Trưa oi nồng, thằng Cò không ngủ, nó kéo tôi ra rặng tre già đầu xóm, chỉ để hỏi: “Không biết bà nội về trời rồi thì ước gì?”. Tôi không biết trả lời ra sao, hai đứa lặng thinh, nằm ngửa mặt ngắm những áng mây trắng nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Mai là bốn chín ngày của bà nội.
Thằng Cò làm tôi nhớ đến lần tôi ngồi với bà cụ ở hiên nhà, cũng vào giữa trưa. Thấy bà nhìn xa xăm, tôi vu vơ hỏi coi bà đang nghĩ gì. Nội bảo: “Nội đang ước. Nội ước mai này có một khúc như vậy thôi”. Bà cụ vừa nói, vừa giơ hai bàn tay nhăn nheo ra trước mặt tôi ước chừng. Tôi liên tưởng: “Khúc giò hả nội, hay khúc bánh tét?”. Nội thằng Cò lắc đầu bí ẩn: “Khúc pô-li-me năm trăm ngàn đó”. Bà nhìn tôi ngây đơ, rồi ghé sát mặt vào tai tôi thì thầm: “Mai mốt nhỏ đi làm, nhớ cho nội tiền hén”. Thì ra, câu này, nội cũng từng nói với thằng Cò.
Tôi ngờ ngợ vì lý do đó mà nội luôn háo hức chờ đón chúng tôi. Một lần trên chuyến xe đêm về quê, bác tài thả ở đầu xóm, tầm 3 giờ sáng, tôi và thằng Cò giật bắn mình khi thấy bóng đen chậm chạp bước ra từ khóm tre. Hai đứa đứng chết trân, run bần bật, bóng đen càng lúc càng tiến lại gần. Bỗng thằng Cò reo lên: “Ế, không phải ma, nội tao mày ơi”. Bà nội thằng Cò móm mém cười: “Ma đâu biết xài tiền. Hai đứa bây! Cho nội tiền!”. Thằng Cò bấm tay tôi, thì thầm: “Đừng cho nha mậy, nội đi mua rượu đó”.
Nội thằng Cò sắp sửa tám mươi tuổi, lưng còng nặng nhưng tai vẫn rất thính, nghe được lời thằng cháu mách lẻo, giận hờn, quay đi. Tôi và thằng Cò cứ lẽo đẽo đi theo, dỗ dành bà nội. Phải đến khi bạn của tôi rút ra tờ một trăm ngàn xanh xanh, bà mới mỉm cười, với tay lên, xoa đầu thằng cháu đã cao ngổng từ thuở nào: “Con cháu vầy mới ngoan”.
Cũng vì chuyện này mà về đến nhà, bạn tôi bị ba nó là bác Hùng mắng té tát. Ông đã dặn đi dặn lại là không được cho tiền nội uống rượu. Y như rằng, tối hôm sau, má thằng Cò phải lặn lội qua nhà cụ Xuyến để gọi nội về ăn cơm, trong lúc hai bà đang cầm ly rượu cụng canh cách. Bà nội dỗi, chỉ ăn hai lưng cơm vì bị gọi về giữa chừng. Bình thường, bà phải ăn tới ba chén. Má thằng Cò ngồi đầu nồi, canh cả buổi: “Má no chưa, con lấy chén nữa?”. Bà cụ giọng hờn mát: “Đói hổng đói mà no cũng hổng thấy no”.
Năm tôi học lớp một, nhà thằng Cò chuyển từ dưới miền Tây về xóm tôi sinh sống. Thằng Cò cũng gọi bà cụ Xuyến là nội. Tôi cứ thắc mắc hoài, sao thằng Cò có đến hai bà nội. Bác Hùng có lần kể lại, ngày xưa, ông nội đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường khi vợ ở nhà đang mang thai. Bà nội một mình vượt cạn, tần tảo nuôi con. Hồi bác còn nhỏ, bà phải đặt bác vào một bên quang gánh, gánh đi hàng chục cánh đồng để mót lúa, mót khoai.
Cụ Xuyến ở xóm khác, bị sứt môi từ nhỏ, nhưng nhà nghèo nên không ai nghĩ đến chuyện chạy chữa. Cũng vì lý do này, bà ế chồng, ba mươi mấy tuổi vẫn chẳng ai ngó ngàng. Khi cha mẹ mất, các anh chị em yên bề gia thất, bà sống cô độc trong căn nhà lá tềnh toàng bao năm không ai sửa chữa. Một lần đi mót lúa, bà nội thằng Cò gặp cụ Xuyến. Hai người trở thành “đồng nghiệp” cùng chia những bông lúa rơi vãi hoặc ít củ khoai lang còi bị vứt lại sau khi được chủ đất thu hoạch.
Do môi bị sứt, bà cụ Xuyến nói chớt rất nặng, không tròn vành. Chỉ có bà nội mới hiểu. Một lần, bà nội vội gánh khoai về cho kịp trời tối thì bà cụ Xuyến bị tụt lại tít phía sau. Nghĩ có chuyện không lành, bà nội tất tả vứt cả quang gánh, bế con chạy ngược lại tìm bạn, gặp cụ Xuyến đang lúi cúi nhặt cái gì dưới đất. Thấy bạn, bà cụ cười toe toét: “Nhoãn nhoãn, nhượm nhậu nhấu nhè (hoãn hoãn, lượm đậu nấu chè)”. Bà nội vân vê nắm “đậu đen” mà cụ Xuyến đã gom trong rổ, vỡ lẽ số ấy toàn phân dê. Do trời nhá nhem tối, cụ Xuyến nhìn nhầm đấy là đậu. Biết cụ Xuyến không khôn lanh như người khác, bà nội lại càng thương.
