Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Thị Thành Tác Giả: Thảo Nguyên    
    Xóm trọ bàn tán xôn xao, coi bộ kỳ này Bảy tính tăng giá phòng, thiệt ngặt hết sức, tết nhứt tới nơi rồi. Một, hai trăm ngàn đồng cũng đau đầu chớ giỡn. Lương, thưởng đã chẳng được mấy mà quần áo, giày dép cho sắp nhỏ, bánh mứt, thịt heo, thịt gà, giá vé tàu xe, cái chi cũng đội trên trời.
    “Chắc cú Bảy tăng tiền phòng. Về quê chớ Thuận, tui thì thôi, ra năm tính”, cậu bạn phòng bên thình lình hỏi làm Thuận giật mình. Anh đã quên mất khái niệm về quê ăn tết dù biết ba má trông. Bức bối quấn riết lấy Thuận và rõ ràng đang ngày càng siết chặt hơn. Đồng nghiệp gửi số điện thoại, nhắn bác sĩ tâm lý nớ giỏi lắm, ghé coi. Một võ sư Judo vô viện thần kinh, anh hơi nóng mặt, nghĩ dị òm. Lo lắng thường trực về những điềm xấu có thể ập xuống bất cứ lúc nào còn giày vò anh hơn. Nhiều bữa trưa, Thuận thẩn thờ trên tầng thượng khu huấn luyện nghĩ ngợi, rốt cuộc chuyện bắt đầu từ đâu, có phải vì anh nên mới tệ thế này. Bơi giữa mớ hỗn độn xúc cảm, thành ra, cái sự tăng giá phòng giả tưởng rôm rả xóm trọ cả tuần rồi, Thuận chẳng dự phần. Bảy vừa ốp mới nền gạch men, tráng xi măng cả sân khu trọ, lại còn trồng cả vườn rau cho cắt ăn thoải mái, thì cũng đáng. “Qua họp coi Bảy có chuyện chi”, Thuận rời bậc cửa, hướng mắt vô phòng khách nhà Bảy thay câu trả lời.
    Trong lúc chờ mọi người tề tựu, Bảy bày ra đĩa mứt quất, kêu tau mới làm, bây nếm thử coi, mai mốt sên mớ nữa ăn chơi. Mấy chị đang thon thót lo chuyện tiền trố mắt ngó nhau, Bảy vẫn thủng thẳng như này hồi giờ, rứa mới lo. “Hường thích món ni lắm, thiệt khổ con nhỏ”, Bảy nói bâng quơ mà Thuận giật mình thêm bận nữa. Ủa, răng rứa Bảy, tự dưng lôi Hường vô đây. Mà, vợ mô rồi Thuận, sáng chừ không thấy. Nhiều chị day mắt về phía Thuận, anh gãi đầu cười cười: “Đồng nghiệp cũ hẹn cà phê, em mới chở hai má con lên đường sách để chơi trên nớ bữa”. Giữa những thắc mắc, Bảy chêm vô tỉnh rụi: “Tau cố ý họp nhà mình khi vắng con Hường”. Tim Thuận nhói lên từng chập. Hường có nói chi nặng lời với vợ chồng Bảy? Hay cô đập bể mấy chậu bông kiểng, xách nước trút ào ào đầy khay rau đang kỳ xanh mướt? Thuận dáo dác ngó ra sân, sợ những càu nhàu chê trách sẽ nhấn chìm anh xuống một bậc nữa, vì lo.
