Một buổi sáng mùa hè năm 2013, bọn trẻ con ở làng An Mỹ, huyện Núi Thành ríu rít dẫn một người lạ mặt đến nhà ông Thành, thương binh cụt một chân, có nhiều mảnh đạn còn găm ở tay, chân và trong đầu, làm cho ông nhiều lúc nhớ nhớ quên quên như người nghễnh ngãng. Ông Thành sống một mình, vợ con ông đều bị pháo dập chết hồi chiến tranh. Sau giải phóng, ông được bà con lối xóm kẻ cho tôn, người cho ván, cùng nhau dựng cho ông một căn nhà tạm thời. Mấy năm gần đây, phòng Lao động - Thương binh - xã hội huyện xây cho ông một căn nhà tình nghĩa cấp 4. Bây giờ ông đang đi chân giả tưới rau trước nhà.
- Ông Thành ơi, có khách.
- Ông Thành ơi, có khách.
Nghe tiếng bọn trẻ gọi, ông lộp cộp bước ra phía cổng. Ông vô cùng ngạc nhiên thấy một người cao to, da trắng, mắt xanh, mũi lõ, nói tiếng Việt lơ lớ:
- Chào ông. Ông có phải ông Thành?
- Tôi là Thành đây, tại sao ông hỏi tôi? Người Quảng Nam vốn trả lời bằng một câu hỏi.
- Tôi là John Rocker, nguyên là lính Mỹ ở Núi Thành, tôi có chuyện muốn gặp ông.
Người cựu du kích bỗng đanh mặt lại, nhìn quanh như tìm kiếm vật gì, có lẽ theo thói quen ngày xưa là tìm cây súng rồi quay ra nói:
- Ông là lính Mỹ, các ông gài mìn làm tôi mất chân, mảnh găm đầy người. Bây giờ ông cần gì?
Trong mắt người cựu lính Mỹ có một nét gì như hoảng hốt nhưng ông lấy lại bình tĩnh:
- Tôi xin ông cho thưa chuyện…
- Tôi có chuyện gì với các ông đâu. Ngày ấy tôi với các ông gặp nhau là bắn nhau mà.
Người lính Mỹ cười lấy lòng:
- Bây giờ hai nước đã quan hệ bình thường, tôi cũng muốn quan hệ bình thường với ông. Tôi muốn gặp ông để cảm ơn…
- Cảm ơn tôi, vì chuyện gì?
- Rồi tôi sẽ trình bày…
Ông Thành nhìn vẻ mặt bối rối của người lính Mỹ nên cũng nguôi dần. Ông nhờ các cậu bé vào nhà vác ra hai cái ghế tựa đặt trước sân. Ông và người lính Mỹ ngồi đối diện nhau im lặng một lúc. Bất giác, người lính Mỹ nâng cái túi dết ở dưới chân lên, rút từ trong đó ra một chiếc bình đông Mỹ, giơ ra trước mặt ông Thành:
- Bình đông của ông?
Ông Thành ngơ ngác cầm lấy. Ông săm soi nhìn chiếc bình đông, bất chợt nhận ra một dòng chữ giống như chữ của mình xăm trên bình: “Thành - An Mỹ”. Ông mang máng nhớ ra:
- Bình đông này giống bình đông cũ của tôi nhưng nó mất vào lúc nào tôi không còn nhớ nữa…
Người khách mỉm cười vẻ bí mật, nói giọng lơ lớ:
- Nó không mất. Nó đấy. Tôi giữ mà. Có lẽ cũng đã gần 50 năm rồi… ông nhớ lại chưa?
Đêm 25.5.1965, Đại đội 2, tiểu đoàn 70 của Quảng Nam được tăng cường 12 chiến sĩ của Đại đội đặc công 16, được lệnh đánh một đại đội Mỹ từ sân bay Chu Lai nống ra đóng trên đỉnh Núi Thành để bảo vệ căn cứ này. Vì trong đại đội không có ai hiểu địa hình nên cấp trên điều một du kích dẫn đường. Thành, một thanh niên khỏe mạnh chừng 25 tuổi, ở làng Tứ Mỹ được chọn làm việc ấy. Khi đi, anh mang theo một khẩu AR15, trên thắt lưng đeo một túi bọc võng, một bình đông Mỹ mà anh thu được trong một lần bắn tỉa bọn Mỹ.
