Ổ khóa va vào cổng sắt kêu lanh canh. Con chó lông xù trắng muốt đủng đỉnh nghển cổ lên nhìn rồi lại cấm cẳng trườn mình ra tấm thảm len chẳng buồn vẫy đuôi chào anh. Dựng xe máy nép vào bóng râm giàn hoa giấy rủ xuống, xách ca táp bước vào nhà. Hà - vợ anh chồm hổm trên sofa giũa móng tay, mắt chăm chăm vào màn hình ti vi đang chiếu một bộ phim cổ trang Trung Quốc.
- Tối anh… đưa con bé Lan… đi xem phim… tôi bận… rồi! – Câu nói gãy vụn trong tiếng la hét inh ỏi, tiếng đao kiếm va vào nhau leng keng loạn xạ.
Cẩn chẳng nói chẳng rằng đi thẳng lên lầu. Anh kéo xoạch tấm rèm, mở toang cánh cửa sổ níu chút nắng tím ngắt hoàng hôn còn sót lại hong mùi nhờ nhợ của bóng tối lắng cặn trong căn phòng đóng im ỉm cả ngày. Mấy vạt gió lẳng lơ dụi dụi vào khuôn ngực vuông vức lấm tấm mồ hôi mở bung cúc áo sơ mi. Cẩn thả mình đánh bịch lên lão ghế gỗ càu nhàu cọt kẹt, thở hắt ra, buông thõng hai tay, ngửa mặt ra sau. Thế giới riêng của Cẩn bày biện trong căn phòng chưa đầy mười hai mét vuông. Xống áo vắt đầu giường, dăm ba cái tất vo tròn lông lốc, chăn rơi một nửa xuống sàn, tủ quần áo cánh mở cánh khép. Chiếc đồng hồ chết bụi đóng tảng như dấu chấm câu chơ vơ giữa trang giấy trắng. Mấy thùng cát tông chất ngất góc phòng đủ thứ kỷ vật lỉnh kỉnh.
Hà đẩy cửa bước vào, ném xấp tiền xuống mặt bàn:
- Tiền bán cái xe máy cũ của anh! Đếm đi, một triệu hai không thiếu một xu, tôi chẳng thèm xơ múi của anh một đồng đâu nhé. Cái xe han gỉ từ thời Napoleon… nói gãy lưỡi bọn đồng nát mới chịu mua cho mà còn cứ giữ khư khư như thầy giữ ấn, chật nhà!
Hà đảo mắt một vòng, nhăn mặt khi thấy mấy tờ bản thảo thơ của Cẩn bị gió thốc vào chân tường rồi quay ngoắt đóng sập cửa. Tiếng cằn nhằn còn rơi vương vãi sau tiếng guốc gõ vào bậc thang lộp cộp. Anh thừ người nhìn xấp tiền mà lòng chung chiêng như cơn bão vừa quét qua. Hồi sinh viên, anh đã phải lăn lộn làm thêm đủ thứ việc từ gia sư, phát tờ rơi, viết bài cộng tác với các báo đến chạy bàn quán ăn, bốc vác… chắt bóp gần hai năm mới mua được chiếc xe máy đó. Anh dựng nó ở góc nhà, thỉnh thoảng đem ra ngắm nghía, lau chùi để nhớ về một thời ăn mì tôm sống, uống nước lã.
Mười giờ tối, Cẩn thắt lòng xót xa khi con bé Lan bắc ghế nhựa ra thềm vừa khư khư ôm con búp bê vừa ngóng ra ngoài cổng. Cứ mỗi lần thấy đèn pha loang loáng rẽ bóng tối đặc quánh là nó lại nhấp nhổm. Con bé ngước lên hỏi:
- Hôm nay mẹ lại về muộn hả bố?
- À ừ… mẹ con bận… - Anh trả lời qua quýt, lảng tránh đôi mắt long lanh soi cả bóng anh của con bé. Cẩn ngồi thụp xuống cạnh nó, vỗ về - Bố kể chuyện cổ tích cho con ngủ nhé! Mai còn dậy sớm đi học nữa!
Một tuần thì đến bốn năm ngày, quá nửa đêm Hà mới về. Đêm nay cũng vậy, Cẩn đang hì hụi dập dập xóa xóa, chuốt lại bài thơ vừa viết xong thì nghe tiếng cổng lanh canh. Ngó ra ngoài cửa sổ, Hà ngoái lại hôn gió một người đàn ông trong chiếc ô tô màu bạc. Anh buông bút, nhìn mảnh trăng non nham nhở như cái bánh quy cắn dở miên man nghĩ những điều không đầu không cuối.
Cẩn năm nay ngoài 30 tuổi, một công chức nhà nước quèn, lương 3 triệu đồng một tháng. Hà hơn anh năm tuổi là chủ một chuỗi nhà hàng chuyên các món gà có tiếng ở thành phố này. Công việc mỗi ngày của Hà là đếm tiền, đi spa, khiêu vũ, tụ tập bạn bè tám chuyện… thi thoảng tạt qua cho người ta không quên mặt bà chủ.
Suốt bốn năm trời cưới nhau, ngoài đêm tân hôn, anh chị chưa một lần ngủ chung phòng. Đám cưới chớp nhoáng chỉ một tháng sau khi quen nhau qua lời mai mối của một người bạn. Hà cưới anh để điền tên người bố trên giấy khai sinh của đứa con trong bụng. Thằng người yêu cũ đã trốn biệt sang nước ngoài sau khi biết tin chị có bầu. Đã thế hắn còn ráo hoảnh một câu: “Chắc gì đã là con tôi!”. Hà cũng tính bỏ quách đi cho rảnh nợ nhưng cái thai lớn quá bác sĩ không cho. Mẹ Hà bưng đầu bít đuôi giấu nhẹm không để lọt ra cho thiên hạ ì xèo dù chỉ là nửa lời sứt mẻ còn ông bố thì mắt chằng chịt gân máu đỏ, long sòng sọc: “Không đưa được một thằng rể tử tế về đây thì đừng hòng tơ tưởng đến cái nhà hàng của tao!”.
Còn với Cẩn – một đứa trai tỉnh lẻ, cưới Hà là lối thoát khỏi cảnh sống nhà trọ, cơm bụi. Ước mơ bám trụ thành phố gói ghém trong ba lô từ cái ngày bố mẹ và nheo nhóc ba đứa em mừng mừng tủi tủi ra tận đầu làng tiễn anh đi trọ học đã vụt thành hiện thực. Anh có một ngôi nhà ba tầng bề thế ngay quận trung tâm - của hồi môn bố mẹ vợ cho, có tiền chạy chữa căn bệnh suy thận giai đoạn cuối cho bố và nuôi đàn em ăn học đến nơi đến chốn, vâng lời dặn của mẹ trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Mấy ngày nay, cả khu phố xầm xì chuyện Cẩn ngoại tình. “Chết chết, cái thằng Cẩn công chức nhà nước hẳn hoi mà đổ đốn thế à? Úi giời tình văn phòng bây giờ nhan nhản!”. “Ơ tưởng lão ấy chỉ mê thơ hóa ra cũng hám gái nhể! Thì vưỡn, cái bọn nhà thơ là chúa đa tình, nay làm thơ tặng em này, mai làm thơ tặng em kia!”. “Cái mặt chú Cẩn hiền như cục đất, suốt ngày lầm lầm lì lì ai ngờ lại dở thói mèo mả gà đồng, đúng là lù đù vác cái lu mà chạy!”…
Cô ấy cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ với Cẩn. Cô ấy là giáo viên tiểu học. Cô ấy có mái tóc ngang lưng cài hoa oải hương khi thì búi cao sau đầu, khi thì buộc hờ. Cô ấy có khuôn mặt bầu bầu ngọt lịm nụ cười má lúm đồng tiền. Đặc biệt là giọng nói mềm mịn như bộ lông của một chú mèo. Cô ấy thường giúp Cẩn ngâm thơ trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Giọng ngâm của cô gọi những vần thơ anh viết cựa quậy, nứt vỏ nảy mầm.
Họ thường hẹn nhau ở quán café quen nằm lắt léo trong ngõ nhỏ, có giàn hoa leo sử quân tử tỏa hương thơm dịu dàng. Cô ấy nhớ thói quen của Cẩn: một cốc café đen không đường và chiếc bàn ngoài ban công tầng thượng. Cô ấy xoay xoay chậu sen đá trong lòng bàn tay, thả ánh mắt lãng du hay chống cằm, đầu nghiêng nghiêng, đăm đắm nhìn Cẩn khi nghe anh say sưa đọc thơ thi thoảng cao hứng bình vài câu thơ tâm đắc. Bình thường “cạy miệng cả buổi mới được một câu” (theo lời mấy anh bạn đồng nghiệp) thế mà ngồi cạnh cô, anh lại thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
Cô ấy tỉ mẩn cắt mẩu báo có in bài thơ Cẩn viết tặng cô rồi ép trong cuốn sổ tay:
Tình hạ
Anh gỡ tiếng ve nâu mắc trên mái tóc em.
Phố giũ mình cơn mưa rào rất vội.
Hạt gió chia đôi loang loang sắc phượng.
Hạ về rồi, em có biết không em?
Giọt cà phê rơi chạm vỡ bâng khuâng.
Mùa bỏng cháy nụ hôn nhiệt đới.
Anh vu vơ tự hỏi:
Hình như hạ nhuộm màu cổ tích cả tình mình?
Chuyện Cẩn ngoại tình đến tai Hà. Chị nhếch mép cười:
- Anh điên rồi à! Anh rời tôi ra liệu có sống nổi không? Với vài đồng lương quèn của anh ở cái đất này thì chỉ có nước chết đói. Một thằng nhà quê đầu trần, chân dép tổ ong như anh gặp được tôi là phúc bảy mươi đời rồi. Không biết an phận lại còn trở chứng. Nếu cảm thấy có thể gặm thơ mà sống qua ngày thì cuốn gói đi luôn đi. Tôi rắc muối gạo theo sau.
Đêm hôm đó Cẩn thức trắng. Ánh đèn đường vàng ệch hắt qua khung cửa sổ kẻ một đường thẳng tắp lên tấm lưng trần của anh. Khói thuốc luẩn quẩn trên đỉnh đầu nguệch ngoạc vẽ hình ảnh của bố mẹ cùng đàn em, của cô ấy và cả của anh hồi còn là sinh viên ngực căng tràn ước mơ, hoài bão. Miệng anh khô rát, đầu kêu o o. Có giọt nước mắt nào phát sáng trong bóng tối.
Lá đơn ly hôn ngay ngắn trên mặt bàn lấm lem ánh ban mai.
Kết Thúc (END) |
|
|