Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Quả Gấc Chín Tác Giả: Hoàng My    
    Ngang qua cái chợ chồm hổm gần ngã tư, Yên tần ngần rồi quyết định mua trái gấc chín cây đỏ tươi, có một đường nứt nhỏ, hé mở lớp cơm óng ả ngon lành. Yên hình dung ra dĩa xôi gấc béo ngọt; và gương mặt mẹ hơi lấm tấm mồ hôi đứng bên cạnh bếp. Rồi lạc quan hơn, Yên nghĩ, mẹ sẽ vui với món quà “hối lộ” này, mà quên đi cuộc điện thoại dở hơi của Yên hôm trước.
    Thế nhưng… Yên tự trách mình tưởng bở, khi bấm gọi bốn lần, mẹ đều không bắt máy. Vọng lại tai Yên là tiếng chuông rền rĩ, đều đặn, buồn phiền, trĩu nặng.
    Yên đành treo trái gấc ở xe. Lúc ngồi ở phòng làm việc lạnh ngắt, Yên chợt nhớ tới nó, lo hơi nóng hâm hấp ở bãi xe công ty làm cho trái gấc chín rục, hư mất. Lâu lắm mới thấy có trái gấc to và ngon như vậy. Mẹ thường thích nấu những món bổ cho cả nhà, hay nhắc phải “tô màu” cho bữa ăn thì mới khỏe khoắn được, càng sặc sỡ càng tốt. Nào là cà tím, súp lơ xanh, bí vàng, khoai mỡ… Loanh quanh, Yên nhớ mẹ hay than, thời buổi gì mà ăn cái nào cũng sợ bệnh, sợ thuốc, sợ chất độc thế này. Rồi thì mẹ tỉ mẩn làm cái này cái nọ, “thiên nhiên”, nguyên chất, còn vỏ còn xơ… Cho bé Su và bé Nấm nó ăn. Cứ suốt ngày fastfood, rồi thì béo phì. Thấy nó ục ịch lắm rồi đấy. Mắt xem ti vi cho lắm cứ nhướng lên nhướng xuống. Sao mà tôi suốt ngày phải lo lắng toàn mấy chuyện đâu đâu. Rồi thì, mẹ bắt đầu bài ca cẩm ngán ngẩm quen thuộc…
    Hai đứa con gái của Yên là đề tài muôn thuở của mẹ. Mẹ vẫn giữ cái nhìn rằng chúng mập quá, chậm chạp, dở ẹc. Kèm theo đó là cách so sánh đầy khó chịu: thấy cháu bà Hai đầu hẻm không, nó cái gì cũng ăn. Thì nó thiếu thốn nhếch nhác, mẹ nó bỏ đi, sao chẳng dễ ăn. Yên cãi. Nhưng mà nó khỏe. Khôn ngoan nữa. Hỏi gì cũng biết trả lời. Chứ mấy đứa nhỏ nhà này… ngu lắm à? Yên đổ quạu.
    Mẹ có cái cách phê phán đến lạ. Làm cho người bị phê bình cảm thấy rất ức chế, thấy mình bị chê trách, chỉ trích, bị “đẩy về phía đối phương” một cách không thương tiếc. Yên cũng chẳng là ngoại lệ. Tính Yên vốn nóng nảy. Mẹ lại chọc vô cái nỗi đau “con hát mẹ khen”, “đố ai dám chê con ta xấu” của Yên. Nói sao Yên không bực cho được.
    Cũng vì cái cách góp ý quá thẳng, quá thường xuyên, quá khó tiếp thu đó, mà không khí gia đình Yên cứ căng như dây đàn. Nếu không thì cũng lờ đờ buồn bã thế nào đó, chính Yên cũng không rõ. Mấy chị em Yên ai nấy lặng lẽ thu mình vào một thế giới riêng bất khả xâm phạm, không muốn chia sẻ với ai. Ngay cả với mẹ. Dù trái tim nhạy cảm của Yên mách bảo rằng, mẹ Yên cũng đơn độc khổ sở trong chính mái nhà của mình, ngay bên cạnh lũ con mà vì chúng, mẹ chọn cách sống thỏa hiệp đến giờ.
    Yên chỉ biết, khi mình lớn hơn, bước ra đường, tâm trạng lúc nào cũng chênh chao. Thèm một chỗ dựa. Thèm một vòng tay. Thèm một người nào đó ở bên cạnh đến cùng cực. Làm sao Yên dám đổ thừa rằng, chính vì cái cảm giác bất an hụt hẫng đó mà Yên vội vã lấy chồng, những tưởng tìm được cho mình người đàn ông bấy lâu khao khát mong đợi. Mẹ ủng hộ quyết định của Yên bằng câu nói “Tự mình chọn lấy thì sau này có gì khỏi phải hối hận, đổ thừa ai”. Nghe cứ vô tâm như thể… phủi tay rảnh nợ thế nào ấy, Yên cũng không lý giải được tại sao Yên cảm thấy thế.