Vào lúc rạng sáng ngày 26.5.1965, sau một trận giáp lá cà, ta đã tiêu diệt đại đội Mỹ. Đơn vị được lệnh rút về phía tây, vì lúc này pháo địch đang trút đạn xuống căn cứ Mỹ vừa bị ta tiêu diệt. Thành dẫn anh em bộ đội lao xuống chân núi, chạy về phía tây. Có một số anh em bị lạc ở phía sau nên tới chân núi, anh cho anh em chạy trước còn mình ở lại chờ. Trời sáng dần. Đột nhiên, Thành thấy bên cạnh mình, dưới một xác Mỹ có một tên lính Mỹ còn sống. Hắn giơ tay ngoắc ngoắc anh, chỉ vào chiếc bình đông anh mang ở thắt lưng. Thành đoán tên Mỹ này bị thương, mất máu nên khát nước. Giữa lúc trực thăng địch phành phạch bay tới, Thành chỉ kịp thoáng nghĩ: “Mày khát nước à, mày khát thì tao cho mày uống…”, rồi anh rút bình đông ra, đưa cho tên Mỹ. Vừa lúc đó, anh em đi lạc đã tới, anh dẫn họ chạy về phía tây dưới làn đạn của trực thăng Mỹ…
Người lính Mỹ ngồi trước mặt ông Thành nói:
- Thưa thực với ông là tôi chỉ bị thương nhẹ. Nhưng tôi biết nếu không ngụy trang thành người đã chết thì lúc rút các ông cũng sẽ tiễu trừ nên lấy máu thằng bạn xoa lên mặt, đặt chân nó đè lên người tôi. Tuy làm như vậy có tạm yên tâm nhưng tôi lại bị chứng khát hành hạ. Tôi khát ghê gớm. Khát bức bối không chịu được. Tôi nghĩ chắc mình sẽ chết khát quá. Tôi muốn kêu, muốn la, muốn cầu cứu ông trời để xin nước, uống một hớp cho đã rồi chết cũng được. May lúc đó ông dừng lại bên tôi, ông là ông trời hiện ra nên tôi đã xin ông…
Người lính Mỹ im lặng một chút, nuốt nước bọt rồi nói:
- Sau khi ông đi, tôi được trực thăng vớt về đưa đi bệnh viện cứu chữa. Trước khi lên máy bay, tôi vội cầm chiếc bình đông của ông bỏ vào ba lô của tôi, lúc đó tôi chỉ làm một cách vô thức, nhưng sau này nó lại là vật kỷ niệm… Và sau khi ra viện, chiếc bi đông lại cùng tôi về Mỹ…
Khi từ Mỹ qua Việt Nam, họ bảo chúng tôi: “Việt cộng là bọn ăn lông ở lỗ, là quân tàn bạo giết người lương thiện nên chúng ta phải tiêu diệt chúng để bảo vệ nhân dân Việt Nam”. Nhưng tôi, khi được ông cho uống nước với thái độ của con người đối với con người rồi sau này đọc thêm sách báo, tôi hiểu ra, chúng tôi đã đi đánh, giết một dân tộc yêu hòa bình, yêu con người. Họ chỉ chống lại chúng tôi vì chúng tôi muốn cướp nước họ, bắt họ sống trong cảnh nô lệ…
Tôi bị gãy vài cái xương sườn, sau khi chữa lành, tôi lại đi học tiếp đại học. Sau năm 1975, có một số người Việt di tản sang Mỹ, sống ở khu phố tôi. Hàng xóm quen nhau, dần dần tôi nhờ họ dạy tiếng Việt, chỉ mong sau này sang thăm lại Việt Nam và có dịp gặp ông để cảm ơn… Hôm nay tôi đã toại nguyện. Tôi được thăm lại căn cứ Núi Thành và qua người hướng dẫn tham quan tôi đã hỏi thăm về ông, nhờ thế tôi mới có được cuộc hội ngộ này. Tôi đã kể về tôi như vậy, xin hỏi ông, sau hôm ấy cho tới hôm nay ông sống ra sao?
Người du kích cũ rủ rỉ kể. Sau hôm ấy, ông lại về với đội du kích An Mỹ. Công việc của đội là chống giặc càn quét, bảo vệ đời sống nhân dân.
