Thỉnh thoảng người đi chợ vẫn thấy bà ngồi thu lu một góc cạnh hàng tôm, hàng cá. Hàng của bà không nhiều, cũng chẳng được bày bán trên những chiếc mâm nhôm hay chiếc mẹt lớn để khách lựa, nó chỉ là mấy con cá được đặt gọn gàng trên vài ba chiếc đĩa nhựa cũ.
Cả gia tài của bà chỉ có chiếc làn nhựa cũ vá chằng chịt với nhau bằng những sợi ni lon mà người ta chẳng thể đoán được nguyên thủy của nó màu gì. Bà dùng chiếc làn ấy đựng mớ tôm cá vụn vặt khi đi bán và đựng đồ mua được mỗi khi tan chợ về. Phải để ý lắm người đi chợ mới thấy mỗi tháng bà chỉ ngồi ở cái góc đó vài lần. Hàng của bà không nhiều, vài con cá chuồn, vài con cá hố, đôi khi là mớ cá bống nhỏ. Bà chậm chạp xách làn có mớ tôm mớ cá ấy đến, rồi tẩn mẩn bày ra góc chợ. Đôi bàn tay nhăn nheo mân mê, vuốt, lật từng con cá, xếp chúng nằm ngay ngắn thẳng hàng trên đĩa.
Cái góc chợ, nền đã được người ta trải một lớp xi măng nhưng do nước đọng lâu ngày tạo thành một màu đen bẩn. Chỗ bà ngồi lúc nào cũng lép nhép nước. Bà ngồi xổm, đầu gối khẳng khiu cao quá cằm, đôi bàn tay nhăn nheo thỉnh thoảng đưa lên nắn nắn vào chỗ túi của chiếc áo bà ba. Đấy là chỗ bà đựng những đồng tiền lẻ, bà đã cẩn thận cài kim băng bên ngoài. Lâu lâu mới thấy bà ngẩng mặt lên, nhìn người đi qua và mời “mua cá đi cô”. Mỗi khi bà nói, những nếp nhăn xô lại thành lớp trên khuôn mặt già nua, khắc khổ. Bà mời khách nhưng ánh mắt như nhìn vào một cõi nào đó, rồi nhìn xuống mớ hàng của mình, không cảm xúc. Không có cân, bà cứ nhìn vào mớ cá trên đĩa mà ra giá, đôi khi năm ngàn, mười ngàn. Gặp người hào phóng họ mua hết số cá bà có, thấy giá rẻ họ còn cho thêm bà vài đồng.
Bán hết hàng, thế nào bà cũng sờ vào cái túi, lần mở chiếc kim băng, móc xấp tiền được bà cuộn tròn trong túi áo ra đếm. Bà phải đưa sát vào mắt để nhận biết mệnh giá từng đồng tiền. Vậy mà ít khi bà đếm sai. Đếm xong bà bỏ riêng một ít để đi chợ ngày hôm đó, số còn lại bà cuộn tròn bỏ vào trong túi áo, cài kim băng cẩn thận, rồi mới chống gối đứng lên.
Cả chợ huyện ai cũng quen với hình ảnh bà lão lưng còng, xách chiếc làn cũ chậm chạp dò từng bước trên lối đi. Trong làn của bà có khi là mớ rau, là miếng thịt, ít thôi nhưng đó là bữa ăn trong ngày của bà và anh con trai. Anh con trai bà gần 40 tuổi nhưng nửa tỉnh, nửa mê, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Lúc tỉnh táo anh cũng biết phụ mẹ cuốc vườn trồng rau, chăm đàn gà, nhưng mỗi khi lên cơn động kinh anh lăn lộn dưới đất hết gặm vách nhà lại lấy thìa khoét lỗ trên nền nhà. Anh cứ hùng hục đào cho tới khi hết cơn, thành ra nền nhà của mẹ con anh không biết bao nhiêu là lỗ. Lỗ lớn, lỗ nhỏ đầy các góc nhà. Những lúc ở nhà chờ mẹ đi chợ về, anh hay nằm trên chiếc chõng đặt ngoài hiên, đưa từng viên bi lên phía nắng, nheo mắt nhìn rồi hềnh hệch cười một mình. Hoặc ra đầu ngõ chơi với bọn trẻ con. Ban đầu lũ trẻ sợ và hay chế diễu gọi anh là thằng Ngố nhưng anh mặc kệ, cứ xông vào chơi cùng. Lâu dần người làng quen với hình ảnh thằng Ngố gần 40 tuổi là bạn của mấy đứa trẻ trâu lít nhít.
