Năm nào cũng vậy, khi gió giao mùa bắt đầu đem hơi lạnh thổi qua khe cửa căn phòng trọ nhỏ xíu này, cô biết là đến lúc cải ra hoa. Khi đó, dù bận rộn đến đâu, cô cũng thu xếp công việc để có một ngày rảnh rỗi. Cô ra chợ, mua một bó cúc trắng tươi rói, còn thấm đẫm sương đêm, rồi ra bến xe, về nơi ấy. Ở với nhau lâu, biết là vào mùa này, thế nào cô cũng sẽ đi, nhưng đám bạn vẫn luôn thắc mắc: “Ở đó có gì hay ho đâu mà cậu cứ về miết vậy?”. Cô cười buồn: “Mình đi ngắm hoa cải!”. Cô không thể kể với ai lý do của chuyến đi. Bởi, dường như nó đã gắn chặt, rất sâu trong trái tim cô, không thể dứt ra được, dù chỉ bằng những lời nói
Sau một buổi ngồi xe đò ê ẩm cả người, đi thêm cuốc xe ôm 30 ngàn đồng, cô đang đứng trên bến sông xưa ấy. Bến sông quê dường như mỗi năm mỗi khác, đông đúc và nhộn nhịp hơn, với nhiều ngôi nhà mới dựng, nằm chen chúc nhau. Thay cho cái bến nhỏ với những con đò ngang lầm lũi qua sông ngày nào, giờ là một chiếc cầu xi măng vững chãi. Cầu không dài, không rộng. Thành cầu cũng chỉ là lan can xi măng, đơn sơ và giản dị. Nhưng chiếc cầu đó từng là mơ ước của bao đời người dân nơi đây.
Cô đưa mắt nhìn những cô bé cậu bé quần xanh áo trắng, trên cổ phấp phới chiếc khăn quàng đỏ, lưng đeo cặp sách, nắm tay nhau đi trên cầu, dưới những vệt nắng nhạt nhòa. Tiếng cười nói của bọn trẻ trong trẻo, réo rắt ngân lên trong không gian khoáng đạt. Thay vì vui với niềm vui thơ trẻ ấy, trong lòng cô lại nao nao một nỗi buồn mênh mang. Đợi bọn trẻ đi khuất, cô tiến lại sát thành cầu, thong thả đưa tay nhấc từng cành hoa cúc, tung lên cao. Những cánh hoa trắng tinh chơi vơi trong thinh không, xoay theo chiều gió, chấp chới đáp xuống mặt nước, thong thả trôi xuôi…
Trước mặt cô là tấm thảm vàng bát ngát của hoa cải. Phóng tầm mắt ra xa, lướt trên các bãi đất phù sa ven sông, cô nhận ra cải từng luống trổ ngồng thẳng vút. Vươn mình đón ngọn gió lạnh từ sông tràn vào, dưới ánh nắng hanh hao, những vồng hoa sáng lên một màu vàng óng, rực cả một góc trời. Điểm xuyết giữa đám cải ngồng là những đám hoa thì là trắng tỏa hương thơm ngát. Cô hít một hơi dài, cảm nhận mùi hương cải hăng hắc đang được những cơn gió đưa đến. Phải thật quen, thật thân thiết mới nhận ra được mùi hương cải. Tuy không nồng nàn như hoa hồng, không ngọt ngào như dạ hương, không gay gắt như hoa sữa… nhưng với cô, bao năm qua, cái mùi hăng hắc của hoa cải đã trở thành hoài niệm, thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Cô khom lưng bước đi giữa những luống hoa, hít hít mùi hương bình dị ấy. Những cơn gió thổi từ cánh đồng bên kia sông, làm chao đảo những nhành hoa cải, tung lên cao tấm thảm bụi vàng. Từng hạt phấn li ti bay bay một hồi rồi nhẹ nhàng đáp xuống trên tóc, trên vai cô.
