Tôi vừa dắt chiếc xe vào đến cửa, chưa kịp đạp chân chống dựng xe, bà vợ đã bảo tôi:
- Anh chuẩn bị về quê, có việc rồi!
- Có việc gì vậy?
- Bác Thoa nhà mình đi lấy chồng anh ạ! Bác ấy vừa điện lên cho em sáng nay.
- Vừa rồi anh về bác đâu có nói gì!
- Nhưng lần này chắc chắn bác đi lấy chồng...
- Vậy thì vợ chồng mình phải về trước dăm ba hôm. Bác ấy bây giờ chỉ còn trông cậy vào gia đình mình mà thôi!
Nhà tôi bố mẹ sinh thành có hai chị em, chị Thoa là con đầu, tôi là con trai út. Tôi được học hành tử tế, tốt nghiệp phổ thông rồi đi đại học, ra trường công tác ở trên thành phố, xây dựng gia đình. Năm thì mười họa mới ghé về thăm nhà dăm ngày rồi lại về thành phố. Chị Thoa sau những năm tháng đi thanh niên xung phong phục vụ chiến trường, chị về làng không đi lấy chồng, ở nhà chăm sóc cha mẹ. Thôi thì bao nhiêu thứ việc trên đời này ở một làng quê nghèo nhưng vẫn còn lắm thủ tục phiền hà, chị thay mặt cha mẹ tôi lo toan chu đáo. Rồi đến khi cha mẹ tôi về cõi vĩnh hằng, cũng vẫn một tay chị lo liệu. Tôi tuy là con trai nhưng nào có lo được việc gì cho cha cho mẹ. Ngày xưa, chị học chung trường với anh Tâm là người cùng làng, anh hiền lành, tính tình nhút nhát. Nghe đâu hai người cũng có tình ý với nhau, nhưng đến ngày lên đường nhập ngũ, anh Tâm vẫn không có một câu ngỏ lời với chị.
Chị Thoa khóc sưng cả mắt, vài tháng sau chị cũng làm đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong vào chiến trường. Đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, chị Thoa trở về làng, ở nhà chăm sóc cha mẹ, nhiều lần cha mẹ tôi giục chị đi lấy chồng nhưng chị cứ lần lữa mãi. Buồn lo cho chị, cha mẹ thường phàn nàn với tôi: “Cha mẹ đến chết vẫn chưa an lòng, bởi chị con không chịu xây dựng gia đình”. Tôi nghe vậy cũng chỉ biết khuyên bậc sinh thành dăm câu để hai ông bà vui lòng. Anh Tâm ngày ấy cũng trở về làng với người vợ tên Quý, nghe đâu cũng là thanh niên xung phong. Chị Quý chỉ kịp sinh cho anh hai người con, rồi chị ra đi khi vết thương cũ tái phát, lúc đứa thứ hai mới có vài tháng tuổi. Thương cảnh gà trống nuôi con, chị Thoa đón đứa con nhỏ của vợ chồng anh Tâm về nuôi giúp, mãi đến khi cháu bé đi nhà trẻ anh Tâm mới đón con về chăm sóc. Có lẽ vì thế mà hai người càng quý nhau hơn.
Thời gian cứ thế trôi đi, bây giờ thì anh Tâm đã trở thành ông Tâm, chị Thoa tôi cũng đã lên chức bà vì con gái tôi mới sinh cháu đầu lòng.