Ham chơi nhưng hễ thấy bóng mẹ từ đằng xa là anh vồ lấy phần bi của mình rồi chạy tới xách chiếc làn trên tay mẹ. Một tay kéo tay mẹ, tay kia giơ chiếc làn lên dòm, thấy có miếng thịt heo, anh tíu tít “hôm nay có thịt, có thịt”. Những lúc như vậy bà chỉ nhìn anh cười.
Cái xóm nhỏ của mẹ con Ngố nằm gần cửa sông lớn, có bến cá. Cứ vài ngày bà lại ra bến một lần. Số tôm, cá mà bà có là do các chủ thuyền cho. Mỗi người cho một ít bà gom lại thành mớ. Hồi đầu khi được cho bà thường mang về kho mặn rồi treo lên góc nhà hai mẹ con ăn dần. Nhưng ăn cá mãi cũng chán, thằng Ngố thường chống đũa không chịu ăn, bà bèn đem ra góc chợ ngồi bán. Có tiền bà mua món khác về cho con ăn. Thằng Ngố của bà lớn tuổi nhưng nói vẫn còn ngọng líu.
- Mẹ, mai mốt con đi làm kiếm nhiều xiềng (tiền) nguôi (nuôi) mẹ nhé.
Bên mâm cơm chỉ có mấy quả cà muối đã thâm đen, đĩa rau luộc, mấy lát thịt bà kho lúc chiều. Dưới ánh điện vàng tù mù, bà cầm bát cơm móm mém cười, hàm răng đen, chiếc còn chiếc mất.
- Cha anh, ăn nhanh đi cho mẹ dọn.
Thằng Ngố ngừng và cơm, nũng nịu:
- Con nói thiệt mà, con sẽ đi làng (làm) xa như thằng Vinh, thằng Tuấn ấy, có nhiều xiềng lắm”.
Thả bát cơm xuống mâm, bà nhìn đứa con tội nghiệp của mình rồi nhìn ra khoảng không đen kịt ngoài sân. Bà biết thằng Vinh, thằng Tuấn chứ, chúng là con của ông Sáu ngoài đầu xóm, chúng ít hơn thằng Ngố nhà bà gần chục tuổi, dạo này chúng đi làm phu vàng, thỉnh thoảng mới về nhưng trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Lần nào về chúng cũng rủ thêm mấy đứa thanh niên trong xóm đi cùng. Chẳng biết thằng Ngố của bà nghe đứa nào nói mà đòi đi làm. Bà đâu cần nó nuôi bà, chỉ cần nó tự lo được cho nó là bà mừng lắm rồi. Mấy năm trước cứ đến mùa hè là bệnh của thằng Ngố phát nặng hơn, có năm nó bỏ đi biệt cả tháng bà phải mò mẫm đi tìm mãi mới thấy để đưa nó về. Hai năm nay chân bà yếu không đi được toàn phải nhờ người đi tìm hộ. Gần 90 tuổi, lưng còng rạp, mắt mờ đục nhưng lúc nào bà cũng canh cánh, nếu mình có mệnh hệ gì thì ai lo cho thằng Ngố.
