Mười rưỡi tối, cái tin toàn khu phố bị cách ly được truyền đến tai Tĩnh lúc anh đang chuẩn bị đi làm. Nửa tiếng nữa phải có mặt để giao ca, biết tính sao đây? Còn chưa kịp nghĩ gì đã thấy tiếng bàn tán xôn xao từ dưới sân lan dần lên từng tầng khu nhà tập thể.
“Tin có chính xác không?”. “Tôi vừa đi mua đồ ăn đêm cho vợ thấy lập hàng rào cách ly rồi. Công an đứng chắn hẳn hoi. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng có vài người vẫn cố tình ra vào”. “Báo đăng rồi kia kìa, khu phố mình mới có một người dương tính với Covid-19. Cô này là du học sinh mới đi châu Âu về. Thấy bảo trước khi phát hiện bệnh thì cô này đã đi ăn uống khắp hàng quán trong khu “để đỡ nhớ hương vị quê nhà”. Còn đi hát karaoke, cà phê, lượn chợ đủ cả”. “Gay nhỉ, không biết cô ấy từng ho, hắt xì bao nhiêu cái. Cả tỉ con virus bay lòng vòng khắp phố này. Eo ôi, nghĩ đến thôi đã thấy rùng mình”. “Tình hình này có khi phải di tản nhanh thôi, nếu không sáng mai khi họ bố trí đủ lực lượng chốt chặn thì không ra được. Mà không ra được cũng có nghĩa không thể đi làm. Thế công việc bỏ cho ai? Lấy gì mà sống?”. “Ấy chết, không được. Rất có thể bọn mình đã lây từ cô kia, đang ủ bệnh trong người. Bây giờ trốn ra ngoài lỡ lây ra bao nhiêu người khác có phải rắc rối lắm không. Mình cứ nên tuân thủ quy định cách ly. Làm việc online được thì tốt, không thì đành chịu. Sức khỏe là quan trọng các bác ạ”...
Tĩnh ngồi bệt xuống bậc cầu thang, rút điện thoại gọi cho trưởng ca báo cáo tình hình. Anh chưa bao giờ nghĩ đến cảnh cả khu phố bị cách ly thế này. Nỗi sợ mơ hồ về bệnh tật mấy ngày trước vẫn còn ở xa xôi đâu đó giờ đã hiện hữu ngay đây. Tĩnh quay lên phòng nhìn vợ con đã ôm nhau ngủ. Nhìn đứa con bé bỏng Tĩnh không khỏi lo âu. Một nỗi bất an cứ dâng lên trong lòng Tĩnh khiến anh chìm đắm vào mớ ý nghĩ rối rắm trong đầu. Tiếng tivi phòng bên cạnh vọng sang bản tin cuối ngày “trận dịch này làm đảo lộn thế giới”. Đêm nay chắc nhiều người sẽ không ngủ được.
Tĩnh nằm mãi cũng chán, mở điện thoại ra đọc tin tức. Trên màn hình sáng lên những con số thống kê về bệnh dịch. Ở một nước châu Âu xa xôi đã có cả nghìn người chết vì trận dịch này chỉ trong vài ngày. Dòng chữ “Nhật Bản ghi nhận thêm 676 ca nhiễm Covid-19” khiến Tĩnh khẽ rùng mình. Dịch bệnh ngay khu phố mình còn chẳng khiến Tĩnh hoang mang đến thế. Bởi anh còn có người thân đang đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Một mình nơi đất khách quê người, lỡ có lây bệnh cũng chắc gì được cứu chữa kịp thời. Khi nhiều người nhiễm bệnh, máy móc không đủ đáp ứng thì chắc chắn họ còn ưu tiên cứu người dân trong nước. Việt Nam cũng dừng tất cả chuyến bay chở người Việt từ vùng dịch, lúc ấy có muốn cũng dễ gì về được mà chữa bệnh. Nghĩ đến đây Tĩnh như thấy lửa đốt trong lòng. “Ngủ chưa? Chỗ em có ổn không?”