tước và kéo những sợi rễ phụ si già, đem về cho con mái. Con mái nhận những sợi rễ nhỏ, dùng mỏ và chân, khéo léo xây một chiếc tổ. Có khi, nó đứng thẳng dùng mỏ kéo sợi rễ, có khi nó nằm ngửa lên chuyền sợi rễ quấn vào nhánh cây nhỏ phía trên, treo cái tổ giữa hai nhánh cây như ta treo chiếc võng.
Đôi chim làm việc nhịp nhàng; nhất là con chim mái luôn tỏ ra phong cách của một người thợ tiểu thủ công cần mẫn, khéo léo. Bản năng thiên nhiên đã phân công cho chúng một cách rõ ràng: Con trống tước rễ cây; con mái xây tổ ấm. Hóa ra, lứa đôi chọn nhánh cây sát toilette của phòng bệnh này làm tổ đẻ trứng vì chúng tin nơi đây im ắng, thanh bình. Chúng vừa làm việc, vừa ríu rít gọi nhau. Nhìn thấy cái cảnh dễ thương và cảm động ấy, ông mỉm cười. Ông đưa tay lên khẽ kéo cái lam cửa kiếng lại, mong giữ bí mật cho đôi chim.
Phòng bệnh nằm tới bốn người, thêm bốn thân nhân đi nuôi bệnh nữa là tám. Đã vậy, buổi sáng nào cũng có các chị y công vào đây làm vệ sinh phòng toilette, đổ rác. Cái lam cửa đã cũ quá rồi, chẳng có ai buồn đụng đến nó, chùi rửa nó. Thời gian đã làm các chốt sắt gỉ cả. Người vào đây toàn là người lớn, cũng chẳng ai tò mò phá phách gì. Thế nhưng, ông vẫn lo ngại có một người nghịch ngợm nào đó, tình cờ nhìn ra được chiếc tổ chim như ông và làm đôi chim sợ hãi, gián đoạn việc xây tổ. Bản năng kỳ diệu của mọi loài động vật trong thiên nhiên là truyền giống và phát triển giống nòi. Đôi chim nhỏ này đang làm cái việc kỳ diệu đó. Tuy là những sinh linh nhỏ bé, chúng cũng có quyền sống, quyền được duy trì nòi giống như bao nhiêu động vật khác trên thế gian. Nghĩ vậy nên khi kéo xong cái lam cửa lại, ông tìm một đoạn dây thép cũ cột vào cái chốt cửa gỉ sắt rồi mới an tâm bước ra khỏi toilette.
Vậy là từ hôm ấy, bên cạnh mối quan tâm lớn nhất về sức khỏe của con trai, ông còn có một mối quan tâm khác về cái tổ chim. Trời đang vào tháng 6, mùa mưa Sài Gòn thường đến buổi chiều, có khi là những cơn mưa rất to. Cứ trước mỗi trận mưa, dông gió thường nổi lên; hàng cây trong sân lớn của bệnh viện xào xạc và lá cây rụng bay tứ phía. Mỗi ngày, ông vào toilette vài lần, khi giặt giũ và làm vệ sinh các đồ dùng nằm viện cho con, khi tắm rửa cho mình. Bao giờ cũng vậy, làm xong các việc cần làm, ông tháo cọng dây kẽm ra, đẩy cái lam cửa kiếng lên, nhìn chiếc tổ chim. Lứa đôi này chăm chỉ và khéo léo thật. Mới đó mà cái tổ màu nâu đậm tròn tròn đã hình thành, treo chắc chắn trên hai nhánh cây. Một cơn gió thổi đến, hai nhánh cây khẽ đong đưa nhưng chiếc tổ vẫn không bị ảnh hưởng gì. Thật là một công trình đáng tin cậy!
Một hôm, ông vào toilette sớm, nghe tiếng chim hót rời rạc. Lòng đầy lo ngại, ông khẽ đẩy cái lam cửa lên và nhìn. Chú chim trống đang nhảy từ cành này sang cành khác, hót líu lo trong khi con chim mái đang nằm trong tổ, im lặng. Hóa ra, nó đang thực hiện chức năng sinh đẻ thiêng liêng nhất của động vật. Một lát sau, nó nhảy ra khỏi tổ. Ông nhìn thật kỹ. Tổ giờ đã có một chiếc trứng bé nhỏ, chỉ nhỉnh hơn trứng thằn lằn một chút; vỏ trứng có màu xanh nhạt của da trời.
Ông từng sưu tập các loại từ khí cổ của Trung Quốc, trong đó có một độc bình nhỏ mà người ta thường gọi là men trứng sáo cuối triều Minh. Ông vẫn tự hào về chiếc bình cổ quý giá với màu men thanh thoát ấy. Thế nhưng, khi nhìn thấy được màu vỏ trứng của loài chim này, ông biết rằng món đồ men trứng sáo thua xa. Nó hồn nhiên và thanh thoát một cách tuyệt đối. Dẫu sao, men trứng sáo cũng chỉ là một sản phẩm do con người làm ra. Đôi chim lại chuyện trò líu lo một chút, xong cùng cất cánh bay đi. Chắc là chúng tìm một cái gì đó để ăn.
