Đầu xuân năm Đinh Tỵ (1077), quân Tống đã tiến đánh đến bờ bắc sông Như Nguyệt, chỉ còn cách kinh thành Thăng Long khoảng 40 dặm đường chim bay. Thái úy Lý Thường Kiệt cho quân rút về xây dựng phòng tuyến ở bờ nam. Sau hai lần vượt sông đều chuốc lấy thất bại, sĩ khí quân Tống đã sa sút thê thảm, không còn dám liều lĩnh tiến về phía nam. Tuy nhiên, đội quân xâm lược gồm mười vạn binh cộng với hai chục vạn dân phu vẫn còn khá mạnh với hai doanh trại lớn do chủ tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết chỉ huy, không dễ gì ngày một ngày hai có thể bị quân Đại Việt đẩy lùi về bên kia biên ải. Suốt hai tháng ròng, thế trận đôi bên vẫn chỉ là gầm ghè nhau ở hai bên bờ sông, chưa bên nào dám xuất kích. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài, quân Nam sẽ gặp nhiều bất lợi vì quân Tống có thể gọi thêm viện binh và vơ vét hết lương thảo của bá tánh các châu quận dọc miền đông bắc. Hơn nữa, đội chiến thuyền và thủy quân của Hòa Mậu và Dương Tùng Tiên đang bị kìm chân ở cửa sông Bạch Đằng, nếu giặc phá được phòng tuyến của tướng Lý Kế Nguyên mà tiến thẳng vào tiếp ứng cho Quách Quỳ thì tình thế sẽ càng thêm nguy ngập.
Thái úy ngày ngày lo nghĩ. Một đêm nọ khi ngài đang họp bàn kế sách cùng quân sư Lý Đại Thành trong bản doanh thì có một người tên là Trương Sinh xin vào yết kiến. Trương Sinh thân hình cao lớn, tướng mạo khôi ngô, giọng nói trầm vang như tiếng trống đồng, tự xưng là hậu duệ của Đức Thánh Tam Giang Trương Hống - Trương Hát, nay đang ẩn dật trong vùng núi Thất Diệu. Thái úy hỏi chuyện:
- Hóa ra ngươi vốn là dòng dõi nhị vị anh hùng họ Trương, sống làm danh tướng, thác làm danh thần. Vậy ngươi từ xa đến đây ắt có diệu kế phá giặc?
Trương Sinh cung kính thi lễ rồi thưa:
- Kính bẩm Thái úy, thảo dân đến đây với một bài thơ thần.
- Thơ thần ư? Thái úy lộ vẻ ngạc nhiên trong giây lát rồi nghiêm sắc mặt - Ta đang mất ăn mất ngủ vì việc quân cơ. Ngươi dám đến đây buông lời huyễn hoặc được sao?
Trương Sinh vội vã quỳ sụp xuống rồi lấy từ trong tay áo ra một tờ giấy dó đã ố vàng, cúi dâng lên phía trước:
- Bẩm, thảo dân nào dám lộng ngôn. Sự thật đây là bài thơ Nam quốc sơn hà mà khi xưa đã giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống.
Quân sư Lý Đại Thành đỡ lấy rồi đọc lên cho Thái úy nghe:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Hội kiến thịnh trần tận tảo trừ.(*)
Vừa nghe xong, cả Thái úy và Quân sư liền nhìn nhau, đồng thanh kêu lên một tiếng “hay!”. Thái úy cho Trương ngồi rồi bảo:
- Về truyền thuyết Đức Thánh Tam Giang dùng thần uy, thần vũ phò trợ cho Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng đại thắng giặc Tống ở trận Bình Lỗ thì ta có biết, nhưng bài thơ này thì sao ta chưa hề nghe tới?
