Hôm nhậu cùng đám đàn bà hư hỏng, Vân cứ ngửa cổ lên trời cười sằng sặc. Hơi thở nồng mùi rượu, Vân chỉ tay vào ngực mình than: “Đời tôi đến ngay cả cái tên cũng đầy bi kịch”. Hỏi sao mà bi kịch thì cười bảo: “Cha mẹ sinh ra tôi, đặt tên là Du Vân. Với mong muốn tôi như đám mây thong dong, thư thả trôi đi khắp muôn phương. Ấy thế mà đời tôi lại như một cái cây. Suốt đời bám rễ sâu đứng im lìm một chỗ”. Vân nhìn đám đàn bà hư hỏng mà ngưỡng mộ họ. Đời họ mới thực sự là những đám mây, làm những việc họ thích, đặt chân đến những nơi họ muốn và vẫy vùng trên những khoảng trời mà họ khát khao. Gia tài của Vân chẳng có gì ngoài những chiếc ba lô xếp chồng chất lên nhau từ trong ký ức. Mười tuổi đứng sân ga ngó những chuyến tàu, Vân đã nuôi trong mình ý nghĩ bỏ nhà đi bụi. Vân dốc sạch sách vở trong chiếc ba lô màu nõn chuối do tự tay mẹ may. Rồi nhét vào đó hai bộ quần áo vá, con búp bê vải bạc màu, gói kẹo bột để dành và quyển sách đã rách bìa viết về vùng đất lạ. Âm mưu toan tính về một cuộc bỏ trốn vào lúc cả nhà ngủ trưa. Nhưng lúc ra đến cổng nhớ ra còn đàn gà chíp, chú chó nhỏ vẫn chưa kịp cho ăn, thế là đành ngậm ngùi quay lại. Đêm đó chờ mọi người ngủ say rón rén ôm ba lô ra đến cổng thì bỗng nghe tiếng mèo động đực rền rĩ ma mị. Trời thì tối đen như mực mà bụi tre ở cổng cứ kẽo kẹt kêu. Con bé sợ quá chạy một mạch về nhà quẳng ba lô vào một góc. Chuyến đi bụi đầu đời đã thất bại rất trẻ con như thế…
Mười lăm tuổi, tốt nghiệp cấp hai, người cao nhẳng và đen thui. Vân nghĩ đó là lúc thích hợp nhất để đi. Trong chiếc ba lô có một đống tiền lẻ được xếp gọn gàng. Đó là khoản gia tài sau một thời gian miệt mài bắt cóc, bắt cua và nhổ tóc trắng thuê cho bà cụ hàng xóm. Đôi giày ba ta rẻ tiền được Vân nâng niu từ lúc mua, cuối cùng cũng được mang ra ướm thử chân. Vài phong thư từ bạn bè nơi xa vẫn còn thơm mùi mực mà những dòng địa chỉ ghi trên đó dự định là nơi Vân sẽ đến trong chuyến đi này. Cuốn vở đặt ở bàn đã kẹp một tờ giấy chào tạm biệt mọi người. Trong bữa cơm trưa ấy đã thấy có chút gì lưu luyến. Tất cả đều đã được chuẩn bị chu đáo theo cách của một con bé tuổi ngông ngầm. Chỉ chờ bước lên tàu và đi. Ấy thế mà hôm ấy tàu trật bánh phải nằm lại sửa chữa. Sợ nếu không về nhà thì bố mẹ sẽ đi tìm và túm gọn nên Vân lầm lũi quay về. Chuyến đi bụi thứ hai trong đời đã lỡ làng như thế…
- Rồi số phận những chiếc ba lô ấy ra sao? – Phương hỏi.
- Ừ thì… phủ bụi. Đến tâm hồn mình còn bị vùi lấp nữa là. Mỗi lần muốn xem ký ức là phải vén mấy lớp bụi mù.
- Chẳng bù cho tui. Thích là đi chứ chẳng chuẩn bị gì. Nói đúng hơn là trong chiếc ba lô màu đen luôn có mấy bộ quần áo, ít thuốc tây, vài đồ dùng cá nhân và cuốn sách không bao giờ đủ kiên nhẫn để đọc hết. Từ năm này sang năm khác, vắt chiếc ba lô ấy lên vai. Về đến nhà lại quẳng một xó chờ những chuyến đi kế tiếp đầy tính ngẫu hứng trong đời. Vì không cần thời gian để chuẩn bị nên chẳng bao giờ phải đắn đo trước một chuyến đi.
