Cơn dông bất ngờ ập xuống khi chúng tôi về tới giữa cánh đồng. Mưa như roi quất vào mặt khiến đứa nào đứa nấy tối tăm mặt mũi. Thằng Tửng hô lớn:
- Chạy mau!
Chúng tôi xốc vở ôm trước bụng thi nhau chạy. Người ướt nhem, áo quần dán chặt vào da nên chúng tôi chạy một cách khổ sở. Vẫn còn xa ơi là xa. Hết cánh đồng. Qua cầu tre. Vượt lùm Lung Bà mới đến được cuối xóm. Bầu trời u ám đe dọa phía trên đầu. Dưới chân đất cứ nhão nhoét, lâu lâu lại có đứa chụp ếch. Tiếng “uỵch, uỵch“ chốc chốc lại vang lên. Tôi cũng ba lần đo đất, từ đầu đến chân đầy nhoẹt những bùn. Cu Lỳ thì cứ lẹt đẹt mãi phía sau. Tôi ngoái lại, gắt:
- Mày có nhanh lên hay không? Đợi khiêng đi hay sao?
Thằng bé cố sức chạy nhưng vẫn không khá hơn bao nhiêu. Sao hôm bị bọn Gò Trời rượt nó chạy nhanh thế nhỉ?
Đến được cầu tre chúng tôi đứa nào đứa nấy rụng rời. Nước đã cuốn chiếc cầu trôi đi đâu mất tăm! Trời đang sụp dần xuống như muốn tối mà quay lại thì biết ở đâu? Mọi bữa con lạch hiền lành sao nay dữ dằn quá. Nước cuồn cuộn, đỏ ngầu. Con Bê bỗng bật khóc. Sau đấy, bọn con gái đứa nào đứa nấy nước mắt ròng ròng. Bọn nó khóc cứ như người ta lấy dao chọc vào ruột vậy! Cu Lỳ cũng hùa theo càng chẳng ra thể thống gì cả! Con lạch chỉ rộng hơn hai chục mét. Phải chi có cây rựa tôi phăng teo vài cây tre sẽ có cái cầu ngay tắp lự. Bọn con gái bắt đầu réo đến ba mẹ khiến chúng tôi càng hoảng. Cả đám ôm nhau bù lu bù loa. Mưa vẫn trút không ngớt, trời càng lúc càng đen kịt khiến khung cảnh càng thêm ảm đạm.
Chợt có tiếng chèo khua lách cách. Chúng tôi mừng rỡ nhào hết về phía tiếng chèo. Ôi trời, lão Nhiều hiện ra sau lùm tre um tùm và đang cố gắng bơi chiếc ghe tí tẹo về hướng chúng tôi. Bọn con gái ôm chặt lấy nhau chẳng dám nhìn lão. Cả bọn con trai cũng bắt đầu run.
Lão Nhiều ghé sát bờ, quát lớn:
- Sao bây giờ mới về, hử?
Trời đất ơi, hình như lão Nhiều đang lên cơn giận dữ! Chúng tôi sảng kinh. Tất cả câm bặt.