Trương sinh bèn kể lại lai lịch bài thơ, đại thể như sau:
- Nam quốc sơn hà là tựa đề do quân sĩ cả hai bên Việt - Tống gọi theo cách nôm na bài thơ trên sau trận huyết chiến Bình Lỗ năm Tân Tỵ (981). Năm ấy vua Tống sai Hầu Nhân Bảo thống lĩnh bốn vạn quân thủy bộ cùng bọn Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Thôi Lượng, Giả Thực, Trầm Khâm Tộ... chia thành hai đạo kéo sang xâm lược Đại Cồ Việt. Vua Lê Đại Hành thân chinh chỉ huy ngăn giặc tại thành Bình Lỗ bên sông Cà Lồ. Vua không ngờ rằng nơi đó thuộc làng Tiên Tảo, hơn bốn trăm năm trước chính là căn cứ kháng chiến cũ của anh em Trương Hống - Trương Hát, hai vị anh hùng đã có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương, nay còn đền thờ khắp vùng Kinh Bắc. Trong đêm, vua nằm mộng thấy hai thần nhân đứng trên sông vái lạy, nguyện đem thần binh giúp sức. Tin quân ta có thần linh phò trợ lan ra khắp ba quân khiến tinh thần chiến đấu của binh tướng đều hăng. Trong trận thủy chiến trên sông Cà Lồ sau đó, quân Tống trúng kế dụ địch của quân Nam, đang bị vây khổn giữa khúc sông hẹp thì bỗng đâu sóng gió nổi lên, sấm chớp đầy trời. Trên mặt sông hiển hiện một thần nhân mình cao mười trượng, tóc tai dựng ngược, chiếu nhỡn quang chói lòa xuống đám giặc mà xướng bài thơ trên, giọng đọc u trầm như từ trên mây vọng xuống. Quân Tống kinh hãi, quay thuyền tìm đường thoát thân nhưng ngả nào cũng bị quân Nam cùng với những đội thần binh áo đỏ, áo trắng từ nơi mai phục xông thẳng vào đội hình quân địch mà đánh. Quân Tống quăng giáo bỏ thuyền, giẫm đạp lên nhau chạy trốn. Hầu Nhân Bảo bị chém chết giữa đám tàn binh. Bốn vạn quân Tống số tử trận trôi sông, số bị truy sát dọc hai bên bờ, chết nhiều vô kể, để lại những địa danh ô nhục một thời như Đầm Lâu, Cầu Cửa Ma, Bờ Xác... Số tàn quân chạy thoát được về phương bắc, mấy chục năm sau khi nhắc đến hình ảnh nhân thần đầy uy vũ giữa sông Cà Lồ cùng giọng ngâm Nam quốc sơn hà... vẫn còn kinh sợ.
Nghe đến đây, quân sư Lý Đại Thành ngắt lời, hỏi:
- Thế bài thơ ấy sao lâu nay không nghe dân gian truyền tụng?
- Bẩm quân sư, bài thơ đã bị... biệt giam bảy chục năm về trước rồi ạ!
Thái úy lấy làm lạ, gặng hỏi. Trương Sinh lại kể tiếp:
- Sau khi giết hại anh ruột là Lê Long Việt, vừa lên ngôi, Ngọa triều Hoàng đế Lê Long Đĩnh đã sai sứ đem dâng tê ngưu trắng, xin nhà Tống ban cho tước hiệu và áo mão triều phục. Vua Tống vẫn còn nhớ nỗi nhục trận Bình Lỗ năm xưa, đã định cất quân sang chinh phạt Đại Cồ Việt ngay khi Lê Đại Hành vừa băng hà, nội cung rối loạn do tranh giành ngôi báu. Tuy nhiên, các cận thần đều can ngăn, cho rằng: “Giao Chỉ địa thế hiểm trở, ký ức về trận Bình Lỗ cho đến lúc này vẫn còn ám ảnh tinh thần quan quân Đại Tống. Ngược lại về phía Giao Chỉ, bài thần thi Nam quốc sơn hà và câu chuyện Lê Đại Hành được binh tướng nhà trời phò trợ nay vẫn còn được truyền tụng trong dân gian, khiến cho lòng dân càng thêm tin tưởng vào vương triều mới. Nay Lê Hoàn lại vừa mất, ta cất quân đánh Giao Chỉ lúc này chưa thể nắm chắc phần thắng, lại thêm mang tiếng bất nhân bất nghĩa về sau. Chi bằng cứ lấy lễ chánh quốc đối với phiên thuộc, phong cho Đĩnh tước hiệu, áo mão cân đai theo phép Đại Tống ta, đồng thời buộc người Nam phải triệt tích bài thơ hỗn láo năm xưa”. Vua Tống cho là phải, truyền dụ cho Nam vương trong vòng một năm phải tiêu trừ tận gốc bài thơ Nam quốc sơn hà, sao cho trong quan quân bá tánh không còn ai dám nhắc đến bài thơ này nữa.
Để được lòng Tống quốc, Lê Long Đĩnh đã hạ chỉ cho quan quân các địa phương trong cả nước truy lùng, đốt hết sách vở, thư tịch liên quan đến bài thơ Nam quốc sơn hà. Ai còn truyền tụng, xướng ngâm bài thơ này sẽ bị ghép vào tội nhiễu loạn chính sự, hình phạt có thể từ lưu đày biệt xứ đến xử trảm...
Trương Sinh dừng lại giây lát, giọng kể trở nên uất nghẹn:
- Tổ phụ của thảo dân là Trương Bảo, vì muốn bảo tồn di ngôn của Đức Thánh Tam Giang vốn là tiên hiền của Trương tộc nên đã chép lại bài thơ trên, cho vào một chiếc tráp đồng rồi giao cho tổ mẫu cất giấu ở một nơi bí mật. Người căn dặn rằng chiếc tráp này qua mỗi đời chỉ truyền lại cho nàng dâu trưởng để người họ Trương tránh phải vạ miệng vong thân. Chỉ khi nào có giặc ngoại xâm, vận nước lâm nguy thì mới mở ra đọc để khích lệ trai đinh bổn tộc lên đường xả thân vì nghĩa lớn. Chẳng may vạ trời lại đến. Vào một đêm trăng sáng đầy sân, trong khi đàm đạo thế cuộc bên chén rượu cùng một người bạn vong niên, tổ phụ đã cao hứng ngâm lại bài thơ trên. Bọn chức sắc trong làng vô tình nghe được đã mật báo lên quan trên để lĩnh thưởng. Thế là cả người đọc và người nghe thơ đều bị tống giam rồi qua đời trong đại lao.
Từ đó đến nay đã hơn bảy chục năm, gia đình của thảo dân luôn giữ đúng di nguyện của tổ phụ, trong nhà chỉ có một người đàn bà được biết nơi chôn giấu chiếc tráp đồng. Mặc dù triều đại đã đổi thay, chỉ dụ của thời Lê không còn hiệu lực, nhưng từ khi tiên đế Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô đến nay nước thịnh dân an, biên thùy cũng không còn ngoại bang dòm ngó. Vì thế, ngoài dân gian không ai còn nhớ về bài thơ Nam quốc sơn hà kia nữa. Nó nằm yên trong tráp đồng ở một nơi kiên cố, bí mật. Lúc nãy thảo dân nói bài thơ bị biệt giam là vậy.
Thái úy gật gù, hiểu ra vấn đề. Ngài bảo:
- Đúng là một câu chuyện hào hùng nhưng đầy oan khúc! Vậy nay chính vì Đại Việt ta đang đương đầu cùng giặc Tống mà thê tử của ngươi đã trao chiếc tráp đồng cho ngươi?
- Bẩm Thái úy, đúng thế ạ.
- Theo ý ngươi, chúng ta có thể làm gì với bài thơ này? Quân sư Lý Đại Thành vuốt râu, mỉm cười ướm hỏi.
Trương Sinh hạ giọng, trình bày kế sách. Thái úy cả mừng, vỗ tay khen:
- Thật là diệu kế! Quả nhiên ngươi nói đúng ý ta! Lý Quân sư hãy đi chuẩn bị bày binh bố trận, cân nhắc ngày giờ xuất quân tổng lực. Ta cần đọc kỹ lại bài thơ, có thể thay đổi một đôi câu chữ để thêm phần uy dũng được chăng?
Ba đêm sau, nhân lúc tối trời, Lý Thường Kiệt dùng kế giương đông kích tây, một mặt sai hai tướng Hoằng Chân và Chiêu Văn dẫn bốn trăm chiến thuyền cùng hai vạn quân đánh vào doanh trại của Quách Quỳ, mặt khác ngài đích thân chỉ huy đại quân vượt sông, đánh thốc vào trại quân Triệu Tiết. Trong khi hai bên đang giao chiến ác liệt, bỗng nghe từ trên đền thờ Đức Thánh Tam Giang bên bờ nam sông Như Nguyệt, hàng trăm chiếc trống đồng cùng giục liên hồi như sấm rền. Rồi một giọng đọc trầm hùng như thần ngôn vọng giữa thinh không:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.(*)
Bài thơ lại một lần nữa góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của quân dân Đại Việt bên sông Như Nguyệt như quốc sử từng ghi. Trong cuộc bang giao giữa hai nước về sau, bài thơ vẫn tồn tại như một bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt. Chỉ có điều, ai đó đã sửa chữ “Bắc” thành chữ “nghịch” như một cách để nhất thời đổi lấy nụ cười hữu hảo.
PHAN VĂN MINH
(*) Dịch thơ bài thứ nhất: (Theo Nguyễn Thị Oanh, ĐHSP TP. HCM)
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vua trời đã định trong sách trời
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm
Sẽ gặp cuồng phong đánh tơi bời.
(*) Dịch thơ bài thứ hai: (Dựa theo bản dịch của Trần Trọng Kim)
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Kết Thúc (END) |
|
|