Lão Mân ngồi nhìn ra cửa sổ hướng mắt vào khoảng trời cuối cùng còn sót lại giữa sự vây hãm của những tòa nhà cao tầng. Mảnh trời xám xịt, mốc thếch như màu da của mụ ăn mày già đang lim dim ngủ dưới cột điện. Không khí oi bức, đặc quánh lại, nóng dại cả người. Lão Mân phe phẩy cái quạt mo, kỷ vật cuối cùng của quê hương, lão còn ráng giữ cho tới ngày hôm nay. Hôm dọn nhà vào đây, thấy lão cầm theo cái quạt, thằng con trai cười sằng sặc bảo:
- Bố vứt mẹ cái của nợ đi, vào thành phố quạt máy chạy ù ù tha hồ mát.
Lén thằng con, lão nhét vào trong đãy. Sống ở thành phố lão mới thấy hữu dụng, chứ cái thứ gió quạt máy cứ ù ù làm lão nhức cả đầu không chịu nổi. Nhớ hồi ở quê, lão như con trâu mộng, làm quần quật cả ngày, tối đến ngồi ngoài sân hóng mát, uống chén chè tươi với mấy ông bạn già, vậy mà vui. Bây giờ, cứ như thằng tù, nghĩ dại, già đầu còn dại. Hôm nghe tin bão lụt ngoài đó không biết mộ của bà ấy có làm sao không? Lão Mân nghĩ thầm, bụng nóng như lửa đốt. “Mồ tổ cha cái thằng con! Biểu về xây cái mả cho mẹ nó, mà nó cứ hẹn rày hẹn mai”. Thằng chồng xách cặp đi cả ngày tối về mặt mày đỏ lựng như quả cà chua, còn con vợ ở không, hết hụi hè đến tứ sắc, tổ tôm, kéo bè kéo lũ đú đởn cả ngày, nhức đầu không chịu nổi. Càng nghĩ càng tiếc những ngày ở quê.
Làng Phú Đa nằm cạnh chân núi Chúa, trai làng khỏe mạnh nhất vùng, những bắp thịt săn cuồn cuộn, có lẽ do những tháng ngày lùng sục, bắt núi rừng cúi đầu dâng cho họ cái ăn, cái mặc để bù lại sự cằn cỗi của cánh đồng bậc thang khô rốc, nứt nẻ dưới cái nắng chói chang của mùa hè và những ngọn gió Lào hun hút thổi cháy người.
Mân là chàng trai khỏe mạnh dẫn đầu phường săn nổi tiếng, phường săn của anh giẫm nát vùng Dùi Chiêng, khó có con thú dữ nào thoát khỏi tay họ.
Một hôm, trong ngày hội làng, Lý Nhu nổi hứng tuyên bố:
- Tao sẽ gả con gái út của tao cho chàng trai khỏe mạnh và can đảm nhất làng, bất luận giàu nghèo.
Lời tuyên bố hấp dẫn của ông lý trưởng là dịp may để các chàng trai có dịp biến các ước mơ của họ thành hiện thực. Út Lan là cô gái xinh đẹp nhất làng, tuy là con gái của lý trưởng nhưng cô sống bình dân như các thôn nữ khác trong làng. Cứ mỗi lần cô đi cấy, nhìn bắp chân trắng ngần của Út mấy anh trai làng ngẩn cả người.
Sau ngày lễ rước thành hoàng, sân đình làng Phú Đa nhộn nhịp hơn mọi năm, người ta đứng tràn cả ra đường cái. Ai cũng muốn biết chàng trai nào có diễm phúc là rể ông lý và hiển nhiên họ cũng muốn biết bằng cách nào ông lý có thể chọn được người khỏe nhất. Tiêu chuẩn đầu tiên là phải biết võ thuật, mỗi thí sinh phải biểu diễn một bài quyền đẹp nhất của mình. Mấy anh chàng thuộc các phường săn đều dễ dàng lọt qua vòng sơ khảo, vì hầu hết bọn họ đều là học trò của ông Hương Sơ, vị võ sư nổi tiếng nhất vùng. Đến trưa, thằng mõ bắc loa thông báo sáu anh được chọn qua những sát hạch kỹ lưỡng của ông Lý. Nhiều người thua cũng tỏ ra vui vẻ, công bằng mà nói, không phải ai dự thi cũng mong chiếm được cô Út, nhưng không khí hội hè đã cuốn hút họ tham gia cuộc chơi.
