Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Thầy Tôi Ngày Ấy Tác Giả: Lê Nguyên Ngữ    
    Biết nói thế nào về tuổi thơ của tôi thời còn tiểu học và về cái nơi có ngôi trường làng mà những năm đầu đời mình theo đòi “bút nghiên, cặp sách”! Đó là trường làng Vĩnh Hòa, nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Dạo ấy nhà tôi nghèo lắm. Nghèo nhưng nhà lại gần trường, nên ba má tôi cho tôi đi học, dù ở nhà chẳng ai trông em.
    Ấy là những năm cuối thập niên năm mươi. Thời đó sáng sáng đi học tôi thường chẳng ăn gì. Không ăn sáng với bọn trẻ nhà quê là chuyện bình thường. Nhưng đằng này… tôi đi học! Mỗi khi nghe mẹ tôi băn khoăn về việc “bụng đói, cái chữ hổng chịu vô”, ba tôi lại “Ui dào, đi học sướng hung, chớ phải cày đất lật cỏ gì mà phải lót dạ!”. Mà quả thật vậy, ngay như ba tôi đi rẫy, ra đồng làm những việc nặng nhọc, có thấy ông ăn gì đâu, ngoại trừ vài chén trà. Thương tôi, thi thoảng mẹ cũng dành cho chén cơm nguội, mấy củ khoai lang, khoai mì luộc từ chiều hôm trước hoặc mờ sáng trước lúc mẹ ra đồng. Hôm nào được vậy thật là “vững bụng”. “Vững” thì có “vững” song... không ngon!
    
    Trước cổng trường làng tôi tuy xập xệ nhưng sáng sáng người ta cũng bày bán bao nhiêu là quà: xôi, bắp hầm, bánh canh, bánh ú, khoai lang… Mà khoai lang các bà ấy bán với khoai lang nhà tôi khác nhau một trời một vực. Mật khoai tươm ra ngoài vỏ trông bóng lưỡng chứ không héo quắt, đôi khi bị sùng đục như của nhà tôi. Đó là chưa kể đến mấy loại cao cấp như xôi gấc, bánh cam… Nhất là bánh cam, hình tròn nhỉnh hơn trái chanh một chút, nhưn đậu xanh ngào với thịt heo, vỏ bột gạo chiên lên vàng ruộm, lăn dính bên ngoài là vô số hạt mè trắng rang thơm lừng.
    Cổng trường bán nhiều quà hấp dẫn vậy nên sáng nào, dù có lót dạ hay không, nhà ở gần trường nhưng tôi vẫn đi học rất sớm. Đi sớm để nhìn tụi nó ăn cho đã thèm! Khoái nhất là nhìn ăn bánh cam, lúc cắn lòi nhưn đậu xanh vàng vàng ra. Tụi nó ăn ngon mười phần, mình nhìn chảy nước dãi, xem như cũng được ăn một, hai phần rồi. Tôi thường thu mấy cuốn vở trong lòng, ngồi chồm hổm trước tràng bánh cam nhiều hơn các nơi khác là vì vậy…
    Trường tôi học năm ấy có ba lớp: Năm, Tư, Ba. Lớp Năm nhiều trò nhất, nhớ đâu khoảng ba, bốn mươi đứa; còn lớp Tư, lớp Ba thì ít dần. Cô Phương dạy lớp Năm, thầy Lầu dạy lớp Tư và thầy Lộc dạy lớp Ba. Năm tôi lên lớp Nhì (lớp cao nhất trường) thì trên điều thầy Cẩn về dạy lớp này. Nghe nói thầy đã đậu tú tài I. Hồi ấy, ai đậu tú tài I là ghê lắm. Cô Phương, thầy Lầu, thầy Lộc hình như chỉ cao lắm là có bằng trung học đệ nhất cấp mà thôi. Thầy Cẩn dáng người đậm, da ngăm ngăm đen. Thầy giọng miền ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi chi đó, nói rất nhanh và hơi cà lăm. Sau các buổi dạy, cô Phương ở đậu nhà dân; thầy Lầu, thầy Lộc chiều về thị xã; còn thầy Cẩn quê ở xa nên sau khi dạy, ăn nghỉ tại phòng cuối trường (phòng dành cho lớp Nhất sau này).
