1. Thuở còn nhỏ bọn tôi ra rả đến cảm động câu ca “Công cha như núi Thái sơn /Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Mà hình như mỗi lời huấn thị chỉ giam cầm tuổi đời trong một khoảng thời gian nhất định. Đến khi đã biết soi mặt mình vào ảng nước, đã biết vuốt vuốt mớ tóc xanh lòa xòa trước trán, cái câu ca thân thiết mẹ cha ấy dường như bớt bớt đi mùi vị. Nhất đi nhì đến, thay vào công cha nghĩa mẹ đã thấp thoáng cái tình.
Chuyển gam, thế là “Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về nấu quả mơ chua trên rừng/ Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau”. Hình ảnh rủ nhau đi trốn hay mấy tiếng anh em của câu ca tình tứ ấy có phần mùi mẽ hơn, hấp dẫn bọn trẻ hơn. Tôi và vùng rau cỏ tôm ốc không thể thiếu bóng dáng thằng Như, thằng Đồng, con Kiều, con Hạnh. Và một con gì gì đó nữa. Từ từ, nhớ lại đã. Con đỉa. Con vật trơn tuột, đầu có hai vòi, hễ bám vào da người thì thít chặt, hút no máu rồi lăn đùng ra. Nạn nhân máu chảy dầm dề. Nghe nói nó là hậu thân của chằn tinh ngày trước. Lạc Long Quân chém chết chằn tinh, chặt làm ba khúc. Khúc đuôi quẳng lên núi thành muỗi vắt, lúc nào cũng ngọ nguậy. Khúc đầu quẳng xuống biển thành thuồng luồng. Khúc thân mềm mại quẳng ra đồng ruộng thành con đỉa chuyên hút máu người. Bọn con gái mà đi sông đi suối thường kỳ kèo bọn con trai theo cho bằng được, bọn nó là chúa sợ đỉa cắn. Có bọn con trai, nỗi lo sợ ấy biến thành niềm thú vị. Dầm mình dưới khe suối, chùm hum từng vụng nước, bò lết qua từng mô đá trơn trợt, chẳng mấy chốc thau rổ đã đầy nhốc ốc đá, ốc hót, ốc gai, ốc bươu. Có khi còn có vài chú cá bống hay vài con tôm xấu số nấp trong hang đá bị tóm gọn. Sau buổi tối là nồi cháo ốc khuya ngọt lựng, cay sè, ngon tuyệt. Cả bọn vừa và húp vừa hít hà. Song câu chuyện bắt ốc không hiền lành đến thế. Thường thì đang yên đang lành lại có đứa nào ré lên, hoặc kêu la oai oái. Chúng nó bị hậu thân bà chằn hành hạ. Đã nói là bà chằn, giống cái. Nên mỗi khi bám vào bọn con gái lại bám đúng ngay vào chỗ hiểm, hẳn để kiểm tra xem bọn đồng giống dị chủng chúng nó tròn méo ra sao. Cơ hội để bọn con trai ra tay trượng nghĩa trừ gian diệt ác. Bọn con trai lì lợm chẳng biết sợ bà chằn, mó tay tóm gọn lôi tuột ra ngoài, đôi khi quá đà... Thế là lại oai oái ơ ơ...
Trong bữa cháo khuya, thỉnh thoảng bọn con gái liếc chéo một đứa nào đó trong đám anh hùng cứu mỹ nhân rồi đỏ mặt. Chỉ cần đếm mấy cái liếc đủ biết đứa nào hôm nay lập được chiến công.
2. Rồi mỗi đứa một phương, thằng công nhân làm thuê, đứa sĩ quan quân đội. Khi tôi rinh được tấm bằng đại học vinh quy thì quê nhà chẳng còn ai. Nghe sự cố bắt đầu từ cô Dung, gốc quê, lên Sài Gòn lập nghiệp, cô về lôi tuột cả đám gái quê lên phố đổi đời, đổi màu da sắc tóc. Một mình trơ trụi lại thèm một bữa cháo khuya.