Ghi chú sơ lược về cha con lão Nhiều:
Lão Nhiều trú trong một căn liều ở cái bãi vắng tanh đầu xóm. Nhà lão cái gì cũng lạ. Cái cuốc có cán ngắn cũn cỡn, nhỏ nhắn mà cong vêu khác hẳn những chiếc cuốc nhà tôi. Thứ này dùng để đào dế thì nhanh phải biết! Mấy chiếc cần câu dài ngoẵng luôn dựng sau hè nhà. Mấy bộ lưới phơi trên chiếc sào trúc. Hai chiếc ghe con chỉ nhỉnh hơn chiếc lá bàng tí tẹo. Mấy chiếc áo tơi cũ mèm, vài đôi dép bằng mo cau đã lâu ở làng chẳng thấy ai dùng... Ba tôi nói lão không phải dân làng này. Lão phiêu dạt từ trên nguồn xuống hay tận dưới biển lên chẳng ai biết. Người ta chỉ nhớ rằng sau một trận lụt khủng khiếp lại có thêm lão gia nhập vào đám cư dân ít ỏi của làng. Người ta gọi lão là dân ngụ. Dân ngụ chẳng có ruộng đất để cày cấy. Lại chẳng có đất làm nhà. Vì thế lão mới dạt lên đầu bãi, khai phá lùm bụi, dần dần tạo được cơ ngơi như thế. Lão Nhiều sống bằng nghề sông nước. Suốt ngày đêm, khi thì cả hai cha con, khi mình lão lênh đênh trên chiếc ghe tí xíu ấy. Lão đánh cá mang ra chợ đổi lấy gạo. Mà cũng lạ, rất ít khi thấy lão vào xóm mua gạo. Sinh hoạt của lão tách biệt hẳn nếp sinh hoạt của làng Đồng vốn chỉ thuần cày sâu, cuốc bẫm. Trừ vườn cây, nhà lão thật nghèo. Lão tuy nghèo nhưng chẳng ai khinh, còn tỏ vẻ trọng nữa là khác. Chúng tôi thường thắc mắc “tại sao vậy?”. Hay lão có quyền phép, bùa ngải gì? Trông bề ngoài lão, trẻ con nào chả khiếp: Dáng đi gù gù, chậm chạp. Mặt lầm lì, suốt ngày chẳng có một tiếng nói. Gặp ai, lão cũng chỉ ừ hử cho qua chuyện. Sợ nhất là cái sẹo vắt ngang trán lão, lõm xuống như một nhát dao màu nâu đen, khác xa với nước da màu đồng hun đầy sương gió của lão. Cũng may, lão thường đội cái nón mê sùm sụp quanh năm suốt tháng nên cũng bớt đi vẻ hung tợn. Gặp lão chẳng đứa nào dám ngó thẳng mặt. Con nít trong xóm đứa nào làm nũng chỉ cần dọa: “đem bỏ nhà lão Nhiều” là nín im thin thít!
Bé Su - con lão - ngược lại, cứ xinh đẹp một cách khó hiểu. Con bé có nước da trắng hồng và dáng đi yểu điệu mà quý phái chẳng dính dáng gì với cung cách con nhà nghèo cả. Ấy là mẹ tôi nói thế! Đôi mắt đen thẫm luôn mở to, tròn xoe như hạt nhãn lại hay thích chớp chớp, thế mới ngộ! Gặp đứa nào trong xóm nó cũng dừng lại, giương đôi mắt đẹp, tròn xoe, nhìn một cách tò mò. Chưa thấy nó hỏi gì nhưng chừng như nó rất muốn làm quen thì phải. Đứa nào ngoài mặt cũng giấu nhưng trong thâm tâm đều thích con bé. Thích nhưng sợ. Bao nhiêu đêm nằm mơ tôi thấy mình dắt tay con bé nhảy lò cò quanh xóm. Có cả việc cùng nó tồng ngồng bơi qua sông hái trộm bắp nữa mới kinh! Tỉnh dậy lần nào tôi cũng phát ngượng, mặt đỏ rần rần không hiểu tại làm sao. Trong xóm, hình như nó thích tôi nhất. Có lần nó móc từ trong túi ra một trái ổi bự tổ chảng dúi đại vào tay tôi rồi bỏ chạy mất. Tôi cầm trái ổi mà ngơ ngẩn mãi. Thích thú, khó hiểu nhưng chẳng dám ăn, nhỡ con bé bỏ bùa mê thì chết (?). Lần khác, nó dúi vào tay tôi cả nắm vỏ ốc sặc sỡ. Tôi chơi đã đời rồi cất vào chái bếp, quý như báu vật. Nó còn cho tôi đủ thứ lỉnh kỉnh chẳng thể nào nhớ hết. Riêng tôi thì chả dại. Ai lại đem quà cho con gái bao giờ! Huống hồ là nó, con gái lão Nhiều!
Bây giờ thì lão đang đứng như trời trồng trước mặt bọn tôi!
*
* *
- Tao hỏi sao chẳng có đứa mô trả lời?
Thằng Đực lí nhí:
- Dạ... mưa!
- Mưa gì? Trời mới vừa nhỏ mấy hột kia mà! Về sớm một tí chắc chắn có cầu rồi. Tại mải chơi phải không?
- Dạ...
- Mấy con bé kia!
Bọn con gái run cầm cập, nép sát vào nhau. Con Bê tè ướt cả quần. Chúng tôi sợ quá chẳng còn hồn vía nào để cười.
- Sao còn ngồi đó? Lên ghe tao đưa qua cho!
Bọn con gái vừa mừng, vừa sợ mắt cứ lấm lét nhìn thằng Đực thăm dò. Tôi nói đại:
- Thì... lên để lão... à ông đưa qua cho!
- Em...
-Xuống mau! Còn bao nhiêu đứa khác nữa! Cũng mấy lượt mới qua hết!
Tôi và thằng Đực qua chuyến cuối cùng. Trời sẫm tối. Trời tạnh mưa hẳn. Cả đám ngó nhau vừa sợ vừa run. Sát lưng chúng tôi là lùm tre Lung Bà ma quái!
Lão Nhiều lại quát:
- Ủa, sao còn đứng đó?
- Dạ... sợ !
- Sợ, sợ cái nỗi gì nữa đây?
- Dạ...
Chúng tôi lúng túng nhìn nhau. Lão Nhiều chợt dịu giọng:
- Thôi được, chờ tao một lát!
Chúng tôi len lét đi sau lão Nhiều, lòng vẫn nơm nớp lo sợ. Vậy là lão vẫn tốt đấy chứ! Không có lão chẳng biết chúng tôi sẽ ra sao? Lão còn bỏ cả buổi đánh cá để đưa chúng tôi về kia mà. Thật quả là kho bí mật của làng!
- Chừa cái tật la cà chưa?
- Dạ... chừa rồi!
- Đứa nào đi không nổi tao cõng cho!
Nghe lão nói đứa nào cũng le lưỡi, rụt cổ. Con Bê lí nhí:
- Dạ chúng cháu đi được ạ!
- Thế thì tốt! Về nhà nhớ tắm liền nghe chưa, nếu không sẽ cảm lạnh đấy!
- Dạ!
- Lần sau nhớ gọi lão nhé!
Tôi, thằng Tửng, thằng Đực đưa mắt nhìn nhau rồi thằng Đực rụt rè nói:
- Dạ sợ phiền ông ạ!
Lão Nhiều cười nhẹ trong bóng tối:
- Phiền hà gì? Lão chỉ khoắng vài cái là tụi bay đã qua hết bên này rồi mà!
- Dạ, bọn cháu cảm ơn ông nhiều ạ!
Lão Nhiều cười khanh khách:
- Sao lại gọi cả tên cúng cơm của lão ra vậy?
Tôi hoảng hồn líu lưỡi lại:
- Dạ... con… cháu... cháu... xin lỗi ông!
Ông lão lại cười khà khà:
- Được, cái thằng này khá. Mày con ai vậy?
- Dạ con ông Khách ạ!
- À, thằng Ri. Nghe con Su nói mày học giỏi lắm hả?
Tôi đỏ mặt, trả lời không thành tiếng.
- Em Su nó cực từ nhỏ, có gì nhớ chỉ bảo cho em nó nghe!
- Dạ.
- Đừng đứa nào ăn hiếp nó, tội nghiệp!
- Dạ! Cả bọn cùng lên tiếng.
- Bữa nào ghé nhà lão, lão sẽ đãi một bữa trái cây ăn mệt nghỉ!
Cả bọn dạ rân như hát tuồng. Đến bây giờ mới thấy bớt sợ chút ít. Mà sao lại sợ lão nhỉ? Nhưng đến nhà lão ư? Eo ôi!
Kết Thúc (END) |
|
|