. Ngay lập tức Tĩnh thấy có tín hiệu trả lời, chắc bên kia cũng không ngủ được. “Mấy hôm nay phải đi lại suốt. Ga tàu điện ngầm bên này cả nghìn người một lượt. Không thấy dân đeo khẩu trang. Khẩu trang cũng chẳng có mà mua”. “Em nên nghỉ việc ở nhà chờ qua dịch. Sức khỏe là quan trọng”. “Nghỉ thì lấy gì mà ăn? Công ty họ cũng chưa cho nghỉ. Mấy tháng nay công việc bấp bênh. Vừa ổn định thì dịch bệnh ập đến. Ai cũng sợ thất nghiệp hơn sợ dịch bệnh. Đành phải sống chung với bão thôi. Trời gọi đến ai người ấy dạ. Nhưng anh yên tâm em sẽ cố gắng giữ gìn hết mức”. Tĩnh định khuyên em vài câu nhưng thằng bé đã chào để đi làm. Ngày nào em cũng dậy lúc bốn rưỡi sáng rồi di chuyển đến công ty. Từ đó sẽ có xe đưa đến chỗ làm việc. Cả ngày di chuyển đến mười một giờ đêm mới được về nhà. Tắm giặt, lọ mọ nấu nướng ăn xong có hôm đến một giờ đêm. Em mới hai sáu tuổi mà vắt kiệt sức mình vì miếng cơm manh áo ở xứ người hỏi làm sao Tĩnh không khỏi xót xa. Nếu Tĩnh giỏi dang thì thằng bé đã không phải gồng mình gánh vác thay anh.
Quê Tĩnh nghèo lắm. Nông dân không biết làm gì ngoài trông chờ vào ít đất rừng và vài mảnh ruộng. Năm nào thời tiết thuận hòa thì đủ ăn mà hạn hán thì còn phải xoay xở đủ đường lấy tiền đong gạo. Bố mẹ chân lấm tay bùn nuôi hai anh em Tĩnh ăn học, tốt nghiệp trường cao đẳng cơ điện thì bắt đầu già yếu. Ở quê chẳng kiếm được công việc phù hợp, Tĩnh tìm xuống phố. Anh mong kiếm được việc làm lương cao để phụng dưỡng bố mẹ già. Nhưng người khôn của khó, Tĩnh kiếm được việc làm đã là quá tốt rồi. Chi phí sinh hoạt dưới thành phố đắt đỏ, Tĩnh tằn tiện chi tiêu cũng chẳng gửi được về nhà được là bao. Ấy là khi chưa có vợ, chứ sau này nuôi con còn chẳng đủ nói gì đến chuyện lo cho bố mẹ. Tĩnh bận bịu mưu sinh một năm về được vài lần cũng đã là cố gắng. Nhà có ít đất rừng, mẹ trồng keo “để sau này bán lấy tiền sửa lại nhà. Dột quá”. Vậy mà mấy năm trước mẹ ốm nặng, gỗ trên rừng trồng sắp đến ngày thu cuối cùng phải bán non. Thấy người ta chăn nuôi mẹ cũng vay mượn làm chuồng trại đầu tư vào mấy đàn lợn. Ai ngờ lợn dịch bệnh, rớt giá mẹ lỗ mấy trăm triệu đồng. Nhà không còn gì đáng giá ngoài mảnh đất rừng, ừ thế là bán nốt. Tĩnh giúp được gì đâu, tụi nhỏ thi nhau đau ốm, tiền kiếm được bao nhiêu đổ vào thuốc thang sữa bỉm. Thương bố mẹ nên cậu em trai quyết định đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Chỗ môi giới việc làm họ vẽ vời toàn những điều tốt đẹp. Sang Nhật rồi mới biết kiếm được đồng tiền của người ta đúng là đổ mồ hôi sôi nước mắt. Vác những món đồ nặng trịch trên vai suốt ngày khiến đôi tay tê dại, cơ thể thì đau nhức. Nhưng thằng bé luôn cố gắng để tích cóp từng đồng gửi về nhà trả nợ. Nó cố gắng làm thêm giờ chỉ vì “muốn kiếm ít vốn sau này về quê làm ăn, lấy vợ”. Tĩnh thở dài, anh đứng dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy dưới sân tập thể nháo nhác người chạy qua chạy lại. Vài thùng mì tôm, vài túi gạo được chuyển vào. Đâu đó có người kéo vali vội vã rời nhà như một cuộc “đào tẩu” khỏi khu phố đang phong tỏa cách ly.
Vợ Tĩnh tỉnh giấc, sau khi biết tình hình thì bàn tính với chồng:
- Hay là mình đưa tụi nhỏ về quê tránh dịch ngay bây giờ?
- Không sao đâu. Anh vẫn thấy cứ ở yên đây là an toàn nhất.
Tĩnh nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ của vợ. Anh biết Bích không chỉ đang lo lắng đến sự an toàn của cả nhà mà còn hỗn độn đủ thứ lo âu. Bích phụ bếp cho một quán cơm văn phòng, ngoài ra còn bán hàng online. Chủ yếu là các mặt hàng nông sản vùng miền, mùa nào thức ấy. Ở đâu có nguồn hàng quen biết thì nhập về bán kiếm đồng ra đồng vào. Nem chua Thanh Hóa, cá thính Phú Thọ, cà phê, bơ, điều, sầu riêng Tây Nguyên… đủ cả. Mỗi thứ một ít, nhờ tài xoay xở của Bích mới có được căn nhà tập thể cũ này. Giờ dịch bệnh quán cơm đóng cửa. Chỉ trông chờ vào buôn bán online mà giờ bị cách ly thế này thì biết làm sao. Hàng hóa vẫn bừa bộn trong nhà. Bơ sắp chín hết, nho đang trên đường từ Ninh Thuận chuyển ra. Cá thính, măng chua xếp đầy một góc nhà đều đã lên đơn sẵn.
- Sẽ không sao em ạ. Chắc là vẫn có cách giải quyết thôi. Mà nhà mình chưa dự trữ lương thực, cùng lắm là ăn hết chỗ này cho qua mùa dịch.
- Em chỉ sợ dịch bệnh lâu dài, biết xoay cách gì kiếm sống?
- Khó khăn chung, ai cũng vậy. Từ từ rồi tính. Em vào nằm cạnh con, ngủ tiếp đi.
- Em đi pha cà phê nhé.
- Mấy giờ rồi nhỉ?
- Bốn giờ sáng. Em có để dành ít bột, sẽ ngào luôn bột, nướng ít bánh cho con.
Hai chữ “để dành” của vợ đọng lại trong đầu Tĩnh. Anh nhớ mình không có gì để dành cho những bất ổn của đời sống. Tiền tháng nào tiêu hết tháng đó. Trong nhà không có lấy một cuốn sách, một cây đàn hoặc ít nhất là bộ bàn cờ. Để có thể bớt nhàm chán trong những ngày cách ly ở trong nhà. Ngay cả vài mối quan hệ thân quen ở thành phố này Tĩnh cũng không dành dụm được. Lúc đau ốm khó khăn không biết cậy nhờ ai. Phải chăng Tĩnh đã sống quá bận rộn? Sống chỉ biết đến hiện tại mà không dự trù gì cho những ngày sau. Trận dịch này sẽ qua đi nhưng trong tương lai ai biết trước điều gì sẽ ập đến bất thình lình. Một trận động đất. Một cơn sóng thần. Hoặc cũng thể bầu không khí ô nhiễm đến mức chúng ta sẽ chẳng dám ra đường. Tĩnh cũng giống như bao nhiêu con người ngoài kia, nườm nượp hít thở và tiêu dùng bầu khí quyển này, tài nguyên thiên nhiên trên trái đất này. Hàng ngày đâu có nghe thấy những tiếng kêu cứu của thiên nhiên. Những tiếng rạn tí tách vang lên đâu đó đang dần bao trùm lấy sự sống. Mùng 1 Tết thấy mưa đá trắng trời Tĩnh còn giơ điện thoại livestream thích thú mà đâu có biết đó là dấu hiệu biến động khí hậu chiều hướng xấu, không theo quy luật. “Chúng mình sống hoang phí quá, phá phách quá em ạ. Rồi thời của con mình lớn lên chúng sẽ phải sống sao? Sẽ đương đầu thế nào trước những bất ổn được dự báo ngay từ bây giờ?”. Không có tiếng người đáp lại. Bích còn mải lúi húi trong bếp chuẩn bị bữa sáng cho con. Cà phê đắng quá. Tĩnh đứng dậy rời khỏi ô cửa sổ đang lờ mờ sáng để đi vào bếp. Tĩnh cần một vài chiếc bánh ngọt cho buổi sáng đầu tiên khu phố bị cách ly…
Kết Thúc (END) |
|
|