Đạp xe cùng các bạn, Hoàng Hà cứ nghĩ vẩn vơ: “Dường như chuyến đi này cô Phương Thảo và các bạn ưu ái dành cho mình thì phải!”. Nhiều lần đứng dưới đường Một, trông ngược dòng Thu Bồn, nó thấy núi Chúa nhọn hoắc, sừng sững án ngữ cuối tầm nhìn. Ba nó kể: Dưới chân núi Chúa là thánh địa Mỹ Sơn của vương quốc Champa xa xưa, nơi làm lễ tế Trời Đất cùng thánh thần của hai bộ tộc Cau và Dừa ngày trước. Nó ao ước được một lần tới đó chiêm ngưỡng. Ba nó từng hứa sẽ dẫn nó đến tham quan nhưng rồi do công việc bộn bề ông lại quên mất. Nhiều lần nó đã nhủ thầm với chính mình: Lớn lên mình sẽ tự đi vậy!
Cô Phương Thảo ngoắc tay, gọi Hoàng Hà:
- Tới đây Hoàng Hà! Em biết đây là đâu không?
Nơi này thì nó biết.
- Dạ, nhà thờ Trà Kiệu ạ!
Cô Phương Thảo cười:
- Ừ, Trà Kiệu hay Simhapuma, tức Kinh thành Sư tử. Đây từng là kinh đô của vương quốc Champa đấy!
Hoàng Hà tròn mắt:
- Nơi này mà là kinh đô hả cô?
Vâng, trong nhiều thế kỷ nơi đây là kinh đô của các vương triều Chăm, bà con mình hay gọi là Chàm đấy!
- Sau đó họ dời đô về Mỹ Sơn hả cô?
Cô Phương Thảo lắc dầu:
- Em để ý tới tên gọi sẽ phát hiện ra vấn đề ngay. Có ai gọi kinh đô Mỹ Sơn đâu? Trà Kiệu là nơi tập trung quyền lực của vương quốc, còn Mỹ Sơn chính là nơi giao lưu với các thế lực thần bí theo quan niệm của người Champa. Em hiểu chưa nào?
Hoàng Hà ngớ ra:
- Dạ, hiểu ạ! Vậy mà lâu nay em cứ tưởng Trà Kiệu và Mỹ Sơn đều là kinh đô cả chứ!
- Ai chưa đến nơi cũng rất dễ hiểu lầm. Tí nữa tới Mỹ Sơn em sẽ thấy rất rõ điều cô nói. Họ chọn Trà Kiệu làm kinh đô có lẽ vì nơi đây gần với sông Thu Bồn, lại có cả đường bộ, giao thông thuận lợi, rất dễ lui, tiến nếu khó khăn hoặc thuận lợi, nhất là trong thời kỳ có chiến tranh. Ngược lại, Mỹ Sơn là nơi tĩnh lặng, gần núi, xa dân. Theo họ, một nơi như thế dễ gần gũi thần linh hơn. Em thấy đó, với dân tộc Chăm kinh đô thì nhiều nhưng chỉ có một Mỹ Sơn.
Cô Phương Thảo phẩy tay chỉ các vị khách nước ngoài đang hăm hở phóng xe về phía trước.
- Họ đi thăm Mỹ Sơn đấy! Không phải ngẫu nhiên họ phải vượt mấy ngàn cây số để rồi phải dằn mình trên con đường lởm chởm ổ gà, ổ trâu này để đến với Mỹ Sơn đâu. Tới đó, họ sẽ cảm nhận được nhiều điều mà nhịp sống công nghiệp không thể đem đến cho họ được. Cứ tạm gọi họ muốn tìm về với cội nguồn lịch sử đi. Vì thế, khai thác tốt tiềm năng du lịch ở Mỹ Sơn cũng như nhiều di tích lịch sử khác, đất nước mình sẽ giàu có nhờ loại công nghiệp không khói này đấy!
Hoàng Hà thắc mắc:
- Sao lại gọi du lịch không khói hả cô?
- À, người ta gọi du lịch như vậy để chỉ một ngành thu hút ngoại tệ mà không tiêu tốn năng lượng như bất cứ ngành công nghiệp nào.
- Thật thú vị, cô nhỉ?
Ừ, thôi đạp xe nhanh lên, các bạn đang chờ kìa!
Cả nhóm rẽ vào hướng núi. Ở đây đường nhựa khá bằng phẳng. Qua hết con đò nhỏ, họ phải vượt thêm gần ba cây số đường lổn nhổn đá cấp phối nữa. Mỹ Sơn đang mùa trùng tu nên mọi thứ ngổn ngang.
- Đến rồi đấy! Tiếng cô Phương Thảo vọng vào vách núi âm âm. Cả bọn nghe khỏe khoắn, tươi tỉnh hẳn ra. Thủy Tú trầm trồ:
- Ồ, tháp! Nhiều tháp quá!
Vương Bờm chỉ tay qua phía núi bên kia:
- Ai lại xây lò gạch trong hóc núi kia nhỉ?
Cô Phương Thảo phì cười:
- Không phải đâu! Tháp bị đổ đó! Tất cả có mười nhóm tháp chia thành các cụm A, B, C, D, E, F, G, H, I, trong đó cụm A chia thành 2 nhóm. Chỉ có nhóm A này còn khá toàn vẹn. Các nhóm kia bị tàn phá bởi bom đạn. Chiến tranh thật kinh khủng phải không các em? Chẳng chịu chừa thứ gì. Ba cô kể, ông vào đấy năm 1944, tất cả còn nguyên vẹn và thật tuyệt vời, chẳng khác gì một kinh đô hoa lệ. Sau đó thì súng nổ. Một số tượng đá được người ta chuyển về Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng, một số thất lạc, còn tất cả bị vùi trong đất đá, cỏ rậm. Bây giờ trông còn đỡ chứ hồi sau năm 1975 ở đây chỉ toàn rừng núi, đâu thấy gì. Trùng tu mãi từ hồi ấy đến giờ mà mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Các em nhận ra ông Tây râu rậm kia chứ? Kỹ sư Kazik đấy! Người rất có công trong việc trùng tu Mỹ Sơn. Tiếc rằng việc đưa xi măng vào thay gạch nung nhằm chống xuống cấp ở một số tháp đã làm giảm đi phần nào vẻ thẩm mỹ của di tích. Nhưng đó cũng là quan điểm trùng tu của một số nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Họ không muốn làm mới di tích nên chọn một thứ vật liệu khác nhằm làm nổi bật đặc trưng của di tích. Cô Phương Thảo miết tay vào vách tháp: - Các em xem này! Chẳng có vôi vữa gì mà nhưng viên gạch cổ tự kết dính nhau thành cả khối tháp. Nên nhớ rằng chúng đã trơ gan cùng mưa nắng cả ngàn năm rồi đấy! Tài xây dựng của những người thợ Champa xa xưa thật đáng để chúng ta kính phục!
Cả bọn tranh nhau sờ vào các vách gạch. Ai nấy đều lè lưỡi, kinh ngạc trước tài năng của những người thợ cổ.
- Qua bên này đi các em! Nơi đây là trung tâm của thánh địa, nơi hành lễ chính thức. Cái này gọi là linga, cái kia là yoni - sinh thực khí, biểu tượng của sự phồn thực, chắc các em không hiểu, nói nôm na là biểu tượng của sức sống. Đó chính là điều họ muốn bày tỏ cùng với Đất Trời. Chậc, lớn lên tí nữa các em sẽ hiểu điều cô vừa nói. Em nào đã thăm bảo tàng Chàm? “Em, cô!”. Có mấy cánh tay đưa lên. “Nhiều tượng Chàm có nguồn gốc ở đây, các em ạ. Kể cả linga và yoni. Bây giờ các em hãy quan sát các bức tượng trên vách tháp. Các nghệ nhân xưa đã mô tả gần như đầy đủ cuộc sống của cộng đồng Champa ngày trước. Có cả cỏ cây, muông thú. Cô Phương Thảo khoát tay về phía mặt trời mọc - Xưa kia, có con đường khá gần nối với kinh đô Trà Kiệu. Sắp có dự án khôi phục lại con đường này. Lúc ấy, chắc chúng ta dễ dàng hình dung lại không khí lễ hội ngày trước khi đã kết nối được với Simhapura ra sao.
Thủy Tú rụt rè hỏi:
- Sao trông hoang tàn quá vậy cô?
Vương Bờm đế vào:
- Em cũng thấy chẳng khác mấy cái… lò gạch của Chí Phèo mấy!
Cả bọn cười ầm. Cô Phương Thảo cũng cười theo.
- Thăm di tích không nên nhìn bề ngoài mà hãy nghiên cứu tầng văn hóa chìm sâu trong lòng nó. Phế tích lại có đặc điểm riêng của nó so với các di tích còn nguyên vẹn. Riêng Mỹ Sơn, các em hãy xem!
Cô Phương Thảo mở túi xách, chìa ra mấy tấm ảnh.
- Đây là ảnh chụp tháp chính. Các em thấy kỳ diệu chưa? Các màu xanh, lam, chàm biếc của cỏ cây, núi rừng, màu trắng bạc của mây trời đã tôn màu nâu đỏ của gạch lên một sắc màu đặc biệt không nơi nào có được. Đó chính là giá trị về hình thức của Mỹ Sơn. Còn nội dung, như cô đã nói, không thể đánh giá hết.
Cả nhóm tranh nhau xem ảnh. Ai cũng xuýt xoa trước vẻ đẹp kỳ ảo của các ngôi tháp. Thủy Tú và Vương Bờm có vẻ quê với những nhận xét nông cạn vừa phán ra nên nín khe. Hoàng Hà nhìn ảnh, lại nhìn ngọn tháp, lại nhìn ảnh… Cuối cùng, khi bỏ ảnh ra, lạ thay, nó bỗng nhận ra gần như đầy đủ sắc màu kỳ ảo của ngôi tháp. Một điều gì đó thật lớn lao ào đến trong lòng khiến nó lặng người đi. Nó cảm thấy mình nhỏ bé hẳn. Hoàng Hà rụt vai, mặt nhợt hẳn.
- Em sao vậy, Hoàng Hà?
Con bé bừng tỉnh, đỏ mặt rồi bất giác mỉm cười:
- Dạ không có chi, cô! Em thấy đẹp quá!
- Ừ, rất đẹp! Và kỳ diệu nữa!
Hoàng Hà níu tay cô giáo:
- Tụi em rất cảm ơn cô về chuyến đi này!
Cô Phương Thảo cười nhẹ:
- Cô dẫn cả nhóm đi là để khi về sẽ đòi nợ các cô cậu đấy! Hãy liệu chừng!
- Dạ, tụi em biết mà! Nhưng, chắc phải nợ cô lâu lâu ấy!
- Lâu cũng được nhưng phải trả, không được… xù!
Thủy Tú le lưỡi, mừng rơn, bởi, nó chẳng thuộc nhóm chuyên văn – con – cưng - cô- Thảo. Cô Phương Thảo tinh ý nhận ra ngay. Cô phân công liền:
- Thủy Tú chú ý quan sát và ghi chép, về kể lại cho Linh Lan.
Thủy Tú chưng hửng, xịu mặt xuống. Vương Bờm khoái chí huých tay con bé, chọc:
- Bà trở thành cố vấn cho nhà văn nổi tiếng rồi! Ghê chưa?
Con bé nguýt Vương Bờm một cái dài cả cây số. Cả bọn thêm một mẻ cười.
Cô Phương Thảo phẩy tay:
- Ngồi xuống hết đây đi, các em! Nghe cô đọc thơ nào!
- Hoan hô cô! Đọc đi cô! Hoàng Hà phấn chấn nói như hét.
- Ngâm đi cô! Giọng cô phải ngâm mới tuyệt! - Tiếng Anh Tuấn.
Cô Phương Thảo dịu dàng:
- Ừ, cô sẽ đọc bài Cỏ Mỹ Sơn của nhà thơ Nguyễn Trung Bình, một tác giả trẻ quê gần đây.
Cả bọn lắng tai chăm chú nghe. (...) những ngọn tháp đùn lên/ mặt đất màu da thịt...
Linh xuýt xoa:
- Cô đọc thơ hay quá!
Cô Phương Thảo cười nhẹ:
- Đừng có nịnh cô! Nào, Hoàng Hà đọc bài Bên tượng vũ nữ Trà Kiệu của Nguyễn Trác cô chép hôm trước cho các bạn nghe đi!
Hoàng Hà hắng giọng rồi đọc. Giọng con bé nhẹ, nhỏ nhưng thật rõ: (...) Không thể có thực đâu/ Cái dáng uốn cong kia của đôi tay vũ nữ...
Trưa Mỹ Sơn lặng phắt. Không ai nhắc ai, mọi người đều ngước mắt nhìn hết lên đỉnh tháp. Những dáng tượng vũ nữ mềm mại, lung linh như muốn bước ra quyện cùng giọng đọc thơ trầm bổng. Sức sống của những bức tượng đá, linh hồn các ngọn tháp thu hút hết hồn vía của cả bọn, đứa nào đứa nấy mê mẩn ngắm nhìn. Một ngày, bọn nó thu lượm được quá nhiều điều kỳ diệu khác xa những bài giảng khô khan vẫn nghe hằng ngày. Cô giáo chủ nhiệm của chúng hôm nay cũng khác quá. Chưa bao giờ chúng yêu mến và biết ơn cô đến vậy.
Kết Thúc (END) |
|
|