Sửa lại vành khăn đóng, ông Lý bước ra giữa sân đình trịnh trọng nói với sáu chàng trai:
- Trong các anh ai không thích con gái ta có quyền rút lui?
Các chàng trai đưa mắt nhìn nhau, không ai lên tiếng. Ông Lý hắng giọng công bố thể lệ:
- Để chọn ra người khỏe và can đảm nhất, các anh sẽ phải thi kéo tay trên cái bàn chông kia, võ sư Hương Sơ sẽ làm trọng tài.
Hai anh tuần khiêng ra giữa sân một cái bàn tua tủa đinh, các chàng trai đều lắc đầu le lưỡi.
- Nào ai xung phong trước! - Ông Lý hét lớn, mọi người hồi hộp chờ đợi. Các chàng trai đứng như chôn chân giữa sân đình. Nửa khắc trôi qua trong sự im lặng, bỗng Mân, chàng trai đứng đầu hùng dũng tiến lên phía trước, ai cũng căng mắt nhìn theo bước chân của anh. Mân không đến bàn chông, anh tiến ra giữa đình, xuống tấn, hai cánh tay gân guốc vòng qua cây cột cái. Â... â... y… vừa hét anh vừa nhấc bổng cây cột khỏi hòn đá tán hơn một gang tay. Sau giây phút sững sờ mọi người ồ lên thán phục và tiếp theo là tràng pháo tay kéo dài. Ông Lý bật cười ha hả, vỗ vai Mân và nói:
- Anh thật xứng đáng là con rể của ta, anh vừa khỏe mạnh lại vừa thông minh.
- Thưa ông cháu mới đi học về ạ.
Lời chào của đứa cháu kéo lão trở về với cái nóng ngột ngạt của thành phố. Lão phe phẩy cái quạt mo.
- Bộ cúp điện hả ông?
Hỏi là hỏi vậy, chứ nó biết có điện ông nó cũng không mở quạt, ông chúa ghét quạt máy.
- Ông ơi ông kể chuyện cho cháu nghe đi ông.
Ừ, ông vuốt đầu thằng bé, thầm nghĩ: “May mà còn có thằng nhỏ, chứ không lão chết vì buồn trong căn nhà này”.
- Ông kể chuyện đi ông - Thằng bé giục.
“Ngày xửa ngày xưa cháu ạ…” Ông thường mở đầu câu chuyện như vậy, dù những câu chuyện của ông chỉ vừa mới cách đây chừng mấy mươi năm trở lại. Hầu hết câu chuyện của ông chỉ quanh quẩn về quê hương xóm giềng. Những câu chuyện mà thằng con trai duy nhất của ông cho là cổ tích, không hiểu sao nó lại có thể quên mất tuổi thơ của nó cũng từng lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn của quê nghèo. “Ôi, cái thằng bất hiếu tệ!”. Nghĩ đến ngôi mộ của bà nằm hiu quạnh giữa đồi sim, lão nghe bụng mình quặn lên từng cơn. Nhìn thấy ông nhăn mặt, thằng cháu la lên:
- Bệnh của ông tái phát để cháu lấy thuốc cho ông, ông uống nhé.
- Thôi khỏi, cháu đừng lo, ông khỏe ngay thôi - Lão Mân đưa tay cản thằng cháu.
Ngay cả con trai lão cũng không hiểu rằng những thứ thuốc tây tanh nồng ấy, làm sao chữa được bệnh của ông.
Lão nhớ người vợ xấu số của lão. Giá mà bà ấy còn sống, thì lão đâu đến nỗi chết già ở xứ chết tiệt này. “Mình ơi… Lan ơi…” tự dưng ông kêu tên bà như cái thuở còn trai trẻ.
Đám cưới của Mân và Út Lan lớn nhất làng Phú Đa thời bấy giờ, phường săn lùng sục ba ngày, ba đêm để mang hai chú nai rừng, nai bố to như trâu mộng, nai con vừa nhú cặp nhung tím thẫm ứ máu. Đêm tân hôn nai mẹ tác vang sau rừng, tiếng kêu nghe xé cả lòng. Lan ôm chặt Mân khóc nức nở. Mân cũng trằn trọc cả đêm không yên giấc được. Điềm chẳng lành cho đôi vợ chồng trẻ. Đã ba đời làm nghề săn bắn, Mân biết các bạn vì nôn nóng cho đám cưới của anh đã vi phạm luật núi rừng. Chắc chắn anh sẽ bị bà chúa rừng trừng phạt. Dù sao thì anh cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc làm tan nát gia đình của chú nai, con vật hiền hành nhất núi rừng. Tiếng tác hàng đêm của nai mẹ khiến cho Lan gầy tọp cả người. Lan cầu xin Mân từ bỏ nghề săn bắn về làm ruộng để sống cuộc đời bình yên. Chiều lòng người vợ trẻ, anh giết con heo nhà mang lên tận đỉnh núi Chúa, để tạ lỗi. Sau khi khấn vái Mân vung tay ném khẩu súng săn bay vun vút xuống vực thẳm.
Nhưng lòng thành khẩn của anh đã không được thần linh chấp nhận, người vợ đảm đang đã vĩnh viễn bỏ Mân ra đi, sau chuyến vượt cạn lần đầu. Đêm ấy, Lan nắm mãi bàn tay thô ráp của anh để căn dặn ráng nuôi con nên người…
- Dũng ơi! Mời ông nội xuống ăn cơm đi con!
Tiếng gọi của đứa con dâu nghe ngọt ngào một cách giả dối, khiến lão cảm thấy càng khó chịu. Tối hôm qua nghe nó bàn với thằng chồng về cái chuyện hỏa táng, nếu lão chết ở cái thành phố này, chứ mang xác về quê lão theo ý lão thì tốn kém lắm, giọng của nó nghe lành lạnh khiến lão nổi gai ốc cùng người.
- Cháu đỡ ông nhé - Thằng Dũng chìa tay cho ông. Lão gạt đi:
- Thôi khỏi, con cứ để nội tự đi, không sao đâu.
Nhà ăn được bày biện khá sang trọng, nhưng mỗi khi đặt chân đến lão luôn cảm thấy nóng bức, bởi màu vôi vàng lườm trên bốn vách tường. Có lần lão phàn nàn, thằng con cười và bảo: “Mốt thời thượng bố ạ… Bây giờ Việt kiều về xây nhà họ toàn sơn màu vàng cả”.
Bữa ăn có ba người, đã quen với sự vắng mặt của con trai nên lão cũng không buồn hỏi. Trời càng lúc càng nóng, không khí bữa ăn có vẻ ngột ngạt, lão phe phẩy cái quạt mo, lên tiếng:
- Gớm cái mùa gió Lào nóng khiếp quá.
Cô con dâu bật cười khanh khách:
- Bố rõ quê, ở Sài Gòn làm quái gì có gió Lào, tại hôm nay cúp điện nên không mở quạt máy được.
Biết mình lỡ lời lão cúi đầu lùa vội chén cơm, rồi nặng nhọc trèo lên gác. Cái thế giới sáu mét vuông mà thằng con trai dành cho lão, tuy nhỏ bé nhưng dù sao cũng còn được một khoảng trời ngoài cửa sổ.
Mụ ăn mày già vẫn lim dim ngủ dưới gốc cột điện. Lão chồm ra cửa sổ, ngước nhìn khoảng trời trên cao, tự dưng lão muốn mình thành con chim để vượt qua cái lỗ hổng ấy bay về trên đỉnh núi quê hương…
Kết Thúc (END) |
|
|