“Chàng trai xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Từ ngày còn bé, tôi thường nghe bà ru em tôi bằng câu ca ấy. Thời đó, còn nhỏ xíu nên tôi chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa lời ru của bà.
Vậy mà, cuối cùng, sau bao nhiêu năm tôi không nhớ rõ, tôi quen một chàng trai xứ Quảng. Khoa đã đọc lại câu ca dao ấy cho tôi nghe, trong một… lá thư.
Tôi chưa bao giờ đến Hội An, nơi Khoa đã sinh ra và lớn lên ở đó. Những con đường anh ấy ngày nào cũng đi, tôi chưa một lần bước tới. Những gì tôi có là hình ảnh Khoa viết trong thư bằng trí tưởng tượng vô cùng phong phú của tôi mà thôi.
Tôi yêu những chiếc đèn lồng vô cùng. Trong thư Khoa bao giờ cũng có hình ảnh ấy. Chiếc đèn lồng treo trước cửa nhà anh, chiếc đèn lồng treo thành hàng dài trong khu phố cổ. Hội chợ đèn lồng trong khu bán hàng cho du khách. Tôi ngồi tưởng tượng những mảng màu xanh, đỏ thắp sáng trong đêm như thắp lên hy vọng của tôi, của những người dân quê Khoa với niềm tin mãnh liệt rằng du lịch sẽ làm sống dậy mảnh đất này. Còn tôi ư? Niềm hy vọng của tôi là một ngày nào đó, Khoa sẽ nắm tay tôi đi giữa những con đường phố Hoài, chỉ cho tôi kia là dòng sông, đây là hẻm phố, đó là chợ cổ...
Những ngày buồn, nhất là những buổi chiều, Khoa viết thư cho tôi trong cái màu cũ kỹ của những ngôi nhà cổ, rằng cái ráng chiều xiên xiên về phía tây làm cho phố bỗng buồn hơn. Tôi đọc và thấy Khoa buồn. Buồn như dòng sông Hoài cũng hiền lành trôi như sông Hương quê tôi vậy. Tôi đã từng hẹn đến hết kỳ thi đại học. Khi Khoa đã ra Huế thi và gặp tôi. Tôi sẽ rủ thêm bạn bè và xin phép ba mẹ để được một lần đến quê hương anh ấy. Nơi mà tôi đã từng yêu say đắm qua những trang thư.
Vậy mà đành lỗi hẹn…
Năm thứ hai đại học, nhà trường cho lớp chúng tôi đi Ngũ Hành Sơn - Mỹ Sơn - Hội An. Vậy là cuối cùng tôi cũng đặt những bước chân mình đến quê hương của Khoa. Hội An trước mắt tôi là những ngôi nhà nho nhỏ và chật hẹp vô cùng. Những mảng tường rong rêu xanh phủ, những mái ngói âm dương đậm màu thời gian. Đêm phố cổ, ánh sáng đèn lồng làm ấm áp cả một vùng, tôi như trở về với thời của những công chúa, hoàng tử, lạc trong chốn hoàng cung lộng lẫy sắc màu. Phố yên lắm, và phố cũng êm lắm. Êm đềm như dòng sông. An yên như cuộc sống cứ chảy trôi chẳng chút ganh đua, so bì. Người ta chào nhau bằng những nụ cười. Tôi nhớ tiếng cười khà khà của bác xe ôm khi đọc xong hai câu ca dao đó, khi biết tôi là con gái Huế.
Tôi đã có ý định đi tìm Khoa. Phố cổ nhỏ quá. Đi bộ vài vòng chắc hẳn sẽ tìm ra. Nhưng tôi đã không dám tìm. Tiếng mẹ Khoa nói trên điện thoại tôi vẫn còn nhớ rất rõ: “Cô nghe thằng Khoa nó quen cháu, cô rất vui. Nhưng giờ nó không muốn gặp ai, nó mặc cảm vì không đỗ đại học. Cháu chờ một thời gian nữa…”. Ngày đó, tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu lá thư, tôi không còn nhớ mình đã chờ, đã hy vọng như thế nào. Khoa im lặng, mất dấu và thế là hết.
Phố cổ trong tôi cũng buồn hiu hắt từ đó. Buồn như những chiếc đèn lồng không được thắp sáng trong đêm rằm, nằm chỏng chơ trên cao. Buồn như người đánh cá thất tình chẳng muốn gõ mái chèo.
Chỉ vỏn vẹn ba ngày để tham quan ba địa điểm, tôi thật sự thấy quá ít ỏi. Hội An đọng lại trong tôi qua chuyến đi chẳng bằng những ký ức ngày xưa. Rồi tôi bắt đầu so sánh. Huế cũng có phố cổ Bao Vinh, cũng những ngôi nhà không cao hơn kiệu vua đi, giờ đã thành cái gì đó đầy nuối tiếc, cầu Ngói quê tôi cũng na ná Chùa Cầu. Thời gian không đủ lâu để tôi ghi vào vỏ não một Hội An được nhìn bằng mắt, và dường như những nơ ron thần kinh làm việc quá chậm chạp, quá ì ạch đến nỗi phố cổ trong lời Khoa kể, trong tưởng tượng của tôi vẫn đẹp lung linh nhất.
