Bà Năm Thừa ngồi thu lu ngoài bến. Từ độ thằng An lên trung tâm cai nghiện lần thứ tư, bà có thói quen chống gậy rời nhà trong bóng chiều chập chờn.
Hai Thương hỏi: “răng má ra đó miết rứa?”. Bà ngó con trân trân, chừng như nghĩ gì đó lung lắm mới trả lời: “Thằng An trên nớ”.
“Trên nớ” là cái trung tâm cai nghiện mà xưa cứ vài tháng bà lại khăn gói lên một lần. Trung tâm cách xã hơn nửa ngày đường, phải đi thuyền sang bến rồi ngồi xe đò thêm vài giờ đồng hồ, sau rốt thì lội bộ “rớt giò” mới tới. Đường xa hun hút bụi mù, lau lách um tùm. Ngày nắng còn đỡ chứ mưa là rát mặt, vừa đi vừa thon thót lo té. Vậy mà, bà Năm Thừa đã một mình không biết bao bận trên con đường này ngót nghét mười năm rồi. Mười năm đủ để tóc xanh chuyển hẳn màu tiêu muối. Đủ để nước mắt bà cạn khô. Mà An thì ra vô trung tâm như đi chợ, chưa biết chừng nào mới thôi.
Nhà ba mặt con, hai gái, một trai. Có việc cực nhọc chi bà Năm Thừa cũng dành phần An. Hai Thương với ba Phúc từ nhỏ đã lẽo đẽo theo má ra chợ bán rau. Đời con gái nhọc nhằn, học được dăm chữ lận lưng, đọc tròn tên mình xong là thôi hẳn. Chỉ mỗi An hanh thông, được chị nhường hết, từ cây cà rem, bộ đồ mới đến cả xe đạp đi học. Khổ nỗi, An lại ghét chữ, cứ nghe tới trường tới lớp là mặt mày bí xị. Độ còn sống, ông Năm Bình trị con rất căng. Hễ ông nạt một tiếng là đứa nào đứa nấy im bặt. An sợ ba thành ra không dám hó hé gì. Nhưng người đàn ông quê bon chen lên bãi vàng mong kiếm chút đỉnh cho vợ con đỡ khổ, không dè phải bỏ mình nơi núi lạnh. Ba mất, An nghỉ học không chút băn khoăn. Bà Năm Thừa có năn nỉ kiểu gì cũng như nước đổ lá khoai. Người xóm bảo bà chiều con quá nó hư đi.
An hư thật.
Nó nghiện. Hồi đầu, nghe người xóm xì xào, bà Năm Thừa có hiểu nghiện là gì đâu. Cả đời hết cắm mặt ngoài ruộng lúa, rẫy bắp, rẫy mì lại lui cui kiếm củi, gánh rau thì bà chỉ rành rẽ nhổ cỏ, tỉa bắp, thổi lửa nấu cơm, luộc rau. Mấy khái niệm như ma túy, lên cơn, sốc thuốc, bà chịu.
Hai Thương mất một ngày giải thích;
- Ma túy là thứ bột trăng trắng y sì bột mì, bột gạo ri nề má. Hắn xài bữa một bữa hai rồi không có là bứt rứt, là bực bội chịu chi được. Cái thứ nớ mắc kinh lắm chớ giỡn chơi mô.
Ban đầu, bà Năm Thừa cứ trố mắt, ồ à, sau thì hiểu.
- Rứa chừ mần răng con?
- Mần chi được má.
An phụ má trồng khoai lang được vài năm. Sau mỗi buổi chợ, bà Năm Thừa lại dấm dúi ít tiền, nói để An uống ly nước với bạn bè. Tiền đó, bay vô đâu bà chẳng biết, chỉ biết từ hồi 20 tuổi An đã dạt nhà đi, ít thì vài ngày, lâu cũng cả tháng. Sợ con cù bất cù bơ ngoài đường, cứ nghe đồn An ở đâu, bà Năm Thừa lại cắp nón tìm tới. Thấy má, mặt An lầm lầm lì lì, kêu má về đi, làm như tui con nít mà đi kiếm. An chỉ tự vác mặt về nhà những khi túi rỗng. Về, câu đầu tiên của cậu út luôn luôn chỉ có một:
- Còn tiền không bà già?
