Một buổi chiều đầu hạ. Tôi men theo con đường bê tông viền quanh hồ Thơ rồi thuận chân vượt qua cái truông ngắn cạnh hố Bánh Xe lên cánh đồng Cây Thị. Chỉ cách nhau cái truông ngắn ấy, bên này là làng Lâm Bình, còn bên kia là làng Tả Lâm.
Ngắm nhìn cánh đồng Cây Thị đã qua mùa gặt, mặt ruộng còn trơ những gốc rạ khô xác, lác đác có mấy con trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ dưới ánh nắng xiên khoai, tôi bồi hồi nhớ lại một thời tuổi nhỏ. Hồi đó, tôi mới mười hai, mười ba tuổi, một buổi đi học, còn một buổi cầm roi chăn thả con trâu Bầy. Thằng Mày nhà ở kế bên nhà tôi, trông coi con bò Vàng Nâu. Sau khi gặt xong vụ lúa đông xuân, cánh đồng Cây Thị trải rộng đến tận chân Núi Sấu bị bỏ hoang hơn phân nửa vì khô hạn, không có nguồn nước tưới. Tôi với thằng Mày thường hay lùa trâu bò vượt qua cái truông ngắn ấy lên cánh đồng Cây Thị chăn thả.
Nhà ở cạnh cái truông ngắn ấy, thấy tôi với thằng Mày ló mặt tới, cô Ba Xúm vội thả ba con bò ra thung thăng gặm cỏ tự do. Không có hai đứa tôi, cô dùng sợi dây thẹo (dây thừng) dài chừng hai chục mét, một đầu buộc vào mũi bò, một đầu buộc vào chiếc cọc gỗ độ bốn mươi phân, to bằng cổ tay đóng xuống đất. Ba con bò Đốm Trắng, Vàng Nhạt và Cộ Thiến kiếm ăn quanh quẩn trong bán kính đó. Gặm hết cỏ, chúng được cô di dời chiếc cọc gỗ đi chỗ khác. Chân cô bị dị tật, chấm phẩy đi lại rất khó khăn, thả ba con bò ấy ra, chúng trở chứng lồng lên, cô không thể nào đuổi theo được. Có hai đứa tôi, cô tranh thủ thả chúng ra cho đỡ cuồng chân. Chúng cặp với con Vàng Nâu và con trâu Bầy thành “bộ năm” khá thuận hòa. Nhiều hôm chúng lang thang quá xa, thằng Mày và tôi phải cầm roi co cẳng chạy đi lùa chúng quay trở về những thửa ruộng cạn bỏ hoang cạnh giếng đồng. Xong “nhiệm vụ”, hai đứa tôi đến ngồi dưới gốc cây thuốc cá cổ thụ trước ngõ nhà ông Chín Thinh. Cô Ba Xúm trả công cho tôi với thằng Mày bằng cách kể chuyện đời xưa, chuyện cổ tích về các loài chim, các loài thú với giọng nhẩn nha trầm đều nhưng vô cùng hấp dẫn lôi cuốn. Những câu chuyện của cô đã mở ra cả xứ sở thần tiên đối với tôi.
Hồi ấy, gò đồi Mù U, Gò Mè, Đá Dựng… rừng rậm lấn sát làng Lâm Bình; còn Núi Sấu ở làng Tả Lâm, cổ thụ đứng ken dày, cành nhánh sum suê phủ che kín mít. Nhìn dáng vẻ rừng trầm mặc thâm u, người lớn cũng cảm thấy chờn chợn, chỉ dám quẩn quanh nơi bìa rừng để bứt mây, hái trái ré sa (sa nhân), đào khoai nần hoang và quơ củi chụm. Cô Ba Xúm bảo rằng, ở lưng chừng Núi Sấu có hang Bà Thuột to rộng thênh thang với nhiều ngõ ngách ăn sâu vào ruột núi. Hang Bà Thuột gắn liền với những câu chuyện cổ tích ly kỳ hấp dẫn, trẻ con ngồi nghe say mê đắm đuối. Rừng núi vây quanh là nơi cư ngụ của mang, hoẵng, chồn, cheo, heo rừng… Hẳn nhiên, đấy cũng là “mái nhà chung” của bao loài chim chóc. Sống quanh quẩn gắn bó với ruộng đồng, đồi nương, vườn tược… là các loài chim chào mào, chích chòe, bồ chao, cu cườm, dồn dột, sơn ca, sáo ngà, sáo sậu, cà cưỡng, tu hú, chèo bẻo, chim khách, chim sắc mốc, chim sắc đen… Nhiều loài “lâm điểu” sống ở rừng sâu thỉnh thoảng cũng đáo ra bìa rừng kiếm ăn, tôi với thằng Mày không trông thấy hình dáng nó như thế nào, chỉ nghe tiếng hót thánh thót với những cung bậc trầm bổng khác nhau.
Hầu hết loài chim ở quê tôi, theo lời cô Ba Xúm, đều gắn với những câu chuyện cổ tích ly kỳ, hấp dẫn.
Hạ sang. Thằng Mày thường hay rủ tôi lang thang trên đồi Mù U vào những buổi trưa chói chang nắng gắt để hái sim. Nhiều loài chim cũng biết đấy là khoảng thời gian mùa sim chín rộ nên kéo nhau về đánh chén trái cây ngọt lịm ở hoang đồi. Lắm lời là chim bồ chao, chào mào. Cãi nhau ỏm tỏi là chim sắc đen, sắc mốc. Vừa ăn vừa than thở là chim “cực cực… miết!”. Chẳng biết ngon hay dở, cứ xơi căng diều rồi cười là chim “ủa… khà khà!”. Có giọng hót ngân vang đầy đe dọa là chim “bắt cô trói cột”. Không đậu một chỗ, cứ bay chuyền cành từ ngọn cây này đến ngọn cây khác, cất tiếng kêu khàn đục như năn nỉ ỉ ôi là chim “chót… bóp thì bóp!”. Đồi Mù U sim mua mọc xen lẫn với chà rang - cây thân gỗ săn chắc, nhỏ bằng cổ tay trẻ con, chặt làm củi đun nấu có lửa than cháy rất đằm rất đượm. Điểm xuyết trên cái nền xanh của bao loài cây lá thấp là những cây bứa, cây chay, cây mù u, cây chim chim… đứng rải rác khắp nơi, cành nhánh sum sê xòe ra che bên dưới mát rượi. Lũ chim hoang sau khi chén no nê những quả sim chín mọng trông không khác gì cái trống trường bé tí ti, chúng tụ tập ở những cây cổ thụ ấy, thi nhau hót líu lo, thi nhau cãi chí chóe làm náo động cả đồi Mù U giữa trưa mùa hạ.
Cô Ba Xúm bảo rằng, mỗi loài chim vốn là một phận người sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khác nhau. Như chim “chót… bóp thì bóp!” là hiện thân của cô gái vừa chớm tuổi rằm trăng của vợ chồng nông dân nghèo ở làng nọ. Cô gái có cậu em trai lên mười. Một hôm, hai chị em dẫn nhau ra con suối nhỏ trước nhà mò cua bắt ốc đem về chế biến món ăn. Gần trưa, hai chị em đến giếng thơi tắm gội. Thấy ngực chị có chũm cau nhú lên sau làn áo vải nâu dính bết vào da thịt, cậu em tò mò bóp thử. Người chị về học lại với mẹ. Cậu em bị la mắng, xấu hổ bỏ nhà ra đi. Người chị hối hận, vừa lang thang hết làng này đến làng khác tìm em, vừa cất tiếng gọi: “chót… bóp thì bóp!”. Rồi một ngày kia người chị kiệt sức vì đói khát, hồn lìa khỏi xác hóa thành loài chim “chót… bóp thì bóp!”. Còn chim “cực cực… miết!” vốn là một anh chàng siêng ăn nhác làm. Mẹ cha qua đời, không người nuôi nấng, anh ta buộc phải cuốc đất lật cỏ gieo trồng rau đỗ, sắn khoai… để sống qua ngày. Ăn như rồng cuốn. Uống như rồng leo. Nhưng làm lụng lại như mèo mửa. Đến kỳ giáp hạt, anh ta thường xuyên bị đứt bữa vì chẳng có chi bỏ vô nồi nấu. Người ta bảo, đói đầu gối phải bò. Anh ta lười nhác đến độ nằm một chỗ than thân trách phận tại sao lại cực cực miết? Khi chết hóa thành chim vẫn cứ kêu: “Cực cực… miết!”.
Da diết thiết tha và có chút gì đấy như giận hờn như oán trách là tiếng hót của chim “kéo sợi”. Nó có thân hình nhỏ nhắn, lông màu xám rêu nhưng tôi không rõ nó lấy hơi sức đâu mà cất giọng hót với chùm âm thanh lên bổng xuống trầm đầy tâm trạng không biết giãi bày cùng ai: “Kéo thao cho bà Quýt, hút hít chi cần sa…”. Cần sa là gì? Tôi và thằng Mày không biết! Hỏi cô Ba Xúm, cô cười: “Hai đứa nghe nhầm rồi! Nó hót: “Kéo thao cho bà Quýt, bú đít cho bà Ba…”. Đấy, hai đứa nghe thấy chưa?”. Thằng Mày cãi lại. Thua. Hắn không chịu đi lùa giúp con bò Đốm Nâu lặng lẽ đến gần đám đậu gạo. Cô đành phải xuống nước với hắn. “Cần sa là loài độc dược, hút hít sẽ gây nghiện hệt như thuốc phiện”, cô bảo. Rồi vui chuyện, cô kể cho hai đứa tôi nghe về sự tích chim “kéo sợi”. Rằng, ngày xửa ngày xưa có vợ chồng nọ ăn ở với nhau được hai mặt con. Vợ ở nhà kéo sợi quay xa cho bà Quýt. Chồng làm thuê cuốc mướn. Một hôm, anh chồng thấy loài cây lạ mọc hoang ở bờ sông, vò ngửi thử có mùi thơm nồng, hái về phơi khô hút thay thuốc bổi (thuốc rê), nào ngờ người ngợm lờ đờ, đầu óc lơ mơ chợt nhớ chợt quên, chân tay bải hoải, suốt ngày ngồi bó gối nói cười ngô nghê. Thầy thuốc bắc cho hay, đấy là cây cần sa. Anh chồng nghiện ngập nặng, người vợ buồn phiền qua đời hóa thành chim “kéo sợi” than vãn khôn nguôi.
Với tôi và thằng Mày, cô Ba Xúm không chỉ mở ra cả xứ sở thần tiên bằng những câu chuyện cổ tích, mà còn là người dạy bao điều thiết thực để nhận biết về cuộc sống ở nơi thôn dã.
Tại sao chuyện gì cô Ba Xúm cũng am hiểu một cách tường tận? Dù không biết chữ nhưng cô vẫn thuộc như cháo chảy truyện thơ “Mục Kiền Liên cứu mẫu” của nhà Phật?
Đem những thắc mắc ấy, tôi hỏi mẹ. Khẽ nén tiếng thở dài, mẹ tôi sẽ sàng kể cho tôi nghe về cuộc đời không may mắn của cô Ba Xúm. Là con gái của cặp vợ chồng hiếm muộn ở làng bên, sinh ra và lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa. Năm mười bốn tuổi bị ốm nặng. Chẳng hiểu sao khi bình phục, chân trái bị cà lỉa, đi lại khó khăn. Song thân buồn tủi rồi lần lượt qua đời. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cô Ba Xúm tự bươn chải để tồn tại với đời. Thời xuân sắc bất ngờ cô mắc bệnh chàm bao, bắp chân phải lở loét hôi thối, mọi người kỳ thị tránh xa. Cô bỏ nhà đi lang thang. Đến làng Tả Lâm, cô được vợ chồng ông Sáu Hoanh cưu mang đùm bọc. Ông Sáu Hoanh xuất gia đi tu ở chùa Tế Nam, am hiểu về nghề y dược. Sau ba năm kiên trì bó lá thuốc, ông đã chữa lành bệnh cho cô. Cảm kích trước tấm lòng từ bi của ông, cô tự nguyện ở lại nhà làm người giúp việc. Cô Tư - vợ ông Sáu Hoanh, dành dụm tiền mua mấy con bò cho cô chăn thả, tạo nguồn thu nhập cho gia đình sinh sống. “Không biết chữ nhưng cô Ba Xúm có trí nhớ hơn người, chuyện đời xưa và chuyện nhà Phật, cô nghe qua và nhớ như in”, mẹ tôi bảo.
Nắng chiều hanh hao. Ngồi trên phiến đá đen nổi lên giữa cánh đồng Cây Thị, tôi nhìn ngắm chung quanh và bồi hồi nhớ lại một thời thơ ấu. Qua tuổi chăn trâu cắt cỏ, tôi rời làng Lâm Bình yêu dấu lang bạt khắp nơi rồi lập gia đình định cư ở chốn phố xá đất chật người đông. Chừ nghỉ hưu, tôi mới có điều kiện trở về quê kiểng, men theo cái truông ngắn lên cánh đồng Cây Thị tìm lại tuổi thơ của mình. Cảnh vật vẫn không có gì thay đổi. Chỉ vạt rừng đệm giữa hố Bánh Xe và cánh đồng Cây Thị đã bị chặt phá để trồng khoai sắn ngay sau ngày nước nhà hòa bình thống nhất. Cô Ba Xúm đã mất từ dạo tôi xếp bút nghiên lên đường sang chiến trường K. Thằng Mày lấy vợ và theo quê vợ sống ở làng Tiên Giang. Cuối đời hắn ăn chay trường và tu tại gia. Lên cánh đồng Cây Thị, tôi lại nhớ cô Ba Xúm, người mở ra cả xứ sở thần tiên bằng những câu chuyện cổ tích ly kỳ hấp dẫn cho tôi và thằng Mày những ngày thơ bé…
Kết Thúc (END) |
|
|