Ngày đó, tôi cứ nghĩ rằng Di thích tôi, và vì tôi cũng thích Di nên tôi đã viết cho Di một bức thư… Bức thư mà mãi cho đến giờ tôi vẫn không nhận được câu trả lời…
Tôi gặp lại Di trong một ngày mưa gió thổi se lạnh cắt cả da thịt, cái lạnh của mùa đông, của cái tết gần kề khiến con người ta vừa cảm thấy có chút lạnh lẽo, vừa lại có chút hân hoan. Kể từ ngày tôi lên phố, đã rất nhiều mùa tết qua tôi không gặp Di, dẫu nhà chúng tôi chỉ cách nhau có cái bờ rào ở dưới quê, và dẫu mùa tết nào chúng tôi cũng về chung một ngày, đi trên một chuyến xe, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện lại với nhau. Bẵng đi năm năm, Di điện thoại cho tôi. Cuộc gọi như xé tan cái không khí lạnh của ngày gần kề tết, thậm chí ngay khi số điện thoại ấy hiện lên, những con số đã năm năm qua tôi luôn nhìn nhưng không bao giờ nhấn gọi, tôi đã thấy tim rung lên những cảm xúc như lần đầu tiên. “A lô, là Nam phải không? Di đây. Nam biết quán Góc phố dịu dàng không? Mai tám giờ nhé?”. Cứ thế rồi cúp, chưa vội nhận câu trả lời từ tôi, thậm chí còn không chắc người đầu dây có phải là tôi không. Ấy thế nhưng tôi vẫn cười.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều có nên đến hay không, hay cứ vờ như tôi bận, hoặc giả số điện thoại ấy không còn là của tôi nữa. Cứ như là một cuộc gọi vu vơ nào đấy. Nhưng rồi chân lại bước, cứ bước đến địa chỉ mà Di đưa. Tất cả đều nhộn nhịp, kẻ chở những chậu quật về nhà, người lăng xăng mua sắm mứt gừng, thậm chí có người còn vác cả mấy đòn bánh tét to tướng trên vai. Còn tôi, tôi vẫn cô đơn giữa đường phố đông người, là vì tôi cô đơn giữa đời thôi. Đẩy cửa bước vào, chẳng cần nhìn tôi cũng biết bóng dáng nhỏ thó đang thu gọn trên chiếc ghế bành to tướng ở góc quán là của Di, hình bóng mà rất lâu tôi vẫn dõi theo, chỉ là không hề có chút nào tương tác. Tôi gọi một cốc café đen cho mình rồi tiến lại bàn. Di ngước mắt lên nhìn tôi bật cười:
- Vẫn đen à? Vẫn đẹp trai ra phết đấy. Có điều đẹp lão nhá.
- Đẹp trai hơn cậu là được rồi.
Di vẫn thế, vẫn luôn uống một cốc trà gừng mỗi khi vào quán, tôi vẫn cứ hay trêu Di có khẩu vị của người già. Vẫn mái tóc dài đen buông, vẫn ánh mắt lấp lánh nhưng bây giờ phảng phất nét buồn. Người ta nói ánh mắt lúc nào cũng nói lên tất cả, như ngày bé cũng vậy, chỉ cần nhìn ánh mắt Di tôi đã biết rõ cảm xúc của cô, và như thấy tôi chực hỏi, Di đã vội cướp lời:
- Năm năm không gặp, giờ bất ngờ đúng không? Cũng chả có gì đâu, Di chỉ muốn Nam chở Di đi mua quật như ngày trước thôi. Được chứ?
Tôi không nói gì chỉ gật đầu im lặng. Như ngày trước?
*
* *
Tôi và Di lớn lên cùng nhau vì bố mẹ hai đứa là bạn thân. Thậm chí họ thân nhau đến nỗi, khi chúng tôi bắt đầu có ý thức, cứ mỗi mùa tết sang, tôi theo ba mẹ sang nhà Di chúc tết, thế nào hai bác bên nhà cũng ghẹo: “Thế là Nam đã thêm một tuổi rồi nhé. Cứ lớn thêm chút nữa rồi bác gả Di cho Nam nhé. Nam chịu không”. Tôi còn nhớ những lúc ấy mặt tôi đỏ ửng cả lên lắc đầu quầy quậy còn Di thể nào cũng ghẹo tôi: “Di là cô dâu của Nam vậy lì xì của Nam, Nam phải cho Di giữ đấy”. Cứ thế chúng tôi lớn lên bên nhau, chưa bao giờ có ý thức rời xa nhau nửa bước.
