- Mai con đi, cha à! Thằng Vạn chỉ nói vậy, rồi đi tuốt vào nhà trong, xâu mớ mắt lưới ông già đan dở.
Hai mươi tuổi, chính gốc ngư dân nhưng lần này thằng Vạn mới được đi chuyến biển đầu tiên. Nghe đâu xa lắm! Thanh niên trong làng cũng đi. Ông Hai Cường đóng một chiếc tàu lớn, gần cả năm trời mới xong. Coi ngày, coi trời, rồi sắm mâm cúng, chuẩn bị ngày mai tàu vươn khơi. Chuyến biển này, theo lời thằng Vạn nói với cha, phải mất mấy tháng mới về, chứ không đêm đi sáng về như cha nó mỗi ngày. Gọng kính trễ xuống. Khuôn mặt lão Tín nhúm nhó lại. Ờ, thằng Vạn cũng đến tuổi để đi xa rồi. Bắt nó ở mãi Cửa Lở này cũng chẳng được. Nhưng sao lòng lão cảm thấy buồn xo…
Con đường nhỏ xíu nối liền mấy xóm ven biển với nhau. Phi lao không đủ dày để rì rào như trong những câu chuyện của sách vở. Chỉ có cỏ cháy giữa mấy nổng cát rát bỏng, chiều về, đám con nít mang diêm ra, dồn đám cỏ lại đốt chơi, mùi khét lẹt váng vất cả trời chiều. Vạn cũng từng chơi như vậy và bị cha rượt chạy về khi đám lửa còn chưa kịp tàn. Những người đàn bà ở biển nhìn cảnh đó, mắt lại rói lên như những ánh đèn đêm giăng trên biển. Ông Tín vẫn lạnh lùng, mặc nhiên một mình nuôi con, chẳng hề đoái hoài đến những ánh mắt ấy. Đàn bà xóm Lở, xóm Cồn, xóm Si, vẫn cứ hay kể cho khách lạ về cha con ông Tín. Trong giọng kể ấy, khách nghe ra cả những trách cứ.
Loay hoay đun ấm nước, mắt lão Tín như nhòa đi. Ngày lão biết thằng Vạn trốn học đến xưởng tàu, cái nhà chơ vơ ở nổng cát cứ nặng trịch, buồn hiu. Lão vót cây roi thật dài, định bụng khi Vạn về sẽ cho nó một trận. Giữa đêm thằng Vạn mới chịu về. Nó đưa võng kẽo kẹt ngoài hiên nói vọng vô: “Con muốn biết biển ngoài xa có gì. Con muốn theo cha, cha à!”. Lão nằm im, để bóng tối bọc lấy mình như một cái kén. Cây roi vẫn treo chỏng chơ trên vách.
Chuyến tàu hơn hai mươi năm trước, lại hiện về rõ mồn một.
- Chú Tín à, xong chuyến biển này tui về lấy vợ.
- Còn tui chắc lên bờ là vợ đẻ. Tính về sớm mà kiểu này hơi căng, chắc anh em mình ráng mấy mẻ nữa, kiếm kha khá về nghỉ dài ngày xíu.
Mấy người đàn ông trên tàu chống sóng biển bằng những vại rượu gạo do đàn bà ở nhà nấu. Con tàu này là gia sản cả đời của ông Tín và những người cùng xóm, sau rất nhiều năm đi bạn cho các chủ tàu khác. Tích lũy được ít vốn, ông Tín bàn với những “bạn biển” cùng xóm chung nhau đóng tàu, chia đều sản lượng đánh bắt được. Chuyến này là chuyến thứ ba. Khi chung rượu thứ ba nâng lên thì tàu chòng chành, gió quất vào mặt nghe rát rạt. Biết không ổn, ông Tín gọi anh em trên tàu mặc áo phao, chuẩn bị đón bão. Sóng dập từng cơn, thi nhau ùa lên boong tàu. Một cơn gió giật mạnh, chiếc tàu chao nghiêng xoay tròn rồi từ từ bị nhấn chìm. Mười mấy mạng người bấu víu nhau, lênh đênh trên biển gần hai ngày. Rất nhiều người không đủ sức đã buông tay. Ông Tín cùng hai người khác may mắn được tàu cá Bình Định cứu. Những người dân “xứ nẫu” tốt bụng kiếm phương tiện cho ông về quê.
Hai mươi năm. Hôm nay là ngày giỗ vợ. Đến giờ lão Tín vẫn tự vấn, có phải vợ ông mạng đổi mạng để ông được sống từ biển khơi cho đến giờ này?
Ngày đó, khi ông Tín về đến quê, bà con tới tấp ùa vào ôm, kẻ khóc, người thét, có người lặng thinh. Xóm chài tang tóc. Hơn nửa đàn ông trong xóm chớ ít đâu. Ông cúi mặt, đi một hơi về nổng cát. Thấy người đàn bà tóc dài đen nhánh đang ầu ơ ru con.
- Ủa dì Tư, sao ôm nhỏ ra đây? Con ai?
