1. - Tên “cúng cơm” của chú, cha mẹ đặt là Thạch. Quê hương, bản xứ trước kia là rừng đá nhảy, khô trắng răng chứ đâu phải ở đây. Lúc nhỏ ăn rau ranh, rau dớn đến xanh mặt chớ mấy khi được miếng cá... Nhưng từ ngày thất trận ở Hoàng Sa, chú trốn về hòn Cù Lao và lập gia đình ở đấy. Ai dè, từ đó “chết tên” luôn với cái biệt danh của xứ này!
Ông Lộc “phi lộ” một hơi về nhân thân như thế. Nhiều người đứng nghe trợn mắt, không hiểu gì cả. Nhưng với tôi thì vô cùng xúc động. Không ngờ giữa cái eo biển tận cùng miền Trung này lại được nghe giọng Quảng đặc sệt của một người xa quê đã lâu. Ông đã rời Cù Lao, mang đại gia đình vào đất liền “an toàn hạ cánh” được mấy năm nay. Nhìn cơ ngơi của gia đình ông, ai cũng nghĩ ông giàu có nhờ công sức, mồ hôi của ngư dân vùng biển. Bởi khác với bà con vùng gió cát này, ông Lộc luôn áo quần tươm tất, nước da bánh mật mịn màng như một đại gia thứ thiệt. Chỉ có mái tóc rễ tre đang chuyển màu muối tiêu phần nào chứng thực cho những gì ông kể. Cuộc gặp của tôi với ông cũng rất tình cờ. Thấy có người ngồi trong quán cóc, tôi hỏi thăm một người trước kia là lính hải thuyền của quân đội chế độ cũ, về ẩn cư ở vùng này. Hóa ra, “Lộc Biển” khá nổi tiếng ở đây chính lại là người tôi đang tìm gặp.
2. Sau mấy chén rượu “khai mồi” ngoài quán, ông Lộc dẫn chúng tôi về nhà. Chưa kịp ngồi xuống chiếc ghế gỗ gụ, ông ngoắt tay gọi con trai ra chào khách, rồi rôm rả giới thiệu:
- Đây là con trai đầu của chú. Thực ra Lộc là tên nó, do chú đặt khi sinh nó trên Cù Lao. Bà con ở ngoài đảo có tục kiêng kỵ, không gọi “tên tộc” khi anh đã có gia đình. Vì thế, người ta thường lấy tên con đầu lòng để gọi chung cả cha lẫn mẹ. Thế là cái tên Lộc của con trở thành Lộc của cha từ đó. Mà gọi là “lộc” cũng hoàn toàn đúng với tình cảnh của chú từ ấy đến bây giờ. Giữa lúc trắng tay, đơn thân độc mã giữa biển trời chú lại được bà con trên đảo cưu mang. Ban đầu, họ còn nghi ngại vì thằng lính đào ngũ nhưng rồi thấy mình đói khổ quá, họ cho lên thuyền đi đánh cá để kiếm sống qua ngày. Ai dè, thấy chú chịu khó lại có sức khỏe hơn người, nên sau vài chuyến biển trúng đậm, ông chủ tàu cá gọi về nhà. Ông chỉ cô con gái út và bảo: “Nếu mày ưng, tao gả con nhỏ này cho để chúng mày cố giữ mấy chiếc thuyền mà kiếm sống”.
Lúc ấy, xấu hổ đến đỏ mặt. Bụng thì mừng mà cứ đứng lóng ngóng, chẳng mở miệng được. Và rồi, chú... gật đầu đại! Thế là, nhờ “sự kiện” hôm ấy chú trở thành con rể trong nhà và quản luôn chiếc thuyền gỗ 30 sức ngựa với tám bạn chài.
Tôi sốt ruột hỏi:
-Vậy, vợ chú sinh con đầu năm nào?
- Đúng cái thời điểm đất nước được giải phóng! Nói thật, lúc ấy ruột gan chú rối bời, vợ lại sinh được thằng cu... Nếu chế độ mới biết thân phận mình, liệu tương lai thằng con thế nào? Chỉ còn cách cứ lâm râm cầu trời, khẩn Phật. Chú bàn với vợ đặt tên cho con trai là Lộc - Trần Thân Lộc, vì cuộc đời “trần thân” của chú, may có lộc trời nên mới tìm được tổ ấm nơi hòn đảo hẻo lánh này!
Nhưng hoàn cảnh thúc bách của gia đình không cho chú ngồi yên để nghĩ ngợi. Thời điểm ấy, cuộc sống trên Cù Lao khó khăn đủ thứ. Muốn tồn tại, thằng đàn ông phải biết nhìn qua con sóng ngoài khơi kia. Lúc khó, bỗng “ló cái khôn”, chú vốn quen đường, thuộc lối ngoài đảo Hoàng Sa nên cố sức thử vận may. Chú cùng người anh vợ mày mò sửa chữa hai con tàu già, để vượt sóng ra ngoài bãi Cát Vàng đánh bắt hải sản. Gặp mùa mực thì câu mực, thời vụ cá thu thì đánh cá thu... Không ngờ, vụ nào cũng thu hoạch khá.