Ông khẽ đẩy cái lam cửa lại, buộc lại sợi dây kẽm rồi bước ra ngoài. Ông nghĩ phải làm một cái gì đó để giúp lứa đôi này một chút. Ông không hiểu đôi chim này có thể ăn được cái gì, những con sâu bọ nhỏ hay là mớ vụn bánh mì như loài chim sẻ. Ông cũng không biết chúng sẽ bay tới đâu trong cái thành phố ầm ỳ người và xe này để có thể tìm loại thức ăn phù hợp. Ông bẻ một trái chuối nhỏ, lột vỏ ra rồi lấy thêm một cái bánh ngọt trong phần quà của con nằm viện. Ông lại bước vào toilette, để trái chuối và bẻ chiếc bánh ra đặt trên cái gờ bằng xi-măng trên cái lam cửa. Ông không hiểu hai chú chim này có ăn được chuối và bột bánh vụn không nhưng vẫn hy vọng với bản năng bẩm sinh của loài chim, chúng sẽ tìm ra và ăn được những món này.
Cuối tháng 6, mưa càng già. Một chiều mưa lớn, ông vào toilette, mở lam cửa ra nhìn chiếc tổ chim. Thật diệu kỳ, vị trí mà hai vợ chồng chim chọn làm nơi xây tổ thật an toàn, không thấy giọt nước mưa nào tạt đến. Không biết hai con chim đã bay đi đâu. Tổ chim giờ đã có hai chiếc trứng nho nhỏ, xinh xinh. Ông mỉm cười: “Thôi đủ rồi, ngừng nhé hai bạn. Có hai đứa con là đủ, đừng nên sinh nhiều thêm mà khó tìm ra thức ăn nuôi con”.
Nghĩ đến chuyện chỉ nên có hai đứa con, ông lại mỉm cười và bồi hồi thương mẹ. Mẹ ông sinh tất cả mười người con; khi ông lớn lên, đã có bốn người qua đời. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, con người đói kém đến như vậy mà mẹ ông vẫn tảo tần nuôi dưỡng được con cái nên người thì công lao ấy quả thật vĩ đại. Ông là người con thứ mười của gia đình, lớn lên năm tuổi đã biết quê nhà mình nghèo đói. Nhiều khi ông nghĩ ước gì ngày đó mẹ không sinh ra mình để bà bớt lo, bớt khổ hơn một chút. Cứ nghĩ như vậy, ông lại ngậm ngùi thương mẹ.
Sau buổi chiều ấy, con chim mái ở nhà ấp trứng; con chim trống bay đi đâu không biết, có lẽ là tìm thức ăn nuôi vợ. Tiếng hót ríu rít đã ít đi nhưng tiết tấu cuộc sống vẫn phát triển đều đặn. Ông mở lam cửa ra nhìn. Con chim mái đang nằm trong tổ; cái thân hình nhỏ nhắn của nó che khuất hai chiếc trứng. Hình như nó vươn đôi cánh có màu lông cỏ úa ra một chút để truyền hơi ấm vào hai chiếc trứng nho nhỏ, xinh xinh. Nó nghiêng cổ nhìn ông, đôi mắt bình thản và tự tin và chẳng có gì sợ hãi ông cả. Ông nhìn nó, lòng rộn lên niềm thương xót vô hạn. Người và chim chỉ cách nhau không đầy một mét, lặng lẽ nhìn nhau. Không biết bao lâu nữa, hai chú chim con mới ra chào đời nhưng ở thời điểm này, ông đã thấy chiếc tổ ấm của đôi chim thật tràn ngập hạnh phúc. Ông lại khép cái lam cửa lại.
Ba hôm sau, con trai ông được xuất viện. Tính ta, ông và con ở trong căn phòng bệnh này đã trên nửa tháng. Nửa tháng mòn mỏi mong chờ sự sống trở lại và sự sống đã trở lại với con trai ông. Ông cũng mong chờ được nhìn thấy hai chú chim non đỏ hỏn, đủ ngày đủ tháng ra đời trong chiếc tổ ấm cúng với cha mẹ chúng nhưng tiếc là hai quả trứng vẫn chưa kịp nở. Buổi chiều trước khi về nhà, ông bẻ vụn một chiếc bánh để trên cái gờ lam cửa. Con chim mái vẫn nằm trong tổ ấp trứng, nghiêng cổ nhìn ông. Ông nói khẽ như chỉ để cho mình nghe: “Ăn đi, cố mà ăn đi”. Rồi ông lại khẽ khàng khép cái lam cửa lại. Lần này thì ông buộc kỹ cọng dây kẽm.
Kết Thúc (END) |
|
|