Bác Hùng gần như được hai người phụ nữ nuôi lớn. Khi đã lấy vợ và có anh em thằng Cò, ông bắt đầu có ý định thoát khỏi cánh đồng đang dần bạc phếch sau mỗi mùa hạn mặn. Nhưng bà nội nhất quyết chỉ chuyển đi nếu cho cụ Xuyến theo cùng. Bác Hùng phải đồng ý. Thời mới chuyển nhà về xóm mới, bà cụ sống cùng với gia đình thằng Cò như người thân. Khi tôi và thằng Cò vào học cấp ba thì nó có thêm em gái. Tôi có cảm giác bác Hùng thờ ơ với đứa trẻ, vì nó là kết quả của một lần vỡ kế hoạch. Hai bác chẳng mấy khi bế bồng con, mải miết lao vào cuộc mưu sinh, kiếm tiền nuôi bốn đứa con trai ngày một khôn lớn để chúng học đại học, phải giàu gấp mấy lần cha mình. Bác Hùng dường như lúc nào cũng bị ám ảnh cái đói nghèo mà từ thuở ấu thơ đến giờ ông phải ngụp lặn trong đó.
Ông phó thác đứa bé cho hai bà già coi sóc. Biến cố xảy ra vào năm con bé được 4 tuổi. Trong một lần hai bà không để ý, nó chạy ra nghịch nước ở con mương trước nhà rồi trượt chân té ngã, ụp mặt vào dòng nước. Lúc nhìn đứa con vừa được vớt lên mềm nhũn, trắng bệch không chút dấu hiệu của sự sống, bác Hùng quỳ gục xuống, lặng thinh, hai bàn tay bấu chặt vào đất đá, móng bật cả ra, tươm máu. Sự ra đi của con bé biến ông thành kẻ cay nghiệt đến vô lý. Ông không dám trách móc bà nội mà dồn sự chì chiết vào cụ Xuyến như một cách khiến bản thân nhẹ nhõm hơn. Cụ Xuyến chẳng giải thích câu nào, chỉ cúi đầu giấu giọt nước mắt nóng hổi bị ép ra bởi những vết nhăn chồng chất xô đẩy vào nhau. Không khí trong nhà ngày cũng u buồn, nặng nề. Bây giờ, đến hạt cơm bị rơi vãi khỏi bờ môi chẳng lành lặn của cụ Xuyến cũng làm ba thằng Cò nổi cơn thịnh nộ.
Bà cụ lặng lẽ rời khỏi nhà, lang thang xin làm việc ở một xưởng làm rổ rá thủ công. Tiền công của bà lão chậm chạp, mắt mũi mờ lòa được quy đổi bằng một chỗ ăn ở tạm bợ. Từ ngày cụ Xuyến bỏ đi, bà nội chẳng mấy khi ở nhà. Ngày nào, bà cũng chống gậy đi sáu bảy cây số để thăm bạn. Dường như nội thằng Cò chỉ có duy nhất cụ Xuyến là bạn. Bà không tham gia hội người cao tuổi, chê mấy ông bà sáu bảy chục tuổi trong xóm là “con nít”. Có một dạo, nội bỗng dưng thích uống rượu, bác Hùng càm ràm và cấm con cháu cho tiền cụ. Nhưng mãi về sau, thằng Cò biết, thật ra nội chẳng hề nghiện rượu, bà chỉ mượn rượu để cùng người bạn “gần đất xa trời” nói ra điều day dứt từ lâu, thứ một bà già neo đơn chẳng có nơi nào san sẻ.
Sau khi nội mất, nhà thằng Cò phát hiện trong rương của cụ có một số tiền chẵn lẻ đủ cả, cuộn tròn, cột dây thun, cất kỹ trong hộp thiếc. Cùng với tiền, bà để lại một tờ giấy học sinh với dòng chữ to tướng như trẻ tập viết: “Má chết, thằng Hùng phải lo ma chay. Tiền này là phần hậu sự của bà Xuyến nếu má đi trước”. Cả nhà lặng người. Có lẽ, nội đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự ra đi của mình. Bà ra đi nhẹ nhàng trong một giấc ngủ như cách bao người già tạm biệt cõi dương gian.
“Trẻ làm ma, già làm hội”, bà cụ hưởng thọ tám mươi cũng thuộc hàng xưa nay hiếm. Đám tang bà nội, bác Hùng thuê dịch vụ tổ chức bài bản. Con cháu chạy qua chạy lại bận rộn tiếp trà, tiếp nước. Thằng Cò cứ nhìn quanh quất trong đám đông, vẫn chẳng thấy cụ Xuyến. Đến lúc di quan, nó mới thấy bà cụ đội nón đứng chơ ngơ ở đầu ngõ, có lẽ đã đứng đó tự hồi nào. Bà nhìn theo chiếc xe tang lao đi trong buổi chiều ảm đạm, gương mặt nhăn nheo lấp lánh vài giọt nước mắt đặc quánh, vẫy tay chào tựa một lời tạm biệt.
Hôm ấy là một ngày đầy gió, mây trắng xếp lớp, chớp mắt đã xuôi về góc trời. Gió đẩy mây bay vội vã, cũng chóng vánh như một kiếp người.
Kết Thúc (END) |
|
|