Quê hương, ai cũng có một quê hương, là cây ổi sau nhà, vườn cà trên rẫy, là má lúm đồng tiền trên bầu má nâu non.
Tôi cũng thế, mà rồi cái qua đi phải bái biệt thôi, cây ổi vườn cà chặt rồi, má lúm nâu non theo chồng rồi, cái quê của tôi giờ đơn giản lắm, mấy cụ già hỏi: “Con của Cừ đó ư?” Mấy thằng bạn hỏi: “Mày đó ư?”
Và, xôi thịt quen rồi, lại nhớ hoài một chủ quán.
Lão du nhập đến góc chợ tự hồi nào chẳng nhớ, chỉ nhớ mang máng một bận lũ bạn hồi chăn trâu cắt cỏ phục tôi một bữa rượu gục tại trận tiền, tỉnh dậy thì bên tôi là chủ quán. Vừa bón từng thìa nước chanh lão vừa mắng:
- Thằng mặt trắng, mày cũng đòi giang hồ ư? Coi chừng uổng mạng.
Hôm ấy, quán chủ tiếp một đám sinh viên trí thức về quê học đòi giang hồ giữa ao nhà. Lũ sinh viên thích la cà với lão bởi cái lịch sự kênh kiệu rất ít khi xuất hiện trên gương mặt mà lão dành riêng cho đám chữ nghĩa. Thằng mặt trắng rơi lại sau cùng trên trận địa của các đại tửu đồ, báo hại quán chủ.
Tôi quý lão, mà ít gặp, bởi còn đuối với vợ con, giá có thời gian để la cà với dăm người như lão cũng chả uổng một đời.
Tôi mê nhất là cái cách không giống ai của lão. Đến góc chợ dăm năm, ngoài cái chức dịch chủ quán cầy, lão lại kiêm luôn chức danh “chủ tịch câu lạc bộ thơ bán nghệ sĩ”.
Chuyện nên chuyện từ độ một gã nhà thơ đã từng có thơ đăng trên “Mực tím” với “Áo trắng” đến quán cầy của lão. Thi sĩ tiêu chưa hết bốn mươi ngàn đồng cho một dĩa phay, một dĩa mận và chai rượu mật, đã nôn ra cả một tràng thơ. Mà thơ nào thơ nấy cứ chỏi nhau như đực với cái. Tức anh ách, ông quán góp vần, thơ quán chính hiệu:
Quê ta có quán thịt cầy
Có dăm gã nhậu mặt đầy lông tơ
Thà làm thịt chó lá mơ
Còn hơn làm những vần thơ giả cầy.
Từ đó, thi sĩ không tới nữa, mà giang hồ tứ chiếng thì tới tấp.
Bằng hữu lão từ đó nghìn nghịt, hết chỗ ngồi, cứ leo ngược lên vách ván, đứa nào cũng muốn mình bất tử như quán cầy của lão. Mỗi thực khách cược đủ mười hai nghìn đồng mồi nhậu là được đề thơ. Trên vách lão ôi trời là thơ!
Thơ người bán bún:
Em đi bán bún lời hay lỗ
Có tính tình anh trong nước nhưn?
Thơ người thợ mộc:
Thế rồi cả lũ chúng ta
Trèo lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân.
Thơ thợ hàn:
Quần em rách dọc rách ngang
Thầy liệu thầy hàn em trả công cho.
Thơ gã giang hồ nịnh vợ:
Cho anh chướng một vài năm
Mai kia dưới đất anh nằm rất ngoan.
Nói thực, cũng nghề thơ, cũng rành nhạc điệu thi tứ, cái thằng mặt trắng này đâm phục thơ của mấy tay ăn chịu đái đồng này quá xá. Riêng chủ quán lại nghiện nhất cái câu nghịch của một gái nhà quê. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, em nhà quê đọc tặng lão:
Quê hương là chùm khế chua
Đội ra chợ bán không mua, đội về.
