Vậy là Susu bệnh.
Mới chiều thứ sáu, bé hơi sốt khi ở nhà trẻ về, qua hai ngày cuối tuần đi bác sĩ tư, sáng thứ hai Yên quyết định cho bé nhập viện. Ông bác sĩ già ngạc nhiên khi nghe Yên yêu cầu, biểu gần mà sao không ở nhà theo dõi. Yên cười như mếu, trả lời rằng con sợ quá bác sĩ ơi!
Hơn 11 giờ trưa, Yên mệt mỏi ngồi ôm con chờ làm thủ tục nhập viện. Yên vừa ra ca đêm, chưa hề chợp mắt hay ăn uống gì từ sáng. Trời hanh nắng, ngột ngạt đến khó thở. Ngồi kế bên Yên là một người phụ nữ đứng tuổi, hơi già để làm mẹ nhưng lại quá trẻ để làm bà, đang bồng một em bé sơ sinh được quấn kỹ trong chăn, lại che chắn thêm bằng cái nón lá. Khi nghe gọi đến tên bé, từ đâu bỗng xuất hiện một chàng thanh niên trạc ngoài 20 chạy lại làm giấy tờ. Yên chợt hiểu tại sao bà của bé lại còn trẻ như vậy. Chàng trai đôi co với nhân viên về viện phí, tại sao con tôi lại không được miễn giảm. Chị nhân viên giải thích là do hộ khẩu hay thủ tục chuyển viện gì đó. Nhưng nó có giấy chuyển viện cơ mà?
- Thì anh cứ đóng tạm ứng trước đi, rồi có gì xác minh, bổ sung tiếp!
Bảy trăm ngàn. Yên nhìn nét tần ngần trên gương mặt bà và bố đứa bé. Chàng thanh niên hỏi: “Cho thiếu được không, hiện chưa đủ tiền, người nhà sẽ vay mượn mang lên sau?”.
- Bệnh viện chứ đâu phải quán cơm mà ghi sổ, khi nào có tiền thì quay lại. Chị nhân viên lạnh lùng.
Yên bỗng thấy buồn cười. Quán cơm giờ họ cũng đâu chắc gì cho nợ! Yên liếc xuống đứa bé phía sau vành nón lá, thấy lòng mình thắt lại. Da mặt nó vàng vọt một cách bất thường. Yên biết bé bị gì, cũng như có thể thấy được tương lai gần của nó. Ôi bảy trăm ngàn, số tiền để đứa trẻ ấy được tiếp tục điều trị, dù Yên hiểu rằng cơ hội của bé cũng không còn nhiều. Bảy trăm. Nó không đủ để mua cái đầm đẹp đi đám cưới, chưa đủ để mua một hộp đồ chơi lego xịn cho con… Yên nhìn ba người đấy, hình dung ra một miền quê sớm có cưới xin, sanh con đẻ cái. Rồi thì bất hạnh đổ xuống đầu họ…
Hơn 12 giờ, Yên và những người chung đợt hồ sơ được một cô y tá dắt đi bộ vào khu nội trú. Mọi người tay bồng trẻ bệnh, tay xách nách mang giống như một đoàn người đi tản cư. Yên cũng chẳng biết đi tản cư là như thế nào nữa, nhưng không dưng lại nghĩ thế. Nhân viên bệnh viện đưa tất cả đến chân cầu thang, gọi tên con Yên biểu đi theo, dặn mọi người còn lại đứng yên tại chỗ chờ. “Đã dặn vậy rồi mà chút ai đi lạc thì ráng chịu nghen, không rảnh đi tìm đâu!”. Yên được dẫn lên khoa điều trị, biểu ngồi chờ. Ngồi trên băng ghế ngoài hành lang, Susu tiếp tục quấy khóc. Con bé thấm mệt, muốn được nằm nghỉ đây mà. Trời gần chuyển mưa, oi bức vô cùng. Susu sốt cao quá. Chờ một lúc lâu, Yên lo lắng vòng qua cửa phòng nhận bệnh hỏi, thì được yêu cầu cặp nhiệt độ cho con. Chao ơi, một mình Yên đánh vật với bé và cái cặp thủy tinh, vì Susu chống cự dữ dội, vừa ho, vừa khóc la inh ỏi. Bé ọc hết những gì có thể ói được ra. Yên bối rối với đám sữa nhầy nhụa dưới đất, chưa biết cách sao để dọn, thì một chị phụ nữ đi ngang qua trượt chân suýt té. Chị ta vừa đi vừa lầu bầu chửi rủa, và Yên, vừa rối rít xin lỗi, vừa đau khổ hy sinh một cái khăn của Susu để lau vì không cách sao xoay xở được.
Xế chiều, Yên được dắt đi nhận phòng. Chị điều dưỡng tốt bụng xách giùm cái giỏ, để Yên rảnh tay ẵm bé. Cửa mở, Yên thò đầu vào. Phòng có tám giường và một lối đi nhỏ sát tường. Trên tất cả giường đó cơ man người là người, nằm có, ngồi có, trẻ con có, phụ nữ có, đàn ông có. Trên cái lối đi đó là những chiếc chiếu nhỏ, trên đó cũng là trẻ con, phụ nữ, đàn ông, khăn gối, giỏ xách, bình thủy… Yên thận trọng bước theo chân chị y tá, tự hỏi hai mẹ con Yên sẽ nằm ở đâu đây giữa những cái giường và chiếu đã có sẵn hai, ba trẻ em cộng với người lớn rồi. Không ai có vẻ muốn nhận thêm hai mẹ con Yên nằm chung, và Yên hiểu mình cũng không thể trách họ. Cuối cùng, chị nhân viên sắp cho Susu nằm giường ngoài cùng, sát cửa sổ và cửa ra vào. Yên khẽ khàng đặt con xuống, nhón người ngồi lên khoảng trống phần hai mẹ con vừa được mấy người chung giường miễn cưỡng chừa ra.
Trời bắt đầu mưa. Susu vừa tè lần hai lên người mẹ, ướt cả xuống nệm. Yên khổ sở xoay trở trong ướt át và chật chội. Nước tạt vào qua cửa sổ. Gió lùa từng đợt bên lối cửa chính. Susu vẫn sốt cao, tiếp tục khóc quấy và giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Từ trưa đến giờ bé vẫn chưa được điều trị gì. Yên bắt đầu thấy hối hận và lo sợ. Tự hỏi tại sao mình lại vội vàng chạy vào đây, để giờ phải chăm sóc con ra sao với chỗ ở như thế này, bé sẽ bệnh nặng thêm mất. Chính Yên giờ cũng đã có cảm giác muốn bệnh luôn rồi.
Ba Susu vào, áo mưa sũng nước vắt lên lan can. Anh giữ con, hối Yên ăn bữa cơm vừa mua vội. Yên cầm cái hộp nhựa còn lấm tấm nước mưa bên ngoài, bối rối vì không biết ăn ở đâu. Cuối cùng, ba ẵm Susu đi lang thang ngoài hành lang, để Yên có thể ngồi trọn vẹn trên một phần ba giường bệnh, xử lý hộp cơm có lẫn ít nước mưa đó. Yên xúc vội vài muỗng, cảm giác như mình đang ở dưới đáy xã hội.
Buổi chiều, nhờ sự nhanh nhạy của Yên và tờ trăm ngàn nhét túi, cả nhà Yên dọn qua phòng dịch vụ. Cùng là một khoa nhưng nếu có tiền, nằm ở phòng này dù sao Yên cũng yên tâm hơn. Theo lời chỉ dẫn của chị có con nằm giường kế bên, Yên bồng Susu lên phòng trực để được thăm khám. Vì nếu cứ nằm đây chờ thì con mình có bề gì cũng không ai hay, chẳng ai quan tâm đâu, chị bảo vậy. Bệnh viện nào giờ cũng quá tải hết. Yên sợ hãi ôm con đứng chờ ngoài hành lang, con bé co giật và nóng rừng rực. Đêm bệnh viện mênh mông và dễ sợ. Yên nghẹn khóc, lỡ như…
- Sao không ai ngó ngàng gì đến bé hết vầy nè, rủi có gì mấy người chịu trách nhiệm hết không?
Sau câu gào to đầy can đảm và giận dữ đó, Yên thấy mình chùng xuống, nức nở. Mọi người ở phòng trực đồng loạt ngước nhìn Yên, ngạc nhiên, bực bội, có cả vài ánh mắt dường như thoáng cười… Chao ơi! Bộ nhìn Yên lúc đó buồn cười lắm hay sao?!
*
* *
Yên dắt Susu đi lang thang ngoài hành lang, dỗ con ăn. Điện thoại reo. Vài chị đồng nghiệp hỏi số phòng vào thăm bé. Yên nói chuyện mà ngờ ngợ cảm thấy có người đang quan sát mình. Lát sau, người phụ nữ đứng tuổi và có vẻ hơi quê mùa hỏi nhờ Yên gọi về quê giùm. “Tui sẽ trả tiền cô đàng hoàng, mang ơn cô nhiều lắm”. Phải xua tay từ chối mãi khi chị cố nhét tờ mười ngàn vào túi Yên. Rồi thì Yên cũng quên hẳn việc đó, cho đến tận sáng hôm sau, khi ẵm bé đi xét nghiệm về. Mấy người nuôi bệnh cùng giường chỉ với Yên quà của một người phòng bên gửi cho Susu. Trên đầu của cái tủ nhôm kê sát giường là mấy thứ trái cây nho nhỏ, có lẽ toàn đồ Trung Quốc, và một hộp sữa tươi chắc vừa được mua vội dưới căng tin. Yên lắc đầu, nghĩ thương người phụ nữ chân chất kia. Mọi thứ bây giờ đều cần phải có qua có lại, rõ ràng sòng phẳng đến vậy, thật ư?
Đêm bệnh viện. Susu không ngủ được, cứ quấy khóc. Hai giờ sáng, Yên ôm con ra hành lang, vẫn có những người đang bồng trẻ đi qua đi lại dỗ dành. Yên ngồi xuống xích đu, lặng lẽ đưa. Bên ghế đá đối diện, một người đàn ông đang ngồi, cũng lặng lẽ. Cô bé sơ sinh trên tay anh còn rất nhỏ, đang thiêm thiếp. Trên tay bé là cây kim truyền dịch to tướng được gắn sẵn. Yên không sao bắt mình không nhìn anh. Nét buồn bã và nỗi tuyệt vọng hiện rõ trong ánh nhìn đăm đăm xa xôi. Susu ngủ rồi. Yên bồng bé vào phòng với ba, tần ngần một lát rồi lại bước ra hành lang. Yên khẽ khàng ngồi xuống bên hai ba con họ, cùng lặng lẽ rất lâu… Rồi thì Yên nắm lấy bàn tay bé bỏng của bé, nao lòng khi giọng người đàn ông đó nghẹn lại. Yên không biết dùng lời gì để an ủi người cha đang đau đớn vì nghĩ tới phần đời còn lại của con mình gắn liền với cái giường, không cười, không khóc, như một cây cỏ vô tình… Yên có thể làm gì đây để chia bớt âu lo, giữa dằng dặc đêm bệnh viện mà phận người thì vô cùng nhỏ bé thế này?
Đằng xa phía bên kia hành lang có tiếng xôn xao. Rồi giọng một người đàn bà rú lên đau khổ. Tiếng khóc thảng thốt ấy khiến cả Yên và người đàn ông kia đều bàng hoàng, sợ hãi. Yên lật đật chạy trở ngược vào phòng với con, mừng rỡ khi thấy hơi thở của Susu đều đặn trong giấc ngủ an lành…
Rồi Susu cũng qua giai đoạn nguy hiểm. Buổi sáng, khi có kết quả xét nghiệm, Yên nghẹn lời không nói nổi khi mấy giường khác hỏi thăm, lòng không dưng ái ngại một cách khó hiểu. Yên vừa mừng cho con, vừa mơ hồ cảm thấy như có lỗi. Nhìn vào ánh mắt tuyệt vọng của người thân em bé giường đối diện đang buồn bã ngó Yên thu xếp đồ đạc xuất viện, thì Yên chợt nhận ra tại sao lòng mình lại có cảm giác như vậy. Cô bé Na ba tuổi xinh xắn như một con búp bê, da trắng, môi hồng chúm chím đang nằm bất động. Bé đang dần sống đời thực vật. Vì thiếu hiểu biết. Vì chuyển viện trễ. Vì xa xôi. Vì gì gì nữa… Để giờ Yên xót xa tự căn vặn chính mình một câu “vĩ mô” rằng, người lớn chúng ta đã làm gì để các con phải khổ sở thế này?
Ba Susu phụ Yên dọn đồ. Susu lăng xăng dưới chân, bé đang “ạ” cả phòng để ra về. Bà ngoại bé Na bỗng bảo “Cô biểu Na mau hết bệnh về nhà đi cô”. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi thì Yên bước lại giường Na, cúi xuống bên khuôn mặt thiên thần bất động của con bé. Yên thấy mắt mình mờ đi. Dẫu biết lời cầu chúc của mình sẽ khó có cơ hội thành sự thật, nhưng Yên vẫn vững tin bé và những người thân đủ mạnh mẽ để đi tiếp con đường còn lại, phải không Na?
Kết Thúc (END) |
|
|