Người miền Nam, trong đó có Sài Gòn hàng năm vẫn giữ tục lệ viếng mộ thân nhân vào ngày hai lăm tháng chạp âm lịch. Thời nay, họ bớt việc tu tảo phần mộ mà chỉ viếng, thắp nhang thôi vì các ngôi mộ tại nghĩa trang nào cũng đều được xây hoàn chỉnh liền sau lễ mai táng.
Ngày viếng nghĩa trang năm rồi tôi dẫn Tưởng đến viếng mộ anh bạn đồng nghiệp vì hôm an táng anh bạn này Tưởng có việc làm chưa xong tại một tỉnh xa. Chúng tôi đến nghĩa trang vào buổi chiều. Tại đây còn rất ít người vì đa số đã đến vào buổi sáng. Hầu hết ngôi mộ tại đây đã được thân nhân nhổ cỏ, đồ lại chữ bằng sơn màu trên những câu đối, mộ bia… Quang cảnh nghĩa trang trông sáng sủa hẳn ra. Tưởng và tôi đốt nhang khấn vái mộ anh bạn đã khuất. Xong, tôi đốt một bó nhang khác để đi cắm trước các ngôi mộ quanh đấy. Bỗng Tưởng dừng lại trước một ngôi mộ, nhìn chăm chăm vào di ảnh một phụ nữ. Anh bước lại gần hơn và đọc họ tên người đã khuất:
BÙI THỊ BẢY
Năm sinh: Giáp Tý 1924
Tưởng thảng thốt kêu lên:
- Trời đất! Chị Bảy đây rồi!
Tôi cũng nhìn kỹ di ảnh chị Bảy và hỏi Tưởng:
- Ông quen bà chị này à?
- Vâng, không những quen mà tôi còn được chị giúp đỡ tận tình một thời gian dài khi tôi ở quê mới vào Sài Gòn.
Tưởng kéo tôi cùng ngồi xuống gờ xi măng của mộ chị Bảy. Tôi bảo Tưởng kể lại câu chuyện anh vừa nói. Tưởng ngoái nhìn lên di ảnh chị Bảy rồi nói:
- Trí nhớ tôi không tốt lắm, nhưng với những điều thuộc vòng ân nghĩa, lại là ân nghĩa của tôi thì chuyện này dẫu lâu đến mấy tôi cũng không quên dù chỉ với một vài chi tiết.
Mùa xuân năm Bính Thân 1956, tôi - một gã con trai nhà quê đúng nghĩa tứ cố vô thân, đặt chân đến Sài Gòn, cái thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn đông” này. Hôm rời quê nhà Quảng Nam ra đi, tôi được mẹ cho một số tiền mẹ phải bán vội cặp heo chưa tới lứa xuất chuồng. Khi tôi vào đến Sài Gòn thì số tiền ít ỏi ấy chả còn được bao nhiêu vì trước đó tôi đã ra Huế, Quảng Trị ở một thời gian.
Người bạn học cũ ở Huế viết thư tay gửi gắm tôi với ông cậu của anh nhờ ông giúp đỡ tôi. Ông này đang làm quản lý vật tư cho một ông thầu khoán ở Phú Nhuận. Khi tôi gặp ông thì ông đang ở trong một trại lợp tôn chứa nhiều bao xi măng, sắt… cho công trình đang xây cất. Ông cho tôi ở chung với ông trong trại này. Ban ngày tôi mượn xe đạp của ông đi tìm việc làm, tối về ngủ với ông tại trại vật tư. Ông giới thiệu cho tôi một quán cơm bình dân tại góc khu đất rộng bên kia đường.
Chủ quán cơm này là chị Bảy, khoảng ba mươi tuổi. Giúp việc cho chị còn có một cô gái trẻ hơn chị. Hồi ấy khu đất quá rộng này chỉ có quán cơm chị Bảy nhỏ nhoi khép nép tại một góc nên diện tích khu đất trở nên thừa thãi quá đáng. Mùa nắng, buổi chiều, trẻ nhỏ chia nhau mấy đám, nơi đá bóng, nơi thả diều. Mùa mưa, nước ngập mênh mông chỉ trừ góc có quán cơm chị Bảy. Nhiều người đến đây câu cá rô, cá sặt. Quán cơm bình dân của chị Bảy tuy nghèo nhưng rất sạch sẽ, các món ăn đều ngon, lại rẻ nên thu hút được nhiều thực khách thuộc giới lao động. Quán bán cơm cả bữa trưa và bữa chiều.
Mấy ngày đầu, mỗi bữa ăn xong tôi đều trả tiền sòng phẳng, nhưng càng ngày tôi càng lo vì chưa biết rồi sẽ xoay trở thế nào đây khi khoản tiền còn trong bóp quá mỏng mà việc làm chưa có. Trưa nọ, khi tôi đang ngồi ăn cơm, chị Bảy chủ quán đem lại đặt trên bàn cho tôi ly trà đá và nói nhỏ:
- Ăn xong, em ngồi nán lại uống nước, chờ khách về hết, chị sẽ nói với em điều này…
- Dạ.
Lát sau, chị kéo ghế ngồi cạnh tôi và nói:
- Chị biết em đang tìm việc làm, mà hễ chưa có việc làm thì chưa có tiền. Vậy thì từ ngày mai trở đi, em cứ đến quán chị ăn cơm ngày hai bữa như thường nhưng chưa trả tiền, đợi khi nào em có việc làm, có lương hãy trả. Ngoài ra, nếu thiếu tiền tiêu vặt, em cứ nói với chị. Chị biết em là đồng hương của chị, nơi đất khách quê người phải giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi nói:
- Em hết sức cảm ơn lòng tốt của chị, nhưng…
- Không “nhưng” với nhị gì cả, vì cuối cùng em vẫn trả đủ cho chị kia mà?
Tôi còn lưỡng lự thì chị Bảy vỗ vai tôi, quyết định:
- Thôi, cứ vậy đi. Nếu em có ngại thì lập một quyển sổ nợ của riêng em, ăn bữa nào ghi bữa đó, sổ sẽ do em ghi và giữ lấy.
Chị cho tôi biết thêm về ông giữ trại xây cất đêm đêm cho tôi về ngủ với ông. Ông ta cũng là người Quảng, lấy vợ Huế, làm ăn thất bại nặng nên vào tạm nhờ ông thầu khoán là anh vợ của ông.
Tôi khen ông tử tế, dễ chịu. Chị cười:
- Ổng tốt bụng thật nhưng ổng rủ em đêm đêm về ngủ tại trại còn vì lẽ ổng rất sợ ma, nghĩa địa lại ở sát trại của ổng.
Phải đến tháng rưỡi sau tôi mới được một nhà in trên đường Lý Thái Tổ nhận vào làm việc, cuối tháng sau mới được lĩnh lương. Suốt thời gian ấy, giờ nghỉ trưa tôi phải lấy xe đạp của nhà in đạp toát mồ hôi về quán chị Bảy để ăn cơm, ghi sổ, rồi trở lại làm việc buổi chiều. Bữa cơm chiều đỡ vất vả hơn vì tôi về ăn cơm rồi về luôn trại vật tư để ngủ.
Lĩnh kỳ lương đầu, tôi về thanh toán “nợ cơm” cho chị Bảy nhưng chị chỉ lấy một nửa còn một nửa chị cho tôi nợ tiếp.
Sau đó, vì để gần nơi làm việc ban ngày và học thêm ban đêm, tôi mướn căn gác nhỏ gần nhà in để ở. Tuy không còn ăn cơm nơi quán chị Bảy tốt bụng nhưng tuần nào tôi cũng đến thăm chị.
Sau Tết Mậu Thân 1968, tôi bất ngờ phải vắng nhà ngoài ý muốn đến cuối năm sau mới được về. Người tôi đến thăm đầu tiên là chị Bảy nhưng cái quán nghèo khép nép nơi góc khu đất rộng ngày nào đã không còn nữa. Mái tôn, vách ván đã bị dỡ đâu mất hết chỉ còn lại mấy cây cột gỗ tạp khẳng khiu, xiêu vẹo. Tôi hỏi mấy người ở gần nhưng không ai biết chị Bảy đi đâu, còn sống hay đã mất. Tôi muốn tìm ông thủ kho vật liệu xây dựng nhưng ông đã về quê từ lâu.
Từ đó và mãi đến bây giờ tôi luôn tìm mọi cách để biết tin chị Bảy nhưng hoàn toàn vô vọng. Mỗi khi có việc đi ngang khu đất rộng ngày xưa tôi đều nhìn phía góc có chiếc quán nghèo thuở trước. Tôi nhìn bằng nhãn quan ký ức nên không còn gặp lại hình ảnh nào của quá khứ vì từ lâu khu đất rộng hồi chị Bảy trú ngụ đã thành công viên Hoàng Văn Thụ, một trong số mấy công viên lớn, đẹp và nhộn nhịp nhất thành phố.
Bao năm mong tìm, bây giờ tôi mới gặp lại chị Bảy trong trường hợp thế này đây!
Kể tóm tắt xong câu chuyện, vẻ buồn hiện rõ trên nét mặt của Tưởng. Lát sau, Tưởng đứng bật lên bảo tôi:
- Chúng ta đi tìm gia đình chị Bảy.
- Biết đâu mà tìm?
Tưởng bước vào xem kỹ lại mộ bia rồi trở ra, lắc đầu. Tôi nói:
- Không ai để địa chỉ người quá cố trên mộ bia đâu.
Tưởng lại bảo tôi:
- Ông và tôi đến nhà người giữ nghĩa trang này hỏi, chắc họ phải biết.
Chúng tôi đi gần cuối nghĩa trang mới đến nhà người cần gặp. Một người đàn ông mặc áo thun ba lỗ đang đứng giữa sân. Thấy chúng tôi, ông hỏi lớn nghe thật chối tai:
- Mua huyệt hả? Giá huyệt lúc này tăng rồi đó.
Để được việc của mình, Tưởng nén sự bực bội và nói về việc nhờ ông này giúp. Nghe xong, ông lắc đầu và nói oang oang:
- Ai tới mua huyệt thì chúng tôi bán, còn chôn cất, thăm viếng là việc của họ, tôi giữ địa chỉ gia đình người chết làm gì?
Tôi bảo Tưởng đi về. Chẳng biết nghĩ sao, người quản trang bèn chỉ cách:
- Giá như hai ông đến đây vào buổi sáng hôm nay chắc chắn đã gặp người nhà của chị gì đó. Thôi, ráng đợi năm tới, hai ông nhớ đến đây thật sớm vào buổi sáng hai lăm tháng chạp ta nhé!
Một năm nữa. Thời gian này đối với Tưởng sẽ dài biết bao nhiêu.
Kết Thúc (END) |
|
|