Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ký Ức Mùa Thu Tác Giả: Phùng Phương Quý    
    Từ Tam Kỳ, tôi lên tàu Thống nhất lúc một giờ hai mươi phút chiều, nằm lắc lư đúng hai mươi bốn giờ thì tới Sài Gòn. Con gái tôi gọi điện, hướng dẫn đường đi.
    - Ba đi xe ôm ra đường Cách mạng Tháng Tám. Hết mười ngàn thôi! Lên xe buýt số 65 tới bến xe An Sương. Lên xe đò An Sương - Tân Châu, xuống bến xe kêu chồng con ra rước.
    Huyện biên giới Tân Châu, Tây Ninh đổi thay rất nhiều so với năm 1976 tôi đang dạy học ở đó. Con gái đầu sinh năm 1975, lấy chồng rồi ở lại Tây Ninh, không về Quảng Nam với ba má. Hồi tôi về quê, huyện Phước Sơn còn nghèo xác, dù ở đây có mỏ vàng lớn nhất tỉnh. Lần này vô miền Đông, ngoài việc thăm vợ chồng con Hai, tôi còn có nhiệm vụ đặc biệt do anh Ba Phước nhờ. Tìm gặp ông Sáu Quân, lính cùng trung đoàn với Ba Phước, viết ít dòng tiểu sử về ông Sáu cho anh em đưa vô cuốn kỷ yếu trung đoàn.
    Nghỉ ngơi được hai ngày, tôi mượn xe honda của thằng rể, đi tìm Sáu Quân.
    - Lối vô nhà ông Sáu Quân là lối nào chú?
    Tôi hỏi một đại úy bộ đội đứng bên sạp báo. Anh ta gật đầu lễ phép, có lẽ tại tướng tá tôi bệ vệ quá, dù chỉ là một giáo chức về hưu.
    - Bác Hai hỏi ông Sáu nào ạ?
    - Sáu Quân! Huyện đội trưởng cũ đó.
    - Con ở huyện đội nè! Hồi nào tới giờ có nghe nói ai tên Sáu Quân đâu!
    Kỳ vậy ta? Ông Ba Phước nói cha Sáu Quân một thời khét tiếng ở huyện biên giới những năm 1975-1978, vậy mà mấy cậu lính trẻ giờ không đứa nào biết là sao? Ba Phước cũng quan liêu quá, nhờ tôi đi viết truyền thống giùm mà cho địa chỉ lãng nhách. “Cứ ghé ấp Bờ Sông, hỏi nhà Sáu Quân là người ta chỉ liền”. Giờ thì tôi kiếm nát đất từ sáng tới trưa đứng bóng mà không ra. Ngồi uống nước dừa bên đường, bà già chủ quán hỏi tôi:
    - Bộ chú kiếm ai hả? Sáng giờ thấy chạy tới, chạy lui hoài!
    - Tôi kiếm nhà Sáu Quân, huyện đội trưởng cũ, mà hổng ai biết hết trơn.
    - Ôi! Từ lâu quá làm sao nhớ cho xuể. Chú thử ghé nhà ông Năm Thu kế bờ sông, hỏi coi ổng biết hông. Ổng cũng bộ đội về hưu, hồi giáp Tết có mấy ông tướng tá gì từ Hà Nội vô thăm đó.
    Tôi đi theo chỉ dẫn của bà chủ quán, cầu may.
    Một phụ nữ chừng sáu mươi tuổi ra mở cổng, giới thiệu là vợ Năm Thu. Nghe nói có khách, Năm Thu đi từ mé bờ ao lên, tay ôm mớ rau muống dài thượt. Cặp kiếng lão bắt ánh nắng chiếu sáng dọi vô mắt tôi. Người đàn ông tầm thước, da ngăm đen, nhìn quen quen.
    - Mấy bè rau muống tốt quá trời, tính lội ra cắt cho heo mà nước sâu quá. Ai hỏi tôi đó bà?
    Cho mãi tới khi ngồi trong phòng khách có bộ sa lon da lịch sự chờ Năm Thu, tôi cứ mang máng nhớ gặp người này ở đâu rồi. Năm Thu thay bộ quân phục cũ, tóc bạc chải láng mượt lộ ra vầng trán cao rộng.
    - Xin lỗi! Anh ở đâu, tới kiếm tôi có việc chi?
    - Tui đi kiếm người bạn mà không ra, mới tính ghé hỏi coi anh biết chỉ giùm.
    - Ai mà khó kiếm dữ vậy?
    - Dạ, Sáu Quân huyện đội trưởng cũ anh à.
    Năm Thu ngưng cái ấm chuyên đang rót trà ra ly.
    - Anh quen Sáu Quân hồi nào?
    - Dạ cũng quen sơ sơ.