Năm 1970, trong một lần đi công tác xuống dân, ông bị mìn do Mỹ lết gài làm mất một chân và nhiều mảnh găm vào chân, tay và đầu ông. Ông được đưa ra miền Bắc điều trị. Ngày giải phóng, ông trở về nhà, vợ con ông đã bị pháo Mỹ dập chết cả. Ông sống tại đây một mình từ đó đến giờ. Ông kể tóm lược như vậy nhưng người lính Mỹ nghe có vẻ xúc động lắm. Cuối câu chuyện John Rocker nói:
- Tôi xin lỗi ông. Tôi nghe ông nói có những mảnh đạn còn ở trong đầu, lúc trở trời đau buốt mà chưa lấy ra.
- Đúng vậy.
- Ông ơi, nói ông đừng giận, gia đình tôi rất giàu, tôi mời ông sang Mỹ, tôi sẽ tìm các bác sĩ giỏi mổ cho ông.
- Cảm ơn ông. Bên này các bác sĩ cũng định mổ cho tôi, nhưng tôi còn sống chung với nó được, nên…
- Ông đừng lo, coi như tôi trả ơn ông ngụm nước lúc khát, như người Việt nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà…
Người du kích vẫn từ chối:
- Tôi cảm ơn thiện ý của ông. Nhưng các bác sĩ sẽ mổ cho tôi nếu tôi thấy cần mổ mà…
Người lính Mỹ lại năn nỉ:
- Thôi như vầy, nếu ông không chịu mổ thì sang San Francisco chơi với tôi cho biết nước Mỹ. Ông ngồi nhà một mình làm chi cho buồn. Qua bên tôi, đôi bạn già mình đi la cà đây đó cho vui. Ông đi nhé. Ông mà gật đầu thì tôi sẽ lo thủ tục cho ông ngay…
Câu chuyện trên được một nhà báo Mỹ viết lại nhân dịp ông Thành sang thăm San Francisco và đăng trên báo “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn”. Một người lính Mỹ khác ở bang Texas tên là Steven Wander đã đọc bài báo này và viết lại câu chuyện của mình gửi cho tờ báo Cựu chiến binh Việt Nam: “Thưa quý báo, vừa qua tôi có đọc từ tờ “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” chuyện về một người lính Việt cộng đã đưa bình đông nước cho một người lính Mỹ, cứu anh ta trong cơn khát và nhờ trời mới đây họ đã tìm ra nhau. Tôi cũng ở vào trường hợp gần như vậy. Trong một trận càn vào phía tây tỉnh Phú Yên, Việt Nam, đơn vị tôi bị Việt cộng đánh tan tác phải rút chạy. Tôi bị thương và bị bỏ lại. Khi mấy người Việt cộng đến bên tôi, tôi tưởng họ sẽ “xơi tái” tôi một băng đạn rồi. Nhưng không, tôi thấy người chỉ huy - vì ông đeo súng ngắn - nói gì đó với một người lính. Người lính vội băng bó vết thương cho tôi và tiêm cho tôi một mũi thuốc. Người chỉ huy lại nói gì với người lính, anh ta nói lại với tôi bằng tiếng Anh làm tôi hết sức ngạc nhiên:
- Chỉ huy tôi nói: Chúng tôi có lệnh hành quân gấp, không mang anh theo được. Chúng tôi sẽ nhờ du kích tối nay đưa anh xuống đường số 1. Thế nào anh cũng gặp đồng đội, họ sẽ đưa anh đi cứu chữa… Vậy nhé.
Nay tôi viết lại chuyện này, nhờ quý báo đăng cho, mong đơn vị Việt cộng ngày đó đọc được, báo tin cho tôi theo số điện thoại 0015625070360 để chúng tôi có dịp liên lạc gặp gỡ nhau, để tôi có dịp cảm ơn…
Steven Wander”
Đọc xong, ông Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam nói với Thư ký Tòa soạn:
- Anh cho đăng mẩu chuyện này ngay sau mục “Nhắn tìm đồng đội”. Chắc sau khi chuyện này được đăng lên báo sẽ có nhiều lính Mỹ nhờ ta giúp đỡ để tìm lại những ân nhân của họ…
Kết Thúc (END) |
|
|