    Trường gần nhà nên ngoài giờ học, thỉnh thoảng trưa, tối hoặc Chủ nhật, tôi thường dẫn em qua phòng thầy chơi. Vì hay lân la đến nơi ở của thầy nên ông thường nhờ tôi những việc lặt vặt. Một sáng chủ nhật, thầy nhờ tôi đi mua giùm năm trái cam. Tôi cầm tiền chạy đi ngay. Ngày nghỉ học trước trường không ai bán, tôi phải xuống trung tâm làng. Trước đây cũng đôi lần thầy nhờ mua thức ăn sáng, nay do bị ám ảnh bởi những cái bánh cam thế nào mà tôi lú lẫn mua ngay năm bánh cam, chạy về. Thầy Cẩn chưng hửng khi thấy tôi cầm bánh về. Thầy nói là nhờ mua cam để thăm trò Dần bị bệnh, bảo đi đổi lại. Thấy điệu bộ ngần ngừ của tôi, như hiểu ra điều gì thầy bảo “Thôi để trưa thầy mua, Tám đem bánh lại đây!”. Năm cái bánh ấy, thầy với tôi ăn mỗi người hai cái, còn một cái thầy gửi cho đứa em tôi thường hay dẫn qua chơi.
    Khỏi phải nói hương vị hai cái bánh cam lần đầu tiên tôi ăn trong đời nó ngon đến thế nào. Không những ngon mà còn cả một sự khám phá về quà bánh! Càng khám phá hơn nữa là… tôi biết thầy có khá nhiều tiền. Khi nhờ tôi đi mua thầy đưa tờ bạc năm đồng. Năm cắc hai cái bánh cam nên tiền thối về là ba đồng, bảy lăm xu. Thầy cất hai lăm xu bằng kẽm vào hộp gỗ riêng; còn ba đồng rưỡi (1 tờ hai đồng,1 tờ một đồng và tờ một đồng xé nửa) thầy vuốt thẳng thớm những nếp nhăn ở các góc tiền một cách nâng niu, cẩn thận. Hồi đó tờ bạc mệnh giá một đồng, được phép xé hai nếu cần để dùng như là hai miếng năm cắc. Nửa đồng xé hai tôi đem về này, do người xé cẩu thả, đường rách có hơi nham nhở, thầy đi lấy kéo cắt lại cho thẳng cạnh. Rồi tất cả thầy ép cẩn thận vào ba quyển sách, khác với quyển có tờ năm đồng lúc thầy lấy nhờ đi mua. Kệ sách của thầy giống ngân hàng nho nhỏ, quyển nào hình như cũng có gấp tiền.
    Sau lần khám phá ấy, đầu óc tôi lúc nào cũng lấn bấn, không yên. Lúc đến cổng trường với bao nhiêu hàng quà, tôi lại nghĩ đến những quyển sách có ép tiền của thầy. Trong lớp, khi thầy cầm sách giảng, đầu tôi lại hiện ra vô số bánh cam… Vì hay chú ý vậy nên tôi thấy thầy rất khoái… tiền. Loại tiền nào, nhất là tiền giấy dù nhăn nhó, nhàu nát đến mấy vào tay thầy cũng thành ra thẳng thớm, tinh tươm, xếp giữ vào ví hay sách vở đàng hoàng. Có những lúc tôi còn thấy thầy lật đi lật lại tờ giấy bạc nào đó và nhìn ngắm rất lâu.