    Năm Thu gỡ cặp kiếng lão ra lau, mang vô lại rồi nhìn tôi lom lom.
    - Ông cũng người xứ Quảng hả?
    - Dạ phải! Tôi ở huyện Phước Sơn!
    - Phải dân Phước Hòa không?
    - Dạ! Trời! mà ai như Sáu Hò?
    Năm Thu đứng dậy, bước qua ghế bên ni. Bỏ hẳn cặp kiếng ra, ngó sát mặt tôi.
    - Trời đất ơi! Thằng Dũng kỵ sĩ bò đây chớ ai. Mẹ bà nó! Hơn 50 năm rồi đó. Già khú đế rồi, nhưng tau ngó cái thẹo trên trán mi là nhận ra liền.
    Thật bất ngờ. Vì chúng tôi, hai người bạn thuở chăn trâu, cắt cỏ đã nhận ra nhau. Sáu Hò mồ côi cả ba má, đi ở mướn cho địa chủ Hách. Ba tôi thầy đồ dạy học, nhưng tôi vẫn phải đi chăn bò hàng ngày phụ má. Sáu Hò không biết khai sanh tên chi, chỉ biết nó thứ Sáu, lớn lên có giọng hò ngọt như mía, làm tụi con gái mê mẩn quên ăn cơm, uống nước, nên người ta kêu nó là Sáu Hò. Tôi có biệt tài cưỡi bò, phi trên ruộng băng băng làm Triệu Tử Long xông pha cứu ấu chúa A Đẩu, nên có biệt danh là Dũng kị sỹ hay Dũng bò. Sanh nghề tử nghiệp, một bữa Triệu Tử Long tôi uýnh bò chạy dữ quá, té trên lưng bò xuống đất, bị cành cây đâm lủng trán, máu me quá trời. Sáu Hò cõng tôi chạy về nhà. Sau khi băng bó xong cho thằng nghịch tử, ba liền quất mấy roi quắn đít về tội quậy phá. Còn nhớ lần đó, Sáu Hò tội nghiệp lắm. Nó quỳ lết trước mặt ba tôi, mếu máo.
    - Tại con mà cậu Năm. Tại con xúi thằng Dũng đó cậu. Cậu đừng uýnh nó nữa, uýnh con nè.
    Đang cơn giận, ba tôi quay sang đập vô mông đít nó hai roi, nhưng chắc không đau lắm. Ổng nạt lớn:
    - Còn mi nữa! Uýnh cho chừa mấy vụ bày trò chơi ngu hí! Lần sau nữa, tau ném cả hai thằng xuống sông Trường cho cá ăn.
     Năm 1946, cả miền Nam đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng tôi còn nhớ những câu hát hừng hực lửa cách mạng. “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô/ Quân dân Nam tiến ra trận tiền…”. Sáu Hò bỏ đàn bò của địa chủ Hách ngoài ruộng, trốn theo bộ đội Việt Minh và đi tuốt luốt không thấy hồi quê. Người ta bảo nó chết rồi và quên dần cái tên Sáu Hò, kể cả mấy cô gái từng mê mệt nó.
    Ai ngờ tôi gặp Sáu Hò tại một xã biên giới xa lắc ở miền Đông.
    - Ông lên đây hồi nào?
     Sáu Hò, hay bây giờ là Năm Thu, hỏi tôi.
    - Thì từ năm ông bỏ xứ theo Việt Minh đó! Tui bị tía bắt đi học, rồi vô ngành giáo dục. Giải phóng xong được trở lại nghề dạy, nhưng được điều vô công tác miền biên giới. Ba năm sau chuyển về Tam Kỳ. Bữa mô ra quê, ghé nhà tui chơi. Mà răng tên Sàu Hò lại đổi tên sang Năm Thu?
    - Thì Năm hay Sáu, hơn nhau một bậc có chi mô. Trốn đi cách mạng tôi đổi tên là Năm Thu, để nhớ cái mùa thu đó. Hồi đó cực quá thì trốn đi theo mấy ảnh, chớ có cần ai giác ngộ chi mô.
    Năm Thu kể cho tôi nghe những năm tháng cầm súng chiến đấu. Đánh thắng thực dân Pháp rồi, anh tập kết ra Bắc khi mới mười sáu tuổi. Ba năm sau, Năm Thu được chọn đi học trường quân báo, ra trường rồi lại được tổ chức phân công bí mật trở lại chiến trường miền Nam, tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Từng công tác lâu năm ở Trung ương cục Miền Nam tại Tây Ninh, một thời anh lăn lộn khắp chiến trường miền Đông ác liệt.
    - Rồi mi răng? Thằng quỷ!
    - Sau vụ mi trốn khỏi nhà địa chủ Hách, Tám Bình khóc quá trời. Cổ tìm gặp tau, nhờ kiếm mi, nhưng tía tau còn không biết...