Con Hạnh về mà tôi không kịp gặp, bận làm giám khảo cho một kỳ nam bắc thư hùng. Khi về thì Hạnh đi rồi. Tôi lầm lũi ra tận bờ sông ngồi ngơ ngẩn. Con Hạnh có đôi mắt mở to, đen láy. Mỗi khi nó đỏ mặt liếc xéo tôi thì bọn con trai lại xuýt xoa: Thằng Hân trúng quả. Nghe Hạnh về lạ lẫm, tử tế. Vừa về đã đi thăm khắp xóm. Quà cáp, kể chuyện làm ăn. Vẫn giữ thói quen cuối câu chuyện lại hất ngược mái tóc ra sau, phơi cái cổ trắng ngần, có ngấn, vàng chóe sợi dây chuyền năm chỉ. Hạnh đi, xóm tôi lại thắc thỏm chờ Hạnh về. Hạnh về gom vốn làm ăn. Nghe trên phố nhiều vốn khéo buôn. Tôi mua cái xe máy, hỏi mẹ mấy chỉ vàng, mẹ nói con Hạnh vay rồi. Vàng chôn gốc cột, để làm gì. Cho nó vay lấy lãi suất ăn hàng tháng. Cái con tảo tần đáo để, ngày trước phải chi nó làm dâu nhà này thì hay biết mấy.
Con Lựu về, tôi cũng không gặp. Thằng Đồng ngày xưa chim con Lựu mà không được. Bây giờ trở thành tình cuối. Lựu về với một đứa con. Vẫn đẹp và buồn. Lựu hỏi Đồng: Ông làm cha đứa bé được không. Đồng ngậm ngùi. Ôm con Lựu trong tay Đồng mơ về những ngày xưa thân ái. Bảo: Tại quê mình nghèo. Lựu suýt làm dâu nhà đại gia. Song khi cả nhà đại gia đi diện HO thì Lựu bị rớt lại với cái thai trong bụng. Lại trở về thân phận làm thuê, Lựu chạy bàn cho một quán bia. Bi chừ chuyển sang nghề hớt tóc nam. Đẹp gái, lỡ làng, trơ trọi, lại làm cái nghề có tử tế cũng thành không tử tế, không có đàn ông dựa lưng dễ bị ăn gian. Rồi thằng Đồng theo Lựu lên phố, quyết làm anh hùng cứu mỹ nhân suốt đời.
Cái duyên của tôi cuối cùng rồi cũng đến. Kiều về bươn bả chiếc xe gắn máy tìm đến với tôi, chơi cả ngày. Hỏi:
- Ông vẫn chưa có vợ à, ba mươi rồi còn gì. Kén chọn vừa thôi.
- Ế chứ kén chọn gì. Tôi đáp.
- Ông nói thiệt đi, ngày xưa ông để ý con Hạnh hay để ý tui?
- Tui cũng không biết nữa. Ngày ấy hai bà ai cũng dễ thương, cũng đẹp quá trời, tui biết mần răng.
- Nề, ông có biết mần răng mà ngày ấy con Hạnh hay bị đỉa bu không? Cơ hội cho ông vét đỉa hoài hoài.
- Ừ hè, chắc tại da con Hạnh thơm. Mỗi lần gần Hạnh tui cứ nghe mùi con gái tỏa ra lừng lựng.
- Thơm cái khỉ mốc, con gái mới lớn ai mà chẳng có mùi, mùi trinh nữ đó ông ạ. Ông cũng len lén hít tóc tui hoài, bộ tưởng tui không biết răng.
- Ừ, mà tại răng con Hạnh hay bị đỉa cắn hỉ?
- Bị gì, được thì có, cái con ranh lắm. Hắn thủ sẵn mấy con đỉa trong bọc ny lon, giấu trong giỏ ốc. Lâu lâu lại xài một con. Trời nhá nhem trăng sao ai mà phát hiện ra được.
- Rứa bà cũng biết chiêu nớ, răng không xài?
- Tui biết thì đã quá thì rồi. Chơi với nhau trên phố, ôn lại chuyện bắt ốc hái rau, hắn cười khanh khách tiết lộ tui mới biết. Cả cái chuyện hắn bị rắn nước cắn, tê chân đi không được, ông phải cõng hắn về cũng là giả tuốt. Mà ông không thấy kỳ à, rắn nước làm gì có độc, lại cắn vào mông sao lại tê chân? Răng lúc đó ông không vạch quần Hạnh ra coi thử cắn chỗ mô, mấy dấu răng? Giá lúc đó ông nhiệt tình thêm chút nữa thì trúng kế hắn rồi.