Đưa tay phủi những hạt bụi vàng, cô khẽ rùng mình. Có phải vì lạnh? Cô nhìn xuống cái áo khoác màu xanh dương, tự hỏi: “Có đúng là lạnh không nhỉ? Mình đang mặc ấm thế cơ mà!”. Nhưng sao cô rùng mình? Hình như không phải gió đang đùa nghịch? Hình như ai đó đang nghiêng người lay thật mạnh những ngồng hoa, để những đám bụi vàng rơi lả tả xuống tóc cô? Cô hối hả nhìn quanh, cố tìm trong những luống cải một khuôn mặt thân yêu với đôi mắt ấm áp, cùng một nụ cười hết sức dịu dàng: “Anh đang dát vàng lên tóc em đấy nhóc ạ!”. Song, cả bãi bồi mênh mông chỉ có một mình cô, cô đơn trong nắng nhạt. Một nỗi đau tê buốt chợt cồn lên trong trái tim …
…Cô ra đời trong ngôi nhà tranh soi bóng xuống dòng sông Tranh xanh thẳm. Ba mẹ cô suốt ngày đi làm nên từ khi còn trong nôi, cô đã được gửi sang nhà bà Năm hàng xóm. Bà Năm làm nghề đan lát nên ít khi đi đâu. Mỗi khi bà Năm đi đâu thì còn có anh, đứa cháu ngoại của bà sẽ được giao việc trông chừng con bé là cô. Có lẽ vì anh không có ba mẹ nên bao nhiêu tình thương yêu anh đều dành hết cho cô.
Hồi đó, suốt ngày cô bám trên lưng anh như con nhái bén khẳng khiu bám trên thân cây khô. Mỗi khi cô khóc, anh ôm cô bằng hai cánh tay cháy nắng xương xẩu, vỗ về cô bằng cái giọng mới vỡ ồm ồm: “Nín đi nhóc, anh thương mà!”. Những câu hát về cái cò cái vạc mà anh học được từ ngoại đã đưa cô vào giấc ngủ. Lớn hơn, anh đưa cô tới trường. Tan học, anh đón cô về. Biết lúc đó cô đói meo nên anh thường mang theo một thứ gì đó ăn được để cô “dằn bụng”. Khi thì mẩu sắn luộc, lúc là miếng bánh đa, khi thì củ khoai nướng… Chao! Khi bụng đói thì ăn gì cũng ngon. Anh nhìn cô ngốn ngấu trong chốc lát, ánh mắt rạng rỡ mà giọng lại làm ra vẻ nghiêm nghị: “Ăn từ từ thôi nhóc! Nghẹn bây giờ!”. Cô gật gật khi trệu trạo nhai nốt mẩu khoai hay miếng bánh cuối cùng, líu ríu nắm tay anh đi dọc bờ sông về nhà.
Bãi bồi sông Tranh quê cô, người ta trồng cải. Cứ vào độ cuối thu, khi trời bắt đầu se lạnh là lúc những vạt cải trổ bông vàng rực. Đó là thời gian vui vẻ và hạnh phúc nhất của cô và anh. Ngang qua những vạt cải, cô liền tháo dép, để chân trần chạy ùa vào rãnh giữa luống hoa vàng rực, hít một hơi thật sâu mùi hương hăng hắc của hoa cải. Anh đi sau, một tay xách dép, tay kia xách cặp cho cô, thỉnh thoảng lại nhắc: “Đừng chạy nhanh quá nhóc, té giờ!”, “Này này! Đừng có ra sát bờ sông như vậy! Trượt chết!”. Tiếng gọi của anh, sự lo lắng của anh trượt qua tai cô như gió thoảng.