Ăn cơm tối xong hai mẹ con thường ngồi trên chiếc chõng tre hóng mát. Thằng Ngố nằm khểnh ra, vắt chân chữ ngũ lôi nắm bi trong túi ra đưa lên ngắm. Bà ngồi thong thả ngoáy trầu trong chiếc cối nhỏ xíu bằng đồng. Răng rụng gần hết nhưng không ăn thì nhạt miệng nên thỉnh thoảng bà lại giã một miếng ăn cho đỡ thèm. Tay bà yếu lắm rồi, cầm cái cối trầu nhỏ xíu mà cứ run run, nên mỗi lần nhìn thấy bà ngoáy trầu, thằng Ngố thường bảo “để con” rồi giằng lấy chiếc cối nhỏ trên tay bà. Nó ngoáy mấy cái là miếng trầu nát bét nhưng bị văng ra ngoài cũng phân nửa. Bà vừa nhai trầu vừa phe phẩy quạt cho thằng Ngố như thể nó mới lên ba. Đôi mắt mờ đục của bà lại chìm vào khoảng không tĩnh mịch của đêm. Chỉ có tiếng dế kêu rả rích bên cạnh tiếng thở đều đều của thằng Ngố.
Thỉnh thoảng thằng Ngố cũng theo bà ra bến cá, trong khi bà dò dẫm đi từ thuyền này qua thuyền khác thì nó lẽo đẽo đi sau thơ thẩn nhìn người qua lại. Có người ngỏ ý muốn thuê nó vác những thùng cá từ trên thuyền lên bờ để cân cho khách. Nó chẳng hiểu gì lắm nhưng thấy người ta làm, nó cũng làm theo. Nó vác từng thùng cá, bước đi phăm phăm. Miếng ván mỏng bắc từ thuyền lên bờ nhún nhảy theo từng nhịp chân của nó. Cuối buổi người ta trả tiền công, nó nắm chặt trong tay chạy thẳng về nhà tìm mẹ. Không thấy bà, nó bồn chồn đi ra đi vào, hết đứng lên lại ngồi xuống chiếc chõng tre ngoài hiên. Thỉnh thoảng nó lại đứng lên chạy một mạch ra đầu ngõ ngó xem bà đã về chưa. Phải quá trưa mới thấy bóng bà về, nó chạy thẳng tới trước mặt bà, thở hồng hộc:
- Mẹ, xiềng này, nhiều xiềng không?
Bà ngước đôi mắt mờ đục lên nhìn nó hỏi:
- Tiền ở đâu đây? Con lấy của ai đúng không?
- Khô-ông, xiềng họ cho con, xiềng con đi làng.
- Con làm gì? Ai trả?
- Họ trả, ngoài bến cá.
Bà lọ mọ dắt thằng con lớn xác ra ngoài bến cá hỏi thì biết được đây là tiền công buổi sáng của nó. Bàn tay nhăn nheo của bà run run mân mê những đồng bạc lẻ mà con mới đưa. Đôi mắt mờ đục như nhòe đi, nơi khóe mắt rỉ ra dòng nước cũng đùng đục chảy theo những nếp nhăn. Bà từng khóc hết nước mắt khi cha thằng Ngố để hai mẹ con bà ở lại cái xóm nghèo này lên tàu đi làm ăn suốt mấy chục năm không thấy tin tức gì. Bà cũng đã dùng hết nước mắt để thương xót cho mình và cho đứa con tội nghiệp trong mỗi đêm cô đơn hay lúc con ốm đau nên lúc này, dù mừng vì đứa con đã “lớn hơn” một chút nhưng bà chẳng còn nước mắt để khóc. Thấy bà đứng bần thần trước bến cá, thằng Ngố lay lay tay kéo bà về với thực tại.
- Mẹ, về đi.
Bà ngước nhìn con rồi lặng lẽ quay bước, bóng hai người một già, một trẻ dựa vào nhau trong nắng chiều lầm lũi trên đường dẫn về làng.
Kết Thúc (END) |
|
|