- Có khi nào vì lười gập vài cái áo mà thở dài trước một chuyến đi? Chỉ vì quên lọ kem dưỡng da mà thấy chuyến đi chẳng còn gì thú vị?
- Ừ có chứ, đó phần lớn là kiểu người coi những chuyến đi chỉ là thứ chưng diện với đời. Như vậy thì mệt chết.
Phương cũng là một kiểu đàn bà hư hỏng so với những chuẩn mực của người đời. Người đàn bà này như lúc nào cũng muốn bung ra, phá phách mọi lề thói lễ nghi gò bó của người đời. Như một buổi sáng cuối tuần nào đó nhẽ ra phải đến thăm hỏi mẹ chồng thì Phương phóng đi chơi. Như ngày tết phải ở nhà chồng làm cơm cúng đủ ba ngày, mỏi cổ chờ đàn ông nhậu xong để xếp dọn thì Phương nhảy phóc lên một chuyến xe nào đó. Cũng một hôm nào đó người đàn bà hư hỏng nói với ông chồng yêu vợ và thương con hết mực: “Tụi mình ly hôn đi”. Lý do ư? Thì em cần phải sống cuộc đời mà em muốn. Thứ tình yêu đều đặn và đúng mực như kim đồng hồ của anh khiến em phát mệt. Người thân trách móc. Thiên hạ tha hồ mỉa mai. Kệ xác họ vì thực ra đâu ai có thể sống thay cuộc đời mình. Với Phương thì đám đông ấy cũng đang bị bao phủ bởi một thứ bụi bặm. Đó là thứ bụi lễ nghi. Nên Phương phải đi. Đi thật nhiều để mà rũ bụi.
- Còn mình thì chết chìm trong đống bụi ấy. Mãi không đủ can đảm để ngoi lên - Vân nốc cạn cốc bia, thở hắt ra, cảm giác như sự bức bối sắp phá bung lồng ngực.
- Ấy là vì cậu coi mọi thứ xung quanh quan trọng hơn bản thân mình. Thật ra thì không đáng. Vì cuối cùng mình khóc hay cười, đau khổ hay hạnh phúc thiên hạ chẳng ai đoái hoài đâu.
*
* *
Năm Vân hai chín tuổi đã quả quyết bỏ việc đi bụi một năm. Đơn xin nghỉ việc đã viết xong. Cũng đã đánh tiếng chào bạn bè đồng nghiệp. Trong thời gian chờ giải quyết nốt số công việc tồn đọng, Vân đã kịp tranh thủ lượn qua mấy cửa hàng bán đồ phượt trong thành phố. Đã dự định leo đỉnh Fansipan vào mùa hoa đỗ quyên nở. Định ngắm hoa tam giác mạch vào tháng mười ở Hà Giang. Định lên Sapa vào mùa tuyết rơi. Định vào miền Tây ăn lẩu cá kèo và ngắm những cánh đồng bất tận. Nhưng tất cả tắt lịm khi nhận tin mẹ ốm. Tháng năm gồng gánh nhọc nhằn trên vai nuôi các con khôn lớn, mẹ chịu đựng đớn đau hết mùa này đến mùa khác. Cho đến khi tất cả bệnh tật trong cơ thể cùng lúc phát ra đánh gục mẹ ở tuổi sáu mươi. Mẹ nằm đó đồng nghĩa với đủ loại chi phí thuốc thang. Mấy anh em đều nghèo, số tiền chữa bệnh cho mẹ thì không phải nhỏ. Lẽ nào Vân còn dám nghĩ cho mình? Đơn xin nghỉ việc đốt bỏ, mấy bộ quần áo đi phượt vứt vào góc tủ. Vân lại tiếp tục làm việc như trâu, chỉ mong kiếm được nhiều tiền để phụng dưỡng mẹ già. Tuổi hai chín đối với Vân vẫn chỉ có một con đường. Đó là con đường trở về nhà, thắt ruột bên những cơn ho của mẹ. Thanh xuân dường như đã qua rồi…
Ba mươi tuổi Vân lấy chồng. Ngày cưới đã mang bầu ba tháng, bác sĩ dặn đi dặn lại có nguy cơ sảy thai nên phải cố gắng giữ gìn. Vân chẳng dám nghĩ đến chuyến đi hưởng tuần trăng mật. Nằm thu lu ở nhà ngó nắng cạn ngoài sân, vật lộn với cơn ốm nghén đến kiệt sức. Có hôm Vân cảm giác như chỉ thể xác mình còn nằm lại trong khung cửa sắt. Còn linh hồn đã theo gió bay đi. Người ta hỏi Vân đặt tên con là gì? Vân không dám nghĩ đến một cái tên mỹ miều nào hết. Cũng giống như không dám kỳ vọng vào cuộc đời đứa trẻ.