- Anh Tín à, chị…
Một luồng khí lạnh toát chạy dọc sống lưng. Ông Tín một mạch chạy vào nhà, khuỵu xuống. Di ảnh vợ vẫn chưa kịp lập bàn thờ để đặt lên…
Năm tháng trôi qua. Thằng nhỏ mà dì Tư - người con gái đẹp gái nhất làng, vẫn thường bồng đi quanh xóm để xin sữa mẹ, giờ đã thành anh chàng Vạn khỏe mạnh. Còn người con gái tóc dài đen nhánh thuở ấy, giờ đã thành người đàn bà xóm biển, mắt đong đóng lên những con tàu xa xôi. Hồn ấy không treo cột buồm như phần lớn thiếu phụ xóm này, mà cứ dán chặt vào mấy bức vách nhà ông Tín. Ờ, chẳng biết cái niềm thương quấn quýt kiểu gì, mà dì Tư, từ cái bận bồng thằng Vạn từ tay mẹ nó, chăm bẵm nó, lại muốn đeo mang luôn cả cái ông già mặt lúc nào cũng gằm xuống đất. Hai mươi năm rồi, bao nhiêu người mối lái, dì Tư đều tìm cách từ chối, mỗi lần như vậy lại quay sang nhìn ông già ấy đan lưới. Mà lưới chất chồng cả một xó nhà, có dùng hết bao giờ…
Ngày thằng Vạn lên tàu, sáng sớm dì Tư mang qua cho nó vại rượu. “Ra biển phải có thứ này mới chống chọi nổi con ơi!”. Thằng Vạn thấy mình muốn chảy nước mắt quá! Kéo dì Tư ra đầu nhà, nó dặn:
- Dì ở nhà coi chừng ông già giúp con. Chiều nào không ra Cửa Lở thì tối về ngủ ổng hay mộng du lắm dì, có bữa ra tới bãi cát ngoài Cửa, không có con kéo chắc ổng đi luôn xuống đó rồi. Mà dì Tư cũng ở nhà có một mình, hay qua phụ với ba con mắc lưới, đi rớ đêm một mình cũng buồn đó dì.
Dì Tư không nói chẳng rằng, đi một hơi vào nhà, cầm ra cho thằng Vạn một vật, bảo:
- Cầm thêm cái này đi con. Của má mày hồi trước mất dặn dì cất.
Vạn cầm lấy khâu vàng, xoay xoay, rồi đưa lại cho dì Tư.
- Thôi dì cất cho con, đi được vài chuyến, con kiếm vợ, tới bữa lễ dì thay mặt mẹ trao cho con.
Vạn nói có vậy thôi mà dì Tư nước mắt ngắn dài. Nước mắt này, khác những bữa nước mắt chảy ướt dầm dề khuôn mặt người đàn bà cô quạnh, chỉ đợi một cái nhìn da diết từ phía bên kia nổng cát.
Giấc trưa nhập nhoạng những cơn sóng dữ. Vậy là thằng Vạn đã đi được hơn tuần. Dì Tư thắc thỏm xa gần mỗi bận bưng qua cho lão Tín đĩa thịt kho hay chén mắm quẹt. Mà người đàn bà này cũng kỳ, đàn ông tới hỏi hà rầm ra đó, cớ sao lúc nào cũng chỉ hỏi mình lão Tín cái câu: “Để tui chờ lâu vậy có thấy kỳ không?”. Thâm tâm lão Tín, lâu nay, cứ luôn nghĩ mình còn nợ người vợ quá cố nhiều lắm, nợ cả cuộc đời của con trai, cho đến khi nó trưởng thành, lấy vợ, sanh con, thì may ra món nợ ấy mới vơi đi phần nào. Lúc ấy, chắc mới nghĩ được cho mình, lo được cho cái thân già này.
Những ngày Vạn theo tàu ra khơi, mặt trời lên từ biển đỏ ối. Lão Tín cũng dừng đi rớ đêm. Lão lo. Chuyến tàu lão gặp nạn, hôm trước khi lên đường mặt trời cũng đỏ ối như vậy.
- Anh Tín ơi, tôi nghe người chợ tỉnh nói có bão ngoài biển Đông. Không biết tàu thằng Vạn mình ra sao?
Dì Tư hớt hải chạy về thông báo. Tự dưng lão nghe những lao xao của quá khứ, nghe được cả những chao động của biển lúc mặt trời mới ló lên phía hừng đông. Mặt trời đỏ ối, đỏ như màu máu. Lão thấy thằng Vạn bị lão rượt chạy về nổng cát, khi nó nghịch dại dùng diêm đốt đám cỏ ven đường. Lão nghe cả lời nó nói trong đêm: “Con muốn biết biển ngoài xa có gì, con muốn theo cha...”. Trong cơn chao đảo, chung chiêng, có vòng tay thật mềm quàng qua ôm lấy thân lão lúc chực ngã nhào. Lúc ấy, lão vẫn kịp nhìn thấy mặt trời đang lên từ phía biển, vẫn màu đỏ ối như máu.
Vài ngày sau, đài báo bão ngoài biển Đông. Đài cũng cho biết, nhờ trang bị hệ thống thông tin liên lạc, các tàu vươn khơi đều biết được hướng đi của bão, dạt về phương nam tránh trớ nên tất cả bình yên vô sự. Lão Tín mừng đến rơi nước mắt. Dì Tư cũng vậy. Hai người ngồi bên nhau im lặng. Lát sau, nhận thấy vòng tay mềm mại của dì Tư choàng ngang hông mình, lão Tín nói bâng quơ: “Xưa nay, nhân định thắng thiên cũng nhiều! Thằng Vạn được bình an, tôi mừng quá!”. Dì Tư liếc nhìn lão, dẩu môi: “Bộ chỉ có mỗi mình anh mừng thôi à?”. Lão Tín cười: “Thì cả hai người...”.
Kết Thúc (END) |
|
|