    Năm Thu nheo nheo cặp mắt già nua sau tròng kiếng. Hình như có nước mắt rịn ra nơi khóe mắt.
    - Mi nhắc tau mới nhớ. Tám Bình sau có lấy con trai địa chủ Hách? Tội nghiệp cổ, mê mấy câu hò, chớ thân ở mướn như tau, mần răng nuôi vợ con mà thương người ta.
    Cô Tám đẹp nhứt nhì xứ Phước Sơn, con trai ông chủ Hách đeo ngày, đeo đêm, mang bạc tiền, vải vóc ra dụ dỗ mà không được. Trong dịp lễ Kỳ yên thượng điền năm đó, gặp Sáu Hò và đám trai làng đi lễ, hò qua hòa lại rồi mê mẩn không về được.
    - Sáu Hò trốn đi được ba tháng, Tám Bình cũng trốn đi cùng một người.
    Năm Thu chồm người qua phía tôi.
    - Theo ai vậy?
    - Nói ông đừng buồn, chớ cổ theo tui lên Nam Giang. Đi để trốn thằng con chủ Hách thôi. Tui đi học, cổ đi ở cho nhà giàu. Sau mấy năm ra Huế học sư phạm, tui mất liên lạc với cổ.
    Năm Thu buồn hiu. Tôi biết chả còn thương cô Tám ngày xưa.
    - Xí hụt! Tưởng ông biết cổ giờ ở đâu.
    Tôi phì cười.
    - Có biết! Mai mốt tui đưa ông tới tận nhà thăm bả. Giờ tui nhờ ông một chuyện. Ông có biết cha Sáu Quân, trước là huyện đội trưởng không? Chả huyện đội trưởng từ hơn ba mươi năm trước lận, sau chuyển đi đâu không biết.
    Năm Thu đang rót nước xuống ly, bỗng dừng lại giữa chừng:
    - Người quen hả?
    - Quen biết chi mô! Kiếm có chút việc thôi!
    - Chả đang ngồi trước mặt ông chớ mô!
    - Hả? Giỡn sao ông?
    Năm Thu kể, làm huyện đội trưởng được mấy năm, rồi cấp trên bí mật điều anh sang công tác giúp nước bạn. Rồi về đây với cái tên Năm Thu, công tác ở Mặt trận huyện riết rồi nghỉ hưu. Hỏi Sáu Quân coi như mò kim đáy biển. Vậy là tôi hên.
    Anh mở cánh tủ thờ, mang ra cho tôi xem một xấp huân huy chương. Cao nhất là huân chương Độc lập hạng ba, thấp nhất là huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhứt, cả một đống bằng giấy khen của Bộ quốc phòng; của Cục này, Sở kia, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Hỏi anh sao không treo cả lên cho oai. Thành tích của mình mà? Năm Thu cười khó hiểu.
    - Có những cái chỉ cần cách mạng, cần Đảng biết cho mình là đủ. Từ lâu tui có thói quen kín đáo. Ông tin không? Hơn sáu mươi năm làm cách mạng, có khi giữ những chức vụ quan trọng, vậy mà về hưu tôi vẫn mang cấp hàm Thiếu tá.
    Năm Thu lại rịn rịn nước mắt. Cha này già sanh tật, mau nước mắt quá. Không như ngày trước lì một cây. Bỗng anh đứng dậy, lấy chiếc áo trên vách khoác lên vai.
    - Chừng nào đưa tui đi thăm Tám Bình?
    - Thì bữa mô ông rảnh, về quê chơi. Bà xã tui chớ ai!
    - Vậy là răng?
    Mặt mũi chủ nhà đỏ rần.
    - Bình tĩnh đi ông! Sau giải phóng, tình cờ gặp lại bả. Cũng dân trong rừng ra mà. Không hiểu sao ngoài bốn chục tuổi vẫn chưa thèm có chồng. Hồi đó vợ tui mới mất, một mình nuôi hai sắp nhỏ. Bả thương, theo tui lên trên này lập nghiệp, sau đó hồi hương về Quảng. Vậy thôi!
    Hình như anh cố nén hơi thở dài.
     Nghe vụ tôi được giới thiệu tìm hiểu viết về cá nhân anh, Năm Thu (hay Sáu Quân) xua tay.
    - Mấy cha đó rùm chuyện quá. Có gì mà viết. Thôi để tôi biểu con Út mần vịt nhậu chơi. Ở đây ngủ với nhau một đêm. Mai mốt về ngoải, tui theo ông ra thăm Tám Bình luôn. Hỉ?

Kết Thúc (END)
Phùng Phương Quý
» Quê Chồng
» Ký Ức Mùa Thu
» Má Chồng Nàng Dâu
» Má Chồng Nàng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79