    Thuận thương Hường dạo cô còn là sinh viên ngân hàng, hai đứa luôn xếp đầu danh sách nợ tiền trọ. Bảy chưa càm ràm tiếng nào, thậm chí bà còn dấm dúi thêm, khi thùng mì tôm, chai mắm nêm, khi bịch cá cơm khô, nắm hành tỏi. Vợ chồng Bảy vun vào cho hai đứa rất nhiều. Bận cưới hỏi, bà tay xách nách mang về quê Hường đứng ra phụ nhà gái lo. Anh em Hường, đứa lớn mười lăm, đứa út bảy tuổi, mồ côi ba má giữa đại hồng thủy mùa đông 1999. Hường không có những cuộc đoàn viên đủ đầy. Ba anh em nương ruộng khoai lang, sau nữa là nghề mộc của anh hai để sống. Chú, bác gần cũng nghèo rớt mùng tơi, thương cháu nhiều lắm là cân gạo, cân bắp, mấy khoản khác đành chịu. Anh hai bỏ học theo cánh đàn ông làng xách thùng đục tỏa khắp vùng quê nhận đóng bàn, ghế, tủ thờ cho người ta, hồi đầu phụ việc, dần thành thợ chính. Phần trường lớp, anh nhường Hường với thằng út: “Ai biểu bây lãnh thưởng học giỏi chi”, anh nhe răng cười, đưa tay cốc đầu Hường kêu ráng chịu nạn học hành đi, tau nghỉ khỏe chớ học mệt muốn chết.
    Bởi nghĩ vì mình nên mộng ước kỹ sư của anh gãy giữa chừng, Hường gắng gượng và kìm nén hết sức. Cô tằn tiện từng chút một, dù là tiền bạc hay cảm xúc, kiểu chi cũng bó lại thành những nhúm nhỏ nhất. Sau mấy năm căng mình sống sót qua hết giảng đường, đi làm coi ổn chút cũng là thời điểm út nhà Hường đã rời trường đại học tự lập được. Thuận ngỏ lời, Hường bật cười không chớp mắt, giọng nghe như trớt quớt, như giỡn chơi, nhưng anh biết cô thiệt lòng: “Tui lớn lên y cỏ dại, khô khan cục mịch lắm nghe, Thuận nhắm chịu nổi không mà đòi cưới?”.
    “Tau buồn hết sức Thuận ơi, chẳng lẽ bây coi tau người dưng. Ừ thì không máu mủ thiệt, nhưng khu mình có bảy phòng, tính ra mười mấy người chớ nhiêu. Anh em bây đều ngoài mình vô, sống ở đây riết, tau quen từng gương mặt, giọng nói, tiếng cười, đứa mô cũng như con cháu. Có khó thì chia sẻ cho nhau hay để cùng gỡ chớ con”. Trong khi cúi gằm mặt nghe Bảy nói, Thuận hiểu rằng, nỗi niềm anh khó giãi bày bấy nay, bà đang khui ra từng chút một. Mốc sinh non vào tuần thứ ba mươi hai của thai kỳ, chỉ nặng một cân tám phải thở máy. Con ấp lồng kính, mấy tuần đầu không được gặp, Hường khóc suốt, điều Thuận chưa từng thấy từ độ quen nhau. Cô nheo mắt cười rồi lại thở ra trước cảnh mấy bà mẹ trẻ khác cùng phòng dịch vụ tỉ mẩn theo dõi phân su, cho bé bú sữa non, háo hức kể từng chuyển động nhỏ nhất trên cơ thể các con, chỉ mình Hường lặng lẽ bấm đốt ngón tay chờ tới giờ đi vắt sữa. Hai rưỡi sáng, bên ngoài trời dông, sấm sét đì đùng, Hường vùng chạy sang khoa sơ sinh đập cửa phòng lồng kính rầm rầm, vừa hét vừa nấc: “Trả con cho tôi”, “Cho tôi bế con với”. Thuận ôm ngang hông vợ, giữ thiệt chặt, và cũng giàn giụa nước mắt. Má Thuận nói hay để bà đưa dâu con về quê chăm: “Tau xót Hường đứt ruột bây ơi”, anh chị em bàn ra, đâu có được, mình trên núi, cách hơn ngàn cây số, ở lại phố đi viện dễ hơn chớ.
    Cơ thể Mốc yếu, hay cảm vặt, quấy khóc cả đêm ngày, hết kỳ nghỉ thai sản, rời con vài phút Hường đã hoảng hốt. Chị bạn đồng nghiệp thủ thỉ, hay tạm ngưng việc đi, nhân viên ngân hàng lương khá thiệt mà áp lực quá, chỉ tiêu mỗi tháng mỗi tăng, thời giờ đâu chăm con. Tính ra, với chị em mình, cái sự nghiệp to bự nhứt vẫn là đứa con. Làm đến kiệt sức gom góp tiền, qua tuổi bốn mươi, vái tứ phương không biết chừng nào chị mới có mang. Hường hỏi ý Thuận, anh gật đầu liền, em mệt rồi, nghỉ ngơi đi. Hai vợ chồng đã có một khoản để dành kha khá, chưa vội mua căn chung cư, cứ từ từ vài năm nữa cũng đâu có sao.
    Thuận huấn luyện đội Judo trẻ thành phố, tập huấn, thi đấu liên miên, còn Hường ở lại khu trọ đánh vật với tiếng con khóc, tã, sữa, quần áo, thuốc men, xoay hơn chong chóng. Tháng ngày qua, sáng đẩy xe nôi ra đường, Hường gợn buồn trước những chàng trai cô gái hối hả đi làm, đi chơi. Ngại ngùng giấu vạt áo thum thủm phân trẻ trong tiệm bách hóa, Hường nhớ mình những ngày xưa, cô nhân viên sáng sủa lanh lẹ luôn đứng đầu chỉ tiêu chi nhánh mỗi tháng. Ngồi trước chén cơm khô rốc từng hột, Hường tưởng gương mặt má phía ghế đối diện, lựa phần cơm nóng và dẻ từng miếng cá nục, sợ con gái mắc xương.
    Thuận nghĩ mình ráng gánh vác kinh tế, Hường sẽ ổn khi con cứng cáp hơn. Chính cô cũng tin vậy, cho đến một buổi chiều muộn, trở về từ trung tâm huấn luyện, dắt xe vô cổng Thuận đã nghe tiếng Mốc khóc ngặt, Hường thì bắt ghế ngồi ngoài sân. Ánh mắt trống rỗng của vợ ám ảnh Thuận. Nhiều buổi chiều sau nữa, Hường như thành một người khác. Cô ôm thằng bé gà gật trong nhà vệ sinh. “Em làm cái chi ri”, không kiềm được, Thuận quát. Đáp lại anh là cái nhìn vô vọng cùng những câu lầm rầm khiến Thuận ngơ ngác: “Hường, con phải giữ em thiệt chặt nghe, ba má bơi qua nhà bà nội coi răng, nước lên quá”, “Má biết con cực lắm Vinh, các em còn nhỏ dại, mình nhường em chút con hỉ”. Vinh là tên anh hai của Hường.
    Hường đã cắt trụi vườn rau cải Bảy chuẩn bị cho tết, bó thành từng bó nhỏ, xong thì chạy ào đi kiếm xe đạp tính chở lên chợ bán. “Anh Hai chưa về, mai đưa ông Táo rồi, con bán mớ ni được chừng mô hay chừng nớ mua đồ cúng, nội hỉ”, Hường nói lúc Bảy giằng lại ghi đông xe đạp của chị Mẫn cuối khu trọ, hỏi Hường con làm chi lạ rứa. Hai chậu quất kiểng ông bạn già mới chở tới tặng vợ chồng Bảy chưng tết, Hường cầm rổ ngắt hết trái. Quá sửng sốt Bảy buông thõng hai tay, Hường quay nhìn bà cười, trong khi ánh mắt hoàn toàn vô hồn: “Hường, chạy qua nội lấy bịch lá gai về má quết gói bánh ít, có mớ quất làm mứt cho cô nữa nề, ưng chưa”. Giọng Bảy ứ nghẹn giữa lưng chừng từng câu.
    “Nghe bây rì rầm con Hường điên, bị ma nhập, Bảy thấy đau ở đâu đó trong lòng. Bây trẻ, bây hiểu biết, nhiều thông tin hơn vợ chồng già tau, nhưng chí ít tau chắc Hường không bị ma nhập chi mô, nó trầm cảm sau sanh. Bà con xa không bằng láng giềng gần là những lúc như ri, thương lấy nhau chớ bây”.
    Bảy kéo vạt áo quệt mắt, hỏi những hồi xưa, bây còn nhớ khoảng sân ni không, sáng mô con Hường cũng dậy thiệt sớm quét dọn rồi mới đi học, đi làm. Tết nhứt nó phụ tau hơ lá chuối, vuốt nếp gói bánh tét nấu bây ăn. Bữa tất niên, bây tụ tập hát karaoke, nhảy nhót tùm lum, con Hường lui cui dưới bếp chiên ram, nấu xôi dọn lên, rồi còn lăng xăng sên mứt dừa, hấp bánh tổ, đổ bánh thuẫn đặng bây mang về quê làm quà. “Chừ Hường đang không được khỏe, răng bây nỡ nặng lời nói điên khùng được?”. Chị Mẫn thút thít, hèn chi bữa trước con hoảng hồn kiếm miết cái xe. Anh Tình chép miệng, thiệt tệ hết sức, mình cứ lớn tiếng kêu răng Hường để cu Mốc khóc miết nhức đầu. Lanh bưng mặt, bữa em khịt mũi la Hường làm biếng, cu Mốc ị ra đầy hôi rình. Thuận gục xuống, hai bờ vai run run: “Vợ con cần được giúp đỡ, Bảy ơi!”. Phòng khách lặng ngắt cả nửa giờ đồng hồ.
    Hai người con của Bảy đều ra nước ngoài, có lẽ không thiếu tiền bạc, chỉ hạn hẹp thời gian. Mỗi bận tết, Bảy dồn tiền phòng trọ mua đồ gói rất nhiều bánh tét, đổ tới mấy thẩu bánh thuẫn, tất tả ra chợ mua thịt làm nem, nấu thịt kho trứng cho phòng nào không về quê. Ông Bảy tỉa tót nhành mai trước cổng, hí hửng tựa trẻ nhỏ được quà chợ của má mỗi bận mai bung bông vàng rực. Tết, nhờ thế, vợ chồng Bảy bớt cô đơn, cũng chẳng còn đau đáu trống trải với cô gái tha hương như Hường. Anh Hai lập gia đình, sinh một lèo năm đứa nhỏ. Út Toàn theo dự án công ty lên Đà Lạt. Hường ít về quê dịp tết, ra Giêng tàu xe rộng rãi, lại rẻ, cô mới mua vé: “Tiết kiệm khoản nớ đặng lì xì cho sắp nhỏ con anh Hai mừng”.
    Cái tết năm hai đại học, Thuận với mấy thằng bạn quyết ở lại kiếm việc làm thêm. Bữa tất niên, thấy Bảy miết tay lên thùng hàng to đùng các con gửi, mặt buồn xo, Thuận rầu rầu hát: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương/ Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về…”, Hường la quá chừng: “Ông không ý tứ chi hết”. Thuận trề môi, cái bà đành hanh kinh, mà từ đó anh thương. Nhưng, cả Thuận và Bảy đã không biết, Hường luôn để ý và nhường sở thích mọi người chớ cô dị ứng dừa, không thèm bánh thuẫn mấy. Hường mê mứt quất rất nhiều. Chọn trái khứa ngâm nước vôi, ướp đường, nhóm lửa sên, từng công đoạn má cầm tay bày cho từ thuở bé dại, phảng phất trong đó gương mặt hiền từ, nụ cười giòn rụm là ký ức đẹp đẽ nhất của Hường về bà.
    Nhạc xuân sắp rộn vang khắp nẻo thị thành. Mấy chị bàn nhau coi tết đứa nào ở lại thì rủ Hường truyền bí quyết sên mứt quất. Còn Thuận, anh tự nhủ, có chi mà dị: “Ngày mai, Thuận sẽ đến bác sĩ, cùng Hường”.

Kết Thúc (END)
Thảo Nguyên
» Đồi Gió
» Mật Sim
» Vòm Mây
» Anh Này, Thỉnh Thoảng Đừng Quên Mất Em Nhé!
» Duyên Đót
» Đất Khách
» Bến Đợi
» Thị Thành
» Ngược Gió
» Lá Đỏ
» Bến Thương
» Giếng Làng
» Thị Thành !!!
» Hồn Gốm
» Đất Hát Lời Thương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má