    Vào một ngày thứ mấy không nhớ rõ, xế chiều, tôi sang chơi thì thầy đã ngủ. Tôi xoay người định về bỗng kệ sách nhỏ của thầy đập vào mắt. Tiền trong mấy cuốn sách ấy! Như có ai xui khiến tôi bèn đến, nhón lấy một quyển và nhẹ nhàng chạy về. Khi lật sách thầy ra, nhằm quyển trong ấy chỉ có duy nhất một tờ giấy bạc. Tờ bạc chi trông rất lạ. Mặt trước đề tín phiếu năm mươi đồng và hình tròn một ông già có râu. Mặt sau thì cảnh ra khơi của ngư dân. Hồi nào giờ, tờ bạc nhiều tiền nhất mà tôi được thấy là mười đồng, đằng này lại những… năm mươi! Tôi khấp khởi mừng vì tuy gặp quyển sách chỉ có một tờ, nhưng là loại lớn tiền. Bèn giữ tờ bạc lại còn quyển sách Toán gì đó tôi vứt vào bếp lửa.
    Sau một đêm mơ đầy quà bánh lộn xộn. Sáng ra dậy sớm, tôi không đến cổng trường mà xuống tận trung tâm làng, nơi là cái ổ quà bánh đủ loại. Tôi đưa ra tờ giấy bạc, chị bánh cam không chịu bán vì chưa bao giờ thấy thứ tiền này. Sang bà già bán xôi gấc bên cạnh, bà xem xong cười bảo: “Tiền này “xưa” rồi. Mày đi mua không khéo bị bỏ tù đó!”. Tôi nghe mà hết hồn, vội giấu tiền vào vở và tất tả về lại trường.
    Phải đến mấy ngày sau, một hôm thầy Cẩn chỉ vào bàn thầy, hỏi cả lớp: “Có em nào thấy quyển sách Toán của thầy để quên ở đây không?”. Dĩ nhiên không ai thấy. Riêng tôi rất mừng vì thầy quên là nó mất trên kệ sách của mình. Nếu thầy nhớ mất trên đó, chắc chỉ nghĩ là tôi! Tuy không bị thầy nghi nhưng tôi biết cái chính trong việc thầy tìm quyển sách Toán chỉ bởi tờ giấy bạc kia. Tôi hối hận quá! Tờ bạc ấy vô dụng chẳng giúp mình mua được chút quà nào, trong khi có thể nó rất quan trọng với thầy. Giờ trả lại là không được bởi quyển sách có kẹp tiền tôi đã quăng vào lửa tự hôm mới lấy về. Định bụng chờ lúc thuận tiện nào đó, tôi sẽ bí mật đánh rơi tờ bạc kia để trả lại thầy. Dịp ấy chưa tới thì tuần sau thầy Cẩn bỗng dưng nghỉ dạy, đi đâu biệt tăm. Tin chính thức, sở dĩ thầy bỏ trốn vì đến hạn phải bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Còn tin xầm xì giữa các giáo viên là thầy Cẩn đã lên rừng theo cách mạng!
    Từ tin xầm xì này, liên hệ với những lần giảng bài của thầy, tìm hiểu tôi mới biết tờ giấy bạc trong quyển sách mình lấy cắp năm nào là tiền Tín phiếu Cụ Hồ mà thầy dày công sưu tầm được.
    Những năm sau này, mỗi khi gặp ai vuốt thẳng góc, xếp cẩn thận tiền bạc là tôi lại nhớ đến thầy. Nhớ, tôi luôn dặn lòng mình dù nghèo khó hay giàu sang lúc nào cũng phải học theo cách nâng niu, quý trọng đồng tiền có trong tay như thầy. Thứ nữa tiêu xài phải chừng mực, không hoang phí theo kiểu “ném tiền qua cửa sổ” vì kiếm được nó ít nhiều cũng là mồ hôi, nước mắt của mình.
    Càng về già tôi lại càng thấy rằng: Những kẻ coi đồng tiền như cỏ rác thì thường hiếm khi thành đạt trên con đường sự nghiệp của mình. Mỗi lần nghiệm ra như thế tôi lại nhớ đến việc tìm kéo, cắt thẳng cạnh giấy bạc một-đồng-xé-hai và cách nâng niu đồng tiền của thầy cùng tờ Tín phiếu Cụ Hồ trong quyển sách năm xưa.

Kết Thúc (END)
Lê Nguyên Ngữ
» Thuốc Đúng Liều!
» Thầy Tôi Ngày Ấy
» Muốn Ăn Cái Chữ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò