Cuộc thi vẽ đã bắt đầu. Mọi người chen chúc đến ngạt thở. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng động viên và cả tiếng… thở phì phì sau gáy.
Ông họa sĩ già cố nhoài người, tay không thôi quạt chiếc quạt bằng mo cau cũ. Mười lăm thí sinh chăm chú pha màu, chấm từng nét vẽ. Nhìn qua một lượt, ông họa sĩ già dừng lại ở cô bé đen đúa cuối hàng. Con bé chừng mười ba tuổi, mái tóc vàng hoe vì cháy nắng. Dáng người gầy còm. Gương mặt xương xương. Chỉ có ánh lên đôi mắt sáng, trong veo lanh lợi. Ông xem lại danh sách. Một thí sinh tự do nhỏ tuổi nhất trong số các thí sinh còn lại. Một thí sinh đến từ nơi xa nhất của tỉnh, miền rừng núi phía tây. Và ông bắt đầu chú ý tới cô bé này. Từ đầu buổi tới giờ không thấy người nhà đi kèm cũng chẳng thấy cô bé này hé răng nửa lời, cứ lầm lì vẽ. Nhìn gương mặt gầy ông thấy phảng phất một nỗi buồn. Ông im lặng quan sát. Cái cọ cũ kỹ trên tay con bé đưa đi đưa lại nhanh thoăn thoắt, nét cọ phơn phớt như con học trò (con vật nhỏ có sáu chân dài) cứ vờn trên nước. Trên giá vẽ mau chóng hiện ra dòng sông lượn lờ với mặt nước êm như ru. Hai bên triền sông, cỏ xanh mướt, đàn trâu gặm cỏ hiền hòa. Xa kia, ánh mặt trời vàng óng đang khuất dần sau núi. Những tia nắng cuối ngày hắt lên rực rỡ cơ hồ những vệt dài cắt vào chòm mây làm pha nhiều sắc trên nền trời xanh. Ông họa sĩ gật gù. Bức tranh hoàng hôn mau chóng hiện ra trên giá vẽ, thật nhanh và thật đúng là một cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp, yên bình nơi thôn dã. Ông liếc qua những thí sinh còn lại, hầu hết còn đang dang dở. Nhìn đồng hồ trên tay, thời gian còn lại quá nửa, ông họa sĩ tính đi đâu đó cho bớt cái nồng mùi mồ hôi trong hội trường. Toan đứng dậy thì ông nhìn thấy con bé đang pha một lọ màu trắng. Quái lạ, bức tranh gần như hoàn thành rồi còn pha thêm màu trắng làm gì nữa, hay là cô bé này định điểm thêm vài cánh cò. Thế thì quá tuyệt còn gì. Ông thoáng nghĩ và ngồi nán lại. Bàn tay gầy như que củi run run pha màu. Nhưng ôi, đột nhiên con bé khóc. Mọi người bàn tán, cả ông cũng bất ngờ. Con bé khóc không thành tiếng nhưng nước mắt chảy dài thành từng giọt, từng giọt. Nhiều tiếng hỏi thăm. Con bé chỉ lắc đầu và tiếp tục pha màu. Đôi bàn tay run hơn, thỉnh thoảng cánh tay gầy ấy đưa lên quệt ngang nước mắt. Mồ hôi và nước mắt làm mái tóc xơ rồi dính bê bết trên gương mặt xương trông thật tội nghiệp. Cái áo trắng cũ cũng đẫm ướt, những hạt mốc đen cứ dần hiện ra. Ông họa sĩ chẳng biết làm gì, ông ngồi chăm chú theo dõi những động thái tiếp theo của cô thí sinh nhỏ kỳ quặc.
- Ôi trời! Con bé điên rồi… Ông sửng sốt khi cành cọ trắng phết ngang lên bức tranh hoàng hôn không một chút do dự. Ông nhổm người dậy định can ngăn. Nhưng ông lại ngồi xuống và quan sát tiếp. Ánh mắt ông họa sĩ già giờ chú tâm hơn vào cô bé, hay nói đúng hơn là chú tâm vào từng nét cọ trên bức tranh của cô bé đang vẽ. Đôi mắt họa sĩ vẫn còn tinh anh lắm nhưng vẫn phải nheo lại theo từng đường cọ. Mỗi lần cái cọ trên tay cô đưa một vệt trắng lên bức tranh hoàng hôn thì cứ như vết dao cứa vào ông. Cái trán với làn da đen đầy vết đồi mồi giờ lại thêm những vết nhăn. Cái quạt mo trên tay vẫn quạt nhưng cơ hồ nó chẳng có ý nghĩa gì với ông, ít nhất là lúc này. Ông vẫn nóng ran theo dõi từng cử chỉ của con bé. Nét cọ đau đớn vẫn xé rách cảnh hoàng hôn yên bình nơi thôn dã. Con bé vẫn vừa vẽ vừa khóc. Khóc không thành tiếng. Ông kéo xịch chiếc ghế đẩu lên gần con bé hơn. Ông chăm chú nhìn từng nét vẽ. Nét cọ bây giờ đậm hơn, mạnh mẽ và cũng gẫy gọn hơn. Nước mắt con bé vẫn cứ lã chã rơi. Thỉnh thoảng có cô giám khảo lại hỏi: “Em đau gì, vẽ được nữa hông?”. Con bé chỉ lắc đầu và gật đầu, không một tiếng nói. Ông cảm nhận dường như trong tâm hồn nhỏ bé kia có một niềm đau nào đó giằng xé. Thời gian trôi, khi ban giám khảo thông báo hết giờ cũng là lúc cô bé kịp hoàn thành bức vẽ. Ông lặng thinh. Con bé sâu sắc quá. Mọi người chen chúc nhau theo ban giám khảo chấm tranh, trong lúc đó con bé đã lẫn đi đâu mất. Ông đảo mắt dớn dác tìm mãi mà chẳng thấy cô họa sĩ nhỏ. Thôi thì đành ngồi chờ vậy.
Ban giám khảo lần lượt đi qua từng bức tranh một. Tới bức tranh nào dường như cũng có “đội ngũ bình tranh” đi kèm. “Ôi! Bức tranh quá đẹp. Con trâu, con bé vẽ khéo thật. Em phải mất ba ngày đưa hắn về tuốt dưới quê ngoại cho hắn đi thực tế mới vẽ được thế đó. Hoàng hôn mà có con trâu gặm cỏ như ri thì còn chi bằng”. “Mặt trời đẹp quá. Hoàng hôn mà có cánh cò thì còn chi bằng. Thầy thấy thằng cu vẽ tuyệt không?”. “Dạo này thầy khỏe quá, lâu quá không gặp thầy, em tính bữa nào sang nhà thầy chơi bữa mà chưa có dịp...”. Vân vân và vân vân. Cái đà này, ban giám khảo chấm hết mười lăm bức tranh cũng phải đến chiều. Ấy thế nhưng cũng may. Thoáng đó mà đã tới bức tranh cuối hàng. Nhìn quanh nhìn quẩn, chẳng thấy ai theo bình, thôi thì tự bình với nhau vậy. Ông giám khảo bụng phệ với hàng ria mép vểnh lên kiểu tây, nhìn rất nghệ sĩ, phán:
- Nhìn nè, một bức tranh cảnh lũ trên sông, người trôi, người kêu khóc thế này mà hoàng hôn gì? Sai chủ đề. Riêng tôi, tôi đánh rớt. Và ông nhìn chưa tới ba giây.
Tiếp đến là một chàng họa sĩ rất… họa sĩ. Mái tóc dài khỏi vai và để bờm xờm. Một chỏm râu dưới cằm trông rất nghệ sĩ. Gương mặt đăm chiêu. Chàng nhìn bức tranh gật gù, nhìn nghiêng, nhìn dọc, nhìn sát rồi lại nhìn xa. Ghi ghi, chép chép. Và… đi qua khi nhìn chưa tới mười giây.
Và nối gót là cô giám khảo mặc váy công sở trông rất lịch sự. Đây là người duy nhất trong ban tổ chức hỏi thăm khi cô thí sinh nhỏ vừa vẽ vừa khóc. Cô sửa lại chiếc kính cận màu hồng, cô chăm chú hơn vào từng nét vẽ. Vén mái tóc mượt mà, duyên ngang lưng. Lùi ra xa, cô bấm máy: Tách. Và cô vuốt lại mái tóc mượt một lần nữa. Và... cô đi. Mười lăm giây không hơn không kém. Ông họa sĩ già lắc đầu. Và người cuối cùng. Một người đứng tuổi, gầy và đen. Bộ quần áo kaki cũ nhưng lịch sự. Ông này nhìn kỹ vào từng nét cọ, ông sờ tay lên tranh như phát hiện điều gì. Ông nheo mắt dòm sát hơn. Rồi ông quay ra nhìn xung quanh như tìm kiếm. “Bác có thấy tác giả bức tranh này đi đâu không?”. Ông họa sĩ lắc đầu. Nhìn nhanh một lượt qua người ông họa sĩ, vị giám khảo hỏi nhỏ: “Bác có thấy hình như phía sau bức tranh mưa lũ ở lớp ngoài còn một lớp tranh nữa...?”. Ông họa sĩ già mỉm cười gật đầu. Hai người ngồi lâu lắm trước bức tranh.
Lễ trao giải, con bé đoạt giải khuyến khích. Có lẽ vì có một điểm 10 tròn của một vị giám khảo nào đó. Ông họa sĩ già gặp riêng con bé. “Thế nào, thưởng đủ tiền xe về quê không cô họa sĩ nhỏ”. Con bé giật mình, cúi đầu rụt rè không nói gì, tay vẫn ôm bức tranh. “Người ta chọn có ba bức tranh triển lãm, mình đứng thứ tư không được triển lãm có buồn không?”. Con bé ngước lên, ánh nhìn long lanh với đôi mắt đen thẫm và... cũng chẳng nói gì. Ông họa sĩ băn khoăn, bước đến dắt tay cô bé ra phía căng tin. “Con ngồi xuống đây ông mời uống nước nhé. Cho ông coi bức tranh lại một lần nữa”. Con bé đưa hai tay. Ông liếc nhanh vào cái túi nilon cũ con bé kẹp bên tay kia. Mấy cây cọ cũ và hộp màu nước. Đặt bức tranh lên bàn, bây giờ ông mới nhìn kỹ hơn từng nét cọ. Có gì đó dữ dội hơn trong bức tranh lũ trên sông. Cả hai gương mặt đều tuyệt vọng. Bàn tay với ra níu kéo của đứa trẻ trên bờ. Bàn tay xòe ra như ra hiệu dừng lại, vừa chới với, nuối tiếc của đứa trẻ dưới sông. Ông sờ từng gương mặt. Sống động quá. Một cảnh hoàng hôn vàng lặn mờ sâu bên trong màu trắng toát của toàn cảnh mưa lũ. “Anh Hai con. Bộ màu này anh Hai bứt mây mấy ngày, bán lấy tiền mua cho con. Anh dành tiền hứa chở con lên thành phố. Chiều nứ thả trâu bên kia sông, con đâu biết mưa thất thường. Nước lũ đầu nguồn về, anh Hai cứu con nên…”. Con bé không nói gì thêm được nữa. Ông họa sĩ cũng rưng rưng. Ông xoa đầu con bé. “Con tính đặt tên tranh là gì?”. “Con không biết”. “Hay ông đặt nó là “HOÀNG HÔN TRẮNG” được không?”. “Hoàng hôn trắng, nghe cũng kỳ. Tùy ông”. Con bé cười. Lần đầu tiên ông thấy con bé cười, nụ cười như có nước.
Kết Thúc (END) |
|
|