    Cứ vậy, chuyện nọ xọ chuyện kia, Yên đổ hầu hết mọi uất ức trong lòng ra với mẹ, vào một buổi chiều muộn khi Yên vừa tan sở, mỏi mệt, tất bật. Chồng thì ít nhất cũng phải bốn tiếng nữa mới có mặt ở nhà. Đàn ông sao sướng thế. Hồi xưa sướng. Bây giờ sướng. Và chắc họ còn sướng dài dài. Yên tức tưởi nghĩ vậy. Rồi tự dưng, Yên hét với mẹ:
    - Sướng khổ gì là do mẹ tự chuốc lấy, tụi con cũng đâu muốn. Mẹ cứ cố giữ lấy cái gia đình giả tạo cho con, sợ đứa này đứa nọ lập gia đình không được đề huề như người ta để làm gì, rồi bây giờ than trách?
    Chừng như vẫn chưa đã nư, Yên tiếp:
    - Tụi con cũng đâu muốn sống như thế? Mẹ tưởng tụi con sung sướng hạnh phúc lắm sao? Ai chẳng có nỗi khổ của mình, không lẽ cái gì cũng phải nói ra?
    Đó là khi mẹ kể lể về ba Yên, người đàn ông cả đời bay nhảy, cặp kè, không đắm đuối chết mê cô nào nhất định, mà thay bồ liên tục, lúc nào cũng phải có một em bên ngoài mới chịu được. Chỉ cần mẹ phát hiện, phá mối này là ba Yên gầy ngay mối khác, chẳng tiếc nuối gì. Để rồi, sau một đợt tai biến nhẹ, ba Yên quay lại, lối cũ ta về, như bao nhiêu trường hợp tương tự. Mẹ tức tưởi, cắn răng chăm sóc ba trong tủi hận vô bờ…
    Yên mang quả gấc về nhà, cột trong một cái bịch kín, bỏ vào ngăn rau tủ lạnh. Kệ, cứ cất tạm đó đi rồi tính sau. Thường, tủ lạnh nhà Yên lâu lâu lại được dọn dẹp một lần, thải ra vô số đồ hư thối bị bỏ quên chưa kịp dùng, trong sự nuối tiếc của Yên. Thế mà chẳng hiểu sao, trái gấc đỏ kia cứ hiện diện rành rành trong đầu Yên, nhắc nhớ Yên về một cái dự định cầu hòa. Mẹ chứ có phải ai đâu mà ngại. Yên định nghĩ tiếp, rằng người còn đó chứ có mất đi đâu mà vội. Nhưng vừa chớm đến đó, Yên chợt lạnh người. Sợ.
    Mẹ bị cao huyết áp, thường xuyên lên tăng xông vì những lý do không đâu vào đâu. Lúc thì do thằng Út đi nhậu về xỉn quá, ói mửa xong nằm lăn ra nhà. Lúc thì bởi khóc lóc lo cho nhỏ em Yên bị té xe, trầy trụa. Lúc thì… Nói chung toàn những nguyên nhân mà nếu bình tĩnh chút, sẽ không thấy nó quá nghiêm trọng để mà hoảng loạn. Yên thừa biết tinh thần mẹ không được vững vàng kiên định như người ta. Biết đâu, vì cái chuyện nói qua nói lại với Yên mà mẹ mệt, nhà lại chẳng có ai, mấy đứa em phải chập tối chúng mới thoát khỏi mớ xe cộ lùng nhùng ngoài đường mà về đến nhà. Yên lại gọi mẹ, nhưng đáp lại sự sốt ruột của Yên là tiếng chuông đổ dài, vô vọng.
    Mấy ngày qua rồi. Sau phút nóng nảy điên cuồng, lòng Yên đã bình lặng hơn, bắt đầu có thể mang từng đoạn, từng đoạn một của cuộc trả treo hơn ba mươi phút hôm đó ra duyệt lại. Yên, ngay lúc buông điện thoại xuống, cũng vẫn còn bức xúc cực kỳ. Mẹ sao có thể trách cứ, sao có thể đổ hết lên đầu Yên thế này. Yên không nói gì sai. Mẹ cũng có lý của mẹ. Vậy thì điều gì làm cho hai mẹ con Yên giận nhau từ bữa đến giờ? Mẹ hà cớ gì phải làm khổ mình, làm khổ mấy chị em Yên như thế?
    Yên vô chỗ làm, hỏi chị đồng nghiệp đang ở chung với mẹ rằng, mẹ chị biết nấu xôi gấc không. Ồ, mẹ chị cái gì cũng biết nấu hết, ngon lắm nhé. Cứ thèm nói ra là có ăn ngay. Chị thật sướng. Mẹ em cũng vậy. Khi Yên nói thế, đầu Yên hình dung ra những thức ngon lành hấp dẫn khoái khẩu quen thuộc: bún mắm kiểu thuần nam bộ không ú hụ thịt thà hải sản, vịt nấu chao với khoai môn nước dừa, dồi heo đậm đà, gà vườn nho nhỏ rang muối Yên từng ăn hết cả con… mà mẹ thường nấu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi lần mẹ đùm túm lên thăm bé Su bé Nấm, câu đầu tiên của Yên thường hỏi là: “Mẹ có mang theo cái gì ăn được không?”.
    Yên thổ lộ ý định biếu chị bạn quả gấc, mang về nhờ mẹ chị ấy nấu xôi dùm, bỏ uổng. Chị hỏi nguyên do, Yên đành khổ sở tếu táo thổ lộ câu chuyện “hai đứa giận nhau” và ý định làm lành bất thành của mình. Chị cười, bảo, thôi, em chịu khó mang qua xin lỗi mẹ đi. Đâu nhất thiết phải gọi điện trước. Mẹ con chứ phải ai xa lạ đâu, hờn giận chút rồi quên ngay ấy mà.
    Xin lỗi ư? Yên cứng đầu nghĩ, mình có lỗi gì thật sao? Mình đối xử với mẹ, với gia đình có chỗ nào không tốt, không đúng ư? Yên ương bướng tự hỏi. Mình cũng vất vả, một nách hai con, có ai đỡ đần bao nhiêu. Yên vừa đi làm vừa quàng xiên kiếm thêm thu nhập, lúc nào cũng tất bật, lấy chồng mới chừng đó thời gian mà già đi trông thấy. Yên sống vất vưởng bên cuộc hôn nhân bỏ thì thương vương thì tội của mình, ai thông cảm chia sớt dùm Yên được đây? Không biết nói gì thêm, Yên đành giả lả lảng sang chuyện khác…
    Trái gấc chín ám ảnh Yên. Mình còn một quả gấc chưa ăn trong tủ. Mai nhất định phải xử lý nó mới được. Yên nhủ thầm trước khi khó nhọc chìm vào giấc ngủ nặng nề. Hôm sau, Yên đi làm về, thay đồ xong, mở ngăn rau lấy quả gấc ra, dùng dao bổ đôi nó ra, nhìn vào lớp hột đỏ rực. Yên quyết định làm thịt nó, cất vào hộp gọn gàng. Có gì từ từ tính tiếp, chứ không lẽ bỏ phí!
    Lại một ngày khác. Yên cũng đi làm về, mở tủ lạnh lấy hộp thịt gấc ra, tìm chai rượu trắng, đổ ra một ít, trộn đều. Công thức, Yên đã tham khảo trên mạng. Thời buổi có net thật tiện lợi. Phụ nữ cũng đỡ vất vả ít nhiều. Thông tin rộng mở. Chứ như ngày xưa, cái thời của bà của mẹ, thì…
    Yên khựng nghĩ tới mẹ. Mẹ vẫn không buồn bắt máy khi Yên gọi. Mật thám qua mấy đứa em, Yên biết mẹ vẫn khỏe. Rủ cuối tuần lên thăm Su và Nấm, mẹ im lặng. Đó là chút thông tin ít ỏi Yên nhặt được.
    Nhìn vậy mà không phải vậy. Yên đánh vật với mớ hột gấc lổn nhổn. Rồi trộn, rồi xôi. Nóng nực. Ai bảo nấu nướng là niềm vui nhưng với Yên thì không. Hà cớ gì phải hành hạ bản thân thế này nhỉ? Chiều con, chăm con ư, cứ ra tiệm lớn, uy tín mua là xong. Ăn bao nhiêu mà khổ thế không biết. Yên mở cái xửng hấp. Qua làn khói bốc hơi ngồn ngột, Yên biết mắt mình cay xè. Xôi ơi là xôi. Gấc ơi là gấc. Mẹ ơi là mẹ ơi!

Kết Thúc (END)
Hoàng My
» Cội Mai Ở Lại
» Một Cơn Điên
» Quả Gấc Chín
» Cơn Say Cuối Cùng
» Nhàn Nhạt
» Ngày Con Nằm Viện
» Chuyện Nhỏ Như Sợi Tóc
» Khổ
» Nhà Lúc Đông Lúc Vắng
» Tiệm Ảnh Cưới Xuân Tình
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )