- Tổ cha bay!
- Đứa nào ném đá?
Văng ra từ mồm lão Chấm Phẩy tiếng chửi ồm ồm khi nhóm Ngũ Quỷ giở trò nghịch ngợm. Lão chửi như một cái máy không cần quay lại xem bọn trẻ phá đám là con cái nhà ai. Mà ở cái xóm nhỏ ven sông Ba Nhánh, lão đâu có lạ gì nhóm Ngũ Quỷ. Đó là thằng Rô đen con ông Hai Sửu, thằng Bớt nâu con bà Năm Dậu, thằng Còi lùn con ông Bốn Thìn, thằng Út chót cháu lão Chín Mẹo và con bé Thêm cháu mụ Bảy Hợi. Chúng nó đi học một buổi, còn một buổi ở nhà. Cha mẹ nghèo, không có điều kiện cho học thêm nên chúng nó rảnh rỗi, thoải mái rong chơi. Hết kéo nhau dạo khắp xóm chọc chó sủa vang, lại rồng rắn ra vạt đất trống bên sông Ba Nhánh đá banh, ôm súng bẹ dừa đánh trận giả. Khi ngang qua quãng sông vắng - nơi lão Chấm Phẩy ngồi câu cá, chúng nó ném đá chủm chủm rồi ù té chạy.
Ngày nào cũng vậy, chúng nó hại lão Chấm Phẩy hai bận.
Lần đi và lần về.
Bọn trẻ nghịch ngợm làm ảnh hưởng đến chén cơm manh áo của lão Chấm Phẩy. Bực tức, lão chửi toáng lên nhưng không nỡ đến nhà mách với mẹ cha, ông bà từng đứa. Bởi lão biết rõ tính khí của ông Hai Sửu, bà Năm Dậu, ông Bốn Thìn, lão Chín Mẹo và mụ Bảy Hợi. Họ dạy con dạy cháu theo kiểu “thương cho roi cho vọt”, vớ được cái gì thì phang ngay cái nấy. Lão thương bọn trẻ nên không đành lòng. Sống ở cái xóm nhỏ ven sông Ba Nhánh, lão từng là kẻ cùng hội cùng thuyền với họ: Đội cát thuê từ ghe xuồng đem lên đổ cạnh bờ sông. Lao động cực nhọc song tiền công được trả chỉ đủ sống qua ngày. Một lần đội thúng cát từ xuồng ghe bước lên tấm ván bắc ngang, lão trượt ngã, cái chân phải bị què. Không thể tiếp tục với nghề đội cát thuê, lão chuyển sang câu cá hanh, cá hồng, cá chim, cá chẻm… kiếm sống qua ngày ở quãng sông vắng. Căn nhà tranh tre nứa lá của lão nơi cuối xóm nhỏ, cánh cửa liếp lúc nào cũng khép hờ. Vợ lão mất từ lâu. Con cháu không có, lão thành người trơ trọi, sớm tối vào ra một thân một mình.
Hình như mấy hôm nay lão Chấm Phẩy không ngồi câu cá ở quãng sông vắng. Bằng chứng là sau những tiếng “chủm… chủm…”, nhóm Ngũ Quỷ không nghe thấy tiếng chửi ồm ồm vang lên: “Tổ cha bay! Đứa nào ném đá?”. Kể cũng lạ! Có lão, bọn trẻ ù té chạy thục mạng. Không có lão, bọn trẻ lại cảm thấy hụt hẫng vì thiếu vắng tiếng chửi quen thuộc. “Ông ấy không câu cá nữa. Chắc là do tụi mình ném đá, cá bỏ đi nơi khác!”. Thằng Rô đen nói. “Không phải đâu! Sau tiếng chủm chủm, sau những vòng sóng loang ra trên mặt nước, tất cả lại bình lặng như chẳng có gì xảy ra…”. Thằng Bớt nâu lý sự. “Ừ, thì cứ cho là thế. Nhưng tại sao ông ấy lại không ra quãng sông vắng ngồi câu cá như thường lệ?”. Thằng Út chót thắc mắc. “Xuống chỗ gốc cây lộc vừng xem, khắc rõ. Biết đâu ông ấy chửi hoài mỏi miệng nên mần thinh?”. Thằng Còi lùn nêu ý kiến. Nhóm Ngũ Quỷ thấy có lý. Cả bọn rón rén tới gần cây lộc vừng sum sê cành lá. Phiến đá bằng phẳng mà lão Chấm Phẩy thường hay ngồi câu cá, lá lộc vừng vàng úa rơi phủ đầy…
- Hay là ông ấy bị đau ốm? - Con bé Thêm nói.
- Đúng rồi! Chỉ đau ốm ông ấy mới không đi câu cá…
Cả nhóm Ngũ Quỷ bàn tán về lão Chấm Phẩy. “Tụi mình nghịch phá ông ấy hết ngày này qua ngày khác. Bực tức, ông ấy chửi đổng rồi thôi. Gặp phải lão Mười Tỵ thì chết! Lão đến tận nhà la lối om sòm. Hẳn nhiên, tụi mình no đòn…”. Thằng Rô đen vừa nhặt viên sỏi ném thia lia trên mặt sông vừa nói. “Ông ấy thương tụi mình. Nếu không, đừng hòng…”. Con bé Thêm cười bảo. “Mà tại sao ông ấy lại có tên Chấm Phẩy? Trước đây, người ta gọi ông ấy là Bảy Dần…”. Thằng Còi lùn hỏi bâng quơ. “Mày không nhớ à? Sau vụ đội cát thuê té ngã què chân, ông ấy đi cà thọt. Ba thằng Út chót thấy ông ấy đi đứng cứ chấm phẩy, giỡn chơi gọi thế, ai dè thành tên. Thằng Bớt nâu lý giải. À há! Cả bọn cùng cười. “Tụi mình nghịch phá như quỷ sứ nhưng ông ấy không ghét bỏ. Bây giờ ông ấy không đi câu cá, chắc là đau ốm… Tụi mình đến nhà ông ấy xem thử. Ông ấy sống trơ trọi một thân một mình…”. Con bé Thêm nói. “Phải đó!”. Tất cả nhất trí.
Chỉ mươi phút sau, bọn trẻ đã có mặt ở cuối xóm nhỏ. Túm tụm đứng thập thò đầu ngõ, không đứa nào dám bước vô vuông sân đất nện bé tí tẹo. Con Vàng nằm dưới gốc vối, gác mõm lên hai chân trước, hé mắt dòm bọn trẻ. Nó không sủa vì quá quen mặt những kẻ đã chọc ghẹo nó không biết bao lần. Có tiếng ông Bảy Dần húng hắng ho. “Đích thị ông ấy bị ốm rồi, ho sù sụ thế kia…”. Thằng Rô đen nói. “Vô coi thử ông ấy bị ốm có nặng lắm không?”. Thằng Út chót bảo. “Nhưng đứa nào đi trước? Con Vàng nằm canh cửa, tao ngán quá!”. Thằng Bớt nâu đùn đẩy. “Tụi mày sợ con Vàng thì cứ đứng đó, để tao…”. Con bé Thêm cười. Rồi hắn cầm chiếc roi vừa quơ loạn xạ vừa cất tiếng gọi: “Ông ơi ông! Ông bị ốm à? Chúng cháu đến thăm ông đây…”. Con Vàng vẫn nằm im bất động dưới gốc vối. Con bé Thêm mở cánh cửa liếp ra. Ông Bảy Dần quấn chăn nằm trên chiếc chõng tre ọp ẹp. Góc bếp nguội lạnh tro than. Con bé Thêm ra trước hiên ngoắc mấy đứa bạn, nhân tiện bảo với con Vàng: “Bọn tao đến thăm ông, không chọc ghẹo mày đâu. Mày nằm yên đấy, đừng có nhảy xổ tới, rõ chưa?”. Con Vàng nghe và hiểu. Nó phe phẩy cái đuôi tỏ sự thân thiện với bọn trẻ.
- Ông không được khỏe à, ông?
