Trăng khuya sáng vằng vặc. Thảo trằn trọc mãi không ngủ được.
Ngày mai là giỗ đầu của mẹ. Khách đã mời đầy đủ, cỗ bàn cũng đã cắt cử người lo tươm tất. Mấy người bà con ở xa đã về từ chiều. Bữa cơm tối nhộn nhịp, nhiều người bảo mẹ có phước, con gái mà chuẩn bị lo giỗ mẹ chu đáo còn hơn khối đứa con trai, chắc nơi suối vàng mẹ vui lắm... Thảo trở mình, còn một điều quan trọng: nên làm món gì có ý nghĩa để cúng mẹ đây? Thảo giật mình, chợt nước mắt ứa ra. Thì ra bao nhiêu năm qua Thảo chưa từng biết mẹ thích ăn món gì. Ôi, từ những năm tháng ấu thơ đến lúc trưởng thành, những ngày xưa trong vòng tay âu yếm của mẹ đến quãng thời gian đi học xa nhà, rồi có gia đình, Thảo không thể nhớ nổi bao nhiêu ngàn lần mẹ đã hỏi: “Con thích ăn gì mẹ nấu cho?” hay: “Con muốn ăn gì mẹ gửi cho?”. Và chưa một lần nào mẹ bỏ qua bất cứ món ăn nào mà Thảo thích, dù đó là món khó làm, món mẹ chưa từng làm hay là món ăn khá cầu kỳ chiếm quá nhiều thời gian của mẹ. Niềm vui và nụ cười của mẹ được đổi lại khi nhìn thấy hoặc tưởng tượng ra Thảo đang nhâm nhi, thưởng thức món ăn đó một cách ngon lành. Mẹ không phải mẫu phụ nữ đảm đang với bếp núc, mẹ năng động với công việc nhiều hơn. Nhiều khi, muốn Thảo có một món ăn như sở thích mẹ phải tìm hiểu công thức qua bạn bè, qua mạng internet. Vậy mà có khi mẹ vừa hoàn thành món ăn thì Thảo lại bảo có hẹn đi ăn với bạn. Thấy mẹ thoáng buồn, Thảo nói: “Với tụi con ăn uống không quan trọng đâu mẹ, lâu lâu gặp bạn bè vui hơn! Mẹ cứ ăn đi nghe”. “Ừ, mẹ biết vậy...”. Mẹ cười cười, cái nụ cười này khó diễn tả cảm xúc lắm. Chắc chắn là mẹ không giận Thảo, nhưng không thể không buồn...
Mẹ sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em nên cuộc sống cơ cực từ nhỏ. Tuổi thơ của mẹ vô cùng vất vả chỉ để có cái ăn, cái mặc. Cơ cực đến nỗi mỗi lần nhớ lại cảnh những buổi trưa nắng cháy da cháy thịt ngoài đồng mẹ vẫn còn rùng mình. Mẹ kể, lúc mẹ bảy hay tám tuổi gì đó khi cả nhà đi làm đồng thì mẹ ở nhà nấu cơm. Nồi cơm to đến mười lon gạo, mẹ nấu bằng lá mía khô. Bếp núc trống trơn. Lá mía đang cháy, cơm gần sôi thì một cơn gió Lào tạt mạnh, ngọn lửa bùng lên to, cả những chùm tro còn lửa đỏ lòe bay tứ tung. Mẹ hốt hoảng vừa khóc vừa la nhưng không ai nghe thấy. Cũng may cơn gió Lào chỉ tạt qua rồi ngừng. Cơn gió và ngọn lửa bùng lên ngùn ngụt đã đi theo tâm trí của mẹ, mãi sau này mẹ vẫn còn sợ gió: Chạy xe qua đoạn đường trống là mẹ sợ gió đến rùng mình không cầm nổi tay lái; buổi trưa đang mơ màng ngủ mà nghe tiếng gió xào xạc là mẹ lại giật mình thảng thốt... Những bữa cơm rau nhọc nhằn đi theo suốt tuổi thơ mẹ. Cứ mỗi lần nhớ đến cuộc sống cơ cực là mẹ ra sức chăm chút bữa ăn cho Thảo. Nhiều khi bận quá không nấu được, mẹ tìm mua cả những món đặc sản với cả số tiền lương nhiều ngày cộng lại của mẹ. Cứ thế, Thảo lớn lên mà chưa từng thèm muốn một món ăn nào. Lâu dần thành quen, ăn ngon đã trở thành điều hiển nhiên của Thảo. Nhiều khi mẹ hỏi: “Hôm nay con thích ăn gì?” thì Thảo chỉ hờ hững trả lời: “Ăn gì cũng được mẹ ơi!”. Hỏi vậy, trả lời vậy nhưng cả mẹ và Thảo đều biết mẹ sẽ lùng sục khắp chợ để tìm những món ăn mà Thảo thích, hoặc ít ra đó cũng là những món lạ miệng, rồi mẹ sẽ lúi húi trong căn bếp đến khi mâm cơm được dọn ra bàn. Và câu đầu tiên mẹ hỏi Thảo sẽ là: “Ăn ngon không con?”.