Tôi trở về Huế. Khoa thật sự mất hút. Chỉ những lá thư tôi vẫn còn giữ lại. Thỉnh thoảng, những ngày Huế ỏng ẹo mưa, tôi lại lấy chúng ra đọc. Tôi ước mình đủ tự do hơn để có thể đến Hội An đủ lâu để thấy những gì Khoa đã kể trong thư.
Một lần, vô tình tôi online. Và trong danh sách bạn bè của mình, tôi thấy tên của Khoa bật sáng. Ngày xưa, hôm nào chúng tôi cũng hẹn nhau để nói chuyện, để kể cho nhau nghe cái này, cái kia một cách quen thuộc. Sau thời gian, giờ cái tên đó sáng lên tôi thấy xa lạ vô cùng. Tôi mở cửa sổ chát vào hỏi thăm.
Khoa vẫn nhớ tôi. Vẫn muốn hẹn cùng tôi một lần đi ăn mỳ Quảng mẹ Khoa nấu. Khoa bảo đang ở Hàn Quốc, đi xuất khẩu lao động. Tôi ngỡ ngàng. Khoa ở xa tôi quá. Lá thư không chạy bốn ngày là tới nữa. Hàn Quốc có phố nào treo đèn lồng không hở Khoa?
Sau đợt đó, chúng tôi thỉnh thoảng cũng còn liên lạc với nhau. Khoa nói với tôi rằng đã có bạn gái. Tôi cũng không biết mình vui hay buồn. Tôi ra trường. Đi làm. Những kỷ niệm về Khoa, về Hội An khép lại dần dần lúc nào không rõ.
Cuối năm, trời bắt đầu lạnh lắm. Huế cũng lạnh. Tôi cùng chồng đến Hội An. Chúng tôi đặt một phòng khách sạn ngay trong khu phố cổ. Phía sau là dòng sông đã từng tồn tại rất lâu trong tâm trí tôi. Bây giờ tôi mới có thời gian ngắm nghía phố Hội một cách kỹ càng hơn. Khu phố cổ nơi tôi ở chẳng thay đổi gì cả, chỉ phía bên kia sông là thay đổi đến choáng ngợp, những ngôi nhà mới theo lối kiến trúc cũ, một khu dành bán hàng lưu niệm cho khách, một cây cầu xinh xinh.
Đêm. Chúng tôi lang thang qua những nẻo đường. Tôi mua tặng mình những chiếc đèn lồng xinh của một thời vô cùng ao ước. Khu chợ vải, đêm còn lưa thưa vài người bán hàng. Hàng cây cao, già nua vẫn cứ sừng sững bên hông chợ. Tôi lang thang đi hết chỗ này đến chỗ kia. Hết hội quán này đến hội quán khác, rồi trầm trồ về một thời vàng son của lịch sử, về sự giàu có của một thương cảng ngày xưa. Tôi cùng chồng loanh quanh qua những con đường nhỏ, rồi những con đường dọc bờ sông, những chiếc ghế đá cũng trở nên duyên dáng một cách lạ thường. Và có lẽ, hình ảnh duyên dáng nhất mà tôi nhìn thấy, ở phố Hội, ngày trở lại không có Khoa - và chưa bao giờ có Khoa - là hình ảnh một nhóm bạn trẻ người Anh ngồi vỉa hè, ăn mỳ Quảng bằng đũa một cách vui vẻ, mặc dù không quen sử dụng đũa. Khoa chưa bao giờ kể cho tôi nghe về con người xứ Quảng, hay những khoảnh khắc dễ thương như thế này. Tôi không biết. Có lẽ, khi đó chúng tôi còn quá trẻ để trải nghiệm.
Sáng cuối cùng trước khi rời Hội An, tôi cùng chồng đi ăn mỳ Quảng. Tôi tìm đến nhà Khoa. Mẹ Khoa bán mỳ Quảng đã từ lâu lắm. Khoa từng kể với tôi như thế. Và tất nhiên là… ngon lắm.
Tôi ngồi nhìn người phụ nữ đó rất lâu, đủ để thấy sự tần tảo và nét hiền hậu trên khuôn mặt, trong cả những động tác. Tôi chợt mỉm cười với một ý nghĩ vô thường thoáng qua trong đầu. Nếu Khoa không im lặng, nếu chúng tôi không lạc nhau, biết đâu tôi đã trở thành con dâu của phố, gọi người phụ nữ đó là má.
Mỳ Quảng mẹ Khoa nấu đúng là rất ngon. Tôi đã không thú nhận tôi là con bé ngày xưa thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với bà. Tôi cũng không biết, Khoa đã trở về chưa, đã lấy vợ chưa. Tôi cũng không muốn biết nữa. Ngày hôm qua đã là quá xa, huống gì cả chục năm về trước. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, duy chỉ có phố vẫn nằm im đó, mỗi sáng, mỗi chiều, phố tiễn người đi, phố đón người về. Cứ thế, lúc nào cũng bao dung và đôn hậu.
Tôi chưa có duyên với phố ngày mưa. Tôi sẽ trở lại, nhìn phố vui mừng đón tôi. Sẽ lanh thang cà phê phố cổ và nỗi nhớ vu vơ về một thời xa xưa chưa hẹn, chưa gặp bao giờ.
NAM GIAO
Kết Thúc (END) |
|
|