Đáp lại, quán chủ tặng cô cả một rề thịt chó.
Lão bảo tôi:
- Mặt trắng, nghe nói gần đây thơ ca chính thống đã khá hơn rồi, mày mọt chữ coi có câu nào tươm tất đọc tau nghe thử.
Tôi đọc mấy câu của một nhà thơ danh tiếng:
Em không đến trường mùa thu năm ấy nữa/ Em cũng không đến trường cả mùa thu năm sau/ Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa/ Nghe thời gian tiếc nuối chảy qua cầu.
(Xúc xắc mùa thu)
Khi tôi yên chí lần này mình ghi điểm thì lão đã phán ngang:
- Thơ gì yếu đuối thế, nếu là tau thì câu cuối sẽ là “Riêng mình ta đốt thuốc hút bên câu”, vậy mới là khoái chí nam nhi!
Rồi hứng chí lão khề khà giảng cho tôi nghe về chân đế của thơ, về thần thơ thánh thơ các loại… Tôi nghe mà mắt hoa đầu váng. Hình như trong các giáo trình tôi đọc chưa nói đến.
Tiếng lành đồn xa, lão ăn nên làm ra rõ một, nhất là tự bận Dũng Lai trùm vàng Phước Sơn phục lão. Dũng gân rượu, một mình một đêm hai mươi chai uýt-ki chẳng thừa sạch mặt. Dũng Lai giàu, chơi tây; về đóng quán, cấm đàn em lai vãng để độc ngựa đối ẩm với lão. Chủ bãi chủ quán tán một đêm nửa ngày. Đàn em khiêng Dũng về, lão chủ đi gom cầy bán tiếp.
Tôi với lão tình sơ ý thân. Không biết tự bao giờ tôi đâm kiêng mà nghe lão giáo huấn. Lời lão cứ ngang phè như cái mặt ít xương nhiều thịt, lão bảo tôi:
- Mặt trắng, Huy Cận có câu thơ dở ẹt, cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe. Tao hỏi mày, em nào mà có đuôi? Khỉ vượn à?
- Mặt trắng, tao đố mày câu này của ai: Nếu quân thù không đem quân tiếp viện, thì quân ta tiêu diệt hết quân thù.
Thú thiệt, nếu lão không mách thì tôi không ngờ đó là câu thơ của thi sĩ thảo dân nổi tiếng.
Lão lại cực lực khen thơ Bút Tre, ý sâu mà kín: "Chị em phụ nữ tài thay, bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình". Chửi tụi Mỹ dâm mà chửi đến thế mới là đắc đạo.
Lão cứ như rớt từ một trang nào đó của một mớ sách vở hổ lốn mà tôi tình cờ gặm phải. Nhìn cái cách lão đóng cửa cho phép mình một buổi chiều tự sướng mới biết lão trân quý cái nghề độc ẩm ra sao, hay khi cao hứng lão xiêu vẹo bài Túy Bát Tiên đúng bộ vị tôi cứ ngờ ngợ lão là một anh hùng thất thế. “Này mặt trắng” - lão nói - “mày có biết cao thủ tửu đồ của Kim Dung là ai không?”. Khi tôi hào hứng liệt kê từ Lệnh Hồ Xung đến Tiêu Phong, lão nghiêm mặt mắng: “Xàm xí, cao thủ tửu đồ phải là gã ăn mày Ngô Lục Kỳ về sau làm đến Đề đốc Quảng Đông, Hương chủ của Thiên Địa hội”. Rồi lão thâm trầm thấm thía quãng đời từ thuở hàn vi áo rách của Ngô Hương chủ, một hồ rượu giữa một trời tuyết trắng, nhận lời khuyên của bằng hữu mà lưu tấm thâm bảy thước giữa đất trời. Có lẽ đồng bệnh tương lân mà quán chủ kính nể một gã ăn mày? Bận thấy tôi trố mắt thú vị với bài quyền Túy Bát Tiên, lão cao hứng bảo: “Ngũ Mai đại sư may mắn gặp đối thủ là Lý Ba Sơn, chứ gặp tau thì khó đấy!”.