Chú biết tàu buôn các nước thường qua lại đường biển quốc tế này. Khi thuyền mình đầy cá mực, chú chủ động liên lạc với họ và đem bán tất để đổi lấy dầu nhớt, hàng hóa thiết yếu đem về cho gia đình và cả bà con làng chài. Nhờ đó, cuộc sống trên hòn đảo bé nhỏ ấy, cũng từng bước được cải thiện. Đến lúc này, chẳng còn ai biết thằng lính hải thuyền thất trận năm xưa, mọi người cứ gọi với cái tên thân thiết là “Lộc Biển”, nôm na là người luôn có lộc của biển! Cũng lạ, nhờ biển nuôi thế nào mà chú chẳng biết ốm đau là gì? Cứ thế, trần lưng mười mấy năm liền với biển khơi để làm nên cơ nghiệp. Qua thời “tao loạn” ấy, chú từng bước nâng cấp tàu cá lên 100, rồi hơn 200 mã lực... Bây giờ già rồi, không giỡn với sóng gió nữa nhưng vẫn làm chủ một đội tàu lớn, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngoài đó.
3. Năm nay “Lộc Biển” đã tròm trèm 70, vẫn rắn rỏi nhưng cứ tin vào vận số ngẫu nhiên. Như giờ đây cũng ngẫu nhiên, ông đổi giọng triết lý và thay cách xưng hô: “Đời người như đôi dép, nó có số má cả đấy”! Ngày xưa quê mình nghèo khổ lắm. Mình có biết sông nước gì đâu, thế mà liều mạng đăng lính hải thuyền, họ lại điều sang lính hải quân. Chưa biết mô tê gì, lại bị đưa ra đóng chốt tận đảo Hoàng Sa suốt ba năm. Ban đầu nhìn thấy sóng biển mình đã nôn đến mật xanh, nhưng ít lâu sau lên bờ lại thấy ngợp. Bọn lính biển thời ấy luyện tập dữ lắm, không chỉ biết bơi, biết lặn, mà còn phải biết quy luật thất thường của sóng gió và các loại sinh vật biển... để tồn tại; phải thuộc từng tọa độ trên các đảo nổi, đảo chìm ở Hoàng Sa. Nhưng tai họa không đến từ biển, mà do bọn Tàu đến từ đảo Hải Nam. Chỉ trong một ngày đêm năm 1974 ấy, tàu chiến của chúng bao vây hết cụm đảo chính. Thực ra bọn Tàu chỉ biết “lấy thịt đè người” chứ chẳng có kinh nghiệm gì khi tác chiến trên biển. Thấy tàu chúng lớn, lại tập trung dày đặc, nên Sở Chỉ huy lệnh phải “án binh bất động” để đợi pháo hạm Mỹ khai hỏa vòng ngoài trước. Ai dè...
Tôi hỏi:
- Vậy “cái số” của chú ở đây là gì?
- Thì đấy! - Giọng ông trầm xuống - Họ sắp đặt để cho mình chết, nhưng nhờ lòng biển mênh mông mình mới sống được. Nói thật nhé! Mình chẳng giác ngộ được cái gì đâu, chỉ thấy trò chơi của mấy “ông lớn” khủng khiếp quá. Lúc chiếc tàu sắt của hải quân bị dính đạn, vừa cháy vừa chạy, mình nhảy ùm xuống biển, vứt hết súng đạn để bơi vào một bãi đá chìm. Chịu đói khát hơn một ngày đêm, bỗng dưng có một chiếc thuyền câu xuất hiện! Chú em thử nghĩ, ai lại đi cứu giúp mình lúc này? Hóa ra, chiếc thuyền câu tí tẹo ấy cũng bị sóng đánh giạt, chẳng biết từ đâu lại tấp vào bãi đá đó. Để rồi hai cái rủi trở thành cái may ngẫu nhiên cho cả ba người - một thằng lính thất trận và hai ngư dân ở Cù Lao.
- Sau đó đơn vị không tìm kiếm à? Tôi cố gặng hỏi cho ra lẽ.
Ông Lộc khoát tay:
- Thì đồng đội trên tàu thấy mình rơi xuống biển, nghĩ mình tiêu đời rồi! Mình chẳng còn đường nào khác, vào xóm chài thú thật tình cảnh với bà con trên đảo và xin được “ăn nhờ, ở đậu”.
4. Hai cô con dâu ông Lộc bày biện xong bàn nhậu phía trước sảnh lộng gió. Ông đứng dậy mời theo cách người Quảng:
- Thôi, ta giữ sức mà nhậu cho sướng chớ he?
Trong khi cả bàn đang rôm rả “chén chú, chén anh”, bỗng ông Lộc cầm ly bia thẫn thờ một lúc, rồi nói:
- Hôm nay gặp được “đồng hương” thế này, mình mừng quá! Vì ngoài quê, mình chẳng còn ai! Chỉ đúng một lần về thăm quê, mới biết: Cha và thằng em chết vì trúng bom; mẹ chết bệnh. Mình ở lại quê nửa tháng, làm xong mồ mả rồi thỉnh luôn bàn thờ vào trong này...
Rồi ông Lộc trầm ngâm:
- Đến giờ mình đã nhận ra “cái tình” nó nặng hơn mình tưởng. Sở dĩ mình vẫn “trụ bám” ở eo biển này, không cốt là chuyện mấy chiếc tàu cá. Mỗi tối mình cố thức để nhìn cho rõ cái sao Hôm ngoài kia. Với mình, nó mới là ngọn đèn biển đích thực, là linh hồn của sự sống giữa biển khơi. Mình sống được đây đã là “lộc” của biển rồi!
- Khổ nỗi, biển Đông lại đang dậy sóng bởi giặc Tàu Ô... Ông bạn cà khịa.
- Mấy trăm năm rồi, chúng nó chỉ quấy rối chứ có làm được gì đâu? Chúng nó “gieo gió ắt sẽ gặt bão”! - ông Lộc nói chắc nịch - Còn mình đang cùng với bà con ngư dân Cù Lao góp vốn liếng đóng thêm tàu mới, to hơn, công suất lớn hơn để vươn khơi đánh bắt dài ngày.
Kết Thúc (END) |
|
|