- Không hiểu sao dạo này cứ trở trời là ông bị ốm…
Người ngợm mệt mỏi nhưng ông Bảy Dần vẫn gắng gượng ngồi dậy. Ông thấy vui khi nhóm Ngũ Quỷ ngoan hiền, không quậy phá như thường ngày. Trò chuyện, ông mới hay bọn trẻ vẫn tới vạt đất trống cạnh bờ sông Ba Nhánh đá banh, không thấy ông ngồi câu cá dưới tán cây lộc vừng nên kéo nhau đến nhà xem sao. Trò chuyện, bọn trẻ mới biết cả ngày nay ông không ăn uống gì, bếp lửa nguội lạnh tro than. Thương ông, bọn trẻ tự động làm cái công việc mà đứa nào cũng rành: Nhen lửa, vo gạo, bắc nồi nấu cháo… Bọn trẻ được dạy bảo làm công việc đó để đỡ đần mẹ cha nên tất cả đều thành thạo. Nhất là con bé Thêm. Hắn nêm muối, lấy vá khuấy nồi cháo rồi múc nếm thử xem vừa miệng hay chưa. Thằng Rô đen, thằng Bớt nâu, thằng Còi lùn và thằng Út chót hái rau hành ngò ở vạt rau cạnh giếng nước đem rửa sạch, xắt nhỏ. “Ông ơi! Nhà mình có mì chính, có tiêu hạt không ông?”. Con bé Thêm hỏi. “Có! Ở trong mấy chiếc lọ thủy tinh trên gác bếp”. Ông Bảy Dần khẽ bảo.
Nồi cháo hoa đã chín. Con bé Thêm lấy vá múc ra bát, rắc rau hành ngò và hạt tiêu khô giã nhỏ, bưng lên bàn mời ông. Cảm động trước tấm lòng thơm thảo của bọn trẻ, ông Bảy Dần ứa nước mắt. “Ơ… sao ông lại khóc?”. Bọn trẻ ngơ ngác hỏi. Ông Bảy Dần cười: “Ông có khóc đâu? Chắc tại bụi bay vào mắt…”. Bát cháo hoa nóng hổi, thơm nồng mùi tiêu xen lẫn với mùi rau hành ngò, con bé Thêm lại nêm muối vừa miệng, ông Bảy Dần ăn thấy ngon chi lạ! “Các cháu đã giúp ông thì giúp cho trót. Ông nhờ các cháu một việc được không?”. “Dạ được! Ông cứ nói…”. “Các cháu qua bên kia cầu, đến tiệm thuốc tây cô Hồng mua giùm ông liều thuốc cảm. Tiện thể, các cháu ghé quán tạp hóa bà Yên mua giúp ông năm gói kẹo ngon”. “Ông đau, mua thuốc là đúng rồi. Nhưng mua kẹo làm gì hở ông?”. Con bé Thêm thắc mắc. “À, ông đau, nhạt miệng, mua kẹo ngậm cho nó bớt nhạt…”. Bọn trẻ cầm tiền chạy đi. Phố thị và quê kiểng chỉ cách nhau con sông Ba Nhánh. Bên kia là nhà cao tầng xây theo hình ống. Còn bên này là xóm nghèo tre pheo rợp bóng.
Ông Bảy Dần ăn xong bát cháo, người vã mồ hôi, khỏe hẳn. Đúng lúc đó, bọn trẻ rồng rắn trở về, nói cười rôm rả. Đặt tất cả những thứ vừa mua lên bàn, bọn trẻ nói: “Chúng cháu làm theo lời ông dặn…”. Con bé Thêm móc túi áo lấy tiền thừa đưa trả lại cho ông bằng cả hai tay. Xoa đầu bọn trẻ, ông Bảy Dần khen: “Các cháu ngoan lắm. Năm gói kẹo kia là phần thưởng ông dành cho năm đứa. Riêng số tiền thừa, các cháu cử đại diện cất giữ để mua quà vui ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6. Còn mấy hôm nữa là tới ngày hội của lứa tuổi măng non rồi…”. Bọn trẻ ngớ người. Bởi đó là điều bọn trẻ hoàn toàn không ngờ tới. Rất hồn nhiên, tất cả toét miệng cười: “Chúng cháu cám ơn ông nhiều ạ!”.
Kết Thúc (END) |
|
|