*
* *
Trước khi gia nhập hội gái hư Vy cũng đã từng sống cuộc đời bó buộc như Vân. Tám tiếng ở công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch tuần, kế hoạch quý, kế hoạch năm. Tám tiếng dành để cố gắng thành mẹ hiền vợ đảm. Tám tiếng còn lại chỉ kịp đắp mặt nạ và ngủ lấy sức cho ngày mới. Rồi đến một ngày phát hiện ra chồng có bồ, con thì đi học xa, công việc có vắt đến kiệt sức cũng chỉ là kẻ làm công ăn lương đừng mong ai ghi nhận. Đời hóa ra vô vị quá. Vy tự hỏi bao lâu nay mình sống vì cái gì? Để làm gì? Thế là bắt đầu phá phách những nguyên tắc do chính mình từng ra sức vun đắp và bảo vệ. Biết đến những vùng đất đẹp, hưởng thụ những món ăn ngon, nghiện vài thú vui phù phiếm của đàn bà. Để rồi nhận ra hơn nửa đời người mình đã yêu bản thân quá ít. Nên có đôi lần Vy bảo: “Vân này… hãy thử hư đi”.
Vân từng đôi lần sắm sửa hành trang nổi loạn. Như lúc đứa con đầu bảy tuổi Vân tính đến chuyện ly hôn. Dồn hết vốn liếng riêng mua một căn nhà nhỏ. Hai mẹ con đùm bọc lẫn nhau. Vân sẽ sống buông thả mình một chút. Hẹn hò và yêu đương. Khơi dậy và nuôi nấng thứ cảm xúc đã bị đời sống hôn nhân bóp nghẹt từ lâu. Thỉnh thoảng hai mẹ con sẽ dẫn nhau đi chơi. Hoặc đơn giản chỉ là tận hưởng một buổi tối cuối tuần thảnh thơi trong quán vắng. Những điều đơn giản đó trước giờ Vân không có được. Bởi không dám vượt qua những giới hạn mà hôn nhân định sẵn. Lúc nào cũng giữ khư khư cuộc hôn nhân trong tay, nâng như nâng trứng. Trong khi biết chắc mình đã chán ngấy nó rồi. Vậy chi bằng đặt nó xuống rồi thảnh thơi bước đi. Nhưng lúc toan đặt xuống thì thường xuyên bắt gặp cảnh chồng con quấn quýt vui đùa. Lòng tự hỏi lẽ nào mình lỡ ích kỷ sống cho riêng mình? Mình có thể không cần chồng nhưng con thì cần bố. Mình chắc gì đã là bờ vai đủ rộng để cho con nương tựa. Nghĩ bấy nhiêu thôi mà thứ bản năng nổi loạn đã kịp mềm nhũn như bùn.
Rồi Vân cứ khất lần khất nữa. Chờ cho con đủ tuổi trưởng thành. Chờ khi nào chồng mình đi thương người khác. Chờ cho đứa lớn lấy chồng. Chờ cho thằng nhỏ vào đại học. Cứ chờ hoài, chờ mãi. Cuối cùng đầu đã hai thứ tóc mà vẫn không có cớ nào đủ mạnh để mà ngông. Lo hết con rồi đến cháu. Lo từ lúc nhà cửa đông vui cho đến khi quạnh quẽ. Sống với nhau đến tuổi này rồi còn lỡ bỏ lại chồng để đi bụi hay sao? Sống đến khi ngay cả cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho cũng mất. Người ta không gọi là Vân nữa mà đã quen gọi thành tên con cả. Nên hình hài của một đám mây ảo vọng cũng không còn. Tụi gái hư chắc đang say bồng lai tiên cảnh chốn nào. Chắc mỗi lần ngắm mây bay thong thả trên trời đều nhớ về người bạn và những chiếc ba lô phủ bụi. Giờ thì Vân của ngày xưa cũng sắp thành cát bụi mất rồi. Phải chăng đến một ngày nào đó khi nhắm mắt xuôi tay thì đời Vân mới đọng lại trong mắt người thân những đám mây trắng xốp…
Kết Thúc (END) |
|
|