Thấy tôi si lão, lão mắng:
- Mày suốt đời ngu đó. Cái tướng mặt trắng mà bách hội cao, chẩm cốt thấp thì đau đớn một đời. Tao thương mày là thương cái thằng mặt trắng hữu chữ vô mưu, liệu mà sống với đời nghe con.
Lời vàng vâng lĩnh ý cao, tôi nghe lão mà chỉn chu hơn trong cuộc sống, in ít cái vụ rượu chè giao thiệp.
Rồi lâu không về thăm chủ quán.
Hôm qua tôi về, chạy vội đến tìm cầy quán chủ. Vắng tanh. Nhà ván xiêu vẹo. Lão đi đâu rồi.
Nghe nói, đoàn hát bộ Sông Hàn I về diễn, có cô đào đóng Điêu Thuyền hay lắm, lão mê, tội lỗi, nữ nghệ sĩ cũng mê lão. Lão đóng quán theo luôn.
Lại nghe nói lão đóng quán vì hay thơ. Ai đời lại đi làm thơ mà châm ông chủ nhiệm hợp tác xã:
Quê ta có điện có đèn/ Có ông chủ nhiệm hiền hiền dễ thương/ Có hợp tác, có cổng trường/ Có luôn công nghiệp mía đường dưới kia.
Nghe nói lão tiếp tục hành trình đi tìm quê hương, rằng bệnh khói sương cứ hành hạ lão, đến lão chẳng chịu dừng chân. Mà quê của lão ở đâu, phương trời nào? Mà cũng có thể, nếp nhăn trên gương mặt lão như đã ngày một sâu hơn, như cái câu hỏi “hương quan hà xứ” luôn váng vất.
Nghe nói…
Một thằng bạn bảo tôi: “Toàn nói xàm cả”.
Nó kể: Cầy quán chủ bỏ nghề bỏ nhà ngót hai tháng. Không theo đứa nào đâu, cũng chẳng kiếm tìm gì ráo. Chỉ vì cái bận mấy tay mãi võ dỏm về xã biểu diễn mấy đường Tây-kinh-đô non choẹt. Lão ức lắm, bấm cho mấy huyệt. Chỉ tê tê, chẳng làm đứa nào bị thương, mà lão thì giang hồ truy nã. Lão dông luôn.
Từ bận lão phán về mấy cái chẩm cốt với bách hội của tôi, tôi đã ngầm sợ lão, nên lời thằng bạn tôi tin là thật.
Thoáng trong mắt tôi một con đường dài tít tắp. Ngày ra trường đã gần kề, trên con đường tác nghiệp ra Bắc vào Nam, biết chừng đâu gặp lại quán chủ. Với tôi, lão đã là một áng mây của bầu trời quá khứ, có tích điện. Luồng điện khí ấy hãy còn âm ỉ nơi tôi.
Quán chủ ơi, đâu cũng là quê hương hay không đâu là quê hương?
Quán chủ ơi, thời gian đời người và diện tích đời người khác nhau là mấy?
Ngày quán chủ còn tại vị, mặt trắng ngu đần mà chưa tham lĩnh hết, chừ tìm đâu một quán chủ giữa thiên tải bạch vân, giữa hằng hà sa số?
Quán chủ ơi! Đời là một cuộc rong chơi, quán chủ cũng đã rong chơi già nửa đời người, phần còn lại không có mặt trắng thì đã có mỏ đỏ môi hồng tiếp lão, bận bịu gì cho lắm.
Bần thần, nhớ xưa lời lão tặng tôi, đúng là một tiên tri cho biểu đồ đời lão:
Mai sau giang hồ lênh đênh/ Chẳng thành trộm cướp cũng thành nhà thơ!
Bái biệt cầy quán chủ!
Kết Thúc (END) |
|
|