Hai đứa ngồi im không nói gì. Lâu Kiều lại hỏi:
- Mà răng ông để ý con Hạnh mà lại chôm chỉa cả tui? Có nhớ vét đỉa cho tui mấy lần không? Gớm, vét đau điếng, cứ như nạo ấy. Mấy năm sau nằm ngửa ở Sài Gòn tui còn mơ thấy ông vét đỉa.
Lặng lẽ tôi kéo Kiều lại gần, ngửi lên màu tóc. Vẫn mùi vị nồng nàn. Mùi trinh nữ.
- Thơm phải không, sữa tắm đó ông ạ. Mùi trinh nữ bán rồi. Kiếm chút vốn làm ăn.
Tôi buồn buồn:
- Sao Kiều lại nói chuyện đó với tui?
- Ông có nhớ chuyện Đồng theo Lựu lên phố không? Tui về để vét ông đây. Lỡ ông chịu theo tôi lên phố thì khỏi phải khai báo lần nữa.
Tôi đặt một ngón tay lên môi Kiều ngăn không cho Kiều nói tiếp. Bâng khuâng một mình. Người ta lên phố toàn giàu sang cả, mà sao lũ bạn mình hẩm hiu thế, đứa nào cũng quyết chí đổi đời mà…
3. Kiều lại đi. Trước khi đi Kiều ôm tôi một cái, thiệt lâu. Hân à, để tui mơ nốt giấc mơ đã mười mấy năm rồi, Kiều nói. Một nỗi buồn dịu nhẹ cứ lan tỏa trong vòng tay của Kiều.
Mấy tháng sau, trong một bữa say, nước mắt đầy tràn, tôi viết thư mail cho Kiều, cóp py câu chuyện Huyền thoại Ốc.
Kể Kiều nghe câu chuyện ngày xưa mình rất thích, chuyện nàng tiên Ốc.
Ngày xửa ngày xưa có một bà lão hiền lành sinh sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Một bữa bà lão bắt được một con ốc màu xanh tuyệt đẹp. Bà thương ốc nên không đem đi bán. Kỳ lạ, kể từ đó, mỗi khi bà về nhà thì đã thấy cửa nhà sạch sẽ, cơm canh tươm tất. Bà để tâm rình xem. Như mọi bận, khi bà đi vắng, từ trong vỏ ốc bước ra một cô gái tuyệt đẹp, da trắng ngần, cả người tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. Bà lão vội ôm chầm lấy cô tiên. Bị bắt quả tang, cô tiên không thể chui vào vỏ ốc được nữa. Từ đó hai mẹ con sống rất hạnh phúc.
Mail Kiều viết cho tôi:
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai đi bắt ốc. Chàng bắt được hai con ốc màu xanh tuyệt đẹp. Chàng thương cái đẹp nên bỏ ốc vào lu nước nuôi dưỡng mà không dám ăn.
Lâu rồi chàng trai đãng trí chơi xa không về, hai con ốc buồn tình bò đi mất. Giá ngày xưa chàng ăn tất thì hai con ốc chịu chết một cách sung sướng biết bao nhiêu. Bi chừ hai con ốc trút cái vỏ ốc hiền lành hóa thành hai con thiêu thân bay lượn dưới ánh đèn xanh đỏ tím vàng. Hai con ốc mơ ước mình lại trở thành ốc.
Chuyện này thì tôi không viết ra tường tận. Thằng Như làm thợ hồ ở Sài Gòn, về gặp tôi, hắn kể tao ngộ Kiều ở chiến trường nhà Hạnh. Kiều khóc rấm rứt. Ra về hắn còn nghe Hạnh nói với theo: Lâu lâu ông đến chơi, ủng hộ tụi này làm ăn nhé!
Còn thằng Đồng? Tôi với Như uống một bữa say nhừ. Nằm đến tối, bỏ lỡ luôn cả cuộc hẹn: chiều bọn mình lại đi bắt ốc hái rau.
Kết Thúc (END) |
|
|