Năm tôi mười lăm tuổi, tôi được giao nhiệm vụ trọng đại: mua quật cho nhà tôi và mua cúc cho nhà Di để chưng vào ngày tết. Mỗi năm chỉ có một mùa tết nên việc đó đối với một cậu trai mới lớn cứ như niềm tự hào, và cứ thế mỗi hăm tám tết, tôi lại đèo Di trên chiếc xe đạp cà tàng đi coi quật, coi cúc, chọn chọn ra vẻ người lớn lắm rồi nhờ người ta chở về. Việc đó trở thành thói quen, thành thông lệ đến nỗi tôi tiếp tục làm cho đến khi trưởng thành. Tôi và Di đều học đại học trên phố nhưng cứ gần tết lại về sớm để đi mua cây chưng. Mọi thứ chẳng có gì thay đổi, có khác chăng chỉ là thay vì đèo nhau trên cái xe đạp ngày xưa thì nay đã có thể chở nhau bằng xe máy.
- Năm nay ngược lại đi, mua quật nhà Di, mua cúc nhà Nam nhé. Mình còn phải mua thêm đường và cân thịt nữa đó Nam. Vậy tối nay Di lại nhà rồi hai nhà nấu bánh chưng hử?
- Thế là năm nay vẫn nấu à? Đến khổ, lại phải canh nồi không được đi chơi.
- Canh với Di mà khổ à?
- Có Di mới khổ, chưa gì mà đã như bà nội trợ tính toán đi chợ đủ thứ rồi kìa. Muốn làm vợ rồi đấy hả?
- Muốn, dù gì cũng đã định làm vợ Nam rồi mà. Từ bé ấy nhé.
Cô bé ấy cười, còn tôi thì ngượng đỏ mặt. Đó là mùa tết của chúng tôi những năm tháng xưa cũ… Rồi chúng tôi tốt nghiệp, cũng là lúc tôi quyết định tỏ tình với Di. Lúc tỏ tình cũng là lúc tôi phải phân vân giữa hai cơ hội việc làm, ở lại quê hay đi ra bắc - sẽ rất xa Di. Vì thế tôi viết thư cho Di, bảo rằng tôi sẽ đợi cô ấy, nếu cô ấy đồng ý lời tỏ tình của tôi thì hãy đến quán quen chúng tôi vẫn hay ngồi. Còn không thì…? Tôi đã nhờ thằng bạn thân của mình đem thư đi gửi cô ấy vì nếu tôi trực tiếp gửi thể nào Di cũng sẽ cười tôi: “Ngày nào cũng gặp mà còn vẽ vời viết thư”. Thế nhưng cả ngày hôm đó, Di đã không đến, cũng không hồi âm. Thậm chí ngày hôm sau gặp nhau cô ấy còn lảng tránh tôi. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, đó là chiều hăm tám tết. Và cũng từ đó tôi vác ba lô đi xa, cũng từ đó không còn hăm tám tết nào chúng tôi cùng nhau đi mua quật nữa.
*
* *
Tôi tiễn Di về tới tận nhà rồi nhấc máy gọi thằng bạn thân: “Hôm nay tao gặp Di”. Nó và tôi nói chuyện rất lâu vì nó là đứa biết rõ chuyện của chúng tôi nhất. Cuối cùng, với vẻ hơi dè chừng, nó đã nói với tôi: “Có việc này tao muốn xin lỗi mày. Cái bức thư năm năm trước mày nhờ tao gửi đó nhớ không? Ngày đó, tao đã quên gửi Di, tao nhét trong túi, mẹ tao không biết nên đã giặt mất. Tao thấy có lỗi lắm nên không nói với mày. Mà ngày hôm sau cái Di cũng nhờ tao gửi mày bức thư mà thấy nhắc tới thì mày giận nên tao không đưa. Nghĩ đi nghĩ lại tao cứ ăn năn mãi nên giờ mới nói, không biết phải do bức thư đó mà mày và Di không gặp nhau không?”. Tôi chạy như bay qua nhà thằng bạn để nó kể rõ đầu đuôi, và nhận lấy lá thư của Di từ năm năm trước mà giờ mới được nhận. Trong thư viết: “Di thích Nam, nếu thích Di thì hãy qua chở Di đi mua quật nhé? Còn im lặng thì tự Di hiểu rồi”. Trời ạ, cái thằng! Đã lỡ mất tình cảm của chúng tôi từ năm năm trước, liệu bây giờ có còn kịp không nhỉ, phải chạy qua nhà Di ngay thôi. Hôm nay, hình như là hăm tám tết?
Kết Thúc (END) |
|
|