Cho đến một ngày, những thói quen trong cuộc sống của Thảo và cả gia đình bị đảo lộn: Mẹ đi nằm viện. Ba và Thảo đều lóng ngóng trong gian bếp của nhà mình. Có bữa hai cha con loay hoay cả buổi mới đi chợ nấu được vài món ăn, dọn ra bàn thì sực nhớ quên cắm cơm, đành chạy mua mấy cái bánh mì về ăn tạm. Nếm thử đồ ăn thì mặn và chát quá chừng. Thương mẹ vô cùng, Thảo chỉ biết bật khóc. Cứ nghĩ mẹ đau một thời gian rồi khỏi, nào ngờ mẹ mãi mãi ra đi... Sự ra đi của mẹ đã được báo trước, chỉ là do Thảo vô tâm không để ý. Mẹ bị một căn bệnh nan y từ ngày Thảo còn học cấp hai. Thời gian sau thấy mẹ vẫn làm việc và sinh hoạt bình thường nên Thảo và mọi người trong gia đình cứ nghĩ chắc mẹ sẽ không sao. Mẹ vẫn cố làm việc, trau chuốt bản thân nhiều hơn, hình ảnh của mẹ luôn tạo cho người khác cảm giác mẹ rất khỏe mạnh và yêu đời. Những triệu chứng bệnh tật mẹ âm thầm giấu giếm, âm thầm chịu đựng. Cho đến ngày tinh thần của mẹ không thắng nổi…
Thảo cố lục lọi trong trí nhớ xem hàng ngày, trong những bữa ăn mẹ thích ăn gì? Nhưng ký ức chỉ làm Thảo chạnh lòng, nghe lồng ngực đau nhói, hầu hết lúc đi chợ, nấu ăn mẹ chỉ quan tâm Thảo thích món gì, rồi ba của Thảo thích món gì, ngồi vào bàn ăn hình như mẹ chỉ toàn ăn theo những món mọi người thích. Những món ăn ngon miệng mọi người thì mẹ ăn chút chút vì không thích lắm, những món ít hợp khẩu vị bị mọi người lơ đũa thì mẹ lại ăn nhiều cho đỡ phí. Hình như chưa bao giờ mọi người hỏi mẹ thích ăn món gì, và cũng chưa bao giờ nghe mẹ nói làm món mẹ thích để cả nhà cùng ăn. Trăn trở mãi, Thảo cầm điện thoại gọi cho bà ngoại. Chuông vừa đổ là bà ngoại nhấc máy luôn:
- A lô, răng gọi khuya rứa con?
- Dạ, khuya rứa mà ngoại chưa ngủ hả?
- Ừ, mai là giỗ đầu của mẹ con, ngoại đang nghĩ đến mẹ con nên ngủ không được.
- Ngoại ơi! Con muốn hỏi ngoại hồi trước mẹ con thích ăn món gì để mai con làm cúng mẹ con?
- À, ừ... - bà ngoại ngập ngừng - ngoại không biết mẹ con thích ăn món chi. Hồi mẹ con còn nhỏ thì ăn uống cực lắm, có ăn là mừng rồi đâu nghĩ đến chuyện thích ăn món chi đâu con.
Buông điện thoại, Thảo ngồi nhìn mãi bức hình chụp cả nhà. Sau hè, gà bắt đầu gáy sang canh.
Kết Thúc (END) |
|
|