Bó khoai lang hồi đó bán có một ngàn đồng. Ang gạo 30 lon thì chừng mười tám, hai mươi ngàn. Bà có chừng nào, An bòn hết chừng đó. Hai Thương giận em mà cũng xót em. Kiếm củi gánh chợ bán mươi ngàn nhét ống heo. An về, đập tanh banh lấy. Hai Thương biết mà giả bộ ngó lơ.
Ba Phúc lập gia đình từ độ mười tám, theo chồng lên thị trấn mù sương rồi sinh một lèo bốn mặt con. Mà nghèo rớt, ngó đứa nào cũng nhem nhuốc. Xa nhà, một, hai năm Ba Phúc mới về một bận. Bận nào cũng thở dài thườn thượt, nói:
- Phải chi ba còn sống. Phải chi má cương quyết với nó hơn thì đâu đến nỗi.
*
* *
Lần đầu tiên An bị bắt là khi đang tụ tập chơi ma túy với đám bạn trong quán karaoke. Hay tin, bà Năm Thừa bủn rủn cả người, quẳng cuốc lập cập chạy lên trụ sở ủy ban. Được má bảo lãnh về, yên ổn vài tuần, đám bạn “giang hồ xóm” kéo tới, An nhấp nhổm bữa sớm bữa chiều đã thấy vi vu ngoài đường. Chuyện cứ lặp lại y như cơm bữa. Rồi An phải vô trung tâm cai nghiện bắt buộc tới ba lần, mỗi lần cách nhau tròm trèm năm. Bà Năm Thừa khóc hết nước mắt. Người xóm tặc lưỡi, sao bà già cả đời phúc đức, không sân si, không tham của ai dù chỉ một cắc bạc mà sinh thằng con trời đánh.
Bà tự dỗ mình “thôi thì con dại cái mang”.
Hành trình thăm nuôi con của bà Năm Thừa bắt đầu từ ngày An 26 kéo mãi tới năm 35. Hai Thương theo má vài lần, nghe An thề thốt mãi, đâm mệt nên thôi. Nhiều đợt, chị càm ràm:
- Má đi thăm mần chi. Nó có thay đổi được mô mà nhọc công.
Người xóm khuyên:
- Bỏ quách đi chị Năm! Thằng nớ hết thuốc chữa rồi.
Nghe vậy, bà Năm Thừa không nói gì chỉ lầm lũi băng đồng ra mộ ông Năm Bình. Bà ngồi ở đó nói chuyện với chồng như ngày ông còn.
- Có bà mẹ nào bỏ con được ông hỉ.
*
* *
Sau ba lần cai nghiện bắt buộc, An lại về xóm. Gã đàn ông 35 tuổi cười nói xênh xang trước những ánh nhìn xa lạ từ đầu tới cuối xóm. Hình như gã chỉ có duy nhất tình thương của người mẹ nghèo. Tay trắng, không nghề nghiệp, không vợ con cũng không có ước mơ hoài bão gì cho nên hình nên chạc.
Bà Năm Thừa với Hai Thương vẫn làm ruộng, trồng khoai lang. Chương trình nông thôn mới được triển khai, xã đón nhiều tốp thợ từ thành phố lên xây đường, làm cầu. Ngót nghét 40 tuổi, Hai Thương mới gặp được người thương. Anh tên Lục, dân xóm Mua cách nhà Hai Thương độ 50 cây số. Đâu phải Hai Thương xấu tính xấu nết, cũng bởi thương má, xót em mà đời lận đận.
*
* *
Còn một tháng nữa tới đám cưới Hai Thương. Bà Năm Thừa luýnh quýnh đi ra đi vô, tính sửa cái sân, làm lại chái bếp cho tươm tất. An quả quyết:
- Má để đó con.
“Để đó” là chưa chắc chắn ngày nào. Vậy mà bà vui, tủm tỉm cười cả ngày, nghĩ thằng út đã tu chí. Gả hết hai đứa con gái coi như bà yên lòng phần nào. Còn vài sào đất với cái nhà, mai sau bà để lại cho An làm ăn, rồi cưới vợ, sinh con nữa.
Sáng ấy trời âm u, hai má con bà Năm Thừa đang lui cui cắt dây khoai lang thì Lục tới. Thấy con rể tương lai ấp a ấp úng hồi lâu, bà sốt ruột:
- Chuyện chi rứa bây?
- Má thương con, má tha tội, con với Thương chắc thôi.
“Chắc thôi”, hai chữ thốt ra khỏi miệng Lục nghe đắng nghét.
- Là răng con?
Bà già hỏi lại, giọng run run.
- Thằng An nó… Xóm con đồn dữ lắm. Mới hồi sáng này trên đường vô nhà con còn thấy nó chơi. Con e tụi nhỏ sau này...
Hai Thương chưng hửng giữa nhà. Bà Năm Thừa thì sụt sùi.
- Ừ, thôi, má hiểu. Bây nói rứa thì má nghe rứa chớ có chi mà thanh nga thanh minh nữa con.
Xóm thương Năm Thừa, thương luôn Hai Thương, lại ùa vô chửi “cái thằng trời đánh, sao không đi luôn cho khuất mắt”.
*
* *
Chẳng đợi tới khi công an bắt, An tự nguyện xin đi cai. Bà Năm Thừa không còn nước mắt khóc con nữa. Con có oán má thì má chịu. An gật. Bây làm sao để chị bây nó còn đường sống cho ra con người nữa chớ. An gật. Đời má thì thôi, nhưng đời bây, đời chị bây không lẽ rách bươm luôn. An gật. Bây đi độ này, má hết sức thăm nuôi rồi. An gật.
Lần đầu tiên trong cuộc đời làm “giang hồ”, gã đàn ông 35 tuổi bật khóc khi đứng ngoài liếp cửa chứng kiến cảnh chị hai bị từ hôn vì có thằng em “xì ke”. Lần đầu tiên, gã cho mình thời gian ngồi bên mộ ba, nhìn lại quãng đời dài dằng dặc đã sống hoài phí, vô nghĩa. Cũng lần đầu tiên gã len lén nhìn má đứng trong bếp. Người đàn bà mà gã tin sẽ không bao giờ rời đi, sẽ vẫn ở yên đó đợi con về bằng thứ tình thương đầy bao dung, hy sinh, giờ đây, tóc đã bạc, gương mặt có quá nhiều vết chân chim và lưng thì khòm xuống. Gã hốt hoảng. Gã hoang mang. Và, gã sợ. Một ngày kia má không còn thì đời gã trôi về đâu? Một ngày kia, chị hai cũng mệt nhoài và lặng thinh như má thì ai sẽ càm ràm với gã “An, về ăn cơm, răng mi nhịn miết rứa?”, “An, đồ mô dơ đưa hai giặt, đàn ông đàng ang chi mà lười chảy thây mi?”.
Trước ngày vô trung tâm, gã đứng một mình trên bến sông, tưởng tượng cảnh má tất tả cắp nón lên thuyền, ngồi xe đò rồi lội bộ. Thương ứa nước mắt.
*
* *
An biệt tăm biệt tích. Người xóm đã quên An. Hai Thương thôi không còn đau nỗi đau dang dở chuyện tình. Thì nếu người ta thương thiệt lòng, họ đâu bỏ mình lẹ làng như rứa. Ba Phúc về, sợ má rầu nên cũng không thở dài, kiềm lòng hết sức để tránh nhắc tới đứa em dại. Chỉ có bà Năm Thừa là chiều chiều lại ra bến ngồi hướng mắt lên núi. Câu hỏi “chừng nào thằng An về?” day day tim bà, đau đến nghẹt thở. Bữa đi, An dặn: “Má đừng lên. Lần này tự con sẽ về tìm má”. Bà Năm Thừa vịn vô lời nói đó để chờ.
*
* *
Hồi sáng này, thằng Mạnh bạn An ghé nhà. Bà rối rít hỏi:
- Có tin chi của thằng An?
- Con gặp nó tháng trước má.
- Nó ăn uống răng, có da có thịt chi không bây? Chừ nó ở mô?
- Nó dặn không nói chi hết. Khi nó về sẽ kể má nghe. Má cứ yên tâm.
Chuyến thăm khiến trái tim già nua của bà Năm Thừa reo vui. Bà lại chống gậy ra bến, ngồi bấm ngón tay, tính tới tính lui thì tròn sáu ngón. Sáu năm ròng bà nén lòng không đi tìm thăm con.
Hai Thương rón rén ôm má từ đằng sau, nói bâng quơ.
- Năm ni, chắc thằng An về, má hỉ.
Kết Thúc (END) |
|
|