Lũ trẻ nhà ông Tâm lớn lên được dựng vợ gả chồng làm ăn ở nơi xa. Thỉnh thoảng, ngày giỗ, ngày tết, nhà cửa mới rộn rã tiếng cười đùa của người lớn và con trẻ được dăm bữa. Xong việc, các con ông Tâm lại ra đi. Ông Tâm lại sống thui thủi một mình trong căn nhà trống hơ trống hoác. Ông Tâm và chị Thoa tôi cùng sinh hoạt ở chi bộ, ở câu lạc bộ dưỡng sinh... Hai người thường chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và những lo toan trong cuộc sống thường nhật với nhau. Ông Tâm vẫn nhút nhát như ngày xưa, mọi người trong làng, trong hội vun vén cho hai người: “Ông bà về ở với nhau cho tiện, hai cái cô đơn cộng lại bằng hạnh phúc lứa đôi”. “Ông Tâm ơi! Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông...”. Ông Tâm cười ngượng ngập, trong lòng ông muốn lắm, nhưng không hiểu sao, hễ cứ gặp chị Thoa là ông quên béng mọi điều đã sắp đặt từ trước. Nhớ cái đận năm ngoái, ông Tâm ốm đi viện, nếu không có chị Thoa tôi chăm nom săn sóc thì không biết trông cậy vào ai. Hai đứa con ông Tâm đều công tác ở xa, nghe tin bố ốm có về trông nom được dăm ngày rồi lại ra phải ra đi... Người nào cũng có lý do chính đáng cả. Có lần, người con trai đầu bảo ông Tâm: “Bố bán khu nhà này đi, rồi lên thành phố ở với vợ chồng con”. Nhưng ông Tâm lại nghĩ khác, đây là khu đất mà cha mẹ ông giao lại cho ông, ông phải ở lại hương khói cho dòng họ ông nữa chứ, bên cạnh đó trong sâu thẳm từ đáy lòng ông là tình yêu của ông đối với chị Thoa tôi, với làng quê nơi chôn rau cắt rốn của ông., ông không nỡ rời xa chốn này. Ông bảo với người con cả:
- Bố biết! Bố ở quê là không tiện lợi cho việc chăm sóc của các con đối với bố, nhưng bố quen sống ở làng với bà con họ mạc và bao nhiêu người thân thích. Vả lại, ở làng cũng còn bao nhiêu việc của làng, của họ mạc, bố bỏ đi thế nào được!
- Thế thì tùy bố! Chúng con không dám ép...
Ông Tâm ngồi lặng lẽ ngắm nhìn ngôi nhà đơn bóng, trong lòng ông trào lên một quyết tâm. Rồi cái ngày ấy cũng đã đến, cái hôm chị Thoa mua được một mớ cá sông ngon, chị kho với quả trám rất ngon rồi mang sang cho ông Tâm. Nhìn nồi cá ông Tâm xúc động, bảo với chị Thoa tôi:
- Tôi cảm ơn bà, đã bao nhiêu năm nay bà vì tôi mà chăm sóc con tôi, chăm sóc tôi như người ruột thịt, tôi thật có lỗi với bà. Ngày trẻ tôi nhút nhát quá không dám ngỏ lời cùng bà, để bà hiu quạnh cả đời!
Rồi ông Tâm liều lĩnh cầm tay chị Thoa:
- Hay bà về ở với tôi đi, tôi quý trọng và thương yêu bà lắm!
Chị Thoa tôi cảm động, đôi mắt ngấn lệ:
- Ông Tâm ơi! Sao bây giờ ông mới nói, tôi chờ câu này đã gần bốn mươi năm rồi. Tôi cũng thương yêu ông lắm, từ cái thuở tôi còn con gái cơ. Bây giờ thì hai chúng ta cùng cảnh hiu quạnh, nếu được ở với nhau thì còn gì hơn!
Về quê, nghe chị Thoa tôi kể lại nguyên do lấy chồng, vợ chồng tôi mừng vui khôn xiết. Đến bên ban thờ cha mẹ, tôi thắp nhang cúi đầu vái lạy:
- Cha ơi! Mẹ ơi! Cái điều mà cha mẹ hằng mong muốn khi còn sống nay đã thành hiện thực. Chị con nay đã có tổ ấm, ở dưới suối vàng mong cha mẹ phù hộ độ trì cho chị con được hạnh phúc!
Nén nhang trên ban thờ bừng sáng khi tôi cầu khấn với song thân. Và tôi tin cha mẹ tôi ở dưới suối vàng cũng rất đỗi mừng vui...
Ngày chị Thoa đi lấy chồng, làng tôi như vào hội. Mọi người trong làng mạc đều tới chia vui với hạnh phúc của hai người. Tôi nhớ hôm ấy, cánh đồng làng Nội quê tôi vừa thu hoạch xong, những đôi chim gáy đậu trên những ngọn xoan gọi bạn tình thao thiết, cau vườn nhà trổ hoa tỏa hương thơm ngát... Và chị Thoa tôi xúng xính trong bộ quần áo mới, đứng trước ban thờ vái lạy gia tiên, trông chị thật đẹp. Nhìn gương mặt rạng ngời của chị, tôi biết chị rất vui với hạnh phúc muộn màng...
Kết Thúc (END) |
|
|