Vào những ngày nghỉ, anh và cô hay chơi trò đuổi bắt nhau trong những vồng hoa cải. Anh biết cách ngụy trang rất kín nên không ít lần, cô chịu thua, kêu hoài mà anh vẫn im re. cô nhớn nhác chạy dọc bờ sông, vừa chạy vừa gào tên anh vì sợ anh trượt té xuống sông. Đến khi tuyệt vọng, cô ngồi thụp xuống đất khóc nức nở, kêu anh ơi hời (chứ đâu có nghĩ ra chuyện chạy về nhà gọi người ra cứu), thì anh mới xuất hiện, ngay sau lưng hay trước mặt cô, bất ngờ như từ dưới đất chui lên. Cô giật bắn người, vừa đấm anh thùm thụp vừa lau nước mắt. Anh vít những nhành hoa cải, rắc lên áo, lên tóc cô những lớp bụi vàng, mỉm cười âu yếm: “Nhóc đừng khóc nữa! Anh dát vàng cho em để em thành công chúa nè!”. Cô ngơ ngác nhìn những những lớp phấn hoa li ti rơi trên áo, cười toe toét.
Vậy mà, không phải anh mà chính cô lại bị rơi xuống sông. Hôm đó là chủ nhật nên cô nghỉ học. Ở nhà một mình buồn quá, cô mò ra vườn sau, quên mất lời dặn của ba mẹ và của anh. Đang mùa nước lên. Dòng sông Tranh vốn hiền lành bỗng trở nên hung dữ, đục ngầu với những lớp sóng cuồn cuộn. Song, trước mắt cô khi đó, những con sóng màu nâu đỏ đang uốn lượn thật đẹp, thật dẻo như những nghệ sĩ xiếc. Dòng nước múa may quay cuồng, nhào lộn lên xuống, lúc róc rách, khi ầm ào như mời gọi khiến cô say mê ngắm. Bất ngờ, chỗ đất nơi cô đứng bị lở ra, trôi theo dòng sông, kéo cô theo. Cô hốt hoảng thét lên, vùng vẫy trong tuyệt vọng. Từ trong nhà, anh vội lao ra. Dù bơi giỏi như một con rái cá, anh cũng phải lặn hụp lâu lắm mới đưa được cô vào bờ. Đúng lúc đó, một dòng nước hung hãn từ phía trên tràn tới, cuốn anh theo. Trong tích tắc, cô không còn nhìn thấy bóng dáng của anh…
Cô đã khóc đến như không còn nước mắt. Chiều nào cô cũng ra bãi, ngồi bên đám cải, vừa lau nước mắt, vừa thì thầm gọi tên anh, kể cho anh nghe về nỗi nhớ: Không có anh, cô phải đến trường một mình. Không có anh, cô phải đi về một mình. Không có anh, chẳng còn ai bảo vệ cô. Bao giờ cô cũng phải vừa đi vừa chạy, mắt trước mắt sau đề phòng, sợ bọn con trai trong xóm đuổi theo… Đôi khi, giữa những tiếng nức nở, cô ngưng bặt, nhìn quanh. Dường như cô nghe có tiếng động: anh kìa, ngay sau lưng hay trước mặt cô, bất ngờ như từ dưới đất chui lên? Song, cả bãi sông bạt ngàn chỉ có mình cô, trơ trọi.
Để giúp cô nguôi bớt nỗi đau, gia đình cô chuyển về thành phố. Nhưng hàng năm, khi cải nở hoa vàng rực bến sông, cô lại trở về chốn cũ…
Cô lặng lẽ bước đi giữa thảm hoa vàng rực đang lóa lên lấp lánh trong ánh nắng. Đôi lúc, cô cảm thấy bước chân ngập ngừng như có ai đang níu kéo. Anh đó ư? Cô đứng phắt lại, dớn dác nhìn quanh. Chỉ một mình cô giữa những ngồng hoa cải xao xác đung đưa. Nước mắt cô ứa ra. Bao năm rồi mà sao nước mắt vẫn không